Tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã

(Quanlynhanuoc.vn) – Công chức cấp xã có vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Năng lực của đội ngũ này sẽ quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã. Để nâng cao năng lực đội ngũ công chức cấp xã đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có tạo động lực làm việc. Bài viết nghiên cứu về lý thuyết về tạo động lực làm việc, trên cơ sở đó, đề xuất một số phương thức tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Khái niệm và vai trò của tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã

Tạo động lực làm việc (TĐLLV) là nội dung được tiếp cận từ nhiều ngành khoa học khác nhau, như: tâm lý học, quản trị học, kinh tế học, khoa học hành chính,…1. Vì vậy, hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về thuật ngữ này.

Có quan điểm cho rằng: “Tạo động lực lao động được hiểu là hệ thống các chính sách, biện pháp, thủ thuật quản lý tác động đến người lao động nhằm làm cho người lao động có động lực trong làm việc”2. Theo cách tiếp cận này, TĐLLV được thực hiện thông qua các chính sách, biện pháp, thủ thuật quản lý và mục đích của tạo động lực là giúp cho người lao động có động lực làm việc.

Việc xác định cụ thể mục đích cũng như bản chất của tạo động lực là khuyến khích, động viên, khơi dậy tính tự giác, tự nguyện của người lao động và với mục đích của TĐLLV là gia tăng năng suất lao động “Tạo động lực là quá trình sử dụng tổng hợp cách thức, biện pháp nhằm khuyến khích, động viên, khơi dậy niềm khát khao, tinh thần tự giác, tự nguyện của người lao động để họ nỗ lực, phấn đấu cho mục tiêu hoàn thành công việc được giao với kết quả tốt nhất, qua đó góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, sự thành công của tổ chức”3.

Tuy nhiên, việc xác định bản chất của TĐLLV cũng là xây dựng các chính sách, biện pháp, cách thức quản lý “Tạo động lực làm việc là sự vận dụng hệ thống các chính sách, biện pháp, cách thức quản lý tác động đến người lao động làm cho người lao động có động lực làm việc4. Trên cơ sở các cách tiếp cận ở trên, có thể quan niệm: TĐLLV cho công chức cấp xã (CCCX) là tổng thể các biện pháp, cách thức mà cơ quan nhà nước sử dụng để phát huy tính chủ động, tích cực, gia tăng sự nhiệt tình lao động, sự gắn bó của đội ngũ CCCX với cơ quan, đơn vị công tác và với công việc đảm nhận. Như vậy, có thể nhận thấy TĐLLV cho CCCX có vai trò đặc biệt quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với CCCX: TĐLLV sẽ góp phần khơi dậy những khát khao, những mong muốn tích cực trong công việc. Những CCCX có động lực làm việc luôn có ý thức tự giác cao, tập trung cao trong công việc cũng như chủ động hoàn thành công việc một cách hiệu quả và tối ưu nhất. Họ sẽ cống hiến hết mình nhằm thể hiện sự say mê trong công việc và chính từ đó sức mạnh của cơ quan nhà nước đã được hình thành dựa trên sức mạnh nội tại của từng cá nhân.

Bên cạnh đó, TĐLLV giúp cho đội ngũ CCCX phát huy được tính sáng tạo của mình vì họ có động lực và đam mê, muốn phấn đấu để tìm ra những giải pháp tối ưu trong công việc, góp phần thành công chung cho tổ chức. Chính tâm lý làm việc tích cực đã thôi thúc sự sáng tạo trong mỗi cá nhân nói riêng cũng như của tổ chức nói chung. Từ đó, họ sẽ sáng tạo, đổi mới cách thức làm việc để có năng suất và hiệu quả cao hơn.

Thứ hai, đối với chính quyền cấp xã (CQCX): TĐLLV cho CCCX góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQCX. CCCX là một trong những yếu tố cấu thành nên tổ chức và hoạt động của CQCX. Nếu thực hiện tốt công tác tạo động lực thì đội ngũ CCCX sẽ chủ động, sáng tạo trong công việc, từ đó, nâng cao năng suất lao động cho cơ quan nhà nước. Công tác này cũng góp phần giúp cho chính quyền thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình. Đồng thời, cũng góp phần giữ chân CCCX, tạo nên sự ổn định trong tổ chức và hoạt động của CQCX. Với vai trò quan trọng như vậy, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải quan tâm và chú trọng công tác TĐLLV cho CCCX.

Một số lý thuyết về tạo động lực làm việc

Việc xác định các nội dung và biện pháp TĐLLV cho CCCX phải dựa trên cơ sở các lý thuyết về TĐLLV, cụ thể ở một số lý thuyết sau đây:

Một là, thuyết nhu cầu của Maslow: Thuyết này được tạo ra bởi Abraham Maslow (1908-1970), một nhà tâm lý học người Mỹ đã xây dựng học thuyết về nhu cầu của con người vào những năm 50 thế kỷ XX. Theo quan niệm của Maslow, con người ai cũng có nhu cầu và các nhu cầu này được chia thành nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, ông chia các nhu cầu thành tháp và có 5 cấp độ sau đây5:

Cấp độ 1 – Nhu cầu sinh lý: là những nhu cầu về thể chất của con người gồm nhu cầu ăn, mặc, ở , tình dục,…

Cấp độ 2 – Nhu cầu an toàn: là các nhu cầu mong muốn được bảo vệ, được an toàn về tính mạng, về tài sản, về công ăn việc làm.

Cấp độ 3 – Nhu cầu xã hội: đó là mong muốn được là một phần, một bộ phận của xã hội, được tham gia vào cộng đồng, được tiếp xúc, giao tiếp với người khác, với tổ chức, với xã hội và với tự nhiên.

Cấp độ 4 – Nhu cầu được tôn trọng và công nhận: là mong muốn được sự chú ý, quan tâm và tôn trọng từ những người xung quanh.

Cấp độ 5 – Nhu cầu được thể hiện: là nhu cầu tự thể hiện, tự hoàn thiện bản thân, mong muốn được phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng lực,…

Tiếp cận từ thuyết nhu cầu của Maslow cho thấy, yếu tố TĐLLV cho người lao động nói chung và CCCX nói riêng, chính là nhu cầu của họ và khả năng thỏa mãn, đáp ứng các nhu cầu.

Hai là, thuyết hai yếu tố của Herzberg: Thuyết này do Herzberg (1923 – 2000) là nhà tâm lý học lâm sàng và nhà nghiên cứu tâm lý xã hội sáng tạo ra. Lý thuyết này chia yếu tố tạo động lực làm việc ra thành hai nhóm: nhóm duy trìnhóm thúc đẩy, trong đó:

Nhóm duy trì các nhân tố gây ra sự không hài lòng ở nơi làm việc.

Nhóm duy trì là các yếu tố bên ngoài hoặc độc lập với công việc và có liên quan với những nhân tố không hài lòng. Chúng là các yếu tố bên ngoài hoặc độc lập với công việc và có liên quan với những thứ như tiền lương, tính ổn định của công việc (khả năng nhân viên giữ được việc làm, không bị sa thải), chính sách của doanh nghiệp, điều kiện làm việc, năng lực của lãnh đạo và mối quan hệ giữa người giám sát, cấp dưới và đồng nghiệp. Theo Herzberg, những nhân tố này không thúc đẩy nhân viên. Tuy nhiên, khi chúng thiếu sót hoặc không đầy đủ, các nhân tố duy trì có thể khiến nhân viên rất không hài lòng.

Nhóm thúc đẩy là tác nhân của sự hài lòng trong công việc, bao gồm các yếu tố như đạt kết quả mong muốn; sự thừa nhận của tổ chức, lãnh đạo, đồng nghiệp; trách nhiệm; sự tiến bộ, thăng tiến trong nghề nghiệp; sự phát triển của bản thân.

Herzberg cho rằng, hai nhóm này đều quan trọng như nhau nhưng nhóm 1 chỉ bảo đảm được mức làm việc trung bình và chống sự sụt giảm năng suất chứ bản thân nó không có tác dụng tăng6. Muốn tạo ra năng suất lao động thì tổ chức cần quan tâm đến các yếu tố thúc đẩy.

Những nhân tố được đề cập trong lý thuyết của Herzberg cũng là những nhân tố đang tác động đến hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ CCCX.

Ba là, thuyết kỳ vọng của Vroom: Thuyết kỳ vọng được Victor Vroom (1932) đưa ra vào năm 1964. Ông đã xác định động lực làm việc là một quá trình phân tích và lựa chọn các hành vi dựa trên những kỳ vọng của người lao động. Động cơ thúc đẩy lao động phụ thuộc vào sự mong đợi của cá nhân được thể hiện qua khả năng thực hiện nhiệm vụ cũng như nhận được các lợi ích tương ứng. Động lực làm việc sẽ là kết quả của ba yếu tố: sự kỳ vọng, lợi ích và giá trị. Ông cho rằng chỉ khi người lao động nhận thức về ba khái niệm trên là tích cực thì khi đó họ mới thấy được động viên vì khi đó người lao động sẽ tin rằng, nỗ lực trong công việc sẽ mang đến kết quả tốt hơn và từ đó sẽ dẫn đến phần thưởng tương xứng – phù hợp với mục tiêu của người lao động nên họ càng làm việc tích cực hơn.

Thuyết kỳ vọng của V. Vroom được xây dựng theo công thức:

Hấp lực x Mong đợi x Phương tiện = Sự động viên

– Hấp lực (phần thưởng) = sức hấp dẫn cho một mục tiêu nào đó.

– Mong đợi (thực hiện công việc) = niềm tin của nhân viên rằng nếu nỗ lực làm việc thì nhiệm vụ sẽ được hoàn thành.

– Phương tiện (niềm tin) = niềm tin của nhân viên rằng họ sẽ nhận được đền đáp khi hoàn thành nhiệm vụ.

Vận dụng lý thuyết tạo động lực làm việc cho công chức cấp xã

Trên cơ sở nghiên cứu các nội dung của các lý thuyết TĐLLV của Maslow (thuyết nhu cầu), Herzberg (thuyết hai nhân tố), Vroom (thuyết kỳ vọng),… và từ những quy định pháp lý, chế độ, chính sách đối với CCCX, có thể vận dụng một số phương thức TĐLLV cho CCCX như sau:

Thứ nhất, TĐLLV thông qua chế độ, chính sách: chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ chính là một trong những nội dung quan trọng trong việc TĐLLV nhằm kích thích công chức làm việc hăng hái, tạo động lực cho họ làm việc có năng suất chất lượng và hiệu quả để góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển. TĐLLV thông qua chế độ, chính sách chính là việc các cơ quan nhà nước khuyến khích đội ngũ CCCX làm việc thông qua tiền lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp, các khoản phúc lợi,… Biện pháp tạo động lực này tác động trực tiếp vào lợi ích vật chất của CCCX. Để thực hiện biện pháp này đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải đẩy mạnh cải cách tiền lương và các chế độ chính sách dành cho công chức nói chung và CCCX nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Thứ hai, TĐLLV thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng: công tác đào tạo và bồi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác quản lý và phát triển nguồn nhân lực của bất kỳ tổ chức nào. Hoạt động này nhằm trang bị và nâng cao kiến thức, năng lực của đội ngũ công chức để đội ngũ này có đầy đủ phẩm chất, trình độ năng lực nhằm hoàn thành tốt những công việc được giao. TĐLLV thông qua đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc tổ chức hoặc cử công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ kinh phí và thời gian để công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng; khuyến khích công chức tham gia học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Để thực hiện tốt biện pháp này đòi hỏi các cơ quan nhà nước trong thời gian tới phải đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ ba, tạo động lực thông qua môi trường làm việc: môi trường làm việc là một trong những yếu tố cấu thành nên hoạt động thực thi công vụ của CCCX và cũng là yếu tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này. Do đó, TĐLLV thông qua môi trường làm việc là một biện pháp không thể thiếu. Hoạt động này được thực hiện thông qua các biện pháp như bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa CCCX với cán bộ, công chức khác. Để thực hiện tốt biện pháp này, đòi hỏi trong thời gian tới, CQCX cần chú ý đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chú trọng thực hiện tốt Quyết định số 1847/QĐ – TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án văn hóa công vụ.

Thứ tư, tạo động lực thông qua bố trí, sắp xếp, phân công công việc: bố trí, sắp xếp công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động thực thi công vụ của CCCX. Muốn CCCX phát huy được vai trò thì cần bố trí, sắp xếp, phân công công việc khoa học, hợp lý. Vì vậy, muốn TĐLLV cho công chức, cần bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với sở trường và mong muốn của công chức; sắp xếp công việc một cách công bằng, khoa học. Ngoài ra, biện pháp này còn thực hiện thông qua các hoạt động như luân chuyển, điều chuyển công việc, cải tiến quy trình làm việc để tạo sự hứng thú trong công việc. Để thực hiện tốt biện pháp này, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần đổi mới công tác bố trí, sắp xếp công việc. Việc bố trí, sắp xếp công việc trên cơ sở bảo đảm hài hòa giữa năng lực công chức, mong muốn của công chức và điều kiện thực tiễn của cơ quan.

Ngoài những phương thức nêu trên, việc TĐLLV cho CCCX còn được thực hiện thông qua các biện pháp khác như công tác thi đua, khen thưởng, công tác phát triển nhân sự (quy hoạch, bổ nhiệm), công tác đánh giá công chức,…

Kết luận

TĐLLV là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý công chức và có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Từ góc độ lý luận cho thấy, TĐLLV cho CCCX được thực hiện thông qua nhiều phương thức, biện pháp khác nhau. Mặt khác, việc vận dụng lý thuyết TĐLLV còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu và sử dụng các biện pháp cho phù hợp. Các cơ quan nhà nước nói chung và CQCX nói riêng cần chú trọng công tác TĐLLV cho công chức nói chung và CCCX nói riêng. CQCX cần nghiên cứu lý thuyết về TĐLLV để xác định những nội dung và đề xuất các giải pháp khoa học để đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác TĐLLV cho CCCX.

Chú thích:
1. Nguyễn Trang Thu. Tạo động lực làm việc cho người lao động trong tổ chức. H. NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 13.
2. Bùi Anh Tuấn. Hành vi tổ chức. H. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2009, tr. 85.
3. Nguyễn Thị Phương Lan. Hoàn thiện hệ thống công cụ tạo động lực cho công chức cơ quan hành chính nhà nước. Luận án Tiến sỹ Quản lý công, Học việc Hành chính Quốc gia, 2015, tr. 32.
4. Tạo động lực làm việc cho công chức hiện nay. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 23/10/2021.
5. Đào Công Bình. Thực hành kỹ năng quản trị nguồn nhân lực. NXB Trẻ, 2009, tr. 97.
6. Manning G & Curtis K. The Art of leadership. MC Graw-Hill Irwin, New York, 2009, tr.109.
Trần Thị Hồng Mai
Học viên cao học, Học viện Hành chính Quốc gia