Vai trò bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động

(Quanlynhanuoc) – Bảo đảm an sinh xã hội hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội là một trong những mục tiêu trọng tâm của Đảng và Nhà nước. An sinh xã hội được xem là “giá đỡ”, “lưới an toàn” để ngăn ngừa, khắc phục những rủi ro mà người dân có thể gặp phải trong cuộc sống. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam có nhiều hợp phần hướng đến nhiều nhóm dân cư trong xã hội, đặc biệt, đối với nhóm người trong độ tuổi lao động. Bài viết tìm hiểu hệ thống an sinh xã hội đối với người lao động để từ đó thấy rõ vai trò của an sinh xã hội đối với tiến bộ, công bằng xã hội.
Ảnh minh họa (internet).
Quan điểm của Đảng về an sinh xã hội

An sinh xã hội (ASXH) và bảo đảm ASXH là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và đất nước. Ở Việt Nam, ASXH được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm để hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, quan niệm về ASXH được xác định tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Điều này là tất yếu khách quan, vừa là mục tiêu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) giai đoạn 2011 – 2020 đã nhấn mạnh: “An sinh xã hội và phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách và giải pháp nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường; vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”1. Trên cơ sở đó, nhận thức về quyền ASXH của người dân qua các kỳ đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, là sự kế thừa, luôn phát triển phù hợp với trình độ phát triển KTXH của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, lần đầu tiên Đảng ta đã có nhận thức, quan điểm, giải pháp ở tầm chiến lược về bảo đảm ASXH tiếp cận dựa trên quyền con người. Nghị quyết nêu rõ: ASXH là hệ thống các chính sách và các chương trình do Nhà nước, các đối tác xã hội thực hiện nhằm bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, sức khỏe và các phúc lợi xã hội, nâng cao năng lực cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong quản lý và kiểm soát các rủi ro do mất việc làm, tuổi già, ốm đau, rủi ro thiên tai, chuyển đổi cơ cấu, khủng hoảng kinh tế, dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập và giảm khả năng tiếp cận đến các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “An sinh xã hội là một hệ thống chính sách và giải pháp nhằm bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường; vừa không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”2. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nêu rõ: đẩy mạnh ASXH gắn liền với tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, cụ thể: quản lý phát triển ASXH bền vững trên cơ sở phát triển hệ thống ASXH toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Như vậy, có thể hiểu: (1) Về bản chất, ASXH là sự bảo vệ của Nhà nước và xã hội đối với các cá nhân, thành viên trong cộng đồng; (2) Về mục đích, ASXH tạo ra một lưới an toàn gồm nhiều tầng, lớp bảo vệ cho tất cả thành viên của cộng đồng, hướng đến sự phát triển bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội trên cơ sở bảo đảm thực hiện công bằng xã hội; (3) Về vai trò, ASXH trước hết trợ giúp, hỗ trợ, bảo vệ, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và toàn xã hội thông qua hệ thống chính sách; (4) Về chức năng, ASXH tạo ra “giá đỡ” an toàn cho các thành viên trong xã hội thông qua 3 chức năng cơ bản: phòng ngừa rủi ro; giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro khi người dân gặp phải trong cuộc sống; (5) Về đối tượng, ASXH được thực hiện thông qua chủ thể cung cấp là Nhà nước và chủ thể thụ hưởng là toàn dân, mọi thành viên trong xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, người lao động (NLĐ) luôn đứng trước những bất ổn, rủi ro, như: tác động của tình hình phát triển KTXH, của thị trường lao động và hoạt động của doanh nghiệp (DN),… đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập của NLĐ. Khi những yếu tố bất lợi xảy ra cần có sự can thiệp của Nhà nước, xã hội và DN bằng các biện pháp kinh tế nhằm khắc phục những rủi ro cho NLĐ. Thời gian qua, trước tác động của đại dịch Covid-19, công tác bảo đảm ASXH cho NLĐ ngày càng được hoàn thiện với nhiều chính sách, chương trình theo các nhóm đối tượng khác nhau nhưng tập trung nhất là các nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trợ cấp xã hội cho NLĐ.

Cấu trúc hệ thống an sinh xã hội

Hiện nay, xu hướng chung của các nước trên thế giới lựa chọn mô hình hệ thống ASXH hoàn chỉnh, vừa hướng đến hiệu quả vừa kết hợp đề cao trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và Nhà nước. Đó là một hệ thống ASXH đa tầng, linh hoạt và có thể hỗ trợ lẫn nhau, bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục được các rủi ro cho người dân.

Trong giai đoạn 2011 – 2020, theo quan điểm của Đảng, hệ thống ASXH phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân; giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng. Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định cấu trúc hệ thống ASXH bao gồm: (1) Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (2) Bảo hiểm xã hội; (3) Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; (4) Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin) (Hình 1).

Hiện nay, ở Việt Nam, cấu trúc của hệ thống ASXH gồm 5 trụ cột: (1) BHXH; (2) BHYT; (3) BHTN; (4) Trợ cấp xã hội; (5) Ưu đãi xã hội. Xét về thực chất, năm trụ cột này nhằm thực hiện 3 chức năng chiến lược của hệ thống ASXH: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro (Hình 2).

Vai trò bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động

Bảo đảm ASXH đối với NLĐ nói riêng và đối với toàn xã hội nói chung có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn.

Thứ nhất, đối với xã hội.

Hệ thống ASXH là bộ phận quan trọng trong chính sách xã hội của quốc gia, thông qua thực hiện ASXH góp phần giữ gìn sự ổn định về chính trị, KTXH của đất nước, góp phần bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội.

Đối với chính trị, thông qua hệ thống ASXH, cuộc sống của mỗi thành viên trong cộng đồng được bảo vệ và bao bọc bởi mạng lưới an toàn, trong xã hội không có sự loại trừ, không ai bị gạt ra bên lề của xã hội, từ đó, điều tiết tốt hơn và hạn chế các nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và những bất ổn trong xã hội.

Trên bình diện xã hội, với những cấu trúc về BHXH, BHTN, đây được xem là công cụ để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các tầng lớp dân cư, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh khó khăn và những người yếu thế.

Trên bình diện kinh tế, ASXH được xem là công cụ để phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội, phân phối được thực hiện theo chiều dọc và theo chiều ngang. (1) Theo chiều ngang, phân phối lại giữa người khỏe mạnh với người không may bị đau ốm, tai nạn; giữa các nhóm dân cư. (2) Theo chiều dọc, phân phối lại giữa người giàu với người nghèo; giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Trong xu hướng toàn cầu hóa, công cụ này ngày càng được coi trọng, bởi khoảng cách giàu nghèo đã và đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Như vậy, có thể khẳng định, ASXH vừa là nhân tố ổn định, vừa là nhân tố động lực cho sự phát triển KTXH. ASXH góp phần bảo vệ cho mỗi thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là những người gặp rủi ro hoặc rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, mọi thành viên trong xã hội có điều kiện vươn lên, có cơ hội làm việc nhằm cải thiện thu nhập, bảo đảm đời sống, từ đó, góp phần ổn định tình hình KTXH. Đây cũng là nhân tố tạo động lực để phát triển KTXH.

Thứ hai, đối với người lao động.

Với các chính sách về chăm sóc y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… ASXH giúp NLĐ có sức khỏe tốt để làm việc, yên tâm công tác. Điều này tác động lớn đến việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, thông qua đó, tác động đến sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.

(1) Chính sách ASXH giúp bảo đảm cho NLĐ duy trì thu nhập liên tục ở mức tối thiểu để giúp họ ổn định cuộc sống.

Đây là chức năng cơ bản nhất của ASXH, có vai trò cung cấp mức thu nhập tối thiểu để bảo đảm sinh hoạt tối thiểu của con người, bao gồm các quyền về ăn, sức khỏe, giáo dục, nhà ở và một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm bảo vệ con người khỏi bị đói nghèo do không có thu nhập.

Thực tế cho thấy, NLĐ trong khu vực công hay tư luôn đối mặt với những nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn không thể lường trước được, như: ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm…, trong đó rủi ro lớn nhất đối với NLĐ là mất việc làm, đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình. Ngoài ra, NLĐ khi mất việc làm có thể rơi vào những áp lực trong đời sống, có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng tới bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, việc duy trì thu nhập liên tục, dù chỉ là mức thu nhập tối thiểu là một trong những vấn đề quan trọng và có ý nghĩa đối với NLĐ. Chính sách này còn thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo và nhân văn cao đẹp trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

(2) Chính sách ASXH hướng đến phát triển thị trường lao động, góp phần thúc đẩy việc làm bền vững cho NLĐ.

Hệ thống ASXH thúc đẩy việc làm bền vững, tăng cường kỹ năng và các cơ hội tham gia thị trường lao động cho NLĐ thông qua một số chương trình, như: hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ, đặc biệt người nghèo, người ở nông thôn; phát triển thị trường lao động và dịch vụ việc làm để kết nối cung cầu lao động; hỗ trợ tạo việc làm trực tiếp cho một bộ phận NLĐ thông qua các chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chương trình việc làm công và các chương trình thị trường lao động khác; hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho lao động mất đất, lao động di cư, lao động bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế…

Thông qua các chương trình việc làm quốc gia, ưu đãi về tín dụng, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho NLĐ đã góp phần tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho NLĐ, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 22/9/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, đã giải ngân khoảng 3,539 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 5,3 triệu lượt lao động tại gần 123 nghìn DN5. Như vậy, những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, thị trường lao động đã phục hồi và góp phần đản bảo ổn định đời sống của NLĐ.

(3) Chính sách ASXH góp phần hỗ trợ NLĐ vượt qua khủng hoảng.

Giai đoạn 2020 – 2022, nền kinh tế trong nước chịu sự tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, sản xuất – kinh doanh bị đình trệ, nhiều DN buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, NLĐ bị mất việc. Có thể nói, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, tình trạng NLĐ không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến. Trước bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp, trong đó đẩy mạnh thực hiện chính sách ASXH, 3 gói hỗ trợ ASXH khẩn cấp hỗ trợ người dân, DN và NLĐ được thực hiện, cụ thể: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, năm 2021, Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục góp phần hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho NLĐ, thông qua các dự án vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, với 39.000 dự án; tổng số vốn vay là 1.800 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ việc làm cho 54.920 lao động (trong đó, lao động nữ là 24.309 người, lao động khuyết tật là 1.402 người, lao động người dân tộc thiểu số: 2.335 người)6. Đến cuối năm 2022, cả nước chỉ còn hơn 4,4 triệu NLĐ chịu tác động của đại dịch7. Trước tình hình đó, chính sách ASXH kịp thời đã góp phần hỗ trợ, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho NLĐ, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển KTXH.

Kết luận

Bảo đảm ASXH cho NLĐ nói riêng và toàn xã hội nói chung là một trong những vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, là chủ trương đúng đắn và xuyên suốt của Đảng. Mục tiêu của ASXH là tạo ra mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, lớp bảo vệ cho tất cả mọi thành viên của cộng đồng, hướng đến sự phát triển bền vững, thúc đẩy tiến bộ xã hội trên cơ sở bảo đảm thực hiện công bằng xã hội.

Đối với NLĐ, việc đẩy mạnh chính sách ASXH có vai trò hết sức to lớn, bảo đảm cho NLĐ có thu nhập và mức sống tối thiểu khi những biến cố xảy ra, từ đó, hướng tới góp phần bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Chính sách ASXH còn thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo và nhân văn cao đẹp trong truyền thống dân tộc, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Chú thích:
1. Nguyễn Tấn Dũng. Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của Chiến lước phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020. Tạp chí Cộng sản, 2010, tr. 815.
2. Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông. Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 18.
3. Viện Khoa học Lao động và Xã hội và GIZ. Phát triển hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam đến năm 2020. Hà Nội, 2013.
4. Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 04/11/2023.
5, 7. Báo cáo sự phục hồi của thị trường lao động, việc làm sau đại dịch Covid-19 quý III năm 2022. https://www.gso.gov.vn, ngày 06/10/2022.
6. Quỹ Quốc gia về việc làm: “Bà đỡ” của người lao động. https://congthuong.vn, ngày 28/12/2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.
TS. Phạm Thị Thương
ThS. Phan Vũ Quang
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế