Bồi dưỡng phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ cơ quan chính trị ở các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) –  Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành hệ thống chỉnh thể phong cách, bao gồm nhiều nội dung phong phú được hình thành, phát triển gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. các học viện, trường sĩ quan quân đội, đội ngũ cán bộ cơ quan chính trị có vai trò quan trọng trong tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và tiến hành các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Việc học tập, làm theo phong cách làm việc Hồ Chí Minh đối với người cán bộ cơ quan chính trị rất cần thiết, nhằm vận dụng vào thực tiễn làm việc, công tác tại các học viện, trường sĩ quan quân đội hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Phong cách làm việc (PCLV) Hồ Chí Minh là lề lối, phương pháp, cách thức làm việc tiêu biểu, ổn định, đặc trưng của Người trong quá trình hoạt động cách mạng. Đó là PCLV mẫu mực của một lãnh tụ chính trị và nhà khoa học chân chính, thể hiện rõ sự thống nhất biện chứng giữa tính chính trị, tính giai cấp, tính khoa học, thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cao cả và triết lý hành động vì con người của nhà văn hóa lớn. Bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ (ĐNCB) cơ quan chính trị (CQCT) ở các học viện, trường sĩ quan quân đội (TSQQĐ) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hình thành, rèn luyện, bồi đắp PCLV, hoàn thiện phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Một số đặc trưng cơ bản về phong cách làm việc Hồ Chí Minh

PCLV Hồ Chí Minh là những nền nếp có tính hệ thống, ổn định tạo thành đặc trưng riêng trong làm việc gắn với hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Người, nhằm hiện thực hóa mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là tổng hợp những cách thức, nguyên tắc, phương pháp làm việc, được thể hiện sinh động, sâu sắc, xuyên suốt ở cả tư tưởng và thực tiễn hoạt động cách mạng của Người. PCLV Hồ chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, phản ánh trên một số đặc trưng cơ bản sau:

Một là, PCLV dân chủ. Sinh thời, Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên trong công tác phải xây dựng, rèn luyện tác phong làm việc dân chủ. Hồ Chí Minh luôn khẳng định, trong chế độ ta “dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Đối lập với PCLV dân chủ là PCLV quan liêu: “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ”1. Do đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung.

Hai là, PCLV khoa học. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong công việc phải có mục đích rõ ràng, biết quý trọng thời gian, giờ nào việc nấy: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”2. Chương trình, kế hoạch đặt ra trong làm việc phải sát hợp. Khi ra các quyết định phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí. Phải kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng, thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm.

Ba là, PCLV kỹ lưỡng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc kỹ lưỡng là cách làm việc kỹ, cẩn thận, không để xảy ra sai sót: “Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”3. PCLV kỹ lưỡng của Hồ Chí Minh còn là cách làm việc phải biết xem xét trước sau, trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Không quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả.

Bốn là, PCLV cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để có quyết định đúng, người cán bộ, đảng viên phải có PCLV cụ thể. Cụ thể thì mới hiểu công việc, hiểu rõ tình hình cấp dưới, từ đó mới đưa ra được quyết định đúng đắn: “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình”4. PCLV cụ thể đòi hỏi phải đi sâu, đi sát, điều tra nghiên cứu, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể.

Năm là, PCLV tới nơi, tới chốn. PCLV tới nơi tới chốn là cách làm việc chu đáo, triệt để, không bỏ dở, nói đi đôi với làm: “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn”5. Người yêu cầu cán bộ chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi. Hồ Chí Minh khuyên cán bộ, đảng viên trong bất kỳ công việc gì cũng phải bắt đầu từ chỗ chính, từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều, trong một lúc.

Mỗi đặc trưng trên đều phản ánh một khía cạnh riêng trong việc tiến hành và giải quyết công việc của Hồ Chí Minh, song gắn bó chặt chẽ với nhau tạo nên chỉnh thể thống nhất, toàn diện của một PCLV hiệu quả. Hiện nay, trước yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra đòi hỏi ngày càng cao trong xây dựng ĐNCB, đảng viên của Đảng. Mặt khác, trước sự chống phá của các thế lực thù địch bằng âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường và những tiêu cực trong xã hội,… đã và đang đặt ra những yêu cầu mới về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác của ĐNCB, đảng viên của Đảng nói chung, trong Quân đội nói riêng.

Bồi dưỡng phong cách làm việc Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ cơ quan chính trị ở các học viện, trường sĩ quan quân đội

ĐNCB CQCT ở các học viện, TSQQĐ là một bộ phận ĐNCB của Đảng, bộ phận cán bộ chính trị trong Quân đội, công tác ở CQCT (cục Chính trị, phòng Chính trị) các học viện, TSQQĐ; có vai trò quan trọng tham mưu giúp Đảng ủy, Ban Thường vụ, Chính ủy các học viện, TSQQĐ về những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của CQCT cũng như của các học viện, TSQQĐ. Chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở học viện, TSQQĐ phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác của ĐNCB CQCT, đặc biệt là PCLV.

Trong thời gian qua, đảng ủy, ban giám đốc/ban giám hiệu các học viện, TSQQĐ đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng PCLV Hồ chí Minh cho ĐNCB CQCT một cách nghiêm túc, chặt chẽ, sáng tạo. Nội dung bồi dưỡng rất toàn diện, tập trung vào bồi dưỡng PCLV sâu sát quần chúng, dân chủ, tập thể, khoa học, cụ thể, kỹ lưỡng, nêu gương, nói đi đôi với làm. Hình thức, phương pháp bồi dưỡng rất phong phú, linh hoạt, sáng tạo, như: phát tin truyền thanh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, kể chuyển , học tập chính trị chuyên đề; nói chuyện thời sự, sinh hoạt, diễn đàn, tọa đàm thanh niên về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Từ đó, “Bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Quân đội được giữ vững và phát huy; phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục tỏa sáng, là điểm tựa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu”6. Qua đó, góp phần hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực của CBCQCT; chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị ở các học viện, TSQQĐ từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, quá trình bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh cho ĐNCB CQCT ở các HV, TSQQĐ còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Nhận thức về vấn đề bồi dưỡng và tự bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh của một số cán bộCQCT chưa thật sự sâu sắc, toàn diện. “Chất lượng thực hiện các chế độ ở một số cơ quan, đơn vị có lúc chưa tốt, còn biểu hiện bệnh thành tích, giấu giếm khuyết điểm. Có cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm”7. Có thời điểm nội dung bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh chưa cụ thể, chi tiết; hình thức, phương pháp bồi dưỡng thiếu sáng tạo, linh hoạt. Chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh cho ĐNCB CQCT ở các học viện, TSQQĐ có mặt, có hoạt động chưa cao.

Hiện nay, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng Quân đội trong tình hình mới, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhiệm vụ xây dựng nhà trường quân đội vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu” đòi hỏi phải “xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ tương xứng với công việc”8. Để tăng cường bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh cho ĐNCB CQCT ở các học viện, TSQQĐ hiện nay, cần tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh thông qua quá trình đào tạo.

Thông qua quá trình đào tạo tại các học viện, nhà trường, ĐNCB CQCT có điều kiện lĩnh hội kiến thức, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nhất là rèn luyện tác phong làm việc quần chúng, dân chủ, tập thể, khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cơ sở cơ cấu, quy hoạch ĐNCB, hàng năm, từng nhà trường bố trí cho ĐNCB CQCT đi đào tạo nâng cao trình độ. Quá trình phân công, cắt cử đi đào tạo cần phải được tiến hành chặt chẽ, xác định lộ trình và phương hướng sử dụng cán bộ tránh chồng chéo, lãng phí trong sử dụng nhân lực; đồng thời tạo động lực cho ĐNCB CQCT phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân.

