Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Sáng ngày 20/6/2023 tại Hà Nội, Khoa Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Học viện: Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp tỉnh. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Toàn cảnh Hội thảo.

Dự Hội thảo, có TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; GS. TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà khoa học công tác tại Viện Nghiên cứu Lập pháp, Bộ Tư pháp, Vụ Chính quyền địa phương; các giảng viên, học viên, sinh viên của Khoa Nhà nước và Pháp luật. Trực tuyến đến các phân viên Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên, Khu vực Miền Trung.

PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật khẳng định: đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là vấn đề được nhiều nhà khoa học, nghiên cứu chính sách, chuyên gia quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, theo đó tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để có thể góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, cách thức tổ chức thực hiện và tham mưu cho các cơ quan các cấp nội dung liên quan đến đổi mới, sắp xếp đối với toàn bộ các cơ quan trong bộ máy hành chính, với tinh thần cởi mở, khoa học, khách quan, cầu thị, Hội thảo mong nhận được các ý kiến đóng góp về các nội dung: (1) Mô hình và thực trạng tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, (2) Rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, (3) Giải pháp hoàn thiện pháp luật để tổ chức và hoạt động các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh..

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng thay mặt lãnh đạo Học viện cảm ơn sự có mặt của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm viết bài và tham gia Hội thảo. Các bài viết gửi tới Hội thảo đã đóng góp quan trọng vào nhận diện rõ ràng, đầy đủ những vấn đề pháp lý đang đặt ra trong hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh  đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả. TS. Lại Đức Vượng đề nghị ban tổ chức hội thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham luận và viết bài, chúc Hội thảo thành công rực rỡ.

TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp trình bày tham luận.

Trình bày tại Hội thảo TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự – hành chính, Bộ Tư pháp tham luận với nội dung: Mô hình tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh đáp ứng yếu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Thông qua đưa ra các khái niệm về quản trị quốc gia tốt, đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả, các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, từ đó, đề xuất ý kiến để sắp xếp, hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức, hoạt động của các đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh.

TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ tham gia tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra kinh nghiệm thực tế về tổ chức, hoạt động của một số đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh, qua đó cho rằng số lượng của các đơn vị thuộc UBND cần linh hoạt, phù hợp với thực tế từng địa phương và quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của các đơn vị cũng cần linh hoạt phù hợp với yêu cầu của phát triển.

TS. Đinh Văn Minh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận.

TS. Đinh Văn Minh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để cải cách hoạt động của các tổ chức, đơn vị thuộc UBND cấp tỉnh rất khó khăn và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, tổ chức, do đó, quy định về tổ chức, hoạt động của các đơn vị thuộc UBND cũng cần phụ thuộc vào yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh cần phân biệt và hiểu đúng công tác thanh tra và công tác kiểm tra, có quy định về công tác thanh tra của các sở thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp.

TS. Trần Quyết Thắng, giảng viên công tác tại Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận nội dung về xung đột và cơ chế hóa giải xung đột khi giải quyết những vấn đề liên ngành trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tình. Thông qua thực tế hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND các tỉnh chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến xung đột: sự mâu thuẫn hoặc thiếu chi tiết của thể chế; khác biệt trong quan điểm quản lý của các cơ quan chuyên môn; những vấn đề liên ngành cần giải quyết trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chưa có tiền lệ. Từ đó đề xuất cơ chế hóa giải xung đột: xây dựng đội ngũ hoặc phương tiện chuyên biệt để rà soát, ghi nhận và xử lý các xung đột; cơ chế pháp luật và quy chế phối hợp; cơ quan thẩm quyền chung hoặc cơ quan chuyên môn ở trung ương thống nhất quan điểm giải quyết vấn đề liên ngành.

TS. Nguyễn Thu Huyền, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật trình bày tham luận.

TS. Nguyễn Thu Huyền trình bày tham luận Tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn từ thực tiễn thành phố Hải phòng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuộc UBND của tỉnh nói chung và của thành phố Hải Phòng nói riêng: chủ động hơn trong công tác tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn; tiếp tục nâng cao chất lượng đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Vũ Văn Tính, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật trình bày tham luận.

TS. Vũ Văn Tính trình bày tham luận Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cấp vùng của Cộng hòa Pháp và hàm ý cho Việt Nam. Thông qua nghiên cứu về chính quyền địa phương và phân quyền cho chính quyền địa phương của Pháp và so sánh với Việt Nam. Từ đó đưa ra các gợi ý về chính sách cho Việt Nam trong cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn trong chính quyền địa phương cấp tỉnh: chủ động thành lập các cơ quan chuyên môn tùy theo theo tình hình thực tế mỗi địa phương, việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn một cách chủ động, linh hoạt có thể phát huy tối đa nguồn lực địa phương; chính quyền địa phương cần được quyền tự quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan chuyên môn, bên cạnh biên chế dài hạn thì thực hiện chế độ hợp đồng, vụ việc.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Một số tham luận khác đã đưa ra ý kiến về các nội dung, như: cần phải có phương pháp nhằm lượng hóa, xem xét, đánh giá chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác vận hành, quản lý của mỗi địa phương, từ đó sẽ xác định được cần bao nhiêu đơn vị trực thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp. Cần có phương thức để phân bổ nguồn lực con người phù hợp theo từng đơn vị cùng với đó là nguồn lực về cơ sở, vật chất, tài chính để đáp ứng yêu cầu của công tác. Bên cạnh đó là phân cấp, phân quyền cho các địa phương bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác và có phương pháp kiểm tra phù hợp…

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh cảm ơn các ý kiến tham luận và bài viết tham gia Hội thảo của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học quan tâm. Những kiến thức, kinh nghiệm sẽ được vận dụng vào công tác tham mưu xây dựng chính sách,  giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh

Tin, ảnh: Xuân Phú