Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đòi hỏi xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Việt Nam hiện nay.
Lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Đặt vấn đề

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của cán bộ, Người cho rằng:“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”1. Việc lựa chọn cán bộ phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định, như: phải có đạo đức cách mạng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân; có mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, hiểu biết Nhân dân, luôn chú ý đến lợi ích của Nhