Vai trò của nhà nước đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Cùng với sự phát triển về quy mô và trình độ của nền kinh tế, vai trò của Nhà nước ngày càng được tăng lên. Nhà nước có vai trò quyết định đến sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước; quyết định tốc độ phát triển của quá trình đổi mới và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế số trở thành tất yếu, yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển không ngừng tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng mang đến không ít thách thức đối với Việt Nam, nhất là nguy cơ tụt hậu và khả năng dễ bị tổn thương hơn trong cạnh tranh. Vì vậy, tăng cường vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế số hiện nay càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Đặt vấn đề

Thuật ngữ “kinh tế số” được ra đời từ những năm 90 của thế kỉ 20 với nhiều quan niệm đa dạng, phong phú khác nhau, dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay, chưa có một định nghĩa được đồng thuận hoàn toàn về kinh tế số, nhưng một cách tổng quát nhất thì nền kinh tế số được hiểu là nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số.

Sự phát triển của kinh tế số tạo ra những mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thương mại phát triển bằng cách đẩy nhanh tốc độ và lưu lượng giao dịch thương mại. Đồng thời, trong nền kinh tế số, mọi lĩnh vực, mọi ngành kinh tế có thể kết nối được với nhau, theo đó thông tin sẽ được phổ biến rộng rãi, được truyền dẫn, xử lý với tốc độ rất nhanh, làm giảm thời gian, giảm chi phí rủi ro do sai sót, chi phí tài chính và nhiều chi phí khác, giúp nâng cao năng suất của người lao động, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, do đó, bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững. Không chỉ có vậy, kinh tế số có thể tạo ra những bước đột phá lớn, thúc đẩy xã hội phát triển đến một trình độ rất cao trên cơ sở công nghệ vật liệu phát triển, tạo ra được những vật liệu thông minh; trong đó, mỗi sản phẩm được sản xuất đều có thể được kết nối mạng và mã hóa để xác định tính đơn nhất. Những điều này cho thấy, xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và không thể đảo ngược trong tương lai.

Trên cơ sở nhìn nhận mối quan hệ giữa sự xuất hiện của công nghệ số với sự phát triển lý thuyết kinh tế học và quản lý, X. Zhu cho rằng: nghiên cứu về kinh tế số cần nỗ lực tạo ra các đột phá nền tảng mới trong nghiên cứu lý thuyết về kinh tế học và quản lý để nắm bắt và phát triển kinh tế số1. Điều này cũng có nghĩa, năng lực của nhà nước cần được không ngừng nâng cao để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển kinh tế số. Từ đó, phục vụ tốt hơn và tạo thuận lợi cho các loại thị trường phát triển. Tuy nhiên, nguồn lực nhà nước là có hạn nên cần bảo đảm rằng, nguồn lực được phân bổ cho các lĩnh vực và các vấn đề được ưu tiên cao nhất, cụ thể là kinh tế số. Thành công trong tương lai của Việt Nam trong chuyển đổi nhanh chóng thành quốc gia có thu nhập cao sẽ phụ thuộc vào việc tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam một cách có hiệu quả. Vấn đề là ở chỗ thiết kế thể chế như thế nào để bảo đảm Nhà nước và thị trường bổ sung cho nhau nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Vai trò của Nhà nước đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

Tạo lập môi trường thuận lợi cho chiến lược phát triển kinh tế số.

Kinh tế số là xu hướng phát triển của mọi nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Thúc đẩy kinh tế số được Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế số Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, như:

(1) Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số mỗi ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP và tỷ trọng kinh tế số mỗi ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;

(2) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”;

(3) Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược xác định: “Bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia”.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện cải cách thể chế tạo lập môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam thúc đẩy các hoạt động trực tuyến diễn ra nhiều hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn, từ đó thu hút đầu tư cho các công nghệ số. Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó Chính phủ và Quốc hội cũng đã xây dựng các khung pháp lý về an toàn, an ninh mạng, trong đó có Luật An toàn thông tin mạngLuật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua năm 2018.

Những chủ trương, chính sách đúng đắn mang lại những thành công và bước phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số ở Việt Nam đã được nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá cao. Khảo sát của Financial Times và Công ty nghiên cứu công nghệ Omdia về nền kinh tế kỹ thuật số công bố ngày 22/11/2022 của 39 quốc gia trên toàn cầu cho thấy, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ 2 trên thế giới (12,3%) vào năm 2022, dự báo nhanh thứ 3 thế giới (10,3%) vào năm 2023 và khả năng dẫn đầu thế giới về tốc tốc độ tăng trưởng kinh tế số giai đoạn 2022 – 20262.

Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á e-Conomy SEA lần thứ 7 cho thấy: nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hoá dự kiến tăng 28%, so với năm 2021 lên 23 tỷ USD. Nếu mức tăng trưởng trong giai đoạn 2022 – 2025 là 31% thì nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức khoảng 49 tỷ USD vào năm 2025 và đạt mốc kỷ lục 120 – 200 tỷ USD vào năm 20303. Đồng thời, tỷ lệ người dùng khu vực thành thị lựa chọn sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số của Việt Nam có mức tiếp nhận dịch vụ số cao nhất, trong đó lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ vận tải và giao đồ ăn đứng đầu danh sách với tỷ lệ lần lượt là 96%, 85% và 85%. Dịch vụ tài chính số cũng được kỳ vọng phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Không chỉ có vậy, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong thị trường tăng trưởng dài hạn của các quỹ đầu tư mạo hiểm với 83% quỹ đầu tư kỳ vọng hoạt động thương vụ tại Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn4.

Xây dựng chính phủ điện tử.

Xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được hoàn thiện hơn với những kết quả tích cực, như: đivào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai từ trung ương đến địa phương, nổi bật là hệ thống một cửa liên thông hiện đại và mô hình Trung tâm hành chính công…

Tính đến tháng 4/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.405 dịch vụ công trực tuyến (đạt 68%), tăng 1.200 dịch vụ so với cùng kỳ năm 2022. Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 4/2023, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 600 triệu lượt truy cập, hơn 4,3 triệu hồ sơ trực tuyến, 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện, tăng 526% so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 100 nghìn hồ sơ, giao dịch thanh toán trực tuyến5.Chính phủ điện tử đã góp phần minh bạch hóa các hoạt động của chính phủ, hạn chế tình trạng sách nhiễu, tham nhũng và tiêu cực của cán bộ trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, đánh giá được mức độ làm việc hiệu quả của cấp dưới để đưa ra các giải pháp phù hợp. Đồng thời, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi tiêu công và nâng cao hiệu quả trong quản lý và phục vụ Nhân dân.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái số.

Nhiều chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được triển khai tích cực, bao gồm: Quỹ Đổi mới sáng tạo công nghệ quốc gia, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Khu Công nghệ cao Hoà lạc, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ cũng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia…

Về cơ sở dữ liệu quốc gia đăng ký doanh nghiệp, hiện nay đã có thông tin đăng ký doanh nghiệp của hơn một triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cổng Dịch vụ công quốc gia qua trục liên thông văn bản quốc gia; đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với các hệ thống: hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài, hệ thống thông tin đấu thầu qua mạng; hệ thống thông tin của một số bộ, ngành và địa phương thông qua trục tích hợp dữ liệu quốc gia…6.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật số.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước.Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành do một cơ quan chủ quản để chủ trì điều phối, đặt hàng, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, một số doanh nghiệp nòng cốt để thúc đẩy phát triển. Điểm đột phá chính nhằm phát triển nền kinh tế số là nhanh chóng phổ cập điện thoại thông minh, internet cáp quang băng thông rộng, tốc độ cao tới người dân, phổ cập dịch vụ điện toán đám mây tới mỗi doanh nghiệp; nền tảng định danh và xác thực số được thúc đẩy phát triển.

Về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số sử dụng CNTT và truyền thông năm 2020 của Việt Nam có chuyển biến tích cực, tăng 20 bậc so với năm 2018 (xếp hạng 65/131 năm 2020, 85/129 năm 2018)7.

Về mạng bưu chính, giai đoạn 2011 – 2020, chuyển thành hạ tầng của thương mại điện tử, tham gia vào chuỗi cung ứng logistics. Việt Nam hiện đứng thứ 49/170 nước và xếp thứ 4/10 trong khu vực ASEAN về chỉ số 2IPD (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia), là một trong số ít nước thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng có chỉ số 2IPD cao. Sự chuyển biến này đã giúp lĩnh vực bưu chính duy trì được mức tăng trưởng cao, trung bình đạt trên 30%/năm8.

Về an toàn thông tin mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, bước đầu phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp bằng việc trang bị một số giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn thông tin tối thiểu với các quy chế, quy trình bảo đảm an toàn thông tin; mạng nội bộ và thiết bị đầu cuối trong cơ quan nhà nước đã từng bước được trang bị các thiết bị, phần mềm về an toàn thông tin9.

Như vậy, trong những năm qua Nhà nước đã và đang phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, thách thức, như:

Một là, môi trường pháp lý và thể chế để phát triển kinh tế số còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, đồng bộ và minh bạch. Trên thực tế, các mô hình kinh doanh mới ra đời phù hợp với sự chuyển đổi của kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng số đã dẫn tới một số quy định pháp luật không theo kịp.

Hai là, hạ tầng kỹ thuật số, nhất là hạ tầng viễn thông chưa đáp đứng được yêu cầu; quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ. Nguyên nhân là do công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, kết nối và chưa có tầm nhìn dài hạn, thường xuyên phải điều chỉnh.

Ba là, an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện tượng các đối tượng tấn công và lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn tinh vi còn diễn ra phổ biến.

Một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách và môi trường pháp lý để thúc đẩy kinh tế số phát triển. Nhà nước cần thiết lập các chính sách và quy định về bảo vệ quyền riêng tư và an toàn thông tin trong kinh tế số. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định về quyền riêng tư và bảo mật thông tin, quy định, giao trách nhiệm quản lý, giám sát của các cơ quan làm công tác bảo đảm an ninh mạng phải tuân thủ quy định này và cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cá nhân về bảo mật, an toàn thông tin. Cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các nền tảng trung gian trong giao dịch điện tử và công nhận đầy đủ tính pháp lý của hồ sơ, dữ liệu, chứng từ điện tử và giao dịch điện tử. Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng môi trường pháp lý và chính sách hỗ trợbằng cách xem xét và điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan đến kinh tế số để tạo điều kiện cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tài chính và khuyến khích đầu tư vào các dự án kinh tế số.

Thứ hai, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật số. Để kinh tế số, xã hội số phát triển, kết cấu hạ tầng số cần đi trước một bước, bao gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng số liệu, hạ tầng ứng dụng và hạ tầng nghiên cứu phát triển công nghệ. Nhà nước cần đầu tư vào việc xây dựng và nâng cấp hệ thống mạng lưới viễn thông, internet và trung tâm dữ liệu số để tạo điều kiện thuận lợi kinh tế số phát triển. Điều này bao gồm việc xây dựng và nâng cao mạng lưới viễn thông, bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin. Tích cực triển khai các giải pháp công nghệ số hiện đại gắn với triển khai trí tuệ thông minh, ứng dụng mạnh mẽ các tiện ích của công nghệ số như: thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, kết nối từ xa, điều khiển tự động, tiền điện tử…

Tăng cường triển khai các không gian thử nghiệm, khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng và khai thác công nghệ số, phát triển dịch vụ 5G và có biện pháp hỗ trợ để loại dịch vụ này phát triển nhanh. Hơn nữa, Chính phủ cần chú trọng việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận phát triển nội dung số.

Thứ ba, đầu tư đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu của kinh tế số, đặc biệt là yêu cầu về an ninh mạng. Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách giáo dục và đào tạo theo các hướng: (1) Căn cứ vào nhu cầu và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nói chung và nhân lực cho phát triển kinh tế số nói riêng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề bằng cách đầu tư cho đội ngũ giáo viên dạy nghề; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho đào tạo nghề; đổi mới chương trình và nội dung đào tạo; (2) Thiết lập cơ chế kết nối giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo nghề dưới mọi hình thức khác nhau; (3) Nâng cao tính tự chủ và sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo nghề, đồng thời, xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo nghề có năng lực và chất lượng cũng như tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo nghề với sự tham gia của các cơ sở sử dụng nhân lực.

Chú thích:
1. Xiaoming Zhu, Emerging Champions in the Digital Economy, Springer Singapore, 2019.
2, 4. Động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số. https://nhandan.vn, ngày 15/4/2023.
3. Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á. https://vneconomy.vn, ngày 31/10/2022.
5. Đôn đốc tích hợp dịch vụ công để người dân không cần mang nhiều giấy tờ. https://chinhphu.vn, ngày 21/4/2023.
6. Trương Hồ Hải – Đặng Viết Đạt, Xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số và nền kinh tế số theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thông tin chuyên đề số 2/2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, số 2/2023, tr 11.
7, 8. Báo cáo hợp phần “Thực trạng và phương hướng phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia”. http://vids.mpi.gov.vn, ngày 27/6/2022.
9. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. https://dangcongsan.vn, ngày 25/4/2023.
TS. Phùng Lê Dung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Ngô Cẩm Tú
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên