(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 5 năm thực hiện đã mang lại những kết quả trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 vẫn chưa được triển khai thực hiện. Vì vậy, trong thời gian tới, cần ban hành nghị quyết mới có tính vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.
TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất Việt Nam, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương, phía Tây Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Đông Nam giáp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Long An và Tiền Giang. Thành phố có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện với diện tích 2.095 km2, dân số 9.840.800 người1; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. Sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển chung của cả nước: “đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước”2.
Nghị quyết số 54/2017/QH14 sau hơn 5 năm thực hiện
Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách (CCCS) đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực từ ngày 15/01/2018. Nghị quyết đã xác lập CCCS đặc thù và trao quyền thực hiện thí điểm cho TP. Hồ Chí Minh với 18 nội dung cụ thể thuộc 5 lĩnh vực quản lý: (1) Quản lý đất đai; (2) Quản lý đầu tư; (3) Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước; (4) Cơ chế ủy quyền; (5) Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).
Từ khi Nghị quyết số 54/2017/QH14 có hiệu lực, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều CCCS, kế hoạch để cụ thể hóa và thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. Sau hơn 5 năm thực hiện đã mang lại một số kết quả nhất định, tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền và các nhà khoa học, nội dung cũng như quá trình thực hiện Nghị quyết này còn nhiều hạn chế, bất cập.
Thứ nhất, nhiều nội dung triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, hiệu quả chưa cao. “Các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan trung ương, chi ứng vốn cho các dự án trung ương trên địa bàn; thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng, đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; mục tiêu hàng năm huy động thêm nguồn lực cho phát triển Thành phố chưa đạt yêu cầu. Thực tế giai đoạn 2018 – 2022, mới chỉ có nguồn từ đầu tư trở lại từ ngân sách trung ương (1.654 tỷ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỷ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỷ đồng) và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho TP. Hồ Chí Minh vay lại (11.387,3 tỷ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỷ động)…”3.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động của CCCS của Nghị quyết số 54/2017/QH14 tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, một số CCCS chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm4.
Thứ ba, một số CCCS liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện. Đơn cử, như: việc thực hiện dự án trên 10 ha và có quy mô dân số từ 10.000 – 15.000 người hoặc khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế lại vướng thủ tục về đầu tư, quy định của Luật Đầu tư. Hoặc vấn đề về tài sản công của các cơ quan trung ương trên địa bàn chưa có phương án sắp xếp, nên Thành phố cũng chưa triển khai thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 54/2017/QH14…5. Do đó, chưa có nguồn lực đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn Thành phố chưa thật sự tạo động lực mới để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân…
Thực trạng này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản:
(1) Tác động của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn 1/3 thời gian thực hiện;
(2) Tính chủ động, quyết liệt trong nhận diện, xử lý và đề xuất xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết chưa cao;
(3) Sự “chung tay vào cuộc” của các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện một số CCCS cụ thể chưa được đồng bộ, hiệu quả (một số CCCS không thuộc thẩm quyền của chính quyền Thành phố);
(4) Tình hình kinh tế – xã hội (KTXH) của cả nước nói chung và KTXH của TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp; nhiều vấn đề phát sinh vượt tầm dự báo, kiểm soát, xử lý của Nhà nước, chính quyền các cấp;
(5) Tính “thí điểm” của các CCCS trong Nghị quyết cũng góp phần làm giảm tính hiệu quả của Nghị quyết theo thời gian.
Những vấn đề đặt ra cần được quan tâm khi ban hành nghị quyết mới
Một là, tốc độ tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu chậm lại trong những năm qua mặc dù đã thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Xét riêng về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, năm 2021, TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 6,78%, năm 2022 tăng trưởng 9,03% so với năm 2021, quý 1/2023 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 20226. Tỷ lệ tăng trưởng này phản ánh thực trạng, cảnh báo những tín hiệu xấu cần những giải pháp chính sách để thúc đẩy địa bàn động lực chính của cả nước tăng trưởng ổn định, tạo xung lực lan tỏa đến khu vực phía Nam và cả nước.
Thực tế này đã đặt ra các câu hỏi:
(1) Nghị quyết số 54/2017/QH14 được ban hành để thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển nhưng hiệu quả mang lại chưa cao trên thực tiễn? Ngược lại, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của Thành phố có dấu hiệu “giảm tốc”, làm ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng chung của cả nước;
(2) Với đà tăng trưởng chậm lại, thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế vùng và cả nước? Đâu là nguyên nhân căn bản nhất và có nguyên nhân nào từ sự hạn chế, bất cập của hệ thống CCCS phát triển TP. Hồ Chí Minh?
(3) Các CCCS đột phá, vượt trội phải chăng là một nguồn lực quan trọng, mang tính quyết định, đóng vai trò là trung tâm trong phát triển TP. Hồ Chí Minh? Nội hàm cơ bản của nghị quyết mới cần tập trung những nội dung gì để bảo đảm sự phát triển bền vững cho Thành phố trong bối cảnh mới, do đó, những câu hỏi này cần được quan tâm, trả lời trong từng CCCS cụ thể và trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Hai là, trong bối cảnh phát triển mới cùng với sự “nhạy cảm” cao của KTXH thế giới, KTXH TP. Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện nhiều dạng thức, biến thể mới. Để quản lý, phát triển cần có cách tiếp cận mới; CCCS mới phải vừa bảo đảm tính chủ động, hiệu quả trong phản ứng chính sách, kịp thời đưa ra các quyết định quản lý phù hợp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển, vừa nâng cao tính chủ động, kịp thời xác lập các cơ chế chủ động phản ứng nhằm giảm thiểu rủi ro, hóa giải các vấn đề, thách thức phát sinh. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới”7.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm của cả nước, phát triển KTXH của TP. Hồ Chí Minh đóng góp lớn vào sự phát triển chung của cả nước và ngược lại. Từ đó, đòi hỏi cách tiếp cận mới trong xây dựng từng CCCS cụ thể nói riêng và nghị quyết mới nói chung để bảo đảm tính chủ động trong quản lý, tổ chức phát triển của Thành phố. Đồng thời, đòi hỏi khắc phục triệt để các vấn đề vướng mắc, các “xung đột pháp lý”, xung đột về thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình thực thi nghị quyết mới.
Ba là, những vấn đề phát sinh trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị đòi hỏi nghị quyết mới cần quy định rõ về cơ chế phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước; giải quyết các vấn đề, các xung đột giữa các quy định trong Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ và các quy định pháp lý hiện hành. Cùng với đó, những vấn đề đặt ra trong quá trình quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã cung cấp các luận cứ khoa học để đổi mới mạnh mẽ trong quản lý, điều hành siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu, chỉ dẫn cho việc xác lập các CCCS cụ thể trong tổ chức thực hiện hiệu quả quyền lực nhà nước của chính quyền Thành phố, trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể:
(1) Thẩm quyền của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong chủ động tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ CBCCVC. Thẩm quyền này có bao gồm thẩm quyền chi trả lương, thu nhập của CBCCVC theo khối lượng, hiệu quả công việc và cơ chế thị trường (chi trả theo chi phí cho mức sống của CBCCVC ở từng khu vực, không thể quy định mức lương cơ sở chung cho tất cả các khu vực trong cả nước). Ngoài ra, nghị quyết mới cũng cần xác lập cơ chế cho phép chính quyền Thành phố được thực hiện các giải pháp, hoạt động cụ thể (quy trình, thủ tục đơn giản hơn so với quy định) để thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài, những nhân sự có năng lực, chuyên môn phù hợp tham gia vào khu vực công, những lĩnh vực có nhu cầu của Thành phố.
(2) Phân định và tổ chức thực hiện hiệu quả thẩm quyền của tập thể Ủy ban nhân dân với Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Quy định và thực hiện cơ chế này để bảo đảm tính chuyên môn hóa cao và tính chủ động, hiệu quả trong quản lý, điều hành siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh trước bối cảnh phát triển mới với nhiều vấn đề mới phát sinh cần được giải quyết, xử lý nhanh, dứt điểm.
(3) Thẩm quyền trong chủ động thí điểm, đề xuất các cơ quan Trung ương thí điểm các CCCS mới theo mô hình “sanbox” với những phương thức linh hoạt, phù hợp để quản lý, tổ chức phát triển KTXH trong bối cảnh phát triển mới, tiềm ẩn phát sinh nhiều vấn đề mới, phi truyền thống.
(4) Thẩm quyền thí điểm bãi bỏ các thủ tục, hành chính không cần thiết trong quản lý, điều hành và trong hoạt động tác nghiệp của CBCCVC, nâng cao hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền Thành phố làm cơ sở cải cách hành chính mạnh mẽ nền công vụ cả nước.
(5) Thẩm quyền thí điểm tổ chức quản lý, phát triển đô thị trên cơ sở kết hợp quản lý của các cấp chính quyền tự quản của các thiết chế cộng đồng; các mô hình hợp tác công – tư.
(6) Thẩm quyền của chính quyền TP. Hồ Chí Minh và chính quyền thành phố Thủ Đức để phát huy đúng và hiệu quả vai trò, tiềm năng, lợi thế của thành phố Thủ Đức như đã định vị là “khu đô thị tương tác cao”, “cực tăng trưởng mới” của TP. Hồ Chí Minh và cả nước. Để bảo đảm những kỳ vọng này, các CCCS về thành phố Thủ Đức cần bảo đảm tính thực tiễn để có thể thực hiện được ngay, đồng thời có tính mở để chính quyền thành phố Thủ Đức và chính quyền TP. Hồ Chí Minh chủ động tổ chức phát triển đô thị Thủ Đức thành địa bàn triển khai các ý tưởng, các mô hình quản lý, CCCS mới, phù hợp với xu hướng phát triển.
Bốn là, cơ chế giải quyết các “xung đột pháp lý”, các xung đột về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan. Cần xác lập tính “ưu tiên” của các CCCS trong nghị quyết mới nếu xuất hiện các xung đột.
Năm là, sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, địa phương đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh theo phương châm “Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố ”. Phương châm này cần được cụ thể hóa thành cơ chế quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong nghị quyết mới và thể hiện cụ thể trong tư duy và hành động thực tiễn của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, tập trung xác lập khung CCCS thay vì quy định chi tiết các CCCS cụ thể.
Nghị quyết mới nên tập trung xác lập khung CCCS hướng đến bảo đảm tận dụng tiềm năng, lợi thế và khơi thông các nguồn lực để phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh thay vì quy định cụ thể, chi tiết các CCCS, bởi: (1) Việc sửa đổi, bổ sung hay thay thế nghị quyết mới là nhiệm vụ không dễ dàng thực hiện; (2) Trong bối cảnh phát triển mới, nhiều vấn đề mới phát sinh trong tiến trình quản lý, tổ chức nên việc nghiên cứu, xây dựng các CCCS để thí điểm quản lý, phát triển sẽ là yêu cầu thường xuyên; (3) Khi quy định chi tiết các CCCS cụ thể không thể không liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành và khi các quy định pháp luật đó thay đổi dẫn tới yêu cầu phải sửa đổi, thay thế nội dung nghị quyết.
Khung CCCS phát triển TP. Hồ Chí Minh cần tập trung 5 nhóm cơ bản:
(1) CCCS quy định thẩm quyền của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong quản lý, tổ chức phát triển Thành phố (thẩm quyền, trách nhiệm khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan) về tổ chức bộ máy; phân cấp, phân quyền; tuyển dụng, thu hút, quản lý, sử dụng, chế độ chính sách đối với đội ngũ CBCCVC, chuyên gia, trí thức, nhà khoa học…; (2) CCCS về quản lý, phát triển những mô hình, nội dung mới tại Thành phố (mô hình chính quyền đô thị, mô hình thành phố thuộc Thành phố, trung tâm tài chính quốc tế…); (3) Thẩm quyền của chính quyền TP. Hồ Chí Minh và chính quyền thành phố Thủ Đức được xây dựng CCCS thí điểm; (4) CCCS về thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển KTXH trên địa bàn (đối tác công – tư, xã hội hóa…); (5) Cơ chế về trách nhiệm của các bên liên quan và xử lý các vấn đề xung đột…
Thứ hai, bảo đảm tính vượt trội trong nội hàm nghị quyết mới.
Trong đó, cần vận dụng lý thuyết về khung thể chế thử nghiệm (regulatory sandbox – mô hình để thử nghiệm sự đổi mới, sáng tạo)8, bảo đảm tính mở của nghị quyết cũng như các CCCS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, bảo đảm tính khoa học, luôn mới, đồng thời, bảo đảm tính chủ động của các cơ quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành, điều chỉnh nghị quyết mới. Ngoài ra, nó còn thể hiện ở cơ chế “ưu tiên” trong thực hiện nghị quyết và từng CCCS cụ thể trên thực tiễn.
Thứ ba, hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố.
Trước hết, nghị quyết mới cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền trong đề xuất các mô hình lãnh đạo, quản lý mới; đề xuất các cải cách trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị. Xác lập cơ chế để chính quyền Thành phố được tổ chức các mô hình, các kênh để huy động sự tham gia hiến kế, đóng góp các nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức phát triển KTXH của Thành phố.
Bên cạnh đó, Nghị quyết mới cần quy định thẩm quyền của chính quyền TP. Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức trong TP. Hồ Chí Minh được chủ động thí điểm những phương thức, mô hình mới để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý; thí điểm các mô hình phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh… bảo đảm tính hiệu quả chung trong quản lý, tổ chức phát triển KTXH.
Thú tư, xác lập cơ chế trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, khả thi và phát huy hiệu quả trên thực tiễn, nghị quyết mới và các văn bản hướng dẫn thực hiện cần quy định cụ thể trách nhiệm và có cơ chế phát huy vai trò trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức. Đồng thời, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các CCCS.
Sau hơn 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã mang lại một số kết quả nhất định, nhưng chưa đạt được kết quả như đã đề ra. Để khắc phục những hạn chế, bất cập của Nghị quyết số 54/2017/QH14, việc xây dựng từng CCCS cụ thể cũng như nghị quyết mới cần được thực hiện với cách tiếp cận mới, bảo đảm tính mở và hướng tới tính khả thi trên thực tiễn.