Thứ hai, bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh thông qua các đợt bồi dưỡng, tập huấn.

Đây là hình thức rèn luyện PCLV rất quan trọng. PCLV Hồ Chí Minh không đơn thuần là những quan điểm, tư tưởng mà chủ yếu là hoạt động thực tiễn của cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”9. Thông qua bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác, ĐNCB CQCT tiếp thu được những PCLV hiệu quả, khoa học… từ đồng nghiệp và huấn luyện viên những kinh nghiệm hay trong giải quyết các công việc chuyên môn. Sau mỗi đợt tập huấn cần triển khai nội dung viết thu hoạch, làm cẩm nang cho cán bộ tu dưỡng rèn luyện, tránh tình trạng qua loa, hình thức. Trên cơ sở, những kiến thức thu nạp được cần tổ chức  phổ biến, quán triệt đến ĐNCB trong ban, trong cơ quan để tạo ra sự lan tỏa trong tập thể góp phần nâng cao PCLV Hồ Chí Minh cho ĐNCB CQCT.

Thứ ba, bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh thông qua công tác tuyên truyền và gắn kết với các hoạt động tập thể.

Thông qua sinh hoạt các tổ chức và tiến hành các hình thức giáo dục chính trị, tuyên truyền, cổ động, văn hóa, văn nghệ phong phú, đa dạng để giáo dục, bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh cho ĐNCB CQCT, như: học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng; giáo dục chính trị hằng năm; giáo dục truyền thống, tham quan bảo tàng, triển lãm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử từng được tiếp xúc, làm việc với Bác Hồ; phát động phong trào thi đua; tổ chức thông báo chính trị, nói chuyện thời sự hằng tuần, hằng tháng; hoạt động báo tường, bảng tin, bảng ảnh, băng rôn, pa nô, phát thanh nội bộ; tổ chức các buổi học tập chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu, các diễn đàn, tọa đàm, mạn đàm, trao đổi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xem văn công, chiếu bóng, tổ chức liên hoan văn nghệ quần chúng có chủ đề liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Thứ tư, bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh thông qua thực tiễn hoạt động, quá trình công tác.

ĐNCB CQCT tham gia các hoạt động, công tác tại đơn vị, như các hội thi: “Chính trị viên giỏi”, “Bí thư chi bộ giỏi”, “Bí thư chi đoàn giỏi”, “Báo cáo viên giỏi”, “Tuyên truyền viên giỏi”; các hoạt động tuổi trẻ sáng tạo, hội trại thanh niên, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, diễn đàn thanh niên, báo tường… để bồi dưỡng PCLV Hồ Chí Minh cho ĐNCB CQCT. Thông qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ của ĐNCB CQCT để cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng tiến hành bồi dưỡng: cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, tập thể bồi dưỡng cá nhân, đồng nghiệp bồi dưỡng lẫn nhau…

Thứ năm, phát huy vai trò nêu gương của các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “trên nêu gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau”, cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các học viện, TSQQĐ cần thường xuyên nắm chắc đơn vị, kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú, tiêu biểu, có thành tích xuất sắc để xây dựng, bồi dưỡng họ thành tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, nhân rộng điển hình tiên tiến trong cơ quan; tổ chức các hội nghị, buổi nói chuyện phổ biến kinh nghiệm để toàn đơn vị nói chung và ĐNCB CQCT nói riêng phấn đấu, noi theo.

Chú thích:
1, 2, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 320, 463, 279.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 213.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 131.
6, 7, 8. Tổng cục Chính trị Quân đội. Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. H. NXB Quân đội nhân dân, 2020, tr. 39, 37, 56.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 1. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 284.
Tài liệu tham khảo:
1Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
2. Chỉ thị số 87-CT/QUTW ngày 08/7/2016 của Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ quân đội và toàn quân.
3. Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
4. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Trung tá. ThS. Phùng Quang Hùng
Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng