Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lựa chọn tất yếu đối với cách mạng Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Ðảng và Nhân dân ta, xét về logic là một tất yếu khách quan, hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, chúng ta khẳng định rằng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lựa chọn tất yếu đối với cách mạng Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Cơ sở lý luận về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Xuất phát từ tư tưởng của C.Mác – Ph.Ăngghen về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

C.Mác và Ph.Ăngghen trong các tác phẩm kinh điển đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH). ĐLDT là quyền tự chủ, tự quyết của một dân tộc, quốc gia trong việc tổ chức các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… trong phạm vi lãnh thổ của mình, không chịu sự tác động, ép buộc, chi phối, thao túng của nước ngoài. ĐLDT thật sự đòi hỏi phải xóa bỏ tình trạng áp bức bóc lột và nô dịch của dân tộc này đối với dân tộc khác về kinh tế, chính trị và tinh thần.

Trong tác phẩm “Tình hình nước Đức”, Ph.Ăngghen đã chỉ ra tình hình nước Đức cuối thế kỷ XVIII1 và ĐLDT dưới chế độ phong kiến đã xé nhỏ nước Đức thành các thành bang khác nhau, với những liên kết vô cùng lỏng lẻo xung quanh lợi ích của các lãnh chúa và việc hạn chế quyền lực của hoàng đế. Tiếp sau đó, lịch sử châu Âu nói chung và lịch sử nước Đức nói riêng là thời kỳ diễn ra cách mạng tư sản Pháp và sự thống trị của Na-pô-lê-ông. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản đã xác lập được quyền thống trị ở Pháp thì họ không quan tâm đến lợi ích chung của các giai cấp và dân tộc mà chỉ quan tâm tới lợi ích riêng.

Sau sự sụp đổ của Na-pô-lê-ông, quý tộc phong kiến đã giữ quyền hành trong tất cả các nội các từ Luân Đôn đến Na-plơ, từ Li-xbon đến Xanh Pê-téc-bua. Các chính phủ tuyệt nhiên không đặt lợi ích của giai cấp tư sản lên hàng đầu. Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và quý tộc là không tránh khỏi.

Khi nghiên cứu về giai cấp tư sản, Ph.Ăngghen đã chỉ ra việc giải quyết vấn đề ĐLDT theo tư tưởng phong kiến và tư sản, trong khuôn khổ của chế độ phong kiến và chế độ tư bản chủ nghĩa không tránh khỏi những mâu thuẫn cũng như những hạn chế bắt nguồn từ bản chất kinh tế và chính trị của các chế độ ấy – những hình thái kinh tế – xã hội dựa trên các quan hệ tư hữu về tư liệu sản xuất và các quan hệ đối kháng giai cấp.

Trong tác phẩm “Về vấn đề Ba Lan”, khi nói về cuộc cách mạng Cra-cốp, C.Mác khẳng định cuộc cách mạng này “đã nêu một tấm gương chói lọi cho toàn thể châu Âu, vì nó đã coi sự nghiệp dân tộc và sự nghiệp dân chủ cũng như công cuộc giải phóng giai cấp áp bức là một”2. Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen trên cơ sở chỉ ra những mâu thuẫn và hạn chế trong việc giải quyết vấn đề độc lập theo lập trường phong kiến và tư sản, với tư duy sáng tạo, sự khái quát hóa và trừu tượng hóa cao, đó là: phải gắn liền ĐLDT với CNXH, phải giải quyết vấn đề ĐLDT theo lập trường của giai cấp công nhân, của CNXH khoa học. CNXH là thực hiện triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; xóa bỏ căn nguyên kinh tế sâu xa của tình trạng người bóc lột người do chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất sinh ra. ĐLDT và CNXH là hai chặng đường nối tiếp nhau của một tiến trình cách mạng. Bởi vậy, tất yếu của ĐLDT là tiến tới CNXH.

Xuất phát từ tư tưởng của V.I.Lênin về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

V.I.Lênin đã phát triển luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” thành “vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, trở thành khẩu hiệu của phong trào đấu tranh giành ĐLDT của các nước bị áp bức trên toàn thế giới.    Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, được quyền tự quyết vận mệnh của dân tộc mình và quyền lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, lựa chọn chế độ chính trị, do đó, V. I. Lênin yêu cầu các đảng cộng sản cần phải “tố cáo những việc vi phạm thường xuyên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc và những sự bảo đảm quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong tất cả các quốc gia tư bản chủ nghĩa”3. Trên cơ sở đó, V. I. Lênin chỉ ra: “về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản”4 để tiến tới xây dựng chính quyền Xô – viết. V. I. Lênin khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến CNXH, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới CNXH không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”5.

Trong Thư “Gửi các đồng chí Cộng sản ở A-déc-bai-gian, Gru-di-a, Ác-mê-ni-a, Đa ghêxtan và cộng hòa miền núi, V. I. Lênin viết: “… những người cộng sản ở Da‐cáp‐ca‐dơ cần hiểu được những nét đặc thù của hoàn cảnh của họ, của hoàn cảnh các nước cộng hòa của họ, khác với hoàn cảnh và những điều kiện của Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Xô‐viết Nga, là họ hiểu được rằng họ không cần phải sao chép y nguyên sách lược của chúng tôi, mà cần thiết phải cải biến sách lược đó một cách có suy nghĩ chín chắn cho phù hợp với những điều kiện cụ thể khác nhau”6. Những tư tưởng này của V. I. Lênin thể hiện: tất cả các dân tộc đều tiến lên CNXH là quy luật khách quan; làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng CNXH, đòi hỏi những người cộng sản phải nắm đúng, đầy đủ, sâu sắc những đặc thù của dân tộc mình. Đặc biệt, đối với các nước lạc hậu, V. I. Lênin cho rằng: với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Như vậy, trong các tác phẩm của mình, V. I. Lênin đã khẳng định rằng, phải đem cuộc đấu tranh cách mạng vì CNXH gắn liền với giải quyết vấn đề ĐLDT. Phong trào giải phóng dân tộc sẽ chuyển thành phong trào thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc và tiến lên con đường CNXH. Từ đó, V. I. Lênin yêu cầu các đảng cộng sản phải kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc tư sản và chủ nghĩa sô-vanh, giành thắng lợi cho chủ nghĩa quốc tế vô sản và CNXH.

Xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Sau đó, khi đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”7. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đó, theo Hồ Chí Minh: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”8. Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường của cách mạng Tháng Mười, theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.  Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với nó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”9.

Với tư tưởng biện chứng, Hồ Chí Minh xác định giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Giai đoạn trước làm tiền đề cho giai đoạn sau. Giai đoạn sau kế tiếp và củng cố, phát triển giai đoạn trước. ĐLDT phải bao hàm trong đó cả nội dung dân chủ. Đó là nền độc lập thật sự, độc lập hoàn toàn, chứ không phải là thứ độc lập giả hiệu, độc lập nửa vời, độc lập hình thức. ĐLDT phải gắn liền với thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, ĐLDT bao giờ cũng gắn với tự do, dân chủ, ấm no hạnh phúc của Nhân dân lao động. Mặc dù nhấn mạnh mục tiêu ĐLDT, song Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ coi đó là mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam, ĐLDT phải gắn liền với CNXH. ĐLDT là mục tiêu cốt yếu, trực tiếp của cách mạng dân tộc dân chủ, là mục tiêu trước hết của quá trình cách mạng Việt Nam, đồng thời là điều kiện hàng đầu, quyết định để cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang giai đoạn kế tiếp – cách mạng xã hội chủ nghĩa.

ĐLDT gắn liền với CNXH đã phản ánh tính triệt để cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó được xây dựng trên cơ sở các nhân tố khách quan và chủ quan, kinh tế và chính trị, lịch sử và hiện tại; là sự thỏa mãn khát vọng của dân tộc Việt Nam trong việc vươn lên những giá trị vĩnh hằng mà nhân loại ước muốn như độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Tư tưởng ĐLDT gắn với CNXH đã trở thành cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ quan điểm của Đảng ta về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” năm 1930, Đảng ta đã khẳng định ĐLDT và CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhân dân ta; đi lên CNXH là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”10, tức là thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu ĐLDT và từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng CNXH. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau. Để xây dựng CNXH trước hết phải giành được ĐLDT và có đi lên CNXH mới giữ vững được ĐLDT.

Đường lối ĐLDT gắn liền với CNXH được Đảng ta liên tục bổ sung, phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo. Trong Báo cáo “Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội” của Đại hội lần thứ II của Đảng (năm 1951) đã chỉ rõ: “… a) Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập (phản đế); b) Xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân (phản phong kiến); c) Gây cơ sở cho CNXH. Nhiệm vụ thứ nhất là nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Hai nhiệm vụ sau là nhiệm vụ dân chủ”11. Như vậy, Đảng ta xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam thời kỳ đó là: đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, trừ diệt bọn phản quốc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, kiến thiết lập một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phát triển chế độ dân chủ, Nhân dân Việt Nam do con đường dân chủ nhân dân tiến tới CNXH.

Đại hội lần thứ II là Đại hội kháng chiến cứu nước thì Đại hội lần thứ III (năm 1960) là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Trong Báo cáo Chính trị của Đại hội III xác định: đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, củng cố miền Bắc thành cơ sở ngày càng vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc; giải phóng miền Nam; “thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”12. Như vậy, mặc dù trong điều kiện đất nước bị chia cắt thành hai miền nhưng Đảng ta vẫn kiên định giữ vững mục tiêu ĐLDT gắn với CNXH.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đại hội lần thứ IV của Đảng (năm 1976) chỉ rõ: cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, đó là “giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”13. Đại hội lần thứ V của Đảng (năm 1982) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: xây dựng thành công CNXH; sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ chiến lược đó có quan hệ mật thiết với nhau. Năm 1991, mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Đại hội lần thứ VII (năm 1991) của Đảng ta khẳng định, tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Cương lĩnh (năm 1991) xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã nêu lên 6 đặc trưng cơ bản của CNXH mà Nhân dân ta đang xây dựng.

Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: đi lên CNXH là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Trong Cương lĩnh (năm 2011), Đảng ta đã bổ sung và phát triển những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân xây dựng với 8 đặc trưng cơ bản, vạch ra các phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và giải quyết tốt trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Tại Đại hội XIII nêu rõ: “Kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”14. Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách như thế nào, Đảng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu ĐLDT gắn liền với CNXH.

Thực tiễn con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc

Từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Nhân dân ta bằng tinh thần đoàn kết đã liên tiếp đứng lên khởi nghĩa, tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa của các nhà yêu nước đều thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo. Nói về khuynh hướng tư tưởng thì đó là sự bất lực và thất bại của tư tưởng phong kiến và tư tưởng tư sản trước các nhiệm vụ lịch sử. Phong trào Cần Vương là phong trào của ý thức hệ phong kiến trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Phong trào Cần Vương nổ ra vào cuối thế kỷ XIX do đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết nhân danh vị hoàng đế trẻ Hàm Nghi đề xướng. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu thời kỳ này gồm có: khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Nghệ An, khởi nghĩa Bình Định, khởi nghĩa Thái Bình, Nam Định… Đến năm 1896, khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt. Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) là một cuộc đấu tranh vũ trang của những người nông dân đứng đầu là Hoàng Hoa Thám nhưng cũng đi tới thất bại.

Tiếp theo là con đường giải phóng dân tộc theo ý thức hệ tư sản do các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lãnh đạo. Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du nhằm mục đích kêu gọi thanh niên người Việt ra ngoại quốc, chủ yếu là Nhật Bản, để học tập và chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ hồi hương đấu tranh giành độc lập. Phan Châu Trinh đề xuất tư tưởng dân quyền, “tự lực khai hóa”, với khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, con đường tư sản không phù hợp với xu thế của lịch sử lúc bấy giờ, không hợp quy luật khách quan trong thời đại mới được mở ra từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) và đều đi tới thất bại.

Nhận thức được sự tất yếu của ĐLDT gắn với CNXH, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường ĐLDT gắn với CNXH. Từ năm 1930 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, đó là: thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954, đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Sau kháng chiến, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”15.

Kết luận

Như vậy, bằng cả lý luận và thực tiễn chúng ta khẳng định rằng, ĐLDT và CNXH là lựa chọn tất yếu đối với cách mạng Việt Nam. Ðộc lập dân tộc gắn với CNXH là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới; là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. ĐLDT và CNXH, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chắc chắn Nhân dân ta sẽ tiếp tục giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú thích:
1. C. Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tr.751 – 752.
2. C. Mác và Ph.Ăngghen toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tr. 688.
3, 4. V.I.Lênin toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 201 – 202, 199.
5. V.I.Lênin toàn tập. Tập 30. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2005, tr. 160.
6. V.I.Lênin toàn tập. Tập 43. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, .2005, tr. 236.
7, 8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 289, 304.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 563.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 2.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 75.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 21. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 501-502.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 500.
14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 109, 25.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội đồng Lý luận Trung ương (2019), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.
2. Hội đồng Lý luận Trung ương. 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020.
3. Hội đồng Lý luận Trung ương. Những điểm mới trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông. Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016.
5. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
Nguyễn Hải Hà
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng