Truyền thông số góp phần nâng tầm thương hiệu các trường đại học

(Quanlynhanuoc.vn) – Truyền thông số là các phương thức truyền thông kỹ thuật số. Đây là nội dung đề cập đến các nền tảng kỹ thuật số, như: các kênh truyền thông, email, website… Những công cụ này được dùng để truyền tải các hoạt động tiếp thị, quảng cáo trên không gian số. Trong bối cảnh hiện nay, để hoạt động của các trường đại học đạt hiệu quả thì cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông số.
Ảnh minh họa (giaoduc.net).
Đặt vấn đề

Truyền thông số là việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để truyền tải thông tin, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của một tổ chức, doanh nghiệp tới khách hàng mục tiêu. Các phương tiện truyền thông số phổ biến, bao gồm: website, blog, podcast, email marketing, video marketing, mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến…

Về phương diện truyền thông, có 5 kênh truyền thông số phổ biến sau:

Tivi: là một trong những kênh truyền thông số có sự tiếp cận đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất với sức lan tỏa lớn. Ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển hơn, tivi không chỉ là kênh truyền đi thông tin mà còn là sự tương tác hai chiều. Tuy nhiên, mức chi phí cho truyền thông trên truyền hình kỹ thuật số rất lớn.

Digital: được chia thành các mảng nhỏ:

Quảng cáo banner: quảng cáo đánh vào thị giác của mỗi người. Việc thiết kế các banner đẹp mắt trên các website sẽ giúp người dùng dễ dàng chú ý đến các quảng cáo của doanh nghiệp, từ đó, họ sẽ tìm hiểu nhiều hơn về doanh nghiệp.

– Email Marketing: tạo dựng mối quan hệ thân thiết giữa khách hàng với thương hiệu thông qua hệ thống hòm thư điện tử, giúp người dùng có thể dễ dàng nhận diện về brand của mình.

– Social Media Marketing: với các nền tảng phổ biến hiện nay (Facebook, Instagram, Twitter,…)  rất phù hợp với đối tượng là người dùng trẻ tuổi. Các doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu rõ đối với những khách hàng của doanh nghiệp nếu như quyết định sử dụng phương thức này.

OOH – Out of Home: đây là cách tiếp thị ngoài trời mà nhiều doanh nghiệp đã sử dụng và nó luôn có hiệu quả trong thời gian qua. Có thể thấy, các biển quảng cáo này xuất hiện tại các toà nhà, bến xe bus,…

Billboards: những biển quảng cáo ngoài không gian rộng.

Street Furniture: quảng cáo trên các đường phố đông người.

LCD building: quảng cáo trên các màn hình lớn ở các toà nhà cao tầng hay trung tâm thương mại.

Transit Advertising: PR chuyển tiếp.

Radio: là phương tiện truyền thông kỹ thuật số lâu đời, đã cung cấp rất nhiều những thông tin chất lượng đến các thính giả. Đây cũng là một trong các cách truyền thông mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Kênh truyền thông này thường sẽ hướng đến những khách hàng hay nghe đài hoặc làm việc trong môi trường không sử dụng đến tivi, như lái xe taxi, lái xe chạy đường dài…

Print – ads: Print – ads cũng là một trong các cách truyền thông lâu đời thông qua báo giấy, tạp chí quảng bá các hình ảnh của doanh nghiệp đến độc giả. Mục tiêu của loại truyền thông này là hướng đến các độc giả là nhân viên văn phòng hoặc trung niên… Ngày nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, người ta thường hướng đến xuất bản bài báo, tạp chí trên internet.

Về phương thức truyền thông. Hiện tại có một số phương thức số phổ biến như:

Cách thức

hoạt động

Nội dung
Owned Media – Là việc các công ty, doanh nghiệp sử dụng nhằm quản lý những kênh truyền thông riêng của mình như: Fanpage, website,…

– Là hình thức quảng bá giúp hình ảnh doanh nghiệp in sâu trong tâm trí khách hàng.

– Hình thức này có thể sử dụng lâu dài, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều hơn so với trả phí.

Paid Media – Là phương thức truyền thông mà tổ chức, doanh nghiệp cần phải trả một khoản ngân sách để sử dụng được kênh digital đó.

– Phương thức này có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu dễ dàng trong phạm vi rộng

Earned Media – Đây là cách thức truyền thông nâng cấp hơn hình thức truyền miệng.

– Nội dung truyền thông của những bài đăng thường sẽ phụ thuộc vào phía công chúng. Tùy thuộc vào chiến lược marketing của các doanh nghiệp.

Truyền thông số với đặc tính lan tỏa thông tin nhanh chóng đến các đối tượng và tác động một cách thường xuyên, có tính tương tác cao… đang trở thành hình thức thông tin phù hợp, hiệu quả để quảng bá, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Xu hướng truyền thông số đang “phủ sóng” giới trẻ

Những năm qua, ở nước ta mức sống người dân được nâng cao, cùng với sự phát triển công nghệ đã làm gia tăng nhanh chóng lượng người sử dụng internet. Xuất phát điểm với 0,25% dân số sử dụng internet năm 2002, chỉ sau 2 thập kỷ, tỷ lệ này tăng lên tới hơn 70%, đưa Việt Nam nằm trong danh sách 20 quốc gia trên thế giới có lượng người sử dụng internet lớn nhất. Trung bình một người trong độ tuổi 16 – 64 dành gần 7 tiếng một ngày sử dụng internet. Đây là những điều kiện thuận lợi để truyền thông số phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, chiếm ưu thế tuyệt đối so với các hình thức truyền thông truyền thống1.

Theo báo cáo “Thị trường quảng cáo số Việt Nam 2021 – Chiến lược đón đầu và đột phá”được phát hành bởi Công ty Quảng cáo Adsota và đối tác chiến lược SOL Premier (2021), lượng người truy cập internet ở Việt Nam lên tới 70% dân số với 155 triệu thuê bao di động, đứng thứ 5 toàn cầu về tỷ lệ thuê bao trên dân số cả nước. Việc hầu hết mọi người đều sở hữu điện thoại thông minh và dành khá nhiều thời gian vào các phương tiện truyền thông xã hội đã thay đổi rất lớn ngành truyền thông, tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong việc chuyển đổi từ những phương thức truyền thông số sang kỹ thuật số.

Với ưu thế riêng của mỗi kênh, truyền thông có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, giới trẻ là đối tượng tham gia tương tác lớn nhất trên các kênh truyền thông số, đặc biệt là mạng xã hội. Mạng xã hội trở thành kênh cập nhật thông tin phổ biến của đối tượng học sinh, sinh viên. Hơn 86% sinh viên sử dụng mạng xã hội hoặc báo điện tử để cập nhật thông tin. Trong khi đó, tỷ lệ đối với báo in là chưa đến 6%.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng và đa dạng, truyền thông số đã và đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Truyền thông số đã, đang và sẽ tác động lớn đến các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội, như: truyền thông số trên nền tảng internet tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp. Truyền thông số cung cấp cho các doanh nghiệp những phương án truyền thông hiệu quả, đa dạng, chi phí thấp, nhanh chóng và tiện lợi, qua đó, giúp làm giảm rào cản gia nhập thị trường. Đại đa số các doanh nghiệp lớn, nhỏ lựa chọn sử dụng các kênh truyền thông số, trong đó phổ biến nhất là mạng xã hội.

Truyền thông số có tính hai chiều, cho phép tương tác giữa đối tượng và chủ thể. Các kênh truyền thông dựa trên nền tảng internet, một mặt có chức năng truyền tải thông điệp của chủ thể tới đối tượng; mặt khác, lưu trữ phản hồi của đối tượng đối với thông điệp, sản phẩm đó. Đứng từ góc độ người bán, truyền thông số cho phép các doanh nghiệp thực hiện đồng thời việc quảng cáo và điều tra, nắm bắt nhu cầu khách hàng – góp phần làm giảm chi phí và tăng hiệu quả marketing. Ở chiều ngược lại, thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đem đến cho người mua nhiều lựa chọn hơn và tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

Truyền thông số góp phần xây dựng thương hiệu các trường đại học

Hầu hết các trường đại học ở Việt Nam hiện nay đều chú trọng tới nhiệm vụ chính là giáo dục – đào tạo nhằm trang bị kiến thức cho sinh viên, mà ít quan tâm nhiều tới yếu tố thương hiệu. Tuy nhiên, quan điểm này đang dần bị thay đổi trong xu thế cạnh tranh giữa các trường đại học, đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Nếu như trước đây, cánh cửa đại học bị coi là cánh cửa hẹp với rất nhiều học sinh thì hiện nay, với số lượng tăng lên của các trường dân lập, trường quốc tế… học sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Để người học tìm hiểu về trường, bên cạnh yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu thì yếu tố tiếp thị hình ảnh đang ngày càng được coi trọng.

Hiện nay, các trường đại học công lập tại Việt Nam cũng đang dần dịch chuyển để phát triển chiến lược truyền thông nhằm thu hút sinh viên giỏi, xây dựng thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh các trường đang phát triển theo lộ trình tự tuyển sinh, cũng như tự chủ về tài chính. Các hoạt động truyền thông của các trường diễn ra nhiều hơn, như tăng số lượng học bổng cho tân sinh viên, tổ chức các ngày hội Open Day (cho học sinh trung học phổ thông tham quan, tìm hiểu môi trường đại học), mở thêm các chuyên ngành hợp tác quốc tế…

Xác định công tác truyền thông qua website, mạng xã hội, báo chí… đóng vai trò quan trọng, giúp đưa đến cho công chúng những thông tin chính thống về hoạt động của nhà trường và công tác tuyển sinh, đào tạo được đăng phát trên các nền tảng điện tử, như: báo điện tử, phát thanh, truyền hình đã góp phần quan trọng vào lan tỏa hình ảnh của nhà trường, từ đó, góp phần nâng cao thương hiệu trong cộng đồng các trường đại học.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở đào tạo hiện còn chưa khai thác hết được thế mạnh mà truyền thông số mang lại. Do đó, công tác truyền thông số còn thiếu hiệu quả, manh mún, chưa đồng bộ và thiếu chiến lược dài hạn, dẫn đến việc dễ bị ảnh hưởng khi các nền tảng lớn, như: Facebook, Google… thay đổi.

Một số lưu ý xây dựng chiến lược phát triển truyền thông số

Để phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động maketing giáo dục hiệu quả, các trường đại học cần tham khảo các chiến lược phát triển truyền thông sau:

Truyền thông sẽ giúp nâng tầm chất lượng giáo dục.

Chất lượng giáo dục của trường đại học là yếu tố hàng đầu tạo nên một chiến lược truyền thông thành công. Phụ huynh và học sinh sẽ quan tâm đến thông tin về chất lượng giảng dạy, tỷ lệ giáo sư, tiến sỹ, giảng viên giỏi, các cơ hội hợp tác giáo dục, chất lượng sinh viên đầu ra, thống kê về số lượng sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, bằng cấp của nhà trường được công nhận thế nào. Trước khi làm truyền thông, nhà trường phải có một bản “giới thiệu” thực sự ấn tượng về trường.

Thành lập bộ phận truyền thông chuyên biệt.

Hiện nay, các trường đại học tại Việt Nam ngày càng chú trọng để phát triển chiến lược truyền thông nhằm thu hút người học cũng như tạo dấu ấn trong xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều trường đại học đã bắt đầu xây dựng bộ phận truyền thông riêng biệt.

Bộ phận truyền thông của một số trường đại học đã không ngừng đổi mới, nỗ lực hiện đại hóa công tác thông tin truyền thông. Dựa trên những dữ liệu đã được kiểm chứng, sử dụng nền tảng công nghệ và các ứng dụng mới vào truyền thông chính là giải pháp nắm bắt hiệu quả nhu cầu thông tin trên môi trường mạng đang phủ sóng giới trẻ – nhu cầu học tập bậc cao hơn.

Sử dụng các công cụ digital marketing

Các trường đại học đã thúc đẩy việc tiếp thị hình ảnh trên mạng xã hội cũng như sử dụng các công cụ Digital marketing. Gửi đi email giới thiệu về nhà trường và các hoạt động tuyển sinh, sử dụng quảng cáo, tối ưu hóa tìm kiếm… là những cách thức mà các trường đại học hiện nay đang sử dụng.

Lan truyền những thông tin review tốt

Những thông tin phản hồi tốt về nhà trường đến từ những sinh viên đang theo học, phụ huynh htam gia các buổi giới thiệu tuyển sinh… Do vậy, các trường cần đẩy mạnh hoạt động nội bộ, cũng như tích cực tương tác với những người quan tâm.

Kết luận

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ thì truyền thông kỹ thuật số đang dần thay đổi các phương thức truyền thông truyền thống. Truyền thông kỹ thuật số sẽ đưa con người tiếp xúc một cách gần nhất và nhanh nhất đến các thông tin thiết yếu. Do vậy, các trường đại học ở Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động truyền thông để nâng cao thương hiệu trong một thị trường giáo dục nhiều cạnh tranh như hiện nay.

Chú thích:
1. Internet Day 2022: Người dùng internet Việt Nam đạt hơn 70% dân số sau 25 năm. https://vtv.vn, ngày 07/12/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Philip Kotler, Hermawan Kartajaya, Twan Setiawan. Tiếp thị 4.4: dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số. H. NXB Trẻ, 2017.
2. Dave Kerpen. Truyền thông xã hội. H. NXB Lao động – Xã hội, 2012.
3. Truyền thông kỹ thuật số là gì? Phương tiện truyền thông kỹ thuật số? https://luatduonggia.vn, ngày 31/3/2023.
Nguyễn Văn Long
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội