Khai thác sức mạnh công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững

(Quanlynhanuoc.vn) – Từ ngày 14 17/9/2023, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: ”Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”Tại buổi họp báo trước thềm Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng chung tay với cộng đồng quốc tế trong sứ mệnh khai thác sức mạnh công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, theo hướng có trách nhiệm và không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các thế hệ tương lai.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.
Khẳng định vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm và đóng góp hiệu quả của Quốc hội Việt Nam 

– Thưa ông, ngày 14/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sẽ diễn ra các hoạt động đầu tiên. Xin ông cho biết, ý nghĩa của Hội nghị này? 

Ông Bùi Văn Cường: Năm 2013, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) đã thành lập Diễn đàn nghị sĩ trẻ, cơ chế chính thức và thường trực trong IPU nhằm góp phần tăng cường số lượng và chất lượng tham gia của giới trẻ trong các nghị viện và trong IPU. Đến năm 2014, IPU đã thiết lập hội nghị toàn cầu hàng năm với mục đích tăng cường vai trò của nghị sĩ trẻ và sự tham gia của giới trẻ vào hoạt động nghị viện và đưa ra những khuyến nghị dưới góc nhìn của giới trẻ về các hoạt động cũng như nội dung nghị sự của IPU; đồng thời, xây dựng mạng lưới đoàn kết và nâng cao năng lực, mở rộng cách tiếp cận của giới trẻ đối với các vấn đề cùng quan tâm. Đến nay đã có 8 Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu được tổ chức với các chủ đề khác nhau. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 – 17/9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.

Điều đặc biệt là, Hội nghị lần này sẽ diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG Summit, New York 18 – 19/9/2023). Với chủ đề vừa mang tính thời sự vừa hướng đến tương lai phát triển bền vững trên toàn cầu, Hội nghị là cơ hội để các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên IPU thảo luận về các hành động của nghị viện nhằm phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.

– Đối với Việt Nam, việc đăng cai tổ chức Hội nghị này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông? 

Ông Bùi Văn Cường: Đây là sự kiện ngoại giao nghị viện đa phương quan trọng nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2023. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị nhằm thiết thực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng ta tại Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09/01/2023 của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2028 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XII) về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.

Một điều đặc biệt là, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ đánh dấu kỷ niệm 8 năm Tuyên bố Hà Nội về các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) được Liên minh Nghị viện Thế giới thông qua tại Đại hội đồng IPU – 132 cũng do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. Như vậy, việc đăng cai tổ chức Hội nghị tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm, phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam tại IPU – tổ chức nghị viện đa phương lớn nhất toàn cầu, đồng thời cũng là một trong những tổ chức đa phương có lịch sử lâu đời nhất thế giới.

Việc đảm nhận vai trò chủ nhà của Hội nghị thể hiện sâu đậm sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước ta với thế hệ trẻ, sự tin tưởng và tạo mọi điều kiện để giới trẻ nói chung và đại biểu Quốc hội trẻ nói riêng phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia phát triển đất nước và chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, tham gia xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng.

Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam qua kênh nghị viện; tham khảo kinh nghiệm thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ vào các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đang là xu thế chung của thế giới và cũng là những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách hiện nay của Việt Nam

Thông qua hội nghị cũng là một cơ hội rất tốt để chúng ta truyền tải tới bạn bè quốc tế về chính sách đối ngoại của Việt Nam; tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; quảng bá về thành quả công cuộc Đổi mới của Việt Nam; về truyền thống văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

– Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị đã được tiến hành như thế nào, thưa ông? 

Ông Bùi Văn Cường: Với tính chất và ý nghĩa quan trọng của Hội nghị, từ đầu năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị. Tham gia Ban Tổ chức ngoài các cơ quan của Quốc hội còn có các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan. Ban Tổ chức đã thành lập Ban Thư ký Quốc gia và 3 tiểu ban gồm: tiểu ban Nội dung, tiểu ban Lễ tân – Hậu cầu – An ninh – Y tế, tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền để triển khai các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hết sức quan tâm đến việc tổ chức Hội nghị, không chỉ yêu cầu các cơ quan chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa mà còn trực tiếp làm việc với các bộ, ngành liên quan như: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch… để xem xét, đóng góp ý kiến, đề xuất các chủ đề dự kiến thảo luận tại hội nghị cũng như các đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị. Trong quá trình chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội cũng nhiều lần làm việc với các cơ quan liên quan, rà soát, đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện từng công việc để bảo đảm điều kiện tốt nhất tổ chức thành công Hội nghị.

Theo chương trình, tại các phiên khai mạc, bế mạc và các phiên họp toàn thể Hội nghị đều sẽ có sự tham dự của lãnh đạo IPU, các tổ chức quốc tế và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế, các đại biểu Quốc hội trẻ và một số đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ của Việt Nam. Cùng với các phiên thảo luận chính thức, theo yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội, chúng ta còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ hội nghị, như: tọa đàm: “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì; tổ chức Triển lãm thành tựu Đổi mới sáng tạo, sản phẩm OCOP…

Họp báo trước thềm Hội nghị.

Tính đến sáng ngày 12/9, Hội nghị đã có 75 đoàn nghị viện đăng ký tham dự với hơn 310 đại biểu quốc tế, trong đó có 69 đoàn nghị viện thành viên IPU và 6 đoàn các tổ chức liên nghị viện, tổ chức quốc tế, quan sát viên, đông hơn khá nhiều so với các hội nghị trước đây.

Với phương châm “hữu nghị, trọng thị, chu đáo, an toàn và tiết kiệm”, công tác chuẩn bị Hội nghị đã cơ bản hoàn tất, bảo đảm cả về nội dung, hậu cần, lễ tân và an ninh, y tế. Hội nghị chắc chắn sẽ để lại dấu ấn tốt đẹp về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình đối với bạn bè quốc tế.

Sát cánh cùng nhau giữ lời hứa trong Tuyên bố Hà Nội năm 2015

– Được biết chủ đề của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã được phía Quốc hội Việt Nam và IPU thảo luận rất kỹ lưỡng. Ông đánh giá như thế nào về chủ đề chung cũng như các chủ đề thảo luận chuyên đề tại Hội nghị lần này? Việt Nam muốn gửi thông điệp gì tới bạn bè quốc tế qua việc đề xuất các chủ đề này? 

Ông Bùi Văn Cường: Chủ đề chung của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo” và chủ đề các phiên thảo luận chuyên đề về chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững không chỉ mang tính thời sự mà còn phù hợp với xu thế thời đại và định hướng phát triển của các quốc gia trên toàn cầu. Các nghị viện thành viên cùng Chính phủ các nước đều nhận thức rõ và khẳng định rằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu, giúp đẩy nhanh hơn, công bằng hơn đối với mỗi quốc gia và mỗi người dân toàn cầu để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay hướng đến 2 mục tiêu khát vọng 100 năm đã được Đảng ta đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII.

Việc lựa chọn các chủ đề trên càng có ý nghĩa quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, tiến độ thực hiện SDGs trên toàn cầu còn quá chậm. Chúng ta đã đi được nửa chặng đường của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững nhưng hiện mới chỉ có 12% SDGs đang được thực hiện đúng hướng, trong khi 50% SDGs chệch hướng ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực mạnh mẽ hơn và có bước đột phá để đạt SDGs vào năm 2030 như mục tiêu mà Liên Hợp quốc đã đề ra, trong đó có chuyển đổi số, tận dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng tốc để tìm ra các cách tiếp cận mới và các giải pháp phù hợp, khả thi; cùng với đó là thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa, phát huy vai trò của văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa gắn với phát triển bền vững.

 Dự kiến Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Hội nghị về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Như vậy, đây sẽ là Tuyên bố hội nghị đầu tiên của Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ hội nghị. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào? Việt Nam đóng góp như thế nào về nội dung, sáng kiến trong dự thảo Tuyên bố này?

Ông Bùi Văn Cường: Dự kiến, tại phiên bế mạc, Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phản ánh tiếng nói, quyết tâm của các nghị sĩ trẻ trên toàn cầu chung tay thực hiện SDGs của Liên Hợp quốc. Như tôi đã nói, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Vừa qua, các tiểu ban của Ban Tổ chức Hội nghị đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký IPU để xây dựng dự thảo Tuyên bố Hội nghị. Trong đó, tiểu ban Nội dung đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các nội dung có thể đưa vào Tuyên bố Hội nghị với những thông điệp mạnh mẽ, có dấu ấn nhằm góp phần thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy thực hiện SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, các bước mà nghị sĩ trẻ và các nghị viện có thể thực hiện để thúc đẩy khoa học và chuyển đổi số nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, như: thúc đẩy giáo dục cho thanh niên, ưu tiên các kỹ năng kỹ thuật số, khoa học và các công cụ khác cho công việc của tương lai; tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học và nghị viện để tạo thêm không gian cho khoa học đóng góp vào hòa bình và phát triển bền vững; phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị và định hướng để phù hợp việc ra quyết định, nghiên cứu và phát triển về khoa học và công nghệ…

Dự thảo Tuyên bố Hội nghị cũng nhấn mạnh, việc tôn trọng sự phong phú của các nền văn hóa, kinh nghiệm và các quan điểm khác nhau trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đa dạng văn hóa là sức mạnh cho sự phát triển bền vững, không chỉ cần được bảo vệ mà còn cần được trân trọng, vì đây là thành tố không thể thiếu có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới hơn nữa.

– Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

Theo: Quỳnh Chi, Duy Thông
daibieunhandan.vn