Một số phương pháp đo nghèo đa chiều hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong các nghiên cứu trước đây, phương pháp đánh giá và đo lường nghèo vẫn dựa trên tiêu chí thu nhập (chi tiêu) và chuẩn  nghèo được xác định trên cơ sở chi phí dành cho các nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, hiện nay, tiêu chí đo lường theo thu nhập không còn phù hợp bởi tính đa chiều của sự nghèo khi có những chiều nghèo không được đo bằng thu nhập. Bài viết tổng hợp một số phương pháp đo lường nghèo trên thế giới và Việt Nam, từ đó, áp dụng để đo lường đánh giá nghèo đa chiều ở Việt Nam.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Nghèo đói là một trong những rào cản lớn làm giảm khả năng phát triển con người, giảm khả năng phát huy các ưu điểm của cộng đồng, mọi lứa tuổi. Trong thực tế hiện nay, người nghèo thường gặp những khó khăn nhất định khi tiếp cận các dịch vụ xã hội, như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin…

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: nghèo đa chiều đó là sự mất đi tình trạng ấm no (ấm no có thể được đo bằng việc sở hữu của cá nhân về thu nhập, sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, tài sản, nhà ở và các quyền nhất định trong xã hội như quyền tự do ngôn luận). Nghèo đa chiều còn là sự thiếu hụt các cơ hội, thiếu quyền lực, khả năng và tình trạng dễ bị tổn thương1.

Vì vậy, nghèo đa chiều có thể được hiểu là tình trạng con người không được đáp ứng một hoặc một số nhu cầu cơ bản trong cuộc sống.

Nhìn vào bảng tổng hợp trên, sự khác biệt cơ bản của 3 quan điểm trên như sau:

– Với quan điểm của Liên hiệp quốc (UNDP), nghèo đói được tính đến điều kiện khó khăn trong phát triển con người và đặc biệt nhấn mạnh vào các điều kiện y tế, giáo dục và khả năng tiếp cận các nguồn lực.

– WB đã bổ sung thêm 2 tiêu chí, đó là: rủi ro trong cuộc sống và tiếng nói của người dân.

– Quan điểm của Việt Nam đã đề cập những yếu tố, gồm: việc làm, thu nhập và nhu cầu cơ bản của con người.

Như vậy, tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà chất lượng xã hội đã được nâng cao, con người không chỉ quan tâm đến các nhu cầu về vật chất mà họ còn quan tâm đến các cơ hội được phát triển toàn diện bản thân.

Kết quả nghiên cứu

Thước đo nghèo đa chiều của Alkire và Foster

Phương pháp chỉ số nghèo đa chiều quốc tế (MPI) đã được bước đầu áp dụng ở gần 20 quốc gia (In-đô-nê-xi-a, Cô-lôm-bi-a, Mê-xi-cô…) và được tính toán theo phương pháp Alkire và Foster được công bố trong Báo cáo phát triển con người 2010 của UNDP. MPI đo lường nghèo trên ba khía cạnh thiết yếu của cuộc sống, đó là: sức khoẻ, giáo dục và mức sống. Với các chỉ tiêu trong mỗi khía cạnh của nghèo sẽ được dùng chung cho các quốc gia trên toàn thế giới. Chỉ số MPI cho phép xác định được bao nhiêu phần trăm dân số của mỗi nước đang phải đối mặt với sự nghèo đói theo góc độ phát triển con người, MPI chỉ ra được số lượng người nghèo ở mỗi khía cạnh thiếu hụt và trung bình có bao nhiêu chiều thiếu hụt mà người nghèo đang phải đối mặt hay cường độ nghèo đa chiều đã tác động lên người nghèo. MPI sử dụng các chỉ số đa chiều vô hướng để thể hiện thông tin từ nhiều chiều thiếu hụt trong một con số tổng hợp, nó cho phép xác định một xếp hạng đơn nhất các quốc gia, các vùng hay các hộ, cá nhân, mặc dù có thể xếp hạng dựa trên từng chiều có thể khác nhau; đồng thời, có thể so sánh giữa các thời điểm khác nhau. Đây là các đặc tính quan trọng để xác định ưu tiên về mặt chính sách cho các hộ, cá nhân hay các vùng và nó cho phép theo dõi vấn đề nghèo theo thời gian, cũng như đánh giá tác động của nó về mặt chính sách. MPI được mô tả chi tiết trong Bảng 1 sau đây:

Ưu điểm của chỉ số MPI.

– Chỉ số này cung cấp một cách nhìn tổng thể và không có sự tách biệt giữa các chiều nghèo đối với các nhóm dân cư cũng như các khu vực địa lý, qua đó, có thể so sánh giữa các nhóm và các khu vực cũng như ở từng giai đoạn phát triển khác nhau một cách dễ dàng.

– Chỉ số có thể cho thấy tương quan giữa nhiều chiều thiếu hụt của hiện trạng nghèo đói. Những thông tin từ việc phân tích mối tương quan này sẽ tạo điều kiện để cơ quan quản lý có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn thông qua việc đánh giá đúng các đối tượng nghèo, đúng chiều thiếu hụt của những người nghèo, từ đó, giúp cho chính quyền địa phương đạt hiệu quả cao trong việc giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, từ việc giám sát nghèo qua nhiều chiều, có thể đánh giá nhu cầu khác nhau của các hộ gia đình, trong đó có một số nhu cầu cần được chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ hơn so với những nhu cầu còn lại.

Nhược điểm của chỉ số MPI.

– Các chỉ tiêu được sử dụng bao gồm: các kết quả đầu ra; các chỉ số  đầu vào và các chỉ số lặp nên dữ liệu không có sẵn cho tất cả các khía cạnh. Thêm vào đó, MPI ít nhạy cảm với những biến động nhỏ, vì để được coi là nghèo đa chiều, hộ gia đình phải thiếu ít nhất 6 chỉ tiêu liên quan đến nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hoặc 3 chỉ tiêu liên quan đến nhu cầu thiết yếu và 1 chỉ tiêu liên quan đến sức khoẻ hoặc giáo dục.

– Cách đo nghèo đa chiều này thiếu chiều vật chất. Đây là chiều rất quan trọng cần phải đưa vào nội hàm để nhằm xác định nghèo đa chiều. Thu nhập là yếu tố thiết yếu và là điều kiện để giải quyết sự thiếu hụt các chiều còn lại

– Trong cách đánh giá chiều sức khỏe thì mới chỉ tính đến những điều kiện ban đầu là tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em và việc trẻ em bị chết mà không tính đến những điều kiện như: dinh dưỡng, tình trạng bệnh tật… Trong tình hình thế giới ngày càng phát triển và không ngừng vận động như hiện nay, các tiêu chí này còn quá đơn giản và cần bổ sung thì mới phù hợp với Việt Nam.

– Trong cách đánh giá chiều điều kiện sống có một tiêu chí vô cùng quan trọng, đó là tiêu chí về việc tiếp cận thông tin hay các dịch vụ viễn thông.

Thước đo lường nghèo đa chiều của Paola Ballon và Mauricio Apablaza

Năm 2007, trong bài viết: “Multidimensional Poverty Dynamics in Indonesia” của hai nhà kinh tế học Paola Ballon và Mauricio Apablaza đã đưa ra nội dung và tiêu chí đánh giá nghèo đa chiều và được áp dụng ở In-đô-nê-xi-a. Theo đó, nghèo khổ được tính toán trên 5 chiều và 12 khía cạnh (Bảng 2). Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng đã phân tích sự thay đổi thời gian, sự mãn tính của nghèo khổ theo giai đoạn là 13 năm.

– Cách đo lường nghèo khổ đa chiều ở In-đô-nê-xi-a cũng sử dụng phương pháp luận của AF làm nền tảng chính.

– Hai tác giả đã đưa thêm yếu tố thời gian vào công thức đo lường nghèo khổ đa chiều và đưa thêm yếu tố về thu nhập vào các tiêu chí để đo lường.

– Việc đưa thêm yếu tố thu nhập vào tiêu chí để đo lường nghèo khổ đa chiều là một điểm rất đáng chú ý và phù hợp do thu nhập là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tiếp cận hay thiếu hụt các tiêu chí khác.

Thước đo nghèo đa chiều của Việt Nam hiện nay

Việt Nam chính thức áp dụng đánh giá nghèo theo tiếp cận đa chiều từ giai đoạn 2016 – 2020. Thủ tướngChính phủ ban hành Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020”; Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện đo lường và thực thi chính sách giảm nghèo theo cách tiếp cận đa chiều đòi hỏi toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực và phải bảo đảm các yếu tố như: giáo dục, y tế, điều kiện về nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, thông tin. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá nghèo đa chiều theo chuẩn của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 vẫn còn một số hạn chế bởi các chỉ thị lựa chọn vẫn chưa phản ánh được toàn diện các khía cạnh cuộc sống. Việc đo lường mức độ nghèo cần có những lựa chọn chuẩn mực, theo đó, một phần của thước đo cơ bản để đánh giá nghèo đa chiều đòi hỏi phải xem xét kỹ lưỡng các tùy chọn thực nghiệm.

Ngày 27/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, theo đó, bổ sung thêm một chiều đo lường là “việc làm” với hai chỉ số thành phần (việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình); đồng thời, nâng tiêu chí thu nhập lên mức cao hơn và bắt đầu áp dụng từ năm 2022. Thực chất đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam hiện đang áp dụng phương pháp AF vì tính đơn giản và phổ biến của phương pháp này. Theo đó, Việt Nam sử dụng 6 chiều đo lường nghèo, gồm: việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống và tiếp cận thông tin. Trên thực tế thì nghèo được đo lường dựa vào các tiêu chí về thu nhập nhưchuẩn mức sống tối thiểu về thu nhập, chuẩn nghèo về thu nhập, chuẩn mức sống trung bình về thu nhập và mức độ thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hai tiêu chí để xác định một hộ nghèo đa chiều là thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm:

(1) Tiêu chí thu nhập: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Và khu vực thành thị: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

(2) Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Nghị định số 07/2021/NĐ-CP cũng quy định chuẩn hộ cận nghèo đối với khu vực nông thôn: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Và khu vực thành thị: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn hộ có mức sống trung bình đối với khu vực nông thôn: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng, khu vực thành thị: là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình nêu trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội khác giai đoạn 2022 – 2025.

Kết luận

Với những nội dung trình bày ở trên về phương pháp đo lường để đánh giá nghèo đa chiều hiện nay, có thể thấy,Việt Nam đang áp dụng đánh giá nghèo đa chiều theo phương pháp AF của Alkire và Foster. Với cách đo lường này, có thể thu được những thuận lợi sau:

Một là, phương pháp đo lường AF đã mô tả được tổng thể nghèo và không có sự tách biệt các chiều nghèo đối với các nhóm dân cư cũng như các khu vực địa lý khác nhau. Đồng thời, bằng chỉ số MPI có thể dễ dàng so sánh giữa các nhóm dân cư, khu vực và các giai đoạn thời gian khác nhau.

Hai là, có thể phân tích được tương quan giữa hai hay ba hoặc nhiều thiếu hụt của các chiều nghèo, giúp xác định được thiếu hụt ở một chỉ số nào đó có gây ra hiệu ứng tác động đến các thiếu hụt khác hay không, hoặc nhận thấy sự xuất hiện cùng nhau của một số thiếu hụt trong một số nhóm dân cư hay vùng địa lý. Việc hiểu được tương quan này có thể giúp định hướng chính sách hiệu quả để cải thiện một thiếu hụt nào đó của chiều nghèo cụ thể.

Ba là, phương pháp AF đánh giá nghèo qua nhiều chiều và chỉ số nên có khả năng đánh giá những nhu cầu khác nhau của hộ gia đình, đồng thời giúp xác định sự cấp thiết của một số nhu cầu so với những nhu cầu còn lại. Điều này sẽ giúp công tác thực thi chính sách giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm; hạn chế được những hỗ trợ mang tính chất bình quân đang được thực hiện với cách tiếp cận nghèo đơn chiều.

Bốn là, chỉ số nghèo đa chiều MPI không chỉ phản ánh tỷ lệ nghèo đa chiều mà còn phản ánh mức độ thiếu hụt của người nghèo. Đây là chỉ số khá hoàn thiện về nội dung và cách tính toán, phản ánh được những thiếu hụt tổng hợp trong 3 khía cạnh y tế, giáo dục, chất lượng sống; xác định được thiếu hụt ở mức cụ thể một cá nhân, một hộ gia đình hoặc nhóm dân cư; phản ánh số lượng thiếu hụt trung bình mà người nghèo phải đối mặt hay cường độ nghèo đa chiều tác động lên người nghèo.

Năm là, nếu có thể chia nhỏ kích thước của nghiên cứu, MPI sẽ cho thấy các mức độ nghèo đa chiều thay đổi như thế nào khi các yếu tốc cấu thành thang đo nghèo đa chiều thay đổi. Nói cách khác, với từng nhóm đối tượng phân tích khác nhau, các chỉ số thành phần khác nhau, MPI sẽ mô tả cường độ tác động nghèo đa chiều khác nhau giữa các vùng, các nhóm dân cư, từ đó đóng góp những khuyến nghị hữu ích cho việc hoạch định chính sách giảm nghèo có trọng tâm và hướng địch đối tượng hiệu quả hơn

Sáu là, khả năng tích hợp thêm nhiều yếu tố cấu thành so với các chỉ tiêu đo lường nghèo đa chiều trước đây như tình trạng nhà ở, điện, nước sạch, vệ sinh, nhiên liệu đun nấu… giúp cho MPI cung cấp được thông tin chi tiết và sâu sắc hơn những thiếu hụt phi tiền tệ trong đời sống con người.

Bảy là, thông tin mà chỉ số MPI mang lại giúp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn những thách thức mà những hộ gia đình nghèo đang phải đối mặt. Việc xem xét mức độ đóng góp của từng chiều vào tình trạng nghèo đa chiều tại bất cứ khu vực hay nhóm dân số nào sẽ thể hiện đúng và toàn diện những thiếu hụt căn bản mà người nghèo phải đối mặt. Các biện pháp giảm nghèo thu nhập mà các quốc gia theo đuổi có thể chưa chắc đã giải quyết hết được những bất cập này.

Tóm lại, phương pháp đo lường nghèo đa chiều theo AF có thể kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau để nắm bắt được tính đa dạng và độ phức tạp của nghèo, qua đó cung cấp thông tin xây dựng những chính sách và chương trình phù hợp cho giảm nghèo. Các chỉ tiêu đo lường sẽ được lựa chọn sao cho phù hợp với xã hội và hoàn cảnh thực tế của từng quốc gia, từng địa phương hay vùng miền khác nhau.

Chú thích:
1. Ngân hàng Thế giới (2000). Tấn công đói nghèo, World Bank, DC.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định s 07/2021/NĐ-TTg, ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.
2. Quyết định số 2324/QĐ-TTg, ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
3. Quyết định số 1614/QĐ-TTg, ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
4. Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
5. Quyết định số  1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
6. UNDP. Chương trình phát triển Liên hiệp quốc. Báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011 – Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người. Hà Nội, 2011.
7. UNDP Việt Nam. Báo cáo nghèo đa chiều ở Việt Nam: giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho mọi người. Hà Nội, 2017.
8. Anand S, Sen A. Concepts or Human Development and Poverty! A Multidimensional Perspective. United NationsDevelopment Programme, Poverty and human development: Human development papers. 1997; p. 1-20.
9. Paola Ballon and Mauricio Apablaza. Multidimensional Poverty Dynamics in Indonesia, 2012.
10. Sen, Elements of a  theory  of  human  rights,  in  Justice  and  the Capabilities Approach: Routledge, 2017, pp. 221 – 262.
11. S.Alkire and J. Foster, Counting and multidimensional poverty measures, Oxford Poverty and Human Development Initiative (OPHI), Working Paper 7, 2007.
NCS. Lê Thị Diệu Hoa
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh