(Quanlynhanuoc.vn) – Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều mục tiêu quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh, chính trị cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn”, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đặt vấn đề
Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình), ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025. Theo đó, Chương trình thiết lập chính sách đồng bộ nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển KTXH, giữ vững an ninh chính trị tại địa bàn khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi; phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn1.
Để thể chế hóa các nội dung nhằm đạt mục tiêu của Chương trình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các cơ quan chủ dự án thành phần đã ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 1 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 thông tư cấp bộ); ban hành 21 văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình (gồm: 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 13 văn bản cấp bộ và các văn bản điều hành khác). Các địa phương đã khẩn trương tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện và ban hành các quy định để triển khai Chương trình2.
Tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg
Chương trình được triển khai từ năm 2021 – 2022, tuy nhiên, chưa đạt được kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân, như: thời tiết khắc nghiệt, tác động sau đại dịch Covid-19, giá xăng dầu, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao… Bên cạnh đó, Chương trình được tích hợp từ 118 chính sách khác nhau nhưng còn thiếu tính kế thừa kinh nghiệm để triển khai; Chương trình dù được thực hiện dưới sự chủ trì, quản lý của nhiều bộ, cơ quan trung ương song chưa quyết liệt trong chỉ đạo; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại địa phương và trong quá trình triển khai thực hiện chương trình cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản đôi lúc còn chậm, chưa kịp thời, còn nhiều bất cập, hạn chế.
Trước thực trạng này, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đôn đốc tiến độ thực hiện Chương trình và đề xuất, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân quan trọng ảnh hươngr đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình là những khó khăn, vướng mắc về thể chế ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Chương trình. Cụ thể:
Một là, những nội dung về thể chế, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025. Theo đó, nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn là vốn đầu tư công.
Quyết định số 4/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025. Trong đó, khoản 2 Điều 5 về cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để triển khai thực hiện quy định: “Đối với trường hợp hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và không theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo cơ chế đặc thù được cấp có thẩm quyền quyết định”. Tuy nhiên, các địa phương gặp khó khăn khi sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp, một phần cho hộ gia đình trong thực hiện Dự án 1 của Chương trình do chưa có quy định cụ thể tại Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Luật Đầu tư công năm 2019 quy định về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không quy định cụ thể việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 5 năm. Do đó, địa phương không xác định được tổng thể nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số cơ chế đặc thù về quản lý, tổ chức thực hiện và xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương giai đoạn 5 năm.
Về cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 13 và điểm a khoản 4 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP làm phát sinh thủ tục hành chính, không phù hợp với nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định.
Hai là, một số nội dung thuộc Chương trình chưa được các bộ, ngành trung ương hướng dẫn.
Đề án Tiêu chí xác định thôn tập trung dân tộc có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ nghèo cao và nội dung hỗ trợ đối với hộ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 9 do Ủy ban Dân tộc chủ trì xây dựng; Thông tư hướng dẫn “Hỗ trợ thiết lập điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã” thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng; Thông tư hướng dẫn việc quản lý vận hành công trình, quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù được quy định tại Điều 38 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng.
Ba là, một số nội dung đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa có sự thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn của trung ương.
Nội dung khoán bảo vệ rừng tại Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa thống nhất với quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này.
Về đối tượng đào tạo dự bị đại học, đại học, sau đại học tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc hưỡng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 chưa phù hợp với quy định tại điểm b khoản 5 Mục III Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021.
Một số hướng dẫn về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 – 2025 tại một số văn bản, như: Công văn số 2651/BVHTTDL-KHTC ngày 19/7/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 của Bộ Y tế hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc; Quyết định số 2415/QĐ-BYT ngày 05/9/2022 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện Dự án 7 – chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em… còn chưa phù hợp với thực tiễn địa phương.
Bốn là, việc thể chế, cụ thể hóa các chính sách thuộc thẩm quyền các địa phương luôn ở tình trạng chậm trễ.
Đến nay, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các chương trình theo thẩm quyền, trong đó còn 17/52 địa phương chưa ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn theo quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách theo thẩm quyền của Chính phủ, trong đó trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ban hành cơ chế đặc thù, quy định về cơ chế sử dụng vốn đầu tư công thực hiện một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình thuộc nội dung đầu tư của Chương trình.
Bổ sung quy định cấp tỉnh được phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư những công trình quy mô nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, giảm bớt quy trình, thủ tục và nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp tại địa phương; quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định danh mục dự án đầu tư công thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành việc ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các bộ, cơ quan trung ương chủ động rà soát bổ sung các văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung còn chưa rõ về cơ sở pháp lý để thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; kịp thời sửa đổi, bổ sung, xử lý dứt điểm vướng mắc khó khăn về thể chế chính sách, quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo nguyên tắc tăng cường phân cấp, đồng bộ, tránh trùng chéo, mâu thuẫn, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Thứ ba, cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện Chương trình; khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định khung, văn bản quản lý, điều hành để triển khai thực hiện Chương trình ở các địa phương vùng DTTS và miền núi.
Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng cấp để công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.
Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, tuyên truyền về Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS nói riêng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nhằm từng bước thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.