Một số tiêu chí nhận diện thành phố thông minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Tiêu chí để xác định một cộng đồng dân cư trong một khu đô thị thông minh hoặc một thành phố thông minh được quan niệm với nhiều ý kiến khác nhau, song tựu chung lại, việc xác định tiêu chí này, cần ác định tiêu chí nhân diện về thành phố thông minh được cấu thành bao gồm 6 thành tố: (1) Môi trường thông minh; (2) Đời sống thông minh; (3) Nền kinh tế thông minh; (4) Di chuyển thông minh; (5) Chính quyền/quản trị thông minh; (6) Cư dân thông minh. Từng thành tố lại có yêu cầu riêng, bài viết nêu một số tiêu chí nhận diện thành phố thông minh hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Môi trường thông minh 

Để có môi trường thông minh, các sinh hoạt, vận hành của thành phố phải được thực hiện theo cách thức để lại ít nhất các dấu ấn sinh thái của mình mà không ảnh hưởng tới các yêu cầu khác, như: yêu cầu về di chuyển và yêu cầu về chất lượng sống của người dân. Điều này đòi hỏi, ngay từ trong khâu quy hoạch thành phố, yêu cầu bảo vệ môi trường (việc xanh hóa lối sống) đã được coi trọng. Việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một gợi ý quan trọng.

Môi trường thông minh liên quan tới các vấn đề sau: hiệu quả sử dụng năng lượng; các nguồn năng lượng tái tạo; bảo vệ môi trường; giảm thiểu ô nhiễm; đầu vào là các nguồn lực bền vững, chẳng hạn, việc sử dụng vật liệu gỗ thay cho vật liệu xi măng, sắt thép và kính nếu có thể; sự hấp dẫn về điều kiện môi trường; nhà ở bền vững; quy hoạch thành phố bền vững.

Đời sống thông minh

Các yêu cầu đối với đời sống thông minh chính là các yêu cầu quyết định chất lượng sống của cư dân đô thị, như: các cơ sở văn hóa; hệ thống chăm sóc sức khỏe/y tế); hệ thống an ninh; hệ thống nhà ở; sự gắn kết xã hội; sự hấp dẫn về du lịch và hệ thống giáo dục, đào tạo.

Nền kinh tế thông minh

Kinh tế của thành phố thông minh sẽ là nền kinh tế có sức cạnh tranh cao. Đó chính là nền kinh tế của đổi mới sáng tạo, ở đó, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo được hình thành và vận hành hiệu quả nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu (cung ứng hàng hóa, dịch vụ) cho các vấn đề dân sinh cùng sự đổi mới liên tục các mô hình kinh doanh. Nền kinh tế thông minh đòi hỏi cần đáp ứng yêu cầu sau: tinh thần đổi mới sáng tạo; tinh thần doanh nghiệp; năng suất cao; kết nối mạng lưới toàn cầu và địa phương; sự vận hành linh hoạt của thị trường lao động, từ đó, bảo đảm sự cơ động xã hội trong các giai tầng dân cư.

Di chuyển thông minh

Di chuyển thông minh là yếu tố cốt lõi trong các sáng kiến thành phố thông minh, nhất là trong bối cảnh nhu cầu đi lại của cư dân đô thị rất lớn (ít nhất là di chuyển từ nơi ở tới nơi làm việc và ngược lại) và tình trạng giao thông thường bị tắc nghẽn, ùn ứ. Sáng kiến di chuyển thông minh được thực hiện nhằm theo đuổi các mục đích sau: duy trì các hệ thống giao thông bền vững, sáng tạo và an toàn; cư dân có thể tiếp cận dễ dàng với nhiều phương thức giao thông khác nhau; sự sẵn có của các phương tiện giao thông phù hợp trong toàn thành phố; sự bao gồm cả các vận tải phi cơ giới; sự tích hợp ICT trong hệ thống giao thông.

Để đáp ứng nhu cần di chuyển thông minh thành phố cần giải quyết các vấn đề sau: hệ thống chỉ dẫn giao thông; chỗ đỗ xe có gắn cảm biến; dự báo tình trạng ùn ứ/ách tắc giao thông gắn với các đèn giao thông thông minh; hệ thống chia sẻ xe ô tô và xe đạp, phương tiện giao thông công cộng tự động và phương tiện giao thông cá nhân.

Trong thực tế, nhiều sáng kiến về di chuyển thông minh đã được thực hiện. Chẳng hạn, việc sử dụng một loại thẻ giao thông có thể tiếp cận được cả hệ thống giao thông công cộng đường bộ (xe buýt), giao thông công cộng đường sắt, giao thông công cộng tàu điện ngầm… sẽ làm cho việc di chuyển của dân chúng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ý tưởng thiết kế những chỗ băng qua đường bằng hệ thống bảng điện tử (LED), thay cho các chỗ băng qua đường được kẻ bằng vạch vôi truyền thống có thể linh hoạt điều chỉnh địa điểm đặt chỗ băng qua đường.

Chính quyền thông minh 

Thành tố chính quyền thông minh gắn liền với việc số hóa các hoạt động của chính quyền và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, các dịch vụ đăng ký, cấp phép, cấp giấy chứng nhận mà trước đây chính quyền và người dân phải thực hiện bằng thủ công, gặp mặt trực tiếp và dựa trên hệ thống giấy tờ thì nay có thể thực hiện bằng phương tiện điện tử (thông qua hệ thống máy tính và điện thoại thông minh). Thêm vào đó, toàn bộ quá trình ra quyết định, sự tham gia của người dân vào quá trình quản trị thành phố có thể thực hiện thông qua phương tiện trực tuyến. Các yêu cầu đối với chính quyền thông minh bao gồm: sự tham gia của công chúng, cung cấp dịch vụ công của chính quyền thành phố, hệ thống dữ liệu mở và minh bạch, chính quyền điện tử và hệ thống thông tin và truyền thông.

Nói về chính quyền thông minh có thể kể tới Estonia – một quốc gia tiên phong trong việc xây dựng chính quyền số (và chính quyền thông minh). Ở Estonia, mọi công dân đều được cấp mã số công dân số và một thẻ định danh công dân có gắn chip điện tử. Thẻ định danh công dân được sử dụng đồng thời là bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, thẻ y tế, thẻ thư viện và thẻ tích điểm mua sắm hàng hóa. Thẻ này cũng được sử dụng trực tuyến để thực hiện các giao dịch với chính quyền (chẳng hạn: ký giấy tờ, khai thuế, đăng ký doanh nghiệp). Về nguyên tắc, mọi giao dịch (ngoại trừ kết hôn, ly hôn và mua bán bất động sản) đều có thể thực hiện trực tuyến. Đi kèm với việc số hóa đó, Estonia rất coi trọng việc bảo đảm an ninh, an toàn cho các giao dịch trực tuyến của công dân.

Cư dân thông minh

Cư dân của thành phố thông minh cần đáp ứng những yêu cầu nhất định, bao gồm: có năng lực cá nhân phù hợp với sự vận hành của thành phố thông minh; có tâm thế sẵn sàng cho việc học tập suốt đời; sự đa dạng về xã hội và chủng tộc; sáng tạo; tư duy mở và sẵn sàng/tích cực tham gia đời sống chung của cộng đồng/thành phố.

Tương đồng với cách tư duy kể trên nhưng chi tiết hơn, diễn đàn cộng đồng thông minh, một tổ chức đóng tại New York hàng năm chọn lựa 21 thành phố được xem là “thành phố thông minh” sau đó chọn còn 7 và chỉ chọn để trao giải duy nhất 1 thành phố đã đưa ra hệ tiêu chí như sau:

(1) Có dịch vụ mạng băng thông rộng để phục vụ nhu cầu của chính quyền, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục (trường học), các hộ gia đình và doanh nghiệp.

(2) Có hệ thống giao thông thông minh gồm: giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và hệ thống giao thông công cộng thông minh. Mức độ thông minh của hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, xe đạp/ô tô xét từ khía cạnh: sự kiểm soát, mức độ thích ứng với các dạng sử dụng khác nhau trong ngày và trong tuần, mức độ an ninh, an toàn khi sử dụng.

(3) Có hệ thống năng lượng thông minh và mức độ bền vững (khả năng cung cấp năng lượng dự phòng khi xảy ra tình huống khẩn cấp, mức độ an toàn của hệ thống điện…).

(4) Có dịch vụ tiện ích (điện, nước, khí đốt…) chất lượng cao và được quản lý hiệu quả.

(5) Hệ thống giáo dục có độ bao phủ hợp lý và chất lượng cao (từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và sau đại học phải đáp ứng nhu cầu của người dân và thị trường lao động).

(6) Hệ thống y tế có độ bao phủ hợp lý và chất lượng cao (gồm: duy trì hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, các cơ sở thể dục, thể thao, các chương trình rèn luyện thể chất có chất lượng để người dân duy trì được tình trạng khỏe mạnh của mình).

(7) Có tinh thần cộng đồng và mức độ tham gia tích cực của người dân trong việc ra quyết định của chính quyền (cơ chế để bảo đảm người dân được tham gia trong quá trình ra quyết định của chính quyền thành phố đồng thời việc triển khai các dự án thành phố thông minh nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân).

(8) Có hệ thống nhà ở, việc làm phù hợp (người dân phải tiếp cận được hệ thống nhà ở thương mại và nhà ở xã hội hợp lý để có chỗ ở phù hợp, người dân cũng phải có việc làm phù hợp và có ý nghĩa, có sự ổn định về nguồn thu nhập/tài chính, bảo đảm hệ thống tài chính lành mạnh cùng tăng trưởng kinh tế vững bền). Đây là các chỉ số then chốt để xác định xem liệu các công nghệ thông minh được sử dụng khi xây dựng thành phố thông minh có giúp cho việc xây dựng thành phố có điều kiện sinh sống cho người dân tốt hơn cùng một tương lai tươi sáng hơn không.

(9) Tài chính ổn định, kế hoạch tài chính có chất lượng và có sự mở rộng hoạt động kinh tế. Thành phố phải có một nền kinh tế sôi động cùng hệ thống thuế phù hợp (nhiều siêu đô thị có thể trở nên vượt quá quy mô phù hợp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững cũng như khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị. Đây là những bài toán cần được giải quyết khi chuyển từ thành phố truyền thống sang thành phố thông minh).

(10) Hệ thống kiểm soát tự động an toàn và có hiệu lực cho tất cả các hạ tầng. Các hệ thống kiểm soát công nghiệp tự động (còn gọi là các mạng lưới SCADA), các thuật toán của phần mềm máy tính, trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện hiệu quả và giảm bớt chi phí chính quyền và cho phép thành phố thông minh phát triển. Các hệ thống kiểm soát này có thể giúp: tối ưu hóa hiệu quả tiêu thụ năng lượng; giảm bớt ùn/ứ và tắc nghẽn giao thông; cải thiện hệ thống giao thông; cung cấp các dịch vụ tiện ích hiệu quả… Hệ thống đó cũng phải đủ sức chống lại các cuộc tấn công mạng và đáp ứng nhu cầu của người dân.

(11) Có sẵn các dịch vụ thư viện, văn hóa và nghệ thuật có chất lượng. Sự sẵn có của các thiết chế văn hóa, thể thao, thẩm mỹ, thư viện cũng là một tiêu chí quan trọng của thành phố thông minh.

(12) Tăng trưởng và phát triển bền vững. Thành phố thông minh phải bảo đảm sự thành công trên các khía cạnh: kinh tế, việc làm, tăng dân số, quản trị công, sự tham gia của công dân vào hoạt động chung của cộng đồng, hệ thống hạ tầng hiệu quả cho các dịch vụ tiện ích (điện, nước, năng lượng), hệ thống giao thông, thông tin và công nghệ thông tin… Nền kinh tế của thành phố thông minh cần chuyển sang mô hình “kinh tế tuần hoàn” để giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm.

(13) Quy hoạch bao trùm và có hiệu lực cao để hỗ trợ tăng trưởng. Đây là quy hoạch để bảo đảm sự thành công của thành phố thông minh, tính tới 7 yếu tố thúc đẩy là: dân số, môi trường, năng lượng, chính quyền, kinh tế, bản sắc văn hóa/tôn giáo/ngôn ngữ và công nghệ.

(14) Có tầm nhìn xa. Thành phố thông minh phải có tầm nhìn chiến lược (tầm nhìn xa) về tương lai phát triển của thành phố.

Một điều cần lưu ý khi triển khai dự án về thành phố thông minh đó là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Các công nghệ số, hệ thống công nghệ thông tin, robot, trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện các khía cạnh đời sống và sinh hoạt trong thành phố thông minh trong tương lai nhưng nếu thiếu một hệ thống phòng thủ không gian mạng (hệ thống an ninh, an toàn mạng hữu hiệu), các công cụ này sẽ đưa những trung tâm đô thị công nghệ cao đối mặt với những rủi ro và hàng loạt các cuộc tấn công mạng.

Chú thích:
1. Thành phố thông minh: Quan niệm quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam. http://lapphap.vn, truy cập ngày 24/9/2021.
TS. Doãn Minh Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia