(Quanlynhanuoc.vn) – Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng để phát triển chính quyền điện tử. Những năm qua, Bình Dương rất quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, Bình Dương đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 của cả nước. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế; từ đó, đề ra giải pháp trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Mở đầu
Hiện nay, các hệ thống thông tin quan trọng của Bình Dương, như: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước (CQNN), hệ thống một cửa điện tử, trang thông tin hành chính công, cung cấp dịch vụ công… đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng trong CQNN vẫn còn hạn chế. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa đầu tư, sử dụng các phần mềm quản lý chuyên ngành, chưa hình thành được môi trường làm việc điện tử; việc giải thủ tục hành chính (TTHC) và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào văn bản giấy; dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tuy đã được triển khai nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Có thể thấy cung cấp DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các CQNN được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính (CCHC) toàn diện. Vì thế, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế từ đó đề ra giải pháp trong việc cung cấp và sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết.
Công tác triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bình Dương
Bình Dương thuộc Miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có tốc độ phát triển kinh tế cao so với cả nước. Tỉnh có diện tích tự nhiên 2.695 km2; dân số khoảng 2,5 triệu người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (4 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện); 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 46 phường, 4 thị trấn)1.
Những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế của địa phương tác động rất lớn đến quá trình tổ chức thực hiện DVCTT của tỉnh cũng như thu hút sự tham gia của người dân trong sử dụng các DVCTT. Tỉnh đã tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thực hiện các DVCTT được tăng cường và thuận lợi nhất, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT và bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn trong công tác phục vụ cho DN và người dân. Kết quả đạt được như sau:
Một là, công tác chỉ đạo, điều hành.
Lãnh đạo các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức tích cực về CCHC nhất là cải cách TTHC và quán triệt chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, tư duy, nhận thức về chuyển đổi số (CĐS) của các cấp lãnh đạo đã có sự thay đổi rất lớn đến việc cải cách TTHC thông qua việc thành lập các ban chỉ đạo CĐS tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh (100% sở, ban, ngành đã thành lập Ban chỉ đạo về CĐS); ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, cung ứng DVCTT trên địa bàn tỉnh nói chung và đặc biệt là triển khai cung ứng DVCTT một cách thống nhất, kịp thời và bảo đảm bám sát các mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Trong năm 2022, Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản liên quan công tác CĐS: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 5910/KH-UBND ngày 18/11/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc bảo đảm lộ trình, tiến độ hoàn thành triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 3066/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đủ điều kiện thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4; Công văn số 5234/UBND-VX ngày 06/10/2022 của UBND tỉnh về việc chủ trương thí điểm mô hình hợp nhất Cổng DVCTT với hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Dương thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC…
Cùng với đó, tỉnh còn thành lập: Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương; Tổ Báo cáo viên CĐS cấp tỉnh; Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo CĐS và ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương…
Hai là, công tác triển khai thực hiện TTHC trực tuyến gắn với CĐS toàn diện.
(1) Cơ sở hạ tầng số.
Hệ thống hạ tầng thông tin được hiện đại hóa: số thuê bao điện thoại di động đạt 138,75 thuê bao/100 dân; 85% hộ gia đình có sử dụng cáp quang băng rộng, tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động 3G, 4G là 2.530, đang phát thí điểm 4 trạm 5G; 99,9% khu vực có dân cư sinh sống được phủ sóng di động 3G, 4G; tỷ lệ thuê bao internet cáp quang băng rộng di động đạt 101,43 thuê bao/100 dân.
Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng: tỉnh đang sử dụng hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh phủ đến cấp xã với hơn 185 điểm kết nối, bảo đảm cho các kết nối đến ứng dụng nội bộ của tỉnh, như: phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bình Dương.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu: tỉnh có Trung tâm dữ liệu tập trung do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, vận hành tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tạo sự thuận lợi cho việc kết nối trục liên thông tỉnh (LGSP), các ứng dụng dùng chung của tỉnh đều được vận hành trên hạ tầng lưu trữ này, như: hệ thống thư điện tử công vụ, hệ thống dịch vụ công, hệ thống một cửa, hệ thống quản lý văn bản…
Với các điều kiện trên cho thấy, đây là yếu tố quan trọng để giúp cho việc thực hiện các TTHC thông qua DVCTT toàn tỉnh được thuận lợi hơn.
(2) Dữ liệu số và nền tảng số.
Một số sở, ban, ngành đã và đang tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ công tác quản lý chuyên ngành phục vụ cho việc triển khai, như: thông tin đất đai; thông tin quy hoạch đô thị; DN của tỉnh; hộ tịch; ngành Công thương; thông tin quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo; quản lý dữ liệu ngành Y tế…
Đã kết nối và chia sẻ 17 hệ thống thông tin/CSDL của bộ, ngành, DN thông trục dữ liệu quốc gia (trong đó có 13 cơ sở dữ liệu được khai thác). Dữ liệu dân cư theo Đề án 06 đã được kết nối, khai thác trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh bắt đầu triển khai từ ngày 28/11/2022, hệ thống đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư và thực hiện các dịch vụ xác thực do CSDL quốc gia về dân cư cung cấp; hoàn thành xây dựng các chức năng và giải pháp kỹ thuật để phục vụ thí điểm mô hình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bằng giải pháp cung cấp hệ thống kho lưu trữ hồ sơ số hóa cho người dân, DN và kho dữ liệu điện tử cá nhân lưu trữ kết quả giải quyết TTHC cho các sở, ban, ngành và UBND các cấp để có thể lưu trữ và tái sử dụng để phục vụ công tác giải quyết TTHC. Tính đến tháng 3/2023 đã có 41.408 lượt khai thác, qua đó đã đồng bộ 144 DVCTT mức độ 3 và 1.015 DVCTT toàn trình trên Cổng DVC của tỉnh.
Nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ người dân, DN trong việc thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Nền tảng trợ lý ảo phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thông qua tương tác giọng nói về các chỉ số điều hành kinh tế – xã hội. Toàn tỉnh đã cấp 1.919.976/1.972.053 căn cước công dân (CCCD), đạt 97,36%. Thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip tích hợp Bảo hiểm y tế (BHYT), tính đến ngày 27/3/2023, có 1.680.901 thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH tích hợp và xác thực với số CCCD; 177/177 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với 726.878/879.666 lượt tra cứu thành công.
Hệ thống đường dây nóng 1022 của tỉnh đã tiếp nhận khoảng 65.287 cuộc gọi trên tất cả các lĩnh vực (6 lĩnh vực) của các sở, ban, ngành, địa phương, với 54 cơ quan đầu mối, 460 bộ phận xử lý thông tin. Tỷ lệ xử lý thông tin hỗ trợ từ người dân, DN đạt 81% trên tổng số phiếu yêu cầu.
Đối với Đề án 06, toàn tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ. 100% DVCTT được triển khai (1.290/1.290 dịch vụ). Tính đến ngày 01/3/2023, có 139.525 tài khoản đã được tạo trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh. Đã thu nhận 607.725/1.005.735 hồ sơ định danh điện tử mức 2, đạt tỷ lệ 60,43%. Theo thống kê của Cục C06, Bộ Công an, tính đến ngày 16/3/2023, tổng số hồ sơ định danh điện tử được phê duyệt là 556.290 hồ sơ; tổng tài khoản đã kích hoạt là 172.986/1.005.735, đạt 17,2% (đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng tài khoản kích hoạt thành công).
Kết quả công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia đến ngày 31/12/2022, tỉnh Bình Dương đạt 57,85/100 điểm (thuộc nhóm trung bình), xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 12,94 điểm và tăng 30 hạng so với kết quả công bố ngày 20/9/2022, đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2022 đạt từ 55 điểm trở lên theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó, có 5 nhóm chỉ số kết quả đều tăng so với kết quả ngày 20/9/2022.
(3) An toàn thông tin mạng.
Công tác bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định. Đến nay, hầu hết các cơ quan cấp tỉnh đã được trang bị các giải pháp an toàn thông tin như: tường lửa, phần mềm lọc thư rác, phần mềm bảo mật, diệt vi rút, hệ thống cảnh báo truy cập trái phép.
Các trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được triển khai các giải pháp an toàn thông tin hiện đại, phục vụ tốt cho quá trình vận hành, khai thác dịch vụ. Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã thực hiện tốt vai trò là đơn vị đầu mối mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin mạng quốc gia, phối hợp, chia sẻ, cảnh báo về các thông báo, lỗ hỏng bảo mật, mã độc từ Cục An toàn thông tin, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Tham gia các lớp tập huấn, diễn tập, xử lý sự cố an toàn thông tin mạng qua hình thức trực tuyến, diễn tập quốc tế APCERT.
Bình Dương đã kiện toàn Đội ứng cứu sự cố về an toàn thông tin; chặn 4 đợt tấn công dò tìm mật khẩu, DOS và hình thức giả mạo thư điện tử công vụ; chặn hơn 4.540.026 thư spam, nội dung xấu và virus hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh. Công tác bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ đang được triển khai thực hiện, trong đó có 23 hệ thống thông tin cần phê duyệt theo cấp độ 2, 3. Tuy nhiên, chỉ có 3 hệ thống được phê duyệt theo cấp độ.
Triển khai Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng tập trung (SOC): tỉnh Bình Dương đã triển khai hệ thống giám sát với các cấu phần bao gồm phần mềm giám sát tập trung (SOC) và phần mềm giám sát mạng (APT), hệ thống SOC đã kết nối thành công về Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).
Phần mềm phòng, chống mã độc tập trung: Bình Dương đã triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc tập trung (Antivirus) trên các thiết bị của cơ quan, đơn vị nhà nước phục vụ kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư (thiết bị CNTT phục vụ một cửa, hệ thống mạng nội bộ…).
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bình Dương
a. Một số vấn đề đặt ra
Một là, mặc dù tổng lượng hồ sơ nhận và giải quyết trực tuyến chiếm tỷ lệ cao nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến chưa thể hiện được đúng bản chất trực tuyến mà cơ quan chức năng mong muốn, hay còn gọi là “hồ sơ ảo”, “trực tuyến ảo” vì phần lớn hồ sơ phát sinh do tác động của chính công chức một cửa thực hiện bằng cách làm thay, hoặc hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện trực tuyến tại quầy tiếp nhận, vô hình chung điều này gây ra nhiều hệ lụy và phiền hà cho người dân, DN.
Hai là, công tác tuyên truyền, phổ biến cho cá nhân, tổ chức biết đến Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia, quy trình nộp hồ sơ trực tuyến bằng các hình thức như hiện tại vẫn chưa đem đến hiệu quả cao, chưa lan tỏa sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ba là, nhiều hồ sơ TTHC của tỉnh bị lỗi đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia nên bị ghi nhận trễ hẹn, chưa xử lý, chủ yếu là hồ sơ cấp huyện và cấp xã trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử. Nhiều hồ sơ đã được xử lý trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh nhưng trên Cổng dịch vụ công quốc gia có nhiều hồ sơ của tỉnh treo từ năm 2021 đến nay chưa xử lý, đồng bộ trạng thái. Vì vậy, tỉnh Bình Dương thực tế đã giải quyết sớm và đúng hạn trên 99%, nhưng chỉ được ghi nhận khoảng 93% trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bốn là, Bộ chỉ số 766 được ban hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể; điểm số và cách tính điểm của một số nhóm chỉ số, chỉ tiêu, chỉ tiêu thành phần trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa rõ ràng; cách thu thập số liệu và đồng bộ dữ liệu theo thời gian thực nhưng hiện tại dữ liệu chỉ theo tuần; việc phân quyền tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia chưa rõ, chưa cho tỉnh xem kết quả chi tiết của tỉnh và phân quyền, cho phép các địa phương cấp huyện, cấp xã được xem kết quả Bộ chỉ số 766 chi tiết của địa phương; một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của Bộ chỉ số 766 và chưa nghiêm túc triển khai các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về Bộ chỉ số 766.
b. Đề xuất giải pháp đấy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Bình Dương
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản, quy định về DVCTT cấp tỉnh. Hệ thống thể chế, văn bản và các quy định có liên quan đến TTHC, cung ứng DVCTT được ban hành kịp thời, cụ thể, chặt chẽ và có tầm nhìn đúng đắn là một trong những nền tảng vững chắc bảo đảm cho tổ chức thực hiện DVCTT thông qua việc xây dựng một môi trường pháp lý đầy đủ, thống nhất, phù hợp với các quy định về cung ứng dịch vụ công trên môi trường mạng cũng như các quy định chung về tiêu chuẩn hạ tầng CNTT, CSDL, đội ngũ công chức phục vụ cho quá trình cung cấp là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, trung ương cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và tái cấu trúc các TTHC để phù hợp đem ra cung ứng DVCTT, khẩn trương hoàn thiện, tối ưu hóa quy trình cung ứng của các DVCTT trên Cổng dịch vụ công tỉnh.
Thứ hai, đơn giản hóa TTHC cung ứng DVCTT và cải tiến quy trình cung ứng DVCTT. Để các DVCTT của tỉnh Bình Dương thực sự đơn giản, gần gũi và dễ tiếp cận thì việc đơn giản hóa TTHC là một điều cần thiết, theo hướng giảm cung cấp lại các loại giấy tờ đã có. Cùng với đó, phải không ngừng cải tiến quy trình cung cấp để tối ưu hóa các bước, công đoạn không cần thiết, không quan trọng nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến toàn bộ quy trình.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ cung ứng DVCTT, cụ thể là công chức trực tiếp hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, bao gồm: công chức một cửa; công chức phòng chuyên môn và văn thư lưu trữ. Đội ngũ này đóng vai trò cốt lõi, phải luôn có tinh thần chủ động, tích cực hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, nắm bắt tâm tư của Nhân dân, từ đó, đề ra các giải pháp cải tiến phương pháp làm việc giúp công tác giải quyết hồ sơ cho người dân được tốt hơn. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ thông qua việc tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, trình độ cho công chức; quán triệt đến công chức cần phải nâng cao đạo đức, thái độ phục vụ và trách nhiệm làm việc của đội ngũ công chức, vấn đề này quyết định rất lớn đến hiệu quả của hoạt động cung ứng DVCTT.
Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số/kỹ năng sử dụng DVCTT cho người dân. Bất kỳ một chính sách, chủ trương nào cũng cần phải có sự đồng thuận của bên thụ hưởng và bên cung cấp và chỉ có tương tác tích cực giữa người dân và các quan hành chính nhà nước thì mới đảm bảo thúc đẩy DVCTT ngày càng phát triển. Do đó, cần thiết đẩy mạnh thông tin đến tổ chức, cá nhân được biết, hiểu đúng và đồng thuận với mục tiêu chiến lược của Chính phủ và của địa phương về cung ứng DVCTT trên môi trường điện tử, điều này cho thấy, sự tham gia của cá nhân, tổ chức là một yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng DVCTT trên các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Zalo, Youtube… để tác động trực tiếp đến giới trẻ bằng những hình ảnh, đồ họa, clip hướng dẫn cụ thể, trực quan sinh động; từ đó, tạo sự lan tỏa rộng rãi và tạo thành thói quen tìm hiểu, sử dụng DVCTT cho công dân.
Kết luận
Nghiên cứu đánh giá thực trạng, phân tích những mặt mạnh, hạn chế từ đó đề ra giải pháp trong việc cung cấp và sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới của tỉnh Bình Dương là yêu cầu cấp thiết. Việc xây dựng được một bức tranh tổng thể của việc cung ứng DVCTT của tỉnh có ý nghĩa thực tế để thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến, giúp giảm chi phí cho người dân DN góp phần nâng cao chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số ứng dụng CNTT (ICT Index), đặc biệt là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong những năm tới góp phần tạo nên một nền “hành chính phục vụ, kiến tạo”.
Chú thích:
1. Bình Dương. https://vi.wikipedia.org, ngày 12/5/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 158/BC-STTTT ngày 14/11/2022 của Sở Thông tin Truyền thông Bình Dương về công tác thông tin và truyền thông năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
2. Công văn số 5234/UBND-VX ngày 06/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc chủ trương thí điểm Mô hình hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Dương thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
3. Kế hoạch số 5910/KH-UBND ngày 18/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc đảm bảo lộ trình, tiến độ hoàn thành triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
4. Quyết định số 3066/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
5. Nguyễn Đặng Phương Truyền. Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến của cơ quan nhà nước. Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 3 năm 2017.
Bùi Quốc Lộc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương