Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh theo quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất mới về phát triển kinh tế xanh hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước: “Khuyến khích nông nghiệp phát triển xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”1. Đây là chủ trương, biện pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế sâu rộng hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ảnh minh hoạ: hdll.vn.
Phát triển kinh tế xanhhướng đi đúng đắn, bảo đảm tính bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người

Phát triển kinh tế xanh (KTX) không phải là thuật ngữ mới, nhiều nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới, như: Mỹ, Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thực hiện chủ trương phát triển KTX từ lâu, nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của những nước đó khá cao, ổn định luôn dẫn đầu thế giới, là nơi đáng sống, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đối với Việt Nam, KTX mới được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong một vài năm gần đây ở các diễn đàn, hội nghị, hợp tác phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụm từ KTX xuất hiện khá nhiều.

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KTX: nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đất đai phì nhiều, màu mỡ, nhiều sông, biển có chữ lượng khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản lớn, nguồn lao động dồi dài, giá rẻ, cần cù, chịu thương, chịu khó; có nhiều kinh nghiệm, phương pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện an sinh xã hội sau gần 40 năm đổi mới đất nước; có nhiều đối tác chiến lược toàn diện trong quan hệ đối ngoại…

Hơn nữa, Việt Nam phát triển kinh tế nói chung và KTX nói riêng có rất nhiều thuận lợi khi Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nước đã trải qua phát triển KTX có thể chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam cách thức, biện pháp triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển KTX phù hợp, hiệu quả hơn với đặc điểm tình hình ở các vùng, miền.

Phát triển KTX là hoạt động tích cực, chủ động của Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương với chương trình, kế hoạch, biện pháp khai thác, sử dụng tiết kiệm các nguồn lực, vừa bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm thân thiện với môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong các chủ trương, biện pháp về phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước đều hướng đến quá trình tái sử dụng, tiết kiệm cho các thế hệ mai sau.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn”2.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ mục đích, yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân”3. Phát triển KTX là hướng đến mục tiêu đó, đặt con người vào vị trí trung tâm, tất cả vì con người, những phát sinh, sáng chế, thành tựu của khoa học – công nghệ đều phải hướng đến xây dựng môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường sống, không gây độc hại cho con người; ứng phó có hiệu quả với biến đổi của khí hậu, nhất là những hiện tượng thiên tai bất thường, có sức tàn phá mạnh.

Những năm gần đây, thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta, nhất là ngành sản xuất nông nghiệp chịu “tổn thương” khá nhiều do thời tiết cực đoan gây ra. Bên cạnh đó, ở một số nơi khai thác quá mức tài nguyên để phát triển công nghiệp, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người… Vì vậy, phát triển KTX ở Việt Nam hiện nay là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, miền; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp tối cao của con người theo đúng quy định của pháp luật và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”4.

Trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản về phát triển KTX, như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của chiến lược; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020. Nhờ vậy, phát triển KTX ở nước ta đạt được nhiều kết quả quan trọng ở các ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước.

Giai đoạn 2011-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,65%; năm 2022 đạt 8%, vượt mức trung bình 7,1% giai đoạn 2016-2019; theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới với tổng vốn đạt 7,4 tỷ đôla. Tốc độ phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 174.000 ha, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ hàng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), xuất khẩu tới 180 quốc gia trên thế giới; năm 2016, Việt Nam có 40 tỉnh, thành phố triển khai nông nghiệp hữu cơ thì đến năm 2022 tăng lên 62 tỉnh, thành phố5

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển KTX ở nước ta còn một số hạn chế: đầu tư cho phát triển KTX với chi phí cao, trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp; các doanh nghiệp áp dụng khoa học – công nghệ vào phát triển KTX còn ít; ở một số nơi việc phát triển kinh tế, xây dựng nhà máy, xí nghiệp chưa gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường thân thiện, hài hoà với thiên nhiên; những công trình năng lượng được xây dựng ở một số khu vực chưa đi vào hoạt động hiệu quả, phát huy tính năng, tác dụng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng không khí trong môi trường; tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh, gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo giữa các vùng, miền, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số giải pháp phát triển KTX theo quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Đại hội lần thứ XIII của Đảng dự báo “Những vấn đề toàn cầu như: bảo vệ hoà bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp”6; những khó khăn, thách thức trong nước vẫn còn đan xen, hiện hữu, có mặt còn phức tạp hơn như: đời sống của nhân dân, nhất là bộ phận công nhân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; một số doanh nghiệp tạm ngừng đóng cửa do không có đơn hàng, tội phạm ở một số địa phương còn phức tạp, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chưa được ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả… Thực tế đó, đặt ra cho chương trình phát triển KTX một cách toàn diện, đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.

Một là, thống nhất nhận thức, hành động của các chủ thể về tầm quan trọng phát triển KTX.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, khắc phục tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao”7. Theo đó, các chủ thể lãnh đạo, quản lý ở các địa phương, người đứng đầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với phát triển KTX, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn xã hội đặt ra hiện nay, nhất là về thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu; có kế hoạch, lộ trình, bước đi thận trọng trong xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển KTX cho từng ngành, từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, bảo đảm tính khả thi trong thực hiện; cân đối hài hoà ngân sách trung ương với ngân sách địa phương, huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực bên trong và bên ngoài thực hiện những dự án, công trình, phúc lợi xã hội đem lại giá trị về kinh tế, xã hội cho Nhân dân.

Trước khi tiến hành xây dựng, triển khai thực hiện dự án tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình, tham khảo ý kiến của chuyên gia, người có kinh nghiệm, họp bàn thống nhất trong ban lãnh đạo; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, cá nhân trong tham mưu, hiến kế tổ chức thực hiện có hiệu quả những chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển KTX phù hợp với đặc điểm tình hình, khả năng hiện có của địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhất là doanh nghiệp, nhà máy đứng chân trên địa bàn chú trọng đến phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững, lâu dài, hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại để phát triển KTX.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển KTX ở nước ta hiện nay là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: “Đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường”.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tận dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển sản xuất – kinh doanh vừa đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, vừa chống lại những rủi ro do tác động bên ngoài gây ra; sử dụng trang thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất, ít ảnh hưởng đến môi trường sống của con người, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng một số công trình, trọng điểm ở mỗi khu vực, địa bàn về chống biến đổi khí hậu, nâng cao mức cảnh báo chính xác, kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, có phương án, kế hoạch ứng phó hiệu quả, tránh gây ra tổn thất, thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp; tuyển dụng, bố trí người có trình độ tay nghề kỹ thuật cao, am hiểu khoa học – công nghệ, phát triển KTX vào làm việc.

Xây dựng trung tâm, viện nghiên cứu phát triển KTX ở một số địa phương để tham mưu, hiến kế cho chính quyền tiến hành các hoạt động đầu tư, triển khai thực hiện công trình, dự án hiệu quả, phù hợp nhất; bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động sử dụng phương tiện kỹ thuật phục vụ cho phát triển KTX, nắm chắc thứ tự các bước, quy trình vận hành, hoạt động, từ đó mới xử lý được các tình huống trong quá trình tổ chức thực hiện; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những kỹ sư có trình độ chuyên môn giỏi ở trong nước, không phải thuê chuyên gia ở ngoài nước; các công trình, dự án khi được xây dựng phải vận hành tốt, đi vào hoạt động đem lại kết quả nhất định trong phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương, giảm thiểu những thiệt hại do thách thức an ninh phi truyền thống gây ra; nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân; thu hút các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.

Ba là, tăng cường đầu tư cho khoa học – công nghệ để phát triển KTX ổn định, bền vững.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ, việc tăng cường đầu tư phát triển khoa học – công nghệ theo cơ chế thị trường, trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân. Theo đó, Chính phủ, bộ, ngành của Trung ương cần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển khoa học – công nghệ phục vụ cho phát triển KTX.

Tăng cường ngân sách cho những lĩnh vực, hoạt động có liên quan đến phát triển KTX; trước khi đầu tư ngân sách trung ương cho địa phương tiến hành rà soát, nghiên cứu đánh giá một cách căn cơ, bài bản, kỹ lưỡng về tính khả thi trong thực hiện, từ đó mới định hướng, phân bổ ngân sách phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư xây dựng không có trọng tâm, trọng điểm, hoặc đầu tư xây dựng song không đi vào hoạt động, gây lãng phí ngân sách nhà nước; cùng với ngân sách của Trung ương, các địa phương tích cực, chủ động huy động ngân sách tại chỗ, giảm áp lực cho trung ương.

Huy động các doanh nghiệp, doanh nhân ở địa phương đóng góp, nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu để phát triển KTX, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư vào khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với từng địa bàn, khu vực có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch; bố trí, xây dựng cảnh quan thiên nhiên hài hoà, thân thiện; tăng ngân sách cho xây dựng khu công nghiệp trọng điểm của địa phương phục vụ khai thác, sử dụng nguồn lực, giải quyết việc làm cho người lao động; gắn việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với kế sinh nhai của người dân, thuận tiện trong quá trình giao thương với các địa phương.

Có chính sách phù hợp, hiệu quả với doanh nghiệp phát triển KTX về tiếp cận nguồn vốn, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển KTX vì sự phát triển ổn định, bền vững, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Người đứng đầu địa phương lãnh đạo, chỉ đạo hành động mạnh mẽ đối với hệ thống chính trị cấp cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân, người dân phát triển KTX; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển KTX nhằm bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch các địa bàn, khu vực là đặc trưng, thế mạnh của địa phương phát triển KTX.

Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế… môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao, quốc phòng, an ninh được bảo đảm10.

Với ý nghĩa đó, mỗi địa phương cần cụ thể hoá, thể chế hoá vào từng khu vực, địa bàn xây dựng phương án, kế hoạch quy hoạch, phát triển hiệu quả, đạt được mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; tăng cường phối kết hợp giữa các bộ phận, lực lượng để nghiên cứu, khảo sát xây dựng, quy hoạch vừa mang yếu tố truyền thống, vừa mang yếu tố hiện đại; quy hoạch, xây dựng phát triển KTX không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đến những vị trí, khu vực đã có truyền thống văn hoá, lịch sử từ lâu đời, bảo đảm không gian sống của người nông dân ở nông thôn, giữ gìn được giá trị bản sắc văn hoá dân tộc; lựa chọn những khu vực, địa bàn phát triển KTX ở xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến giao thông, môi trường xung quanh; tuy nhiên, cũng phải thuận lợi cho giao thông khai thác, sử dụng; giải quyết hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhân dân; không vì lợi ích kinh tế mà gây ra những bất ổn, bức xúc trong Nhân dân.

Chú thích:
Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB, Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.107.
2,7. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB, Chính trị quốc gia Sự thật, 2022, tr.27, 267.
3,6,9. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB, Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.96 – 97, 106 – 107, 141.
4. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
5. Kinh tế xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức. https://laodongxahoi.net, ngày 27/5/2023.
7. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
8. Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 25/10/2022 của Chính phủ về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

ThS. Bùi Minh Nghĩa,
Trường Đại học Tài chính Marketing, TP. Hồ Chí Minh
TS. Nguyễn Thị Quyết,
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh