(Quanlynhanuoc.vn) – Kiều hối là một trong những hoạt động quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời, củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế. Tác giả bài viết sử dụng mô hình hồi quy hai bước Engle – Grange để phân tích và tìm mối quan hệ giữa biến kiều hối và hình thành tổng vốn cố định đối với tăng trưởng; nghiên cứu về tác động của xuất khẩu lao động thông qua kiều hồi đối với tăng trưởng kinh tế, từ đó, đưa ra hàm ý chính sách hợp lý để thu hút nguồn lực một cách hiệu quả.
Đặt vấn đề
Việt Nam được đánh giá là nước có nhiều lợi thế về sức lao động, đặc biệt là lao động giá rẻ. Đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển về nguồn nhân lực, trao đổi hàng hóa “sức lao động” giữa các nước và khu vực, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, việc lưu chuyển các nguồn lực cũng như nguồn nhân lực ngày càng tự do hơn giữa các nước, dẫn đến việc cạnh tranh về hàng hóa “sức lao động” càng cao. Trong điều kiện đất nước dồi dào về sức lao động, nhưng chủ yếu là lao động sống ở nông thôn, trình độ chuyên môn tay nghề thấp, giá rẻ, sức ép việc làm lớn, nên xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương lớn, là chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động, củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế. Mặc dù có nhiều lợi ích trước mắt mà XKLĐ mang lại, như: tạo việc làm cho người lao động trong nước, tăng thu nhập,… nhưng lợi ích dài hạn tác động tới sự tăng trưởng của nền kinh tế như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu về dòng di cư, đặc biệt về lượng kiều hối đã được nghiên cứu từ những năm 1980, nhưng vẫn có nhiều quan điểm trái chiều. Nghiên cứu về tác động của XKLĐ đối với tăng trưởng kinh tế cũng như nghiên cứu dòng tiền kiều hối đến tăng trưởng kinh tế các nước tiếp nhận có ý nghĩa quan trọng, giúp chính phủ các nước đưa ra những chính sách hợp lý để thu hút nguồn lực một cách hiệu quả.
Cơ sở lý luận về tác động của xuất khẩu lao động tới tăng trưởng kinh tế
Nghiên cứu này tập trung phân tích lượng kiều hối gửi về nước hằng năm, từ đó, rút ra kết luận về mối quan hệ. Cho đến nay, các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về tác động của kiều hối tới tăng trưởng và phát triển kinh tế vẫn chưa rõ ràng, mối quan hệ giữa kiều hối và tăng trưởng vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Hầu hết các lập luận lý thuyết của De Bruyn, T. & Wets, J., (2006)1 và Chami, R. et al. (2008)2 đều cho rằng kiều hối có tác động tích cực lẫn tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Kiều hối có thể giúp xóa đói, giảm nghèo nhưng đồng thời làm tăng bất bình đẳng; nâng cao khả năng tiết kiệm và đầu tư nhưng làm tăng tiêu dùng và do đó gây ra lạm phát; cải thiện mức độ tín nhiệm của một quốc gia và tiếp cận với các thị trường tài chính thế giới nhưng lại gây ra “căn bệnh Hà Lan” làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Cuối cùng, kiều hối tạo cơ hội cho tinh thần kinh doanh nhưng lại giảm tinh thần lao động của người nhận tiền. Tác động tích cực của kiều hối tới tăng trưởng kinh tế chủ yếu được xem xét qua các hiệu ứng của hoạt động tích lũy vốn, tăng trưởng nguồn lực lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP- Total Factor Productivity).
Các dòng kiều hối có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ tích lũy vốn trong nền kinh tế nước nhận thông qua rất nhiều cách. Rõ ràng nhất là kiều hối trực tiếp tài trợ vốn cho sự gia tăng tích lũy vốn trong nước, làm giảm hạn chế các hoạt động đầu tư do những giới hạn tài chính. Ngoài ra, các dòng kiều hối có thể ảnh hưởng tới tích lũy vốn thông qua các hiệu ứng của chúng lên sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước. Đến mức mà dòng vốn làm cho nền kinh tế trong nước ít biến động hơn, có xu hướng làm giảm khoản đền bù rủi ro mà các doanh nghiệp yêu cầu để tiến hành đầu tư, từ đó, kích thích đầu tư trong nước. Bằng cách phân tích một mẫu lớn các nước tiếp nhận kiều hối, Chami, Hakura & Montiel (2005)3 cho thấy rằng kiều hối làm giảm biến động sản lượng. Phần tiết kiệm từ kiều hối có thể được sử dụng cho các hoạt động đầu tư trực tiếp. Theo lý thuyết của Keynes, kiều hối sẽ làm tăng tổng cầu và dẫn đến tăng trưởng, kể cả trong trường hợp kiều hối chỉ dùng để tiêu dùng.
Bên cạnh đó, kiều hối tiếp nhận có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng thông qua các tác động lên tỉ lệ tăng trưởng của đầu vào lao động (trong khi giữ cố định mức vốn con người). Một trong những kênh tác động củakiều hối tới đầu vào lao động là thông qua sự tham gia của lực lượng lao động. Lượng kiều hối gửi về một phần được dùng để tiêu dùng vào cải thiện đời sống, đầu tư cho sức khỏe và giáo dục, đặc biệt là cho thế hệ lao động sau nên sẽ có tác động nâng cao chất lượng lực lượng lao động. Kiều hối có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng TFP thông qua các tác động lên hiệu quả của đầu tư trong nước, cũng như các hiệu ứng lên quy mô của ngành sản xuất mà tạo ra các ngoại ứng sản xuất động (Adolfo et al., 2009)4. Ưu tiên của kiều hối là đóng góp cho tiêu dùng và đầu tư, thêm vào đó, kiều hối được sử dụng cho giáo dục (với giả định người nhận đầu tư giáo dục không di cư), bởi vậy, kiều hối làm tăng TFP. Theo nghiên cứu của Lopez – Cordova & Olemda (2006)5, ở Phi-líp-pin có kết quả là tỷ lệ tăng tưởng kiều hối 10% so với thu nhập ban đầu của hộ gia đình sẽ làm tăng tỉ lệ tương ứng số học sinh từ 17 – 21 tuổi. Đây chính là tác động làm tăng đầu tư vào chất lượng giáo dục của kiều hối, góp phần chất lượng nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động, hay chính là TFP góp phần tăng trưởng kinh tế tại các nước nhận. Ngoài ra, những tri thức và kinh nghiệm đúc kết từ thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài (chủ yếu là các quốc gia có nền kinh tế phát triển) sẽ làm tăng giá trị và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn kiều hối chuyển về trong nước.
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
a. Mô hình nghiên cứu
Từ các nghiên cứu thực nghiệm trước, và xuất phát từ đặc điểm của XKLĐ và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, tác giả tiến hành nghiên cứu thực nghiệm tác động của XKLĐ đến tăng trưởng kinh tế thông qua các biến độc lập là kiều hối, cung tiền M2/GDP, sự hình thành tổng vốn cố định và tốc độ tăng trưởng dân số bình quân.
Phương trình nghiên cứu tổng quát:
GDP = f (RE, GFCF, M2, POP) (1)
Từ phương trình (1) thì lấy ln hai vế, ta được mô hình hồi quy cụ thể:
lnGDP = lnRE +lnGFCF+lnM2+lnPOP +U(t) (2)
Trong đó:
Kiều hối RE: được tính là tổng lượng tiền kiều hối gửi về nước, là biến đại diện cho số tiền mà người lao động xuất khẩu gửi về (chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng kiều hối). Sự hình thành tổng vốn cố định (Gross fixed capital formation – GFCF (% GDP): đo lường mức đầu tư vào hạ tầng, từ đó, xác định tiềm năng tăng trưởng tương lai của một nền kinh tế, là biến đại diện đầu tư trong nước. GFCF theo dõi sự đầu tư vào nhà ở và các yếu tố khác như đường xá, cầu cống, đường sắt, mạng lưới điện, máy móc cho nền kinh tế,…
Cung tiền M2/GDP: nghĩa vụ thanh toán nợ, đo mức thanh khoản của hệ thống tài chính, đo quy mô của khu vực trung gian tài chính so với nền kinh tế, là một trong những thước đó độ sâu tài chính. Tỷ lệ cung tiền M2/GDP là đại diện mức độ phát triển tài chính. Mức độ phát triển tài chính của một quốc gia được xem là một trong những nhân tố quan trọng để thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cung tiền M2 bao gồm tiền mặt ngoài ngân hàng, tiền ngân hàng và những khoản gửi có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt mà hầu như không có mất mát. Ở Việt Nam, chủ yếu sử dụng M2 để nghiên cứu.
Tỷ lệ tăng trưởng dân số POP: là biến đại diện cho nguồn vốn nhân lực của quốc gia. Đối với một nền kinh tế, lao động là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, là đầu vào không thể thiếu đối với mọi ngành sản xuất – kinh doanh. Vì vậy, đây là một nhân tố tạo nên tăng trưởng kinh tế và thu nhập quốc dân. Như đã phân tích, kiều hối có tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đối với nguồn nhân lực quốc gia.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực được tính theo công thức, GDP danh nghĩa chia cho chỉ số giá tiêu dùng (năm gốc: 2010).
b. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy hai bước Engle – Granger với các bước:
– Kiểm tra tính dừng của các chuỗi dữ liệu. Nếu các chuỗi cùng dừng ở chuỗi gốc, thực hiện hồi quy mô hình (2) bằng OLS.
– Nếu các chuỗi cùng dừng sau khi lấy sai phân bậc 1, thực hiện hồi quy Hai bước Engle – Granger như sau:
+ Ước lượng phương trình (cân bằng) dài hạn (2) bằng OLS. Sau đó kiểm định tính dừng của phần dư. Kiểm định đồng liên kết là kiểm định chuỗi phần dư có dừng hay không, được thực hiện bởi kiểm định ADF. Nếu là đồng liên kết, tức là ước lượng OLS của mô hình là bền vững.
+ Ước lượng Mô hình Hiệu chỉnh sai số (Error Correction Model – ECM).
Ước lượng OLS mô hình sau với các chuỗi đã dừng do được lấy sai phân:
c. Số liệu và nguồn dữ liệu
Dữ liệu trong bài viết được thu thập từ năm 1991 – 2021 với 31 quan sát.
Kết quả phân tích mô hình
a. Kiểm tra tính dừng
b. Hồi quy OLS mô hình (2)
c. Kiểm tra tính dừng của chuỗi phần dư
d. Ước lượng mô hình Hiệu chỉnh sai số (Error Correction Model – ECM)
Bằng cách hồi quy phương trình (3) với các chuỗi sai phân bậc 1 (là các chuỗi dừng). Mục đích là tìm mối quan hệ trong ngắn hạn của biến lnGDP và các biến độc lập. Hệ số hồi quy của Ut-1 của mô hình phải mang dấu âm thì mô hình mới được coi là bền vững, đáng tin cậy.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả thực nghiệm nghiên cứu cho thấy, lượng kiều hối có mối quan hệ cùng chiều với tăng trưởng kinh tế7, điều này phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội ở Việt Nam, lao động cùng với kiều hối gửi về có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam vì những lý do sau:
Thứ nhất, XKLĐ giúp xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống do đa phần lao động xuất khẩu đều xuất phát từ điều kiện khó khăn, đi lao động để cải thiện đời sống cho gia đình, những người thân ở quê nhà.
Thứ hai, XKLĐ góp phần nâng cao chất lượng lực lượng lao động trong nước. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, đa phần số lao động trước khi xuất khẩu đều có trình độ tay nghề còn kém hoặc là chưa có tay nghề, đều sẽ được đào tạo lại hoặc đào tạo mới. Sau khi hoàn thành các khóa học cũng như kết thúc hợp đồng làm việc, người lao động đã trưởng thành hơn về các kĩ năng lao động cũng như các kiến thức xã hội, văn hóa, pháp luật và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, nhờ nhận thức được nâng cao, nhiều lao động sau khi trở về nước không tìm việc ngay mà chọn con đường tiếp tục học, nâng cao trình độ. Đây là tác động tốt của XKLĐ, giúp người lao động có được nền tảng vững chắc khi tìm việc làm sau này.
Thứ ba, XKLĐ làm nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp – TFP ở Việt Nam. Phần kiều hối mà người lao động gửi về gia đình được dùng vào giáo dục, nâng cao đời sống, sức khỏe,… của người thân, nhất là đối với những thế hệ trẻ. Hơn nữa, những lao động đã được tiếp cận với nền kinh tế hiện đại, tiên tiến ở các nước cóđiều kiện ứng dụng những kiến thức, kỹ năng để phát triển sản xuất – kinh doanh khi trở về, nâng cao chất lượng sử dụng vốn, đầu tư và góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. XKLĐ còn là công cụ chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại từ nước ngoài, giúp đào tạo lực lượng lao động có chất lượng, vừa nâng cao tay nghề vừa rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ cương, kỷ luật cho lao động Việt Nam
Thứ tư, lượng kiều hối đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư trong nước, không chỉ đầu tư vào vốn vật chất (vào sản xuất – kinh doanh) mà còn đầu tư vào vốn con người (sức khỏe và giáo dục) nên có đóng góp vào tăng trưởng của GDP. Theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có 88,9% số người được hỏi khẳng định có tích lũy từ XKLĐ. Trong đó, mức tích lũy cao và ổn định nhất là của lao động ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc với tích lũy 3 năm thứ tự là khoảng 312 triệu đồng/ người và 243 triệu đồng/người8.
Hàm ý chính sách
Từ kết quả của mô hình và tổng quan về XKLĐ ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm từng bước cải thiện hoạt động XKLĐ, cụ thể:
Một là, tăng số lượng và chất lượng lao động xuất khẩu.
Cần quan tâm hơn đến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực có nền kinh tế phát triển, với mức lương cao. Nâng cao chất lượng dự báo để cập nhật tốt hơn về cung – cầu lao động của thị trường lao động thế giới; nâng cao năng lực tìm kiếm thị trường và đàm phán, ký kết hợp đồng XKLĐ. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo trước khi XKLĐ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đặc biệt là cập nhật đào tạo các nghề mới mà thị trường lao động cần. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho lao động xuất khẩu của Việt Nam, tăng tính cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm: trình độ tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kỷ cương trong công việc, tuân theo pháp luật,… Hơn nữa, các chính sách về kiều hối cần thông thoáng hơn để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài chuyển tiền về qua các kênh chính thức.
Hai là, tăng hiệu quả sử dụng lao động “hậu xuất khẩu”.
Điều này đòi hỏi các ngành chức năng, doanh nghiệp xuất khẩu và các địa phương cần phối hợp thiết lập ngân hàng dữ liệu về người đi XKLĐ; quản lý thông tin về trình độ, nghề nghiệp, thị trường lao động; xây dựng phương án cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp khi người lao động hết hạn hợp đồng trởvề nước. Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức, hoạt động các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối cung – cầu lao động với doanh nghiệp tích cực, hiệu quả hơn.
Ba là, tăng cường thực thi chính sách, từng bước kiểm soát dòng kiều hối.
Nghiên cứu, xây dựng, thực thi hiệu quả những chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực con người, như: giáo dục, sức khoẻ cộng đồng… nhằm tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệp của một số quốc gia về những chính sách hướng các dòng kiều hối vào các chương trình phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp trong nước hình thành và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức tương ứng của Việt kiều, nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau.