Ứng dụng quét QR Code để phát huy giá trị di tích Nhà sàn trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

(Quanlynhanuoc.vn) – Nhà sàn trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tồn tại 65 năm cùng lịch sử dân tộc. Những tài liệu, hiện vật tại đây thể hiện rõ nét cuộc sống giản dị, khiêm tốn, tư tưởng vĩ đại, đạo đức sáng ngời của lãnh tụ Hồ Chí Minh hết lòng vì dân, vì nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội thì việc ứng dụng quét QR Code sẽ nâng cao chất lượng công tác phát huy GTDT Nhà sàn.
Toàn cảnh khu vực Nhà sàn – Ao cá Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch tại Hà Nội là địa điểm Người gắn bó lâu nhất trong 15 năm liên tục (1954 – 1969). Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi đây đã được Đảng, Nhà nước quyết định gìn giữ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh và trở thành Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu Di tích).

Khu Di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và là một trong số rất ít các di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam hiện còn giữ được gần như nguyên vẹn các bộ phận cấu thành nguyên gốc. Những di tích, tài liệu hiện vật, cảnh quan môi trường tại đây thể hiện chân thực, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giá trị, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích Nhà sàn

Nhà sàn là di tích trung tâm trong quần thể Khu Di tích, nơi đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm, tìm hiểu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà sàn khánh thành ngày 17/5/1958 và gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm (từ tháng 5/1958 – tháng 8/1969). Trong giai đoạn này, Người đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Tại Nhà sàn, ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc). Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian từ năm 1965 – 1969, trở thành một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó những tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời cống hiến hy sinh vì Tổ quốc. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đi sơ tán khỏi Thủ đô Hà Nội mà vẫn sống, làm việc tại Nhà sàn để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Ngày 17/7/1966, Người đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi mà sau đó đã trở thành chân lý thời đại. Cũng tại Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách nước ngoài trong không khí cởi mở, chân tình, không bị ràng buộc bởi nghi lễ ngoại giao. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc đó tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”1. Nhà sàn hiện nay được bảo tồn nguyên vẹn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc để phục vụ công tác phát huy giá trị tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Hiệu quả phát huy GTDT Nhà sàn thông qua ứng dụng quét mã QR

Trong bối cảnh chuyển đổi số đã và đang tham gia mạnh mẽ mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội thì việc nghiên cứu thí điểm ứng dụng quét mã QR cần được đặt ra như một hướng đi mới đối với công tác phát huy giá trị di tích (GTDT) Nhà sàn.

QR Code là viết tắt của Quick response code (mã phản hồi nhanh) là một dạng thông tin được mã hóa để hiển thị cho máy có thể đọc được. Một mã QR có thể chứa đựng thông tin một địa chỉ web, thời gian, địa điểm diễn ra một sự kiện, thông tin liên hệ, địa chỉ email, tin nhắn SMS, nội dung ký tự văn bản… Mã QR cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị như máy đọc mã vạch hoặc điện thoại di động thông minh có camera với ứng dụng cho phép quét mã, tiện lợi cho người dùng. Mã QR đã và đang được ứng dụng nhiều trong cuộc sống hiện đại, hiện diện ở khắp nơi, với tính khả thi và tiềm năng vô hạn, không chỉ gói gọn trong một phạm vi hay lĩnh vực. Một trong những ứng dụng tương đối phổ biến của mã QR đang từng bước được ngành di sản văn hóa áp dụng là cung cấp thông tin hiện vật khi khách tham quan thực hiện quét mã QR tại các bảo tàng, di tích.

Ứng dụng công nghệ quét mã QR trong phát huy GTDT Nhà sàn sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, mỗi năm di tích Nhà sàn đón một lượng khách tham quan rất đông, trung bình hơn 2 triệu khách, trong khi Phòng Tuyên truyền, Giáo dục (thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan) chỉ có từ 10 – 12 viên chức (tùy từng thời điểm) nên công tác thuyết minh chỉ đáp ứng nhu cầu cho một số lượng khách nhất định. Khách được nghe thuyết minh chỉ chiếm khoảng từ 5 – 6% tổng số khách tham quan hằng năm2. Nhiều khách tham quan chưa hoặc không biết rõ lịch sử Nhà sàn xây dựng thế nào; đã diễn ra những sự kiện quan trọng nào tại đây; tinh thần, giá trị của di tích ra sao? Vì thế, quét mã QR là giải pháp hữu ích giúp du khách tự tìm hiểu di tích một cách thuận tiện.

Thứ hai, trong khi lượng khách rất đông thì lối đi tham quan Nhà sàn lại nhỏ hẹp, tiếng loa hướng dẫn của các đoàn bị lẫn vào nhau và dòng người được yêu cầu di chuyển liên tục, nên thời gian, hiệu quả thuyết minh phần nào bị hạn chế. Bên cạnh đó, việc ùn tắc khi tham quan vào giờ cao điểm cũng thường xuyên xảy ra, đặc biệt là vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, các dịp nghỉ lễ… Vì vậy, để tận dụng khoảng thời gian phải chờ xếp hàng tham quan Nhà sàn, khách có thể quét mã QR tự tìm hiểu thông tin.

Thứ ba, hầu hết các đoàn khách tham quan đều có hướng dẫn viên đi cùng, tuy nhiên, một số hướng dẫn viên du lịch không nắm được kiến thức chuẩn về Nhà sàn nên giới thiệu thông tin rời rạc, sơ sài thậm chí tuyên truyền một số chi tiết sai lệch về di tích. Nếu Khu Di tích sử dụng mã QR để cung cấp tư liệu chính thống thì sẽ đem lại hiệu quả phục vụ cho cả hướng dẫn viên du lịch và khách tham quan.

Do vậy, trong điều kiện điện thoại thông minh có kết nối mạng ngày càng phổ biến và một số lượng lớn công chúng thường xuyên sử dụng công nghệ để tiếp cận, tìm kiếm, khai thác thông tin thì ứng dụng quét mã QR là một trong những giải pháp khả thi cung cấp thông tin một cách chính xác, nhanh chóng, góp phần làm tăng tương tác, kết nối, lan tỏa rộng rãi hơn GTDT Nhà sàn.

Một số ý kiến đề xuất triển khai thực hiện quét mã QR

Về vị trí đặt mã QR:

Việc đặt mã QR để phát huy GTDT Nhà sàn có đặc thù riêng vì tính chất công tác bảo tồn di tích và số lượng khách tham quan rất đông, thường tập trung vào một khung giờ nhất định. Nếu tại các bảo tàng, khách tham quan có điều kiện ngắm nhìn hiện vật trong khoảng cách rất gần kết hợp quét mã QR đặt bên cạnh thì tại Nhà sàn, khách không được tiếp cận trực tiếp với hiện vật, chỉ đi vòng bên ngoài tầng 1 và tham quan tầng 2 từ cầu thang sắt nên việc đặt mã QR phải cân nhắc vị trí phù hợp. Nên nghiên cứu, lựa chọn đặt mã QR tại 1 – 3 vị trí có khoảng không gian tương đối thoáng rộng trên con đường từ cổng vào tham quan Khu Di tích đến đầu di tích Đường Xoài để vừa chia nhỏ lượng khách dừng lại quét mã, tránh gây ùn tắc hành trình tham quan, vừa bảo đảm cung cấp cho khách những thông tin cơ bản trước khi bắt đầu tham quan Nhà sàn.

Các giai đoạn ứng dụng quét mã QR:

Hoàn thành công tác số hóa hồ sơ di tích, tài liệu hiện vật để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ. Lựa chọn trong cơ sở dữ liệu một số nội dung quan trọng, ngắn gọn về di tích Nhà sàn và các tài liệu hiện vật đang trưng bày tại đây để mã QR hiển thị sau khi quét. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ hiện đại, bảo đảm mã hóa và truyền tải thông tin nhanh chóng, tiện lợi. Tổ chức nghiệm thu, đánh giá hiệu quả thí điểm, nghiên cứu triển khai mở rộng sang các ngôn ngữ nước ngoài (tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc phục vụ khách quốc tế) và đa dạng hình thức hiển thị (bằng văn bản, âm thanh, video phục vụ nhiều nhu cầu và đối tượng khách tham quan khác nhau).

Về tổ chức thực hiện:

Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện (từ ngân sách nhà nước kết hợp các nguồn tài trợ, xã hội hóa); khảo sát thực trạng địa điểm và thống nhất phương án thi công với các đơn vị kỹ thuật đủ năng lực.

Di tích Nhà sàn đã tồn tại 65 năm cùng lịch sử dân tộc, góp phần đặc biệt quan trọng đối với công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phát huy GTDT Nhà sàn trong quần thể Khu Di tích thì việc nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến như quét mã QR là một giải pháp hợp lý, hiệu quả cần được các nhà quản lý quan tâm, nghiên cứu triển khai thực hiện.

Chú thích:
1. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. H. NXB. Thông tin và Truyền thông, 2021, tr. 41.
2. Số liệu thống kê tại Khu Di tích.
Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch