Mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” góp phần tích cực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh Đồng Tháp

(Quanlynhannuoc.vn) – Những năm qua, việc xây dựng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Mô hình này đã dần khẳng định được vai trò, ý nghĩa đối với cộng đồng dân cư và trở thành một điểm sáng trong công tác dân vận của tỉnh Đồng Tháp. Bài viết khái quát quá trình hình thành, phát triển cũng như một số kết quả bước đầu của mô hình này từ việc khảo sát một số hoạt động của tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Một buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản 18 (ấp Mỹ Phú Đất Liền, Thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh). Ảnh: danvan.vn.
Đặt vấn đề

Cùng với nhiều địa phương trên cả nước, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật trong việc bảo vệ, phát huy quyền con người, quyền công dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Sự ra đời và phát triển của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” cũng không nằm ngoài mục tiêu trên. Với tư cách là tổ chức tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, Tổ Nhân dân tự quản đã góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng khu dân cư, tiến tới hoàn thiện về mọi mặt; phát huy tính tích cực, tự giác của Nhân dân trong việc hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương. Đặc biệt, Tổ Nhân dân tự quản còn là một thiết chế phi nhà nước đóng vai trò trong việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc “quyền lực thuộc về Nhân dân”, phát huy dân chủ và thúc đẩy các quyền con người, quyền công dân hiến định.

Khái quát quá trình hình thành và phát triển mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” tại tỉnh Đồng Tháp

Ở Đồng Tháp, mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” ra đời với tiền thân là “Tổ an ninh nhân dân”, sau đó đổi tên thành “Tổ dân phòng khuyến học” và “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” theo Công văn số 808-CV/TU ngày 25/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về lãnh đạo thí điểm mô hình “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng”. Tháng 3/2017, mô hình này trở thành “Tổ Nhân dân tự quản” theo Thông báo Kết luận số 451-TB/TU ngày 01/03/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về việc lãnh đạo nhân rộng mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” trên địa bàn tỉnh. Quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Kết luận số 483-KL/TU ngày 04/8/2020 về hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản”, Ban Thường vụ các huyện uỷ, thành uỷ đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo cấp uỷ các cấp, trực tiếp là cấp cơ sở đối với tổ chức và hoạt động tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh1. Theo đó, thường xuyên theo dõi, rà soát nắm lại tình hình, có giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động Tổ Nhân dân tự quản.

Qua thực hiện mô hình (từ năm 2017 – 2022), các tổ đã tham gia vận động, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài; phối hợp phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc lồng ghép tuyên truyền cá biệt để phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh trật tự được 3.687 điểm, có 123.687 lượt người dự; tham gia 4.049 lượt tuần tra bảo đảm ANTT, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới; cung cấp 2.158 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; tiếp nhận 3.579 lượt thông báo lưu trú; tham gia hòa giải 1.205 vụ (hòa giải thành 1.012 vụ, tỷ lệ 83,98%). Ngoài ra, các Tổ nhân dân tự quản còn tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, đã vận động trên 72 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 20,5 tỷ đồng đến 30.615 lượt gia đình chính sách, người có công với cách mạng cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19; hỗ trợ trao 150.800 suất quà, trị giá trên 50,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đã tiếp nhận 3.052 suất, trị giá 2,076 tỷ đồng; vận động xây dựng sữa chữa 52 cây cầu bê tông, hoàn thiện xây mới, sửa chữa 974 căn nhà đại đoàn kết, nhà nhân ái, nhà tình thương; tặng 32.500 phần quà, nhu yếu phẩm cho gia đình chính sách, nghèo, cận nghèo; tặng 5.200 suất học bổng, 730 xe đạp cho học sinh nghèo, khám bệnh cấp thuốc miễn phí 15.200 lượt người có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 70 tỷ đồng2.

Việc hình thành tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh đều xuất phát chủ yếu từ sự tự nguyện tham gia của người dân trên cơ sở tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa các kênh thông tin để người dân có thể tiếp cận với hoạt động của chính quyền cơ sở là một yêu cầu cần thiết và vô cùng quan trọng nhằm góp phần tăng cường dân chủ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và sự tham gia của Nhân dân trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội hiện nay.

Một số kết quả nổi bật trong hoạt động của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” ở tỉnh Đồng Tháp

Thời gian qua, lực lượng Công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, mạnh dạn đấu tranh, tố giác tội phạm, xử lý tệ nạn; củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ Nhân dân tự quản, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, tham gia tiến hành và đánh giá các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới tại địa phương. Ban quản lý tổ Nhân dân tự quản đã kịp thời phối hợp cùng lực lượng Công an cấp xã trong việc nắm tình hình hoạt động và ghi nhận phản ánh của các tổ về tình hình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình an ninh trật tự.

Công tác phối hợp giữa Ban quản lý tổ Nhân dân tự quản với Công an cấp xã trong giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội được triển khai tích cực và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động cảm hóagiáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, có biểu hiện vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng trở về địa phương luôn được chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện cho thanh niên làm lại cuộc đời. Đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên của Công an xã và Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản trong công tác giáo dục, động viên, giới thiệu việc làm cho các đối tượng này.

Ngoài ra, Ban quản lý tổ Nhân dân còn tự quản phối hợp cùng Ban Công tác Mặt trận ấp, Công an phụ trách khóm, ấp tích cực tuyên truyền, vận động người phạm tội ra đầu thú; bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù, các cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng trở về địa phương sinh sống; kịp thời báo cáo khi có người lạ đến địa phương, nghi vấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người nước ngoài đến địa bàn không trình báo, người có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma tuý…

Công tác khuyến học, khuyến tài và an sinh xã hội được thể hiện ở nhiều hoạt động cụ thể, mang lại những giá trị tích cực đối với cộng đồng. Ở khía cạnh khuyến học – khuyến tài, vai trò của tổ Nhân dân tự quản được thể hiện thông qua nhiều hoạt động có ý nghĩa. Cán bộ, hội viên Hội Khuyến học các cấp tích cực tham gia sinh hoạt tại các tổ Nhân dân tự quản; qua đó, thực hiện việc lồng ghép tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào nội dung hoạt động của tổ. Các hoạt động này đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức của mỗi người dân, xem việc học tập là một nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mọi người, mỗi gia đình, dòng họ và của toàn dân.

Việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động ma chay, hiếu, hỉ, lễ hội… từng bước tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Đây đồng thời cũng trở thành một trong những nội dung hoạt động của các tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung và các huyện, thành phố, biên giới nói riêng, chẳng hạn như việc tổ chức những sự kiện của gia đình, dòng họ tại địa phương được thực hiện trang nghiêm và phù hợp thuần phong mỹ tục, phong tục, tập quán địa phương; Quy mô tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình…

Việc tổ chức lễ hội trên địa bàn các huyện, thành phố, biên giới ngày càng đi vào nền nếp, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhất là ở các lễ hội truyền thống có quy mô vùng, miền. Hoạt động lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, truyền thống văn hóa, nhằm nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, việc sử dụng âm thanh trong cộng đồngcũng được thành viên các tổ Nhân dân tự quản tuyên truyền, nhắc nhở. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh nở rộ trong những năm qua đã gây bức xúc không nhỏ trong cộng đồng, như: dùng loa phóng thanh công suất lớn gây tiếng ồn làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Chính vì vậy, Ban quản lý Tổ Nhân dân tự quản đã cùng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan sinh hoạt lồng ghép nội dung sử dụng dàn âm thanh tổ chức sinh hoạt văn nghệ trong khu dân cư và trong các đám tiệc; vận động thành viên trong tổ chấp hành tốt các quy chuẩn về tiếng ồn; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Một số giải pháp để phát triển mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” tại tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp tỉnh Đồng Tháp về vị trí, vai trò và ý nghĩa của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”. Theo đó, cần có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan, đơn vị, địa phương về tính tất yếu và bền vững của mô hình này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”; phát huy quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực gắn với nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm cho các hoạt động của địa phương diễn ra bình thường, khơi dậy ý chí, khát vọng phấn đấu vươn lên của mỗi người dân.

Thứ hai, Ban quản lý tổ Nhân dân tự quản tiếp tục tăng cường giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Ban công tác Mặt trận và Công an viên phụ trách địa bàn để có được sự trao đổi thông tin kịp thời, nhanh chóng giải quyết những vấn đề “nóng” trong dư luận, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, với một số địa bàn thuộc khu vực biên giới, việc thường xuyên trao đổi thông tin khi có những tình huống bất thường, người lạ đến địa phương giữa Ban quản lý với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. Ban quản lý ở các tổ Nhân dân tự quản phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm trong công việc; được Nhân dân tín nhiệm bầu vào Ban quản lý các tổ Nhân dân tự quản.

Thứ ba, tiếp tục kiện toàn nhân sự Ban quản lý các tổ Nhân dân tự quản hiện nay nhằm bảo đảm quá trình điều hành hoạt động của tổ trong thời gian tới. Nhân sự Ban quản lý các tổ Nhân dân tự quản là người thay mặt Nhân dân điều hành, tổ chức các hoạt động diễn ra trên phạm vi địa bàn, khu vực; theo đó, cần xây dựng ban hành quy chế làm việc của Ban quản lý các tổ Nhân dân tự quản rõ ràng, công khai, minh bạch, phân công, giao nhiệm vụ cho từng thành viên.

Thứ tư, tích cực nâng cao khả năng quản lý, điều hành một cách linh hoạt và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tự quản. Đây là một mô hình dựa trên tinh thần tự nguyện, tự chủ, nếu như quá trình điều hành quá “cứng nhắc” đôi khi lại phản tác dụng, tạo nên sự khó chịu trong thành viên; ngược lại, sự buông lỏng, hời hợt quá mức của ban quản lý cũng sẽ không thể nào khiến cho hoạt động của tổ phát triển và đạt hiệu quả như mong đợi. Đồng thời, hạn chế được quãng đường di chuyển của các thành viên tổ Nhân dân tự quản, thông qua công nghệ thông tin được kết nối khi triển khai công việc được thuận tiện, dễ dàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thứ năm, các sở, ban, ngành chức năng cấp tỉnh, cấp huyện cần tiếp tục tăng cường tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành và xây dựng nội dung sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi tổ Nhân dân tự quản, như: bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập; luôn tạo được sự đoàn kết, thống nhất và hành động giữa các tổ chức, lực lượng và các tầng lớp nhân dân, có như vậy, công việc mới suôn sẻ, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Tổ Nhân dân tự quản là trung tâm của kết nối, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vào hoạt động của xã hội, vì vậy, cần phải có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong làm việc, bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy, thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Kết luận

Mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” qua nhiều năm triển khai thực hiện đã dần khẳng định được vai trò, ý nghĩa đối với người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua hoạt động, các tổ Nhân dân tự quản cùng với hệ thống chính trị cơ sở đã góp phần khẳng định vị thế, tiếng nói của Nhân dân trong quá trình quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Nhân dân là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển, lấy sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan của Đảng và hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Qua đó cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc phát huy quyền con người, quyền công dân, là thiết chế phù hợp giúp cho Nhân dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản đã được Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ghi nhận.

Chú thích:
1. Kết luận số 483-KL/TU ngày 04/8/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản”.
2. Mô hình “Tổ nhân dân tự quản” góp phần tích cực trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, http://www.congan.dongthap.gov.vn, ngày 26/4/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 673-BC/TU ngày 04/8/2020 của Tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá kết quả hoạt động của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” giai đoạn 2017 – 2019.
2. Báo cáo số 98-BC/TU ngày 05/7/2021 của Tỉnh ủy Đồng Tháp về đánh giá hoạt động của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”.
3. Hướng dẫn số 05/HD-MT ngày 22/12/2014 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp về triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng”.
4. Báo cáo số 101-BC/ĐĐMTTQ ngày 02/02/2023 của Đảng Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp về hoạt động tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh năm 2022.
5. Hướng dẫn số 04/HD-CAT-PV28 ngày 18/12/2017 của Công an tỉnh Đồng Tháp về thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
TS. Võ Thị Tuyết Hoa
Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp
NCS. Nguyễn Quang Thành
Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh