(Quanlynhanuoc.vn) – Chuyển đổi số nông nghiệp là xu hướng tất yếu nhằm tạo ra một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, hiệu quả, chất lượng, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bài viết tập trung làm rõ bản chất; thực trạng và những định hướng, giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam hiện nay.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Chuyển đổi số (CĐS) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số1. Vậy, CĐS nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh2.
CĐS trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng những thành tựu công nghệ cao vào sản xuất – kinh doanh nông nghiệp tạo thêm những giá trị mới cho nền kinh tế, mà còn giúp các cơ quan quản lý, tổ chức sản xuất – kinh doanh nông nghiệp tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phương thức sản xuất hiện đại, hiệu quả, bền vững; để hòa nhịp xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới trong bối cảnh cách mạng công nhiệp 4.0, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hay nói cách khác, CĐS nông nghiệp Việt Nam là quá trình thay đổi phương thức sản xuất – kinh doanh nông nghiệp hàng hóa từ truyền thống sang hiện đại trên cơ sở áp dụng những trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hiệu quả và bền vững phù hợp với bối cảnh mới.
CĐS trong nghiệp được hình thành và bắt nguồn từ sự ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) vào quá trình sản xuất – kinh doanh nông nghiệp mà trực tiếp và quan trọng nhất là công nghệ số, bao gồm: (1) Hệ thống số hóa dự liệu thông minh; (2) Công nghệ nhận dạng; (3) Phân tích thông tin; (4) Hệ thống phần mềm quản lý thông tin. Đòi hỏi cần phải số hóa quy trình, tối ưu công tác hành chính, nhân sự, hiện đại hóa cách thức thực hiện canh tác.
Theo đó, CĐS trong nông nghiệp tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
Một là, phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất – kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Hai là, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng Blockchain, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo sự minh bạch thông tin, bảo đảm truy suất nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên ứng dụng công nghệ số. Có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã CĐS trong nông nghiệp. Tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính phủ điện tử. Phát triển khuyến nông điện tử, thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong thu thập, quản lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch, bệnh, thiên tai; quản lý vùng nguyên liệu.
Ba là, xây dựng phương án tổng thể về phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên nền tảng Big Data đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống hạ tầng cho sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất – kinh doanh nông nghiệp (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường). Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn…, làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.
Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam thời gian qua
Thứ nhất, công nghệ số được ứng dụng trong quản lý, điều hành của ngành Nông nghiệp.
Để ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành các hoạt động của ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã số hóa văn bản chỉ đạo, cung cấp dữ liệu để kết nối, liên thông và chia sẻ với các địa phương, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ đã có 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi đã được số hóa phục vụ quá trình CĐS ngành Nông nghiệp3. Ngoài ra, Bộ còn ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, chủ trì các hội nghị trực tuyến giao ban của ngành; hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo Bộ với các bộ, ngành liên quan và 63 điểm cầu cả nước nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Qua đó, công tác quản lý, điều hành việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, kịp thời và hiệu quả hơn.
Thứ hai, công nghệ số được ứng dụng vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big Data được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây. Ở phía Nam, một số hợp tác xã, doanh nghiệp đã thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân; sử dụng robot để gieo hạt tự động, sử dụng tế bào quang điện để sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn, cụ thể, ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất (nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH True Milk và Công ty Vinamilk). Việc sử dụng công nghệ số trong chăn nuôi đã góp phần quan trọng trong giám sát dịch, bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm, quản lý chăn nuôi theo quy trình khoa học, an toàn dịch, bệnh, nên lĩnh vực chăn nuôi ngày càng hiệu quả và bền vững.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công nghệ DND mã vạch được ứng dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) và ảnh viễn thám dùng xây dựng các phần mềm cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát trong quản lý rừng, phát hiện sớm suy thoái hay mất rừng, nhờ đó, góp phần đánh giá tài nguyên rừng một cách hiệu quả làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Trong lĩnh vực thủy sản, CĐS được thực hiện mạnh mẽ thông qua việc ứng dụng hệ thống sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, hệ thống thu – thả lưới chụp, công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI trong nuôi tôm đã giúp phân tích dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn của tôm. Công nghệ tự động hóa được sử dụng trong chế biến thủy, hải sản từ phân loại, hấp, đóng gói…, cũng đã giúp giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực, thời gian, bảo đảm chất lượng nên tăng hiệu quả và bền vững.
Thứ ba, công nghệ số được ứng dụng trong tiêu thụ hàng nông sản.
Hiện nay, công nghệ số đã được sử dụng trong kết nối tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là trong đại dịch Covid 19 phải thực hiện giãn cách xã hội, làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng nông sản, công nghệ số đã được các địa phương sử dụng vào quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối và tiêu thụ nông sản, giúp cho ngành Nông nghiệp vượt khó mùa dịch. Điển hình là tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản chủ lực của tỉnh qua hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành trong nước và với 60 điểm cầu tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng hàng trăm điểm cầu liên kết khác trong và ngoài nước… Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số đã tạo thuận lợi, minh bạch thông tin, giảm chi phí trung gian. Qua đó, tạo mối “liên kết – hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân, khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”; tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, CĐS trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định:
Một là, nhận thức về CĐS của các chủ thể chưa triệt để, thống nhất.
Việc ứng dụng CĐS trong quản lý, sản xuất – kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã tại Việt Nam còn khá mới nên nhận thức của một bộ phận cơ quan quản lý, địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp mà đặc biệt là “nông dân” còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng, sức ép của CĐS trong quản lý, sản xuất. Điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận và ứng dụng CĐS trong nông nghiệp, hợp tác xã.
Hai là, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập.
Khi thực hiện CĐS đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng, hệ thống dữ liệu được số hóa đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối của nước ta đang phát triển, chưa đồng bộ, chưa tạo cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại điện tử quốc gia. Do đó, việc tiếp cận, ứng dụng CĐS vào quản lý, sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do hệ thống dữ liệu nông nghiệp, hợp tác xã các cấp chưa tuân thủ khung kiến trúc của chính phủ điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của hợp tác xã, doanh nghiệp phần lớn chưa đáp ứng nhu cầu CĐS do chưa có cơ sở dữ liệu phục vụ sản xuất, thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, thiếu kết nối chia sẻ thông tin các giai đoạn: sản xuất, quản lý, logistics, thương mại. Đây chính là rào cản và trở ngại lớn cho việc triển khai CĐS trong nông nghiệp, hợp tác xã trong hiện tại những năm tiếp theo.
Ba là, chất lượng nguồn nhân lực về CĐS còn thiếu và yếu.
Trong nông nghiệp số, ngoài tư liệu sản xuất truyền thống, nông dân còn phải sử dụng dữ liệu và công nghệ số. Vì vậy, ngoài kỹ năng sản xuất, nông dân cần biết thêm kiến thức, kỹ năng về quản lý, kinh doanh, công nghệ, kỹ thuật số. Ngoài ra, phần lớn nông dân chưa được đào tạo bài bản về CĐS nên khó thao tác, khai thác, ứng dụng công nghệ số, đánh giá hiệu quả khi tham gia CĐS trong nông nghiệp, hợp tác xã. Có thể nói, rào cản này là trở ngại lớn nhất cho CĐS trong thời điểm hiện nay.
Bốn là, chính sách CĐS chưa phù hợp.
Chính sách CĐS chưa kịp thời, chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra. Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhưng cũng khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà, phức tạp.
Giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Việt Nam đến năm 2030
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về CĐS nông nghiệp.
Đây là yếu tố tiên quyết trong CĐS. Cần phải đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin dại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức cho các chủ thể sản xuất – kinh doanh nông nghiệp nhất là nông dân – chủ thể chính và trực tiếp của ngành Nông nghiệp, tạo nền móng cho CĐS trong ngành.
Thứ hai, tiếp tục thể chế chế hóa các quy định, cơ chế, chính sách về CĐS nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tham mưu cho Chính phủ xây dựng hệ thống chính sách phục vụ CĐS phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tạo điều kiện thuận lợi phục vụ CĐS của ngành; hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp có đủ nguồn lực để ứng dụng công nghệ số, phát triển nguồn nhân lực số, liên kết cộng đồng doanh nghiệp số; rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước cho ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ số vào nông nghiệp; đơn giản thủ tục tiếp cận hạ tầng công nghệ, đất đai, nguồn vốn; rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục…, đầu tư vào nông nghiệp.
Thứ ba, xây dựng hạ tầng số nông nghiệp đồng bộ, hiện đại.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số. Điểm đột phá là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh tới mỗi người dân, phổ rộng internet cáp quang băng thông rộng tốc độ cao tới mỗi hộ gia đình, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân. Đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản, khu vực dân sinh trên cả nước…Phát triển nền tảng địa chỉ số, bản đồ số tạo hạ tầng mềm cho phát triển kinh tế số và xã hội số.
Thứ tư, xây dựng và phát triển vững chắc nền tảng số nông nghiệp.
Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số để tạo môi trường mạng cho phép nhiều bên cùng tham gia để cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của CĐS, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng, càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu số nông nghiệp.
Việc tạo lập, phân loại, dán nhãn dữ liệu, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu và quản trị dữ liệu là yếu tố quyết định thúc đẩy cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân chuyển từ sở hữu riêng dữ liệu sang cùng tạo lập, chia sẻ và khai thác dữ liệu. Điểm đột phá là phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển AI.
Thứ sáu, phát triển hệ thống an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.
Phát triển hệ thống thanh toán số gắn với thị trường thương mại điện tử. Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, bảo đảmphát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số. Điểm đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp.
Thứ bảy, xây dựng và phát triển nhân lực số cho nông nghiệp.
Phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến Cloud Computing, AI, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng. Điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi AI.