Phát triển nguồn nhân lực số trong chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ nhưng sẽ khó thành hiện thực nếu không giải được bài toàn về nguồn nhân lực số. Kinh tế số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số tương thích để triển khai tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, lực lượng lao động Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực về các kỹ năng số cũng như các kỹ năng mềm khác. Do đó, cần hành động sớm và quyết liệt hơn nữa để giải quyết các vấn đề còn hạn chế của nguồn nhân lực số ở Việt Nam hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Mở đầu

Mỗi nền kinh tế đều yêu cầu phải có một lực lượng sản xuất tương ứng về trình độ, trong đó nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi nguồn nhân lực vừa là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia, vừa là thước đo quan trọng để đánh giá sức cạnh tranh của một nền kinh tế. Trong thế kỷ XX đã có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng biết phát huy thế mạnh về nhân lực và trở thành những nước có nền công nghiệp hóa và hiện đại hóa chỉ trong vài ba thập kỷ. Ở Việt Nam cũng đang trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. Với mục tiêu đặt ra, nhân lực số phải đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực số vừa là thực tiễn tất yếu, vừa là yêu cầu cấp bách ở Việt Nam hiện nay.

Nhu cầu nguồn nhân lực số trong chuyển đổi số ở Việt Nam

Chuyển đổi số đã và đang đem đến nhiều cơ hội phát triển cũng như những thách thức cho Việt Nam.Trong đó đã giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất – kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành. Tuy nhiên, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động trong nước. Điều này cũng đã có nhiều dự báo về việc chuyển đổi số tác động đến cơ cấu việc làm ở nước ta, đòi hỏi người lao động phải thay đổi phương thức làm việc để có thể thích nghi và nắm bắt cơ hội tốt hơn.

Chuyển đổi số đòi hỏi người lao động cần phải có kỹ năng số, bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép họ tiếp cận và sử dụng công nghệ số một cách thành thạo. Số lượng lao động chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao do bị thay thế bởi lao động của robot, trang thiết bị công nghệ thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)… Đây là thách thức lớn để lực lượng lao động Việt Nam có thể ứng phó và thích nghi với quá trình chuyển đổi số.

Trong quá trình thay đổi đó, Đảng và Nhà nước rất coi trọng chuyển đổi số và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, với mục tiêu kinh tế số có thể chiếm 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và phấn đấu 30% vào năm 20301.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 146/2022/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong Đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực số từ cao đẳng trở lên, đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường đại học số phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 65.000 người, tức là chưa được 50% nhu cầu2. Điều này cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực số ở nước ta hiện nay là rất lớn.

Thực trạng nguồn nhân lực số ở Việt Nam

Chuyển đổi số là chiến lược được các doanh nghiệp, tổ chức ưu tiên hàng đầu nên nhu cầu về nguồn nhân lực số cũng tăng lên. Mặc dù Việt Nam có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động trong độ tuổi vàng nhưng chất lượng lao động và năng suất lao động còn thấp, chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp, năng lực ngoại ngữ, tin học hạn chế… Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm hơn 11% tổng lực lượng lao động3. Do đó, Việt Nam không thiếu nhân lực lao động nhưng lại khát nhân lực chuyển đổi số. Đây chính là rào cản lớn để nước ta phát triển nền kinh tế số.

Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố năm 2022, tính trong tổng số hơn 51 triệu lao động, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin chỉ ước đạt 1%, rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về nhân lực số. Báo cáo khảo sát việc làm cho thấy, nhân sự ngành công nghệ thông tin luôn nằm trong top việc làm được săn tìm nhiều nhất nhưng vẫn không tuyển đủ. Dự báo từ năm 2022 – 2024, Việt Nam vẫn thiếu hụt 150.000 – 195.000 lập trình viên/kỹ sư hằng năm. Khoảng cách này dự kiến còn cao cho đến năm 2024 khi nhu cầu lên tới 800.00 lập trình viên4. Như vậy cho thấy thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cơ cấu mở rộng, như: nhân lực công nghiệp phần cứng và điện tử, nhân lực công nghiệp phần mềm, nhân lực công nghiệp nội dung số và nhân lực dịch vụ công nghệ thông tin. Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số ở nước ta ngày càng nhiều, song lực lượng lao động cung ứng lại thiếu nghiêm trọng.

Để hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 176/2021/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, theo đó, đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025 và đạt 35 – 40% vào năm 2030; chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và thuộc nhóm 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025 và 90% năm 2030. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực số còn thiếu như hiện nay thì Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Không chỉ thiếu hụt về số lượng mà chất lượng nguồn nhân lực số ở Việt Nam cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một phần sự thiếu hụt này là xuất phát từ chênh lệch giữa trình độ của nhân lực với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 35% trong số 57.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, số còn lại phải đào tạo lại. Điều này phần nào phản ánh chất lượng đào tạo ngành công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế. Hiện nay, số lượng cơ sở đào tạo công nghệ thông tin ở Việt Nam khá nhiều với 158 trường đại học và 422 trường dạy nghề có đào tạo công nghệ thông tin nhưng chất lượng lại không đồng đều5. Nhiều trường có quy mô nhỏ, năng lực yếu, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không đủ cả về số lượng và chất lượng dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, sinh viên đào tạo ra không đáp ứng yêu cầu phải đào tạo lại hoặc chuyển nghề, gây lãng phí lớn đến nguồn lực xã hội. Và cũng chưa có nhiều cơ sở đào tạo có đủ năng lực, trang thiết bị, phương pháp đào tạo đạt chuẩn quốc tế, giảng dạy chưa gắn với thực tế, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Việc đào tạo kỹ năng số là yếu tố then chốt trong xây dựng lực lượng chuyển đổi số, tuy nhiên thiếu kỹ năng số cũng là trở ngại lớn nhất hiện nay. Đa phần kỹ năng số của người lao động hiện chưa đạt chuẩn và còn thiếu các kỹ năng mềm, tiếng Anh, tư duy mở, kỹ năng tự học, kỹ năng làm việc nhóm… Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin được ban hành từ năm 2014. Các kỹ năng số thực tiễn mới bước đầu được xây dựng, thí điểm triển khai, chưa có hiệu quả rõ rệt, dẫn đến bất cập trong việc đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Tại Hội thảo “Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số” do ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 08/11/2022 cho thấy, ở Việt Nam có 68% công việc hiện đòi hòi kiến thức về kỹ thuật số với những kỹ năng số cơ bản, trong khi đó có 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu6. World Bank (WB)ước tính, nếu tỷ lệ lao động kỹ năng số tại Việt Nam quá thấp và không đủ để đáp ứng với tốc độ phát triển của chuyển đổi số thì khoảng 2 triệu việc làm trong nước sẽ bị mất đi tính đến năm 2045. Đây là thách thức lớn đối với thị trường lao động có trình độ kỹ năng số còn nhiều hạn chế như Việt Nam, cũng như tạo ra sức ép về giải quyết việc làm, đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm trong thời gian tới.

Mặt khác, nguồn nhân lực về an toàn thông tin hiện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa có sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực về an toàn thông tin. Chất lượng đào tạo và việc đánh giá, kiểm soát chất lượng đào tạo cũng chưa có sự đồng nhất. An toàn thông tin là lĩnh vực khó, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ cao, năng lực tốt. Song nhiều cơ quan, tổ chức hiện nay chưa thực sự quan tâm đúng mức trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực này. Nhất là việc phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước. Điều này, một mặt là do môi trường trong khu vực nhà nước chưa tạo được sự hấp dẫn thu hút đối với lực lượng lao động an toàn thông tin. Mặt khác, nguồn thu nhập tại các cơ quan nhà nước còn thấp so với các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, để phát triển chính phủ điện tử thông suốt, bảo đảm kết nối thông tin an toàn, bảo mật từ trung ương đến địa phương và giữa các ban, ngành, lĩnh vực với nhau rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn thông tin.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực số trong chuyển đổi số ở Việt Nam

Để thực hiện chuyển đổi số thành công thì nhất định phải có nguồn nhân lực số và nguồn nhân lực này phải chiếm vai trò chủ đạo trong tổng số lực lượng lao động xã hội. Nhiệm vụ trước mắt đối với Việt Nam là cần phải:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực số toàn diện và chú trọng phát triển nguồn nhân lực số ở các cấp bậc, trình độ khác nhau nhằm đáp ứng với nhu cầu nhân lực số của từng thời kỳ. Việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương cũng cần phải phù hợp với điều kiện của từng nơi. Có chính sách thu hút lao động công nghệ thông tin bằng các cơ chế đãi ngộ về mức lương, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân; thu hút chuyên gia công nghệ số là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài về làm việc. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực số. Thiết lập các mạng lưới toàn cầu kết nối với công nghệ thế giới bằng cách nhập khẩu công nghệ cao, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, tiến hành các hoạt động liên doanh đào tạo và nghiên cứu, phát triển.

Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực số thông qua nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Xây dựng nền tảng giáo dục gắn liền với sự phát triển của kinh tế số và xã hội số trên cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Việc này sẽ tạo ra sự hòa nhập giữa cung và cầu nhân lực số cho nền kinh tế, thị trường lao động cả về trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, cơ cấu nhân lực và năng lực, phẩm chất, từ đó hình thành thói quen số, văn hóa số. Trong cơ cấu đào tạo ngành nghề cần được điều chỉnh và thay đổi trên cơ sở yêu cầu của nền kinh tế số, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo nhân lực cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt xu thế công nghệ vạn vật IoT, AI, robot và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận sớm chương trình này; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần xây dựng chương trình truyền thông và giáo dục sâu rộng về công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức và kỹ năng của người học.

Nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới. Xây dựng hệ sinh thái với sự liên kết, chuyển giao 3 bên giữa doanh nghiệp, nhà trường và người học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo về kỹ thuật, công nghệ cũng như đáp ứng nhu cầu học tập và cập nhật công nghệ. Các chương trình giáo dục cần rà soát thường xuyên để cập nhật những công nghệ mới nhất. Khẩn trương triển khai xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số” tại một số trường đại học phù hợp. Xây dựng, ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, bồi dưỡng và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động. Trong đó, cần có chính sách hỗ trợ và thiết kế các chương trình đào tạo cho các đối tượng khi tham gia đào tạo lại, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và kỹ năng cho người lao động. Chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị các kiến thức kỹ năng công nghệ mới cho các đối tượng người lao động chưa kiếm được việc làm hoặc những người đang làm tại các doanh nghiệp, tổ chức để nhanh chóng tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thứ tư, nâng cao nhận thức toàn xã hội về chuyển đổi số, từ đó hình thành tâm thế chủ động thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, đặc biệt cần có sự tham gia của người dân và của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao kỹ năng sử dụng các nền tảng số cho người dân, từ đó tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số và trở thành công dân số.

Kết luận

Đảng và Nhà nước luôn khẳng định quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển nguồn nhân lực số cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, đồng thời trong mỗi thời kỳ nhất định cũng cần xây dựng những định hướng cụ thể, từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… để đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế. Trong xu thế chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực số được coi là một trong ba khâu đột phá của chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Vì vậy, cần khẩn trương thực hiện chuyển đổi số trong lao động, việc làm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực số để vừa giải quyết nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế số, vừa thúc đẩy lợi thế cạnh tranh quốc gia và sức hấp dẫn cho nền kinh tế Việt Nam.

Chú thích:
1. Quyết định số 411/2022/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
2. Nhân lực chuyển đổi số chưa đáp ứng 50% nhu cầu. https://thanhnien.vn, ngày 07/05/2023.
3. Chuyển đổi số: Việt Nam sẽ phải chịu sức ép về giải quyết việc làm? https://kinhtedothi.vn, ngày 08/11/2022.
4. Tận dụng hiệu quả công nghệ để phát triển nguồn nhân lực số. https://vtv.vn, ngày 22/12/2022.
5. Báo cáo về thị trường IT Việt Nam năm 2021: Chuyển mình vào cuộc cạnh tranh tri thức toàn cầu. https:/topdev.vn, truy cập ngày 20/3/2023.
6. Xu hướng thị trường lao động trong kỷ nguyên số. https://dangcongsan.vn, ngày 08/11/2022.
TS. Phạm Thị Thùy
Trường Đại học Điện lực