Quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam đã luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ quản lý về tiền tệ – ngân hàng được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay hiệu quả, bảo đảm hoàn thành công tác và đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện nguồn lực còn khá nhiều hạn chế. Bài viết tập trung nêu thực trạng hoạt động, đề xuất định hướng và giải pháp tổ chức thực hiện của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam – VIB.
Ảnh: vib.com.vn.
Những kết quả đạt được và hạn chế

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn các chính sách tín dụng đến với mọi tầng lớp nhân dân và hỗ trợ các thành phần kinh tế trong xã hội thiếu vốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì và phát triển sản xuất – kinh doanh. Đặc biệt, thường xuyên thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng ngân hàng và đã phát hiện được một số sai phạm của các đơn vị trực thuộc hệ thống VIB trong kinh doanh tín dụng.

Tập thể lãnh đạo, nhân viên VIB luôn có sự nhất trí, đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các mặt công tác chuyên môn; hoạt động phong trào của các tổ chức Đảng, Đoàn thể được quan tâm, chú trọng. Đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua, nội dung thi đua thiết thực, gắn trách nhiệm với quyền lợi của tập thể và người lao động. Cán bộ và người lao động tại VIB hăng hái nhiệt tình tham gia hưởng ứng phong trào thi đua, coi thi đua là động lực chính trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ. Xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết tốt, cùng nhau chung sức, đồng lòng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Một số mặt còn hạn chế của VIB hiện nay tập trung ở việc xây dựng kế hoạch cho vay còn bị động, phụ thuộc nhiều vào sự điều hành của Nhà nước và của Bộ Tài chính. Chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra các chi nhánh và một số đơn vị liên doanh, liên kết, do đó, vẫn còn một số sai phạm của chi nhánh, đơn vị bị bỏ qua. Nội dung thanh tra, kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể. Các ý kiến đề xuất, góp ý của đối tượng thanh tra vẫn chưa được xem xét và giải quyết kịp thời. Công tác xây dựng văn bản chỉ đạo của VIB còn chậm, việc thay thế, bãi bỏ các văn bản cũ cho phù hợp với tình hình thực tế chưa kịp thời, công tác phản hồi, giải quyết bất cập còn chậm.

Bộ máy quản lý của VIB mặc dù liên tục được củng cố, tăng cường nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, số lượng đội ngũ lao động chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đề ra của VIB. Thẩm quyền và chế tài xử phạt cũng như kỷ luật hành chính còn thấp, chưa đủ sức răn đe, công tác xử lý vi phạm chưa nghiêm. Nhiều văn bản hướng dẫn mặc dù được sửa đổi, thay thế liên tục, nhưng chưa tiến hành đồng bộ dẫn đến khó tra cứu, áp dụng.

Phương hướng hoạt động cho vay tại VIB

(1) Tổ chức triển khai chính sách tiền tệ và nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng. Chủ động nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị trong toàn hệ thống VIB thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội theo đúng chức năng tham mưu, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động của VIB.

Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội và các hoạt động của hệ thống VIB để báo cáo và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các biện pháp quản lý hoạt động của VIB về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, những bất cập của cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị tại trụ sở chính của VIB.

(2) Tăng cường phối hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn của các sở, ban, ngành và Chính phủ. Phối hợp với các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen; đồng thời, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp ngăn chặn, hạn chế hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.

(3) Là đầu mối gắn kết chặt chẽ với các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của VIB nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung. Chủ trì tổ chức làm việc với các đơn vị chi nhánh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc về hoạt động tiền tệ ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Chú trọng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.

(4) Tăng cường công tác thanh tra, giám sát; triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các đơn vị trực thuộc gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; phòng, chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

(5) Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra cụ thể đối với các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước và nguồn lực thanh tra.

(6) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay phục vụ đời sống, thu hồi nợ của các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

(7) Thực hiện phương án cơ cấu lại nguồn vốn tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đã được phê duyệt. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có nợ xấu cao chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; rà soát việc phân loại nợ, bảo đảm phản ánh đúng chất lượng khoản vay, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định.

(8) Là đầu mối phối hợp với chính quyền địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc của chi nhánh trên địa bàn trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, thi hành án dân sự.

Một số giải pháp tổ chức thực hiện định hướng phát triển của VIB

Thứ nhất, nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý, tăng hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của VIB đối với hoạt động cho vay của các chi nhánh. Trong đó, xác định 3 mục tiêu trọng tâm, là: duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm sự ổn định và an toàn của các chi nhánh; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.

Thứ hai, hoàn thiện bộ máy tổ chức của VIB cả về chất và lượng, vừa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của trụ sở chính; đồng thời, vừa tương xứng, phù hợp với quy mô mạng lưới của hệ thống các chi nhánh tại địa phương.

Thứ ba, cải tiến nội dung và quy trình thanh tra, giám sát ngân hàng, chú trọng đến công tác thanh tra, giám sát các chi nhánh có tỷ lệ nợ xấu lớn, kém an toàn hoặc có dấu hiệu không chấp hành pháp luật nhằm kịp thời cảnh báo được rủi ro. Quá trình cải tiến phải tuân thủ theo chuẩn mực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thanh tra, giám sát đối với các ngân hàng, bảo đảm hệ thống tài chính trong nước ổn định.

Thứ tư, tiếp tục phát triển mạng lưới chi nhánh ngân hàng theo hướng có chọn lọc những chi nhánh, địa phương có uy tín và năng lực tài chính, ưu tiên mở rộng mạng lưới về địa bàn huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn… bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương đúng định hướng, góp phần phát triển đồng bộ nền kinh tế địa phương.

Hoàng Thị Hằng
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam