Một số quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức thực hiện để đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Để cấp xã “làm được việc”, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng thì sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, sự tận tụy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách… của chính quyền cấp xã giữ một vai trò rất quan trọng. Vì thế, việc xác định số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách và phân loại chính xác đơn vị hành chính cấp xã phù hợp là rất cần thiết.
Ảnh minh hoạ: baohagiang.vn.
Xác định số lượng cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách theo tiêu chí đơn vị hành chính cấp xã

Các đơn vị hành chính cấp xã được phân loại theo các tiêu chí, như: dân số; diện tích; các yếu tố đặc thù. Ở mỗi khu vực, vùng miền khác nhau thì các tiêu chí đó được xác định và tính điểm khác nhau. Ngày 22/10/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Tiếp đến là Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; theo đó, quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính tại Nghị định số 159/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ, như sau: xã, phường, thị trấn loại 1: 25 cán bộ; xã, phường, thị trấn loại 2: 23 cán bộ; xã, phường, thị trấn loại 3: 21 cán bộ.

Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Nghị định bổ sung Điều 4 về số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau: loại 1: tối đa 23 người; loại 2: tối đa 21 người; loại 3: tối đa 19 người.

Quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố

Ngày 10/6/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023. Nghị định này quy định về chức vụ, chức danh, số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, công chức cấp xã chỉ có 6 chức danh (không còn chức danh trưởng công an xã), là: chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; văn phòng – thống kê; địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã); tài chính – kế toán; tư pháp – hộ tịch; văn hóa – xã hội.

Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây: bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân; chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, theo quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, không quy định mức tối đa, cụ thể như sau:

Đối với phường: loại I là 23 người; loại II: 21 người; loại III: 19 người;

Đối với xã, thị trấn: loại I là 22 người; loại II: 20 người; loại III: 18 người.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng công chức ở cấp xã tăng thêm như sau: Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. Ngoài việc tăng thêm công chức theo quy mô dân số quy định tại điểm a nêu trên thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 1 công chức.

Về phụ cấp chức vụ lãnh đạo cấp xã. Cán bộ cấp xã được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương cơ sở như sau: bí thư Đảng ủy: 0,30; phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,25; chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,20; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, chủ tịch Hội Nông dân, chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 0,15.

Việc kiêm nhiệm và hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được sửa đổi tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh đang đảm nhiệm mà giảm được 1 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức vụ, chức danh (kể cả trường hợp bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân, bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định chức vụ, chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức cấp xã giảm được so với quy định. Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.

Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau: loại I là 14 người; loại II: 12 người; loại III: 10 người. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm. Theo đó, phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 người hoạt động không chuyên trách. Các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 (một phần hai) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 người hoạt động không chuyên trách. Ngoài việc tăng thêm người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số quy định nêu trên thì đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 01 người hoạt động không chuyên trách.

Thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Về chế độ phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp. Ngân sách trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, như sau: đơn vị hành chính cấp xã loại I được khoán quỹ phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại II được khoán quỹ phụ cấp bằng 18,0 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại III được khoán quỹ phụ cấp bằng 15,0 lần mức lương cơ sở.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã có số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.

Ngân sách trung ương khoán quỹ phụ cấp để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố, như sau:

a) Đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã ở khu vực biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở. Trường hợp thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã thì được giữ mức khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở.

b) Đối với các thôn, tổ dân phố không thuộc quy định tại điểm a nêu trên được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở.

c) Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố quy định tại điểm a và điểm b nêu trên được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.

Kết luận

Việc quy định rõ về tiêu chí xác định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh cải cách hành chính hiện nay, đáp ứng mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo Nghị quyết số 76/2021/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, là: sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; ban hành giải pháp khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương; thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp với yêu cầu quản lý và tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 159/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
2. Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
3. Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
4. Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
5. Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
6. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
7. Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
TS. Nguyễn Thị Thu Hương
Học
viện Hành chính Quốc gia