Xây dựng trường học và chung cư  – một bài toán khó cần sớm có lời giải của thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ: “1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. 2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”. Với thực trạng không đủ trường, đủ lớp để học, chính quyền thành phố Hà Nội xử lý vấn đề này như thế nào? Bài viết kiến nghị một số giải pháp mong sớm không còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp tại Thủ đô Hà Nội hiện nay.
Ảnh minh họa (hanoimoi.vn)
Vài nét về thực trạng

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Hà Nội thiếu rất nhiều trường học ở hầu hết các quận nội thành và cả ngoại thành (đặc biệt tại quận Hoàng Mai). Các cơ quan báo chí và truyền thông thời gian qua đã phản ánh tình trạng hàng trăm phụ huynh đã phải bốc thăm “may rủi” để nhận được suất học cho con tại Trường Mẫu giáo Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai; hay hình ảnh phụ huynh thức xuyên đêm để giành một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con… đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh nhà quản lý về câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp tại Hà Nội.

Hiện nay, dân số Hà Nội khoảng 8,5 triệu người, chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, mỗi quận lại chỉ có nhiều nhất là 4 trường trung học phổ thông (THPT) công lập với chỉ tiêu đầu vào rất hạn chế1.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022 – 2023, số lượng học sinh đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT khoảng 72.000. Trừ một số ít học sinh thi vào các trường chuyên, dự tính khoảng hơn 30 nghìn học sinh sẽ không có cơ hội vào lớp 10 công lập2. Số thí sinh trượt nguyện vọng vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 – 2023 đã đặt ra những vấn đề về thực trạng quản lý xã hội.

Không thể cho rằng “33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập: ‘Trong cái rủi có cái may” như tiêu đề trên một tờ báo, bởi đây không phải là câu chuyện về “may rủi” mà là câu chuyện về quản lý con người, là quyền học tập của trẻ, là vấn đề an sinh xã hội vốn là mục tiêu hàng đầu của quốc gia.

Không có đủ chỗ ở các trường công lập để học, phụ huynh chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ vào các trường tư thục (với học phí có khi lên đến hàng chục triệu đồng/mỗi tháng ở các trường uy tín) cho con. Nhưng còn những gia đình nghèo, điều kiện sống khó khăn thì con đường nào sẽ đến với các em? Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn3. Người dân tìm đến Thủ đô ngoài việc mưu sinh còn mong muốn tạo dựng cho con cháu cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục vẫn được coi là hiện đại bậc nhất cả nước. Nhưng trước nạn thiếu trường lớp người dân  buộc phải gửi con về quê. Thiếu vắng tình cảm và sự dạy dỗ của cha mẹ, nhiều trẻ em đã sa vào tệ nạn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Với những gia đình hoàn cảnh không biết gửi con về đâu, các em sẽ không được cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tắc nghẽn học đường”?

Theo góc nhìn của người viết, hiện trạng “tắc nghẽn học đường” này xuất phát từ nhiều căn nguyên khác nhau.

Một là, việc xây dựng chung cư tràn lan theo kiểu “điền vào chỗ trống” đã sử dụng quá nhiều quỹ đất vốn đã hạn hẹp của Hà Nội, không có đất để xây thêm trường mới thì mãi mãi vẫn sẽ “đến hẹn lại lên” vào mùa tuyển sinh là những hình ảnh phụ huynh chen lấn, xô đổ cả cổng trường cố giành lấy một suất học cho con. Tuyến đường Lê Văn Lương, thuộc địa phận phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân chỉ dài khoảng 2 km nhưng “cõng” tới 33 cao ốc với khoảng 100.000 cư dân. Những năm gần đây, lượng căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng lên chóng mặt, còn quỹ đất để xây dựng trường học thì hạn hẹp, trong khi dân số ngày càng tăng, đến mức có những phường trở thành “siêu dân số”, như: phường Hoàng Liệt thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) có quy mô lên tới hơn 90.000 người, con số này gấp đôi số dân của thành phố Bắc Kạn4.

Hai là, sự “mờ” của Luật. Theo nguồn từ báo Lao động ngày 16/9/2022 đã nêu lý do: “sở dĩ xảy ra tình trạng thiếu trường học tại một số quận trên địa bàn TP. Hà Nội như hiện nay là do quy định của Luật có một số “điểm mờ”, chưa quy rõ trách nhiệm của các bên liên quan”5. Luật hiện hành quy định khi lập dự án, các khu đô thị phải có đất phát triển giáo dục, nhưng trong triển khai thì không làm rõ trách nhiệm là chính quyền địa phương hay chủ đầu tư phải xây trường như thế nào và thời gian hoàn thành vào khi nào? Đây chính là những “điểm mờ”, tạo điều kiện để các chủ đầu tư mải mê xây nhà để bán mà “quên” xây trường học.

Ba là, những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong quy hoạch đô thị khi xây dựng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị chỉ mới tập trung vào lợi ích kinh tế, không gắn liền phát triển hạ tầng kinh tế với phát triển hạ tầng xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Từ đó, đã dẫn đến việc khi thẩm định, phê duyệt xây dựng chung cư mà không chú ý đến việc xây dựng trường học phù hợp với sự phát triển của đô thị.

Bốn là, Hà Nội chưa thực sự coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 14/01/1993 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, Nghị quyết đã đưa ra những quan điểm chỉ đạo về đổi mới giáo dục, phải “thực hiện một nền giáo dục thường xuyên cho mọi người, xác định học tập suốt đời là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân”. Để xảy ra tình trạng thiếu trường thiếu lớp, dẫn đến một bộ phận học sinh phải bỏ học, rẽ ngang sang con đường khác ở tuổi vị thành niên, trước hết trách nhiệm thuộc về ngành Giáo dục đã không làm tốt chức năng tham mưu và trách nhiệm quản lý nhà nước. Các cấp ủy Đảng, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội tại Hà Nội chưa thực sự làm tốt vai trò trong phát triển giáo dục – đào tạo, theo đó, chưa kịp thời đề ra các chủ trương và giải pháp có hiệu quả để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển.

Một số giải pháp “giải bài toán khó” về xây dựng trường học tại Hà Nội hiện nay

Thứ nhất, cần ưu tiên quỹ đất cho xây dựng trường học. Trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng chỗ học cho học sinh, trước mắt. Hà Nội cần dành đất cho việc xây dựng trường học. Với những dự án có quy hoạch trường học thuộc về chủ đầu tư, cần nghiêm túc xử lý nếu chủ đầu tư không muốn xây hoặc cố tình không xây trường học như trong dự án.

Thứ hai, các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư… cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Các cấp có thẩm quyền cần rà soát lại quá trình thực hiện Luật Thủ đô năm 2012, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Giáo dục năm 2019 để phân định rõ từng điều khoản thuộc về trách nhiệm của chính quyền hay chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng phải nâng cao vai trò giám sát việc sử dụng quỹ đất của Hà Nội nhằm giúp chính quyền Hà Nội xây dựng, quản lý đô thị hiệu quả hơn.

Thứ ba, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học (công lập) trong khu vực nội thành khi di dời các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, nhà máy… ra khỏi khu vực nội đô.

Thứ tư, coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” theo đúng chủ trương của Đảng. Các ngành, các cấp cần vào cuộc để tập trung mọi nguồn lực vào mục tiêu xây dựng con người, trước hết là phải bắt đầu từ nhiệm vụ dành quỹ đất  xây dựng đủ trường, đủ lớp, tránh tình trạng “tắc nghẽn trường học” như hiện nay.

Chú thích:
1, 3. Mỗi năm dân số Hà Nội tăng tương đương một huyện lớn. https://chinhphu.vn, ngày 18/10/2018.
2. Khoảng 33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập sẽ học ở đâu? https://vietnamnet, ngày 18/5/2023.
4. Nơi “soán ngôi” chung cư, cao ốc dày đặc nhất Hà Nội. Cafebiz ngày18/6/2022.
5. Cần dừng xây chung cư – dành đất cho trường học: Chưa rõ ràng trách nhiệm của chính quyền hay chủ đầu tư. https://lao động.vn, ngày 16/9/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Hà Nội thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên. Thanh tra.com.vn, ngày 13/9/2022.
2. Khi trường học tắc nghẽn. https://vietnamnet, ngày 12/7/2023.
3. Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 14/01/1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
ThS. Vương Thị Liên
Học viện Hành chính Quốc gia