Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Attapeu (Lào) gắn với vị trí và trách nhiệm công vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính quyền tỉnh Attapeu luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, từ đó đã dành nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các tổ chức khác nhau và kết quả đã có đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, tri thức, bảo đảm về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn thì vẫn còn có những hạn chế, tồn tại cần có giải pháp khắc phục.
Ảnh minh hoạ: Internet.
Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Attapeu.

Tỉnh Attapeu, nằm phía Đông Nam của Lào, phía Bắc giáp với tỉnh Sekong; phía Tây giáp với tỉnh Champassak; phía Đông giáp với dãy Trường Sơn; phía Nam có đường ranh giới giáp Campuchia. Tỉnh có 5 huyện (Samakkixay, Xaysetha, Sanamxay, Sanxay và Phouvong) với tổng diện tích 1.032 km2 và dân số khoảng 177.628 người (theo số liệu thống kê năm 2022). Trung tâm của tỉnh Attapeu đặt ở huyện Samakkixay1.

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức cả tỉnh Attapeu là 5.248 người, trong đó cán bộ, công chức nữ là 2.214 người. Cán bộ, công chức các cơ quan cấp tỉnh là 2.191 người, trong đó cán bộ, công chức nữ 828 người, chiếm 41,74 % tổng số cán bộ, công chức cả tỉnh; cán bộ, công chức cấp huyện là 3.057 người, trong đó cán bộ, công chức nữ 1.386 người, chiếm 57,68% tổng số cán bộ, công chức cả tỉnh. Hầu hết cán bộ, công chức đều có trình độ văn hóa, chuyên môn và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu2 (bảng 1).

Bảng 1. Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Attapeu

  Số lượng Về trình độ chuyên môn Về trình độ Lý luận chính trị
Tiến sĩ Thạc sĩ Cử nhân Cao cấp Trung cấp Cấp

cơ sở

không có
Cán bộ, công chức tỉnh 2.191 2 124 1.065 621 357 22 1
Cán bộ, công chức huyện 3.057 0 34 888 1.034 1.018 82 0
Tổng 5.248 2 158 1.953 1.655 1.375 104 1

Nguồn: Sở Nội vụ tỉnh Attapeu (năm 2022)

Thực hiện Nghị định số 073/BCT ngày 14/5/2019 của Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý; Văn bản số 204/BTTĐ ngày 05/11/2019 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 073/BCT ngày 14/5/2019 của Bộ Chính trị về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý, có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại tỉnh Attapeu trong những năm qua đã được triển khai theo đúng kế hoạch của tỉnh ủy Attapeu.

Cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị và địa phương ngày càng nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng thời kỳ mới. Từ đó, nâng cao ý thức học tập, rèn luyện phấn đấu của cán bộ, đảng viên, công chức trên toàn tỉnh. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức khá chặt chẽ, đồng bộ; thực hiện tốt việc sử dụng quản lý kinh phí đào tạo cũng như thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực về nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng tập trung vào việc bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kỹ năng tập huấn nghiệp vụ.

Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên được mời tham gia giảng dạy phần lớn là những cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh nên nội dung truyền đạt sát với tình hình thực tế của địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trong thời gian qua đã tạo điều kiện cũng như động lực để công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước phát triển. Công tác bồi dưỡng, nghiên cứu ở nước ngoài và bồi dưỡng trong nước có giảng viên nước ngoài giảng dạy được quan tâm, đẩy mạnh. Các chuyên ngành được chọn để bồi dưỡng là những ngành, lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Attapeu.

Chính quyền tỉnh Attapeu coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài. Từ đó, đã dành nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác giáo dục và đào tạo, huấn luyện và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại các tổ chức khác nhau. Xây dựng quy trình thực chất nhằm tạo ra những cán bộ, công chức có tri thức, năng lực bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Từ năm 2020 – 2022, tỉnh Attapeu đã cử cán bộ, công chức đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị và các chuyên ngành khác cả trong nước và ngoài nước, cả ngắn hạn và dài hạn3 (bảng 2).

Bảng 2: Bảng thống kê trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Attapeu

TT Trình độ Số lượng cán bộ, công chức
I Về chuyên môn, nghiệp vụ
1 Nghiên cứu sinh 3
2 Cao học 32
3 Đại học 35
4 Cao cấp 60
5 Bồi dưỡng Quản lý nhà nước ở Việt Nam (2 tháng) 2
6 Bồi dưỡng chuyên đề cụ thể ở Học viện Chính trị – Hành chính Lào 2
7 Bồi dưỡng Chiến lược quân sự cho cán bộ, lãnh đạo 3
8 Tập huấn công tác Xây dựng Đảng 100
9 Tập huấn Quản lý nhà nước cho cán bộ, lãnh đạo cấp tỉnh 85
10 Tập huấn Pháp luật cho bản trưởng 89
II Về Lý luận chính trị
1 Cao cấp 19
2 Trung cấp 103
3 Cấp cơ sở 104
4 Bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị ở Học viện Chính trị – Hành chính Lào (5 tháng) 3
5 Bồi dưỡng Cao cấp lý luận chính trị ở Trung quốc (5 tháng) 2
6 Bồi dưỡng Cao cấp lý luận chính trị ở Việt Nam (5 tháng) 2
Tổng số 664

Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Attapeu (2022)

Những hạn chế, bất cập

Một là, việc lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa khoa học. Việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hằng năm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hiện chưa thực hiện nghiêm túc, còn nặng về tính hình thức.

Sự gắn kết giữa công tác đào tạo, bồi dưỡng với việc quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ; đôi khi việc cử đối tượng đi đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa chuẩn xác. Công tác đào tạo, bồi dưỡng có xu hướng chạy theo số lượng nhưng chưa chú trọng tới đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm và bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chưa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Hai là, về tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Attapeu nhìn chung còn chưa đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu. Nhiều cán bộ, công chức chưa thể đạt các tiêu chuẩn theo vị trí việc làm, đặc biệt đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở trình độ còn thấp.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay còn thiếu cân đối giữa việc trang bị trình độ lý luận chính trị với kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Giáo trình tài liệu thiếu tính cập nhật, khả năng áp dụng vào thực tế chưa cao. Nội dung, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng một số lĩnh vực chưa sâu, còn mang nặng tính lý thuyết, thiếu và yếu về rèn luyện kỹ năng trong đó có thể kể đến phần thảo luận xử lý tình huống thực tiễn và kỹ năng thực hành của học viên trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.

Ba là, chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lặp, chung chung. Nội dung và thời lượng khung cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cũng được cơ quan quản lý ở trung ương liên tục thay đổi và cải cách, nhưng nhìn chung, hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương. Đặc biệt là chưa phù hợp với điều kiện đặc thù, tính chất, trình độ phát triển rất khác nhau của các huyện trên địa bàn tỉnh.

Phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên còn nặng về thuyết trình, theo kiểu truyền thống: giảng viên giảng bài – học viên nghe và ghi chép, khiến học viên khó tập trung lĩnh hội kiến thức; đồng thời, gây ra cảm giác nhàm chán, khô khan, ít hứng thú đối với cán bộ, công chức tham gia khóa học. Có thể thấy, mô hình giảng viên lựa chọn được phương pháp truyền thụ kiến thức hai chiều giảng viên – học viên để đạt được mục đích của đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh Attapeu còn rất ít.

Bốn là, trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vẫn còn tình trạng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được xây dựng chưa đánh giá đúng nhu cầu và thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhiều khi xảy ra tình trạng được cử đi đào tạo nhưng không bố trí công việc theo chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp. Điều này dẫn tới tâm lý thờ ơ, “ngại” việc đi học.

Năm là, cơ sở vật chất trang bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế do cơ sở vật chất trang bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu nên chưa thực sự giúp giảng viên cập nhật trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc cho cán bộ, công chức.

Sáu là, đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng năng lực còn hạn chế, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm quản lý nhà nước và phương pháp giảng dạy. Mặt khác, tuy tỉnh Attapeu đã xây dựng được đội ngũ giảng viên kiêm chức nhưng các giảng viên này vẫn chưa được bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy cho đối tượng cán bộ, công chức là người lớn tuổi.

Bảy là, về công tác đánh giá, kiểm tra hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn yếu kém, chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh Attapeu đã triển khai đánh giá sau các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới mang tính hình thức, chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Attapeu

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của nền công vụ phục vụ, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Attapeu cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và rà soát những điểm chưa hợp lý, để xây dựng, ban hành nghị định mới phù hợp thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tác dụng của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để có sự quan tâm đầu tư, có chính sách, biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo thống nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng về thẩm quyền trách nhiệm giữa các cấp, học viện, các trường, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bảo đảm sự phối, kết hợp chặt chẽ.

Thứ tư, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng mở; tăng thời gian thực hành, thảo luận, tham quan thực tiễn; giảm thời gian học lý thuyết.

Thứ năm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, kiêm nhiệm, thỉnh giảng, báo cáo viên, chuyên gia tham gia giảng dạy đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng tăng về số lượng, đúng chuyên môn, nghiệp vụ, có học hàm, học vị cao, có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, làm việc trực tiếp và có thời gian nhất định trong lĩnh vực tham gia giảng dạy trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Thứ sáu, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, quản lý thu, chi linh hoạt đúng quy định trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Với hai nguồn: ngân sách trung ương, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và thực hiện xã hội hóa.

Thứ bảy, thực hiện đúng việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo văn bản của Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào về “Hướng dẫn thực hiện công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Chú thích:
1. Attapeu. https://vi.wikipedia.org.
2. Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Attapeu năm 2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
3. Báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Attapeu năm 2022 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 của Việt Nam.
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2015 của CHDCND Lào.
3. Nghị quyết số 073/BCT ngày 14/5/2019 của Bộ chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
4. Văn bản số 204/BTTĐ ngày 05/11/2019 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 073/BCT ngày 14/5/2019 của Bộ Chính trị về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Attapeu. Báo cáo số 199/BC-UBND ngày 07/12/2022 về kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Sengphaylin Chanthavisouk
NCS. Học viện Hành chính Quốc gia