Những vấn đề pháp lý về cán bộ, công chức cấp xã hiện nay – thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật tại cơ sở. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước. Bài viết phân tích, đánh giá quy định hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã, đồng thời, kiến nghị về tăng cường chất lượng cán bộ, công chức cấp xã qua nghiên cứu thực tiễn tại TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa (luatvietnam.vn).
Quy định của pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã

Hiện nay, cán bộ, công chức (CBCC) được phân định theo cấp đơn vị hành chính. Theo quy định của pháp luật, ngoài việc phân chia công chức ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, còn có công chức cấp xã. Các chủ thể thuộc đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) đều là những cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, pháp luật khẳng định công chức cấp xã là công chức nhà nước là hoàn toàn phù hợp.

Luật CBCC dành một chương để nói về CBCC cấp xã, theo đó, Luật quy định công chức là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước1. Theo đó, công chức cấp xã bao gồm các chức danh sau: trưởng công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14); chỉ huy trưởng quân sự; văn phòng – thống kê; địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch; văn hóa – xã hội.

Bên cạnh đó, Luật CBCC cũng phân định công chức cấp xã và cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực HĐND, UBND, bí thư, phó bí thư đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội2.

Cán bộ cấp xã giống công chức cấp xã đều là công dân Việt Nam, được giao giữ một công vụ thường xuyên, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách. Tuy nhiên, công chức cấp xã khác cán bộ cấp xã ở khía cạnh, công chức cấp xã chỉ có trong cơ quan hành chính cấp xã là UBND, còn cán bộ cấp xã có cả trong cơ quan Đảng, HĐND, UBND và các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã. Công chức được giao giữ một chức vụ mang tính chuyên môn, nghiệp vụ, còn cán bộ cấp xã gắn với chế độ bầu cử3.

Những năm qua, đội ngũ CBCC ở cấp xã đã có những đổi mới tích cực theo hướng trẻ hóa và chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, dần đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cả nước có 10.599 đơn vị hành chính cấp xã với tổng số 212.606 cán bộ, công chức (bình quân 20,6 người/xã). Con số này so với năm 2015 giảm 20.833 người (tương ứng giảm khoảng 9%)4.

Về việc nâng cao chất lượng CBCC cấp xã, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại sau:

Một là, số lượng văn bản quy phạm pháp luật cồng kềnh, tình trạng các quy phạm chồng chéo, mâu thuẫn là phổ biến, ngoài ra văn bản hành chính của cơ quan hành chính từ trung ương tới địa phương ban hành cũng điều chỉnh về CBCC cấp xã, nhiều trường hợp văn bản quy phạm pháp luật không bao quát hết các tình huống trên thực tế nên phải áp dụng văn bản hành chính để điều chỉnh.

Hai là, trong văn bản quy định về CBCC nói chung và CBCC cấp xã không ít các quy định, các khái niệm chưa thống nhất.

Ba là, thiếu chiến lược quy hoạch, xây dựng, phát triển đội ngũ CBCC cấp xã, hiện nay, các bộ, ban, ngành mới chỉ tập trung đầu tư phát triển đội ngũ CBCC cấp huyện trở lên. Theo kết quả nghiên cứu, hiện chế độ, chính sách CBCC cấp xã còn “khác xa” so với CBCC cấp huyện. Đề án vị trí việc làm của CBCC cấp xã chưa có bản mô tả và khung năng lực. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành trong những năm qua về CBCC cấp xã nặng về xử lý tình huống, thực tế chưa có cơ sở chính trị – pháp lý thích ứng để cụ thể hóa, tạo chuyển biến về chất lượng đối với CBCC cấp xã.

Hiện nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chứcLuật Viên chức năm 2019, đối với chế định công an cấp xã thì chế độ tiền lương, biên chế đối với lực lượng công an xã còn thấp, chức danh trưởng công an xã (nơi chưa tổ chức lực lượng công an chính quy) nằm trong biên chế cấp xã, là công chức cấp xã, trong khi thực tế công việc đối với công an xã ngày càng lớn và phức tạp. Nhằm kiện toàn đội ngũ công an nhân dân từ cấp trung ương đến địa phương, theo tác giả nên quy định chế độ chính sách đối với phó trưởng công an xã và lực lượng công an viên.

Pháp luật về cán bộ, công chức cấp xã tại TP. Hồ Chí Minh

Sau khi áp dụng Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh thì biên chế công chức và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở phường có sự thay đổi như sau:

(1) Về số lượng biên chế.

Việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh đã góp phần giải quyết có hiệu quả, đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa tại thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thành phố ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc bố trí số lượng công chức làm việc tại phường chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt đối với 39/249 phường có dân số từ 50 nghìn người trở lên, trong đó có: phường Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Đức); Hiệp Thành (quận 12) và Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) có dân số trên 100 nghìn người. Thành phố nhận thấy với số lượng cán bộ bình quân 15 người/phường không đủ đáp ứng để giải quyết khối lượng công việc tại phường. Do đó, cần điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 33/2021/NĐ-CP từ bình quân 15 người/phường trong một quận, thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh lên bình quân 17 người/phường tại để đáp ứng việc triển khai các nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội, quản lý hạ tầng cơ sở tại địa phương.

Số lượng 2 công chức đề xuất tăng thêm trên cơ sở số lượng cán bộ giảm ở 2 chức danh phó chủ tịch HĐND phường và chủ tịch Hội Nông dân phường (không còn chức danh phó chủ tịch HĐND và hiện tại chỉ còn 32/249 phường có ban chấp hành Hội Nông dân) trên địa bàn thành phố khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14.

Như vậy, tổng số CBCC tại phường nếu được tăng thêm 2 công chức sẽ là 23 người, phù hợp và tương ứng với số lượng CBCC được giao đối với đơn vị hành chính cấp xã loại 1 theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 17/5/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 – 2030.

Một trong những mục tiêu trọng tâm cải cách hành chính 10 năm tới của thành phố là cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, nhiệm vụ đặt ra của thành phố là xây dựng đội ngũ CBCC, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước, trong đó chú trọng cải cách chính sách tiền lương, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Do đó, thực tiễn yêu cầu cần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm việc tại phường, bố trí 1 công chức chuyên trách về công nghệ thông tin nhằm bảo đảm vận hành các chương trình phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin tại phường, đáp ứng công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số là rất cần thiết.

(2) Về số lượng người hoạt động không chuyên trách phường.

Thực hiện theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ giảm bớt một số chức danh người hoạt động không chuyên trách, tuy nhiên thực tế tại địa bàn thành phố, công tác quản lý dân cư phức tạp hơn nên việc áp dụng đồng bộ cho tất cả các vùng, khu vực nông thôn, thành thị sẽ gây nhiều khó khăn cho khu vực TP. Hồ Chí Minh, nơi được xem như một siêu đô thị, mật độ dân cư lớn, nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động.

Hiện nay, theo thống kê, số lượng người hoạt động không chuyên trách phường bình quân giảm 8 người/phường. Thành phố đã thực hiện sắp xếp giảm 2.299 người khi áp dụng Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, qua triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2021 khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương đã ghi nhận với số lượng người hoạt động không chuyên trách tối đa 14 người tại phường, xã, thị trấn loại 1 không đủ khả năng đáp ứng khối lượng công việc giải quyết an sinh xã hội phục vụ Nhân dân, dẫn đến tình trạng bị quá tải, trong thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ Nhân dân. Nên chăng, thành phố có thể kiến nghị Chính phủ cho phép HĐND thành phố căn cứ trong ngân sách thành phố, đặc điểm, tình hình, tính phức tạp của từng địa bàn phường bố trí tăng thêm số lượng người hoạt động không chuyên trách ngoài quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Về bổ nhiệm phó chủ tịch UBND phường đối với người hoạt động không chuyên trách thì căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 131/2020/QH14, phó chủ tịch UBND phường là công chức thuộc biên chế của UBND quận, thành phố thuộc thành phố. Đối với trường hợp người hoạt động không chuyên trách phường được bổ nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND phường phải thực hiện tiếp nhận vào làm công chức (công chức từ cấp huyện trở lên) trước khi bổ nhiệm chức danh. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì người hoạt động không chuyên trách phường không thuộc đối tượng và không đủ điều kiện để thực hiện tiếp nhận vào làm công chức. Theo đó, hiện tại, Thành phố chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện bổ nhiệm chức vụ phó chủ tịch UBND phường đối với các trường hợp người hoạt động không chuyên trách.

Từ ngày 01/01/2021, căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, số lượng CBCC, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính, cụ thể: phường loại 1: tối đa 23 CBCC và 14 người hoạt động không chuyên trách; phường loại 2: tối đa 21 CBCC và 12 người hoạt động không chuyên trách; phường loại 3 tối đa: tối đa 19 CBCC và 10 người hoạt động không chuyên trách. Theo đó, bình quân 1 phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố khi thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ giảm số lượng 2 CBCC và 8 người hoạt động không chuyên trách. Bên cạnh đó, thực hiện sắp xếp số lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn đã tiến hành giải quyết chế độ, chính sách đối với 2.299 trường hợp dôi dư trên toàn địa bàn thành phố5.

Giải pháp về tăng cường chất lượng cán bộ, công chức cấp xã

Từ những phân tích về tình hình CBCC cấp xã, tác giả đưa ra các giải pháp:

Thứ nhất, đề xuất củng cố, bổ sung nhân sự còn thiếu để bảo đảm thực hiện khối lượng công việc như hiện nay.

Thứ hai, bảo đảm thực hiện đề án vị trí việc làm, cần xác định rõ vị trí từng công chức, người hoạt động không chuyên trách, trong đó mô tả rõ công việc của từng vị trí, mô tả khung năng lực cần thiết cho từng vị trí và khối lượng công việc.

Thứ ba, do tính chất công việc tại xã, phường có thể làm ngoài giờ để liên hệ người dân, đi khảo sát, nắm tình hình địa bàn nên cần có cơ chế điều chỉnh mức phụ cấp thêm giờ phù hợp với tình hình thực tế và cân đối ngân sách thành phố, bảo đảm thu nhập để thu hút người làm tại xã, phường.

Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dựa trên phần mềm, số hóa nhằm giảm bớt nhân lực quản lý, tuy nhiên cần có lộ trình thực hiện, bảo đảm số lượng nhân sự cần thiết ban đầu để xây dựng dữ liệu, khi đã có nền tảng dữ liệu cơ bản mới thực hiện giảm số người quản lý.

Thứ năm, điều chỉnh phụ cấp cho các chức danh không chuyên trách và người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã cho phù hợp với tình hình ngân sách của TP. Hồ Chí Minh, đồng thời, vận dụng chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn cao hơn so với quy định. Quan tâm chế độ hỗ trợ đối với cán bộ không chuyên trách tại phường, xã, phường, thị trấn nhằm tạo điều kiện, động lực cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chú thích:
1. Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019.
2. Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
3. Tạ Đức Hòa. Quá trình hình thành và vai trò của đội ngũ công chức cấp xã ở Việt Nam. Tạp chí Tổ chức nhà nước tháng 02/2016, tr. 38.
4. Đề xuất tăng biên chế cán bộ, công chức cấp xã. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn, ngày 16/4/2023.
5. Ban Chấp hành Đoàn Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh. Tham luận về việc thanh niên Sở Nội vụ với công tác thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, tr.1.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh