Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

(Quanlynhanuoc.vn) Dưới sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, mạng internet phát triển, bên cạnh mặt tích cực cũng có không ít những tiêu cực cho xã hội, như: là môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, phá hoại chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công kích nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trước tình hình đó, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, qua đó tạo tiền đề vững chắc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ảnh minh họa (internet)
Sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Có hơn 68,72 triệu người sử dụng internet trong tổng số 97,75 triệu dân cả nước có (chiếm 70,3% dân số), cao thứ 12 trên thế giới và xếp thứ 6 châu Á; hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 73,7% dân số), chủ yếu là Youtube, Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới,trong đó, 94% số người sử dụng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ và thanh niên1.

Với số lượng người dùng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đông đảo như ở Việt Nam, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng triệt để không gian mạng (KGM) nhằm tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, tin giả hòng gây nhiễu loạn thông tin, gieo rắc tư tưởng hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ Đảng trên KGM của các thế lực thù địch diễn ra với quy mô, cường độ ngày càng lớn, các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Những hoạt động đó đã tác động tiêu cực tới tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân, gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ, làm suy giảm lòng tin vào đất nước, vào vai trò của Đảng. Thực tế này đặt ra sự cần thiết phải nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch để từ đó đấu tranh, phản bác nhằm phòng, chống hiệu quả với chiến tranh thông tin, chiến tranh KGM, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thực trạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam bằng những luận điệu đa dạng, thông qua nhiều cách thức khác nhau trên môi trường mạng, tập trung vào 3 nội dung chính: (1) xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin; (2) tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (3) bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trước tình hình trên, để BVNTTT, Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, như: Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Luật An ninh mạng năm 2018; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.

Các văn bản đã nhấn mạnh BVNTTT của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền chính trị; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội.

Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý, Nhà nước chủ động sử dụng internet để quản lý xã hội, tạo sự gần gũi giữa chính quyền với người dân, tạo điều kiện để người dân kịp thời nắm bắt các thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, từ đó hạn chế các thông tin sai lệch, thông tin xấu độc do các thế lực thù địch cố tình bôi nhọ, nói xấu. Mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân, qua đó, không những đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ mà còn góp phần thiết thực định hướng dư luận trên mạng xã hội.

Các cơ quan quản lý nhà nước cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản lý trên môi trường mạng, tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; xây dựng tiêu chí, công cụ để định hướng, đo lường các hành vi trên KGM. Đây là những cách làm mới, thể hiện sự thay đổi quyết liệt, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay. Năm 2022, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên KGM; tăng cường năng lực rà quét của Trung tâm Giám sát an toàn KGM quốc gia và chuyển giao công cụ cho bộ, ngành, địa phương để chủ động rà quét, xử lý.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động BVNTTT của Đảng trên KGM vẫn còn những mặt hạn chế, như: một là, việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật liên quan đến an ninh mạng, BVNTTT của Đảng chưa thực sự hiệu quả; hai là, Luật An ninh mạng được ban hành nhưng còn bộc lộ những thiếu sót nhất định cần được sửa đổi, bổ sung; ba là,  hệ thống các văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý để quản lý, xử lý hành vi, đối tượng sai phạm trên KGM chưa đầy đủ, nhiều quy định khó triển khai trong thực tiễn; bốn là, năng lực, ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với nhiệm vụ BVNTTT của Đảng trên KGM có nơi, có lúc chưa được chú trọng.

Những khó khăn, thách thức trên xuất phát từ một số nguyên nhân, như: (1) Tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định; (2) Số lượng người dân sử dụng internet, mạng xã hội cao trong khi điều kiện về hạ tầng công nghệ, năng lực, kinh nghiệm quản lý của chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu; (3) Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông, nhà mạng cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng với Nhà nước còn lỏng lẻo, thậm chí thiếu sự hợp tác; (4) Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ý thức hết trách nhiệm, vai trò của mình trong việc BVNTTT của Đảng trên KGM; (5) Tình trạng tham nhũng, tiêu cực; biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Một số khuyến nghị

Để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả công cuộc BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cần quan tâm đến một số phương diện sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường BVNTTT của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền sâu rộng Luật An ninh mạng để người dân có ý thức đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi sử dụng KGM tuyên truyền chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Cần khẩn trương nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến công tác quản lý của Nhà nước, BVNTTT của Đảng trên KGM, trong đó cần quan tâm đến các quy định bảo vệ, quản lý dữ liệu quan trọng của quốc gia, của người dân Việt Nam; các nội dung liên quan đến công nghệ AI. Hệ thống pháp luật bảo đảm tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, trong đó bao gồm các quyền về tự do ngôn luận, quyền riêng tư, quyền tham gia các công việc của cộng đồng và các quyền khác; đồng thời, các quy định pháp luật cũng phải đủ tính nghiêm minh, răn đe đối với những phần tử cơ hội, cố ý lợi dụng KGM để trục lợi, chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, nâng cao năng lực, trách nhiệm trong quản lý KGM của các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy ưu thế của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay. Qua đó,cần triệt để khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên KGM theo quan điểm “sử dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát công nghệ”. Xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo, dự báo xu hướng dư luận trên mạng xã hội; xây dựng hệ thống lọc và phát hiện tin tức giả mạo, sai sự thật, đồng thời, đo lường, đánh giá thời gian, mức độ lan truyền, phát tán thông tin; xây dựng các phương án phối hợp xử lý khủng hoảng truyền thông trên internet, mạng xã hội cho nhiều lĩnh vực, địa bàn; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, giữa các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị với các địa bàn, đơn vị tác chiến, giữa Chính phủ với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài, như:Google, Facebook trong việc ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc.

Thứ ba, cần chủ động định hướng dư luận trong công tác BVNTTT của Đảng. Các cơ quan trong hệ thống chính trị nghiên cứu, sử dụng chính công cụ mạng xã hội để BVNTTT của Đảng. Để làm được điều này, cần chủ động lựa chọn, thiết kế xây dựng chủ đề định hướng dư luận; chú trọng tính tương tác, sự gần gũi, sử dụng nhiều ngôn ngữ và hình thức được cư dân mạng ưa thích. Tạo sự thống nhất trên các phương tiện truyền thông, từ thông tin trên báo in, truyền hình đến báo điện tử, trang tin điện tử, trang web, Facebook, kênh YouTube để tạo thành chuỗi dòng chảy thông tin tích cực lan tỏa nhanh trong cộng đồng, góp phần định hướng nhận thức, tạo “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trước những thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Tăng cường lan tỏa thông tin tích cực lên KGM, phân hóa và cô lập những nhóm thông tin tiêu cực, đây chính là “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo môi trường phát triển nội dung thông tin lành mạnh, tích cực nhằm bao trùm và lấn át nội dung tiêu cực trên KGM.

Các cơ quan trong hệ thống chính trị cũng như cá nhân cán bộ, đảng viên tận dụng những ưu thế của mạng xã hội để phổ biến thông tin chính trị chính thống đến giới trẻ. Thu hút, duy trì, mở rộng công chúng là những người trẻ tuổi thường xuyên theo dõi, tiếp cận thông tin chính thức được tuyên truyền trên các mạng xã hội. Xây dựng những nhóm nòng cốt, bao gồm những người trẻ tuổi đã được tập huấn kỹ lưỡng cùng tham gia xây dựng nội dung truyền thông trên mạng xã hội; đồng thời mở, rộng liên kết để tăng hiệu quả truyền thông về các chủ đề chính trị, xã hội phù hợp đối với từng đối tượng. Tăng cường nội dung, đổi mới hình thức, phương pháp đưa thông tin lý luận chính trị trên mạng xã hội thật sự phong phú, cập nhật, hấp dẫn, thuyết phục. Ngoài ra, khuyến khích cán bộ, đảng viên, hội viên, công nhân viên tham gia mạng xã hội để cung cấp nhiều thông tin tích cực, quan điểm đúng đắn về các vấn đề lý luận chính trị, góp phần lan tỏa những quan điểm, định hướng đúng đắn về chính trị tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thứ tư, chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đấu tranh BVNTTT của Đảng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến thông tin KGM là lâu dài, kiên nhẫn, bền bỉ và cần học cách “sống chung” với tin giả, thông tin xuyên tạc, qua đó tạo “sức đề kháng” cho hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân khi tham gia tương tác trên KGM, chống thông tin độc hại, âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần giữ vững bản lĩnh chính trị, say mê lao động, không ngừng nghiên cứu, học tập, cập nhật những vấn đề lý luận và thực tiễn để có nền tảng lý luận vững vàng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm tốt vai trò “sứ giả truyền cảm hứng” và lan tỏa đến người đọc trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.

Thứ năm, huy động, thu hút và giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia thực hiện nhiệm vụ BVNTTT của Đảng. Sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông sẽ góp phần giảm gánh nặng chi phí cho Chính phủ, bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí. Các nhà mạng viễn thông, công nghệ thông tin cần phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi, đánh giá, xử lý các thông tin xấu độc, nguồn phát tán thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội, góp phần bảo đảm trật tự xã hội.

Các tổ chức cơ sở đảng của khối doanh nghiệp chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Cùng với các doanh nghiệp trong nước, Nhà nước cũng cần khẩn trương nghiên cứu, thiết lập, ràng buộc trách nhiệm pháp lý, thống nhất và triển khai nghiêm cơ chế phối hợp giữa Chính phủ với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài trong việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu, độc.

Kết luận

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm những thách thức đối với công tác BVNTTT của Đảng. Chưa bao giờ công tác đấu tranh BVNTTT của Đảng, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên KGM lại diễn ra quyết liệt và cấp bách như hiện nay. Để BVNTTT của Đảng trong bối cảnh hiện nay nói chung và trên KGM nói riêng, Đảng, Nhà nước cần nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời cần sự chung tay, phối hợp thực hiện của tất cả các chủ thể trong xã hội.

Chú thích:
1. Chuyển đổi số tại Việt Nam và những thống kê ấn tượng ban đầu năm 2021. http://specials.laodong.vn, truy cập ngày 19/4/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
2. Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới.
3. Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị.
4. Luật An ninh mạng năm 2018.
5. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Nguyễn Thị Bích Ngọc
Chi bộ Tổ dân phố 14, Đảng bộ phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội