Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “giặc ở trong lòng” – vận dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng liêm chính, chí công, vô tư. Người chỉ rõ bản chất, tác hại, nguyên nhân và biện pháp chống “Giặc ở trong lòng”. Quan điểm này của Người vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; đồng thời, là cơ sở khoa học để tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (tư liệu).
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Giặc ở trong lòng”

Tháng 3/1952, nhân dịp có phong trào sản xuất và tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”1. Người cho rằng: “Tham ô là trộm cướp”2. Đứng về phía cán bộ, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của Nhân dân; ăn bớt của bộ đội. Người chỉ rõ: “Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô”3. Đứng về phía Nhân dân, tham ô là: “Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”4.

Còn về lãng phí, bao gồm: lãng phí sức lao động; lãng phí thời giờ; lãng phí tiền của. Biểu hiện của lãng phí sức lao động là: “Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người5. Lãng phí thời giờ là: “Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày”6. Người nêu ví dụ về lãng phí tiền của: các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm; ngân hàng để tiền bạc ứ đọng, không bổ ích cho sản xuất; nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã… Chính vì thế, “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”7.

Nguyên nhân của nạn tham ô, lãng phí là do bệnh quan liêu: trọng hình thức; không sát công việc thực tế; không gần gũi quần chúng; không kiểm tra đến nơi, đến chốn. Người chỉ rõ: “Bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”8. Đây là kẻ thù của Nhân dân: làm chậm trễ công cuộc kiến quốc; phá hoại đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính; phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ… Vì vậy, “Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị9.

Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng, là dân chủ. Về cách thức đấu tranh, Người chỉ rõ: “Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”10. Theo đó, phải có kế hoạch, có lãnh đạo và trung kiên; khắc phục sự lệch lạc trong nhận thức; dựa vào quần chúng nhân dân; dám nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình trạng tham ô, lãng phí của cá nhân, tổ chức. Người căn dặn: “Tự kiểm thảo và kiểm thảo người khác phải thật thà, phải dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm”11. Người yêu cầu: “Việc kiểm thảo phải có trọng tâm, phải làm từng bước, phải nắm vững và vào sâu. Phải làm từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ”12.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “giặc ở trong lòng” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu

Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) xác định: “Tham ô” là một trong những hành vi tham nhũng. Quan điểm của Hồ Chí Minh về “giặc ở trong lòng” có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu ở nước ta hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu có bước đột phá và đạt được những kết quả cụ thể. Trong đó, “Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ”13. Tuy nhiên, Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”14. Vì vậy, đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu ở nước ta là vấn đề cấp thiết. Quán triệt, vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về “giặc ở trong lòng” vào thực tiễn đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu ở nước ta hiện nay cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu.

Theo Hồ Chí Minh: “Bước đầu là đánh thông tư tưởng”15. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của “Giặc ở trong lòng” và sự cần thiết phải đẩy mạnh đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu. Trong đó, phải nhận thức sâu sắc rằng: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”16. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhất là về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những nhận thức lệch lạc, sai lầm đã được Người chỉ rõ, như: lãng phí chỉ là một khuyết điểm; cơ quan ta không có gì mà lãng phí; không phải cơ quan kinh tế tài chính thì không có gì mà tham ô, lãng phí…

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, cấp ủy các cấp, sự quản lý, điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương trong đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”17. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, tiêu cực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức đánh giá đúng thực trạng cơ quan, đơn vị; chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, bất cập và phương hướng, biện pháp khắc phục, chấn chỉnh. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tiếp tục quán triệt, thực hiện triệt để Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Ba là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, ban hành và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu.

Bộ Chính trị khóa XIII đánh giá: “Cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, chưa ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, lãng phí”18. Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu, nhất là việc kiểm soát quyền lực để những người có ý định tham nhũng không có điều kiện thực hiện, những tổ chức, cá nhân có biểu hiện lãng phí, quan liêu phải tự điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong đó, thực hiện triệt để Luật PCTN, nhất là chế độ báo cáo, công khai về công tác PCTN trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức kê khai, quản lý, công khai minh bạch tài sản, thu nhập theo đúng quy định của pháp luật, nhất là những cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và cán bộ trước khi miễn nhiệm, nghỉ hưu. Quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là về tiền lương.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu cần phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công. Theo đó, phát huy đúng chức năng của các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam… trong đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần thực hiện triệt để quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn bó mật thiết, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân. Thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”20. Kịp thời biểu dương, bảo vệ những tập thể, cá nhân đi đầu, gương mẫu trong PCTN, lãng phí, quan liêu; xử lý nghiêm những người vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.

“Giặc ở trong lòng” là “giặc nội xâm”; đấu tranh PCTN, lãng phí, quan liêu là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Mọi biểu hiện thờ ơ, bàng quan, hoài nghi hoặc lợi dụng cuộc đấu tranh này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước đều phải bị phê phán và nghiêm trị.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 15, 17, 19. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 362, 357, 355, 356, 356, 356, 357, 357, 358, 357, 359, 359, 358, 358, 362.
13, 14, 16, 20. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 22, 93, 93, 96.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. Hội đồng Lý luận Trung ương. Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 20212.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.
4. Nguyễn Phú Trọng. Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2019.
ThS. Nguyễn Văn Quý
ThS. Nguyễn Duy Hoan
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng