(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số chính là cơ hội và thách thức để Việt Nam chủ động vươn mình phát triển. Dù Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ban hành chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia nhưng xây dựng Chính phủ số là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là xây dựng đội ngũ công chức hành chính vận hành hiệu quả Chính phủ số.
Khái quát về Chính phủ số
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là nội dung quan trọng trong quá trình cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu quản lý, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang thực hiện xây dựng Chính phủ số. Hiểu một cách tường tận, đúng bản chất, nội hàm về chuyển đổi số; ý nghĩa của chuyển đổi số trong thời đại 4.0 là việc mà mỗi người dân cần hướng tới, đặc biệt là đối với đội ngũ công chức hành chính.
Tuy có nhiều góc độ tiếp cận và cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số, nhưng nhìn chung, có thể hiểu chuyển đổi số theo nghĩa rộng là việc định hình lại các ngành bằng cách tái cơ cấu các mô hình hoạt động và kinh doanh hiện có nhằm bảo đảm ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Chuyển đổi số trong hệ thống các cơ quan nhà nước là hoạt động ứng dụng công nghệ số của các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Các cơ quan trung ương trong hệ thống cơ quan hành chính thực hiện hoạt động phát triển Chính phủ số. Tương ứng với hoạt động phát triển Chính phủ số của các cơ quan trung ương là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của chính quyền các cấp ở địa phương1.
Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước hiện nay chính là hoạt động tập trung vào phát triển hạ tầng số; đây là hoạt động phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế – xã hội nhằm góp phần ra quyết định chính sách hiệu quả; việc tạo lập dữ liệu mở để người dân dễ dàng truy cập, sử dụng, đồng thời, giúp tăng cường công khai, minh bạch và bảo đảm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, hoạt động này giúp thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; qua đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, để người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ tốt nhất về dịch vụ công. Các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp bảo đảm nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.
Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Vì vậy, khi nói phát triển Chính phủ số chính là đã bao gồm cả nội dung phát triển Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử là chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn các dịch vụ công. Cũng có thể hiểu Chính phủ điện tử là quá trình tin học hóa các hoạt động của Chính phủ gồm “4 không”, như: có khả năng họp không gặp mặt; xử lý văn bản không giấy; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt2.
Chính phủ số là toàn bộ hoạt động của Chính phủ đều được thực hiện an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số nhằm phát triển khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực hiệu quả, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.
Có thể hiểu một cách đơn giản nhất về Chính phủ số là Chính phủ điện tử, thêm “bốn có”3: toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số; cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; sử dụng nguồn lực tối ưu; kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số và phát triển Chính phủ số
Xác định rõ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo và triển khai ưu tiên cho hoạt động xây dựng Chính phủ số, đặc biệt là tập trung các nguồn lực (các nghị quyết, Chỉ thị về con người, về cơ sở vật chất…., các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số quốc gia) để hình thành và thực hiện lộ trình xây dựng Chính phủ số.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung, như: tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một yêu cầu tất yếu khách quan; có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…
Trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, trong Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đề cập nội dung về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xác định rõ: “Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”3.
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020), trong đó xác định tầm nhìn đến năm 2030: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Tại Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày chuyển đổi số quốc gia. Việc này, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức ngày chuyển đổi số quốc gia hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; đồng thời, nhằm thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị một cách đồng bộ và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của công tác chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính phủ số theo kế hoạch đặt ra.
Yêu cầu của Chính phủ số về xây dựng đội ngũ công chức hành chính
Xây dựng Chính phủ số, là một nhiệm vụ khó khăn, đầy thách thức. Trong đó cần xác định yêu cầu của Chính phủ số đối với năng lực đội ngũ công chức hành chính để từ đó có lộ trình xây dựng, phát triển đội ngũ nhân sự, tổ chức, bộ máy vận hành hiệu quả Chính phủ số.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý và đội ngũ chuyên môn, bởi nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số…”5. Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số. Coi chuyển đổi số trong quản lý là công việc chung của cả hệ thống, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chủ quản và cộng đồng xã hội, những đối tượng thụ hưởng sản phẩm và dịch vụ công trong chuyển đổi số. Cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước cần quán triệt vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải triển khai chuyển đổi số trong quản lý góp phần vào công cuộc cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, hình thành tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, thống nhất đầu mối, có sự phân công rõ ràng, cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số các cấp từ trung ương đến địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phát huy vai trò của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi số, đủ về số lượng, bảo đảm cơ cấu phù hợp theo đặc thù lĩnh vực, vùng, miền với đầy đủ công cụ, nền tảng số phục vụ hoạt động công vụ.
Cùng với đó, kiện toàn và chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị chuyên trách chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đội ngũ có năng lực chuyên môn cao, hoạt động chuyên nghiệp, tổ chức tốt công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số/Chính quyền số thuộc phạm vi quản lý. Trong đó bảo đảm được tỷ lệ 80% cán bộ tham mưu và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng số, quản lý nhà nước, ngoại ngữ và các yêu cầu khác phục vụ công tác quản lý nhà nước về chuyển đổi số6.
Thứ ba, yêu cầu của Chính phủ số đối với năng lực của đội ngũ công chức hành chính, ngoài quan tâm chú trọng đội ngũ, còn phải bảo đảm một yếu tố rất quan trọng đó là phải xây dựng được môi trường văn hóa số. Nói đến văn hóa hành chính phục vụ là nói đến nền hành chính dân chủ, pháp quyền, trách nhiệm và lấy phục vụ công dân làm tôn chỉ hoạt động. Do vậy, những người làm việc trong khu vực công ở Việt Nam cần thay đổi tư duy, nhận thức và phải hình thành được hệ tư tưởng về văn hóa quản lý số, từ quản lý dựa trên “quyền cai trị” sang lãnh đạo dựa trên “trách nhiệm” và tôn trọng các giá trị của khu vực công, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, điều này chỉ có thể được bảo đảm trong môi trường số. Để có thể chuyển đổi số, hướng đến xây dựng Chính phủ số cần có tư duy, nhận thức, hành động và thực hành chuẩn mực sự văn minh, hiện đại trong văn hóa công vụ, từ đó thúc đẩy xây dựng môi trường văn hóa quản lý số hiệu quả.
Thứ tư, để xây dựng Chính phủ số thành công, cần xây dựng đội ngũ công chức hành chính làm việc trong môi trường số chuyên nghiệp. Muốn vậy cần khảo sát, đánh giá năng lực sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ công chức hành chính toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương. Từ đó, rà soát các vị trí công việc cần thiết trong xây dựng đội ngũ công chức vận hành Chính phủ số (khoảng 80% đội ngũ công chức hành chính từ trung ương đến địa phương) để tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc trong môi trường số.
Thứ năm, muốn đáp ứng tốt yêu cầu của xây dựng Chính phủ số đối với năng lực đội ngũ công chức hành chính, không thể không nói đến vai trò đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhận thức của đội ngũ công chức về chuyển đổi số. Vì vậy, ngoài việc khảo sát, đánh giá năng lực đội ngũ công chức hành chính nói chung để cho đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực làm việc trong môi trường số, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho đội ngũ quản lý và đội ngũ chuyên môn làm công tác tổ chức cán bộ đi học tập, nâng cao nhận thức, trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cán bộ, điều này góp phần xây dựng, hình thành và phát triển đội ngũ chất lượng, hiệu quả vận hành tốt Chính phủ số theo yêu cầu đặt ra. Tổ chức các khóa tập huấn, sử dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện triển khai trong quản lý các cấp.
Đồng thời, đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia; các cơ sở đào tạo cần chủ động triển khai, thực hiện cải cách về chương trình đào tạo, bồi dưỡng, câp nhật kỹ năng, kiến thức, nhận thức trong chuyển đổi số đến quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống. Trong bối cảnh chung của cả nước về chuyển đổi số, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng Chính phủ số, các cơ quan tổ chức không thể không thích ứng và triển khai, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học, các trường bồi dưỡng bộ, ngành trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo đại học, sau đại học.
Kết luận
Xây dựng Chính phủ số là một nhiệm vụ khó khăn, đầy thách thức. Đặc biệt là việc xác định yêu cầu của Chính phủ số đối với năng lực đội ngũ công chức hành chính để từ đó có lộ trình xây dựng, phát triển đội ngũ nhân sự, tổ chức, bộ máy vận hành hiệu quả Chính phủ số. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chủ quản và sự chủ động, sáng tạo, vượt qua thách thức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính, chắc chắn trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có một nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiện đại, đa nền tảng, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số để quản lý đất nước và thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số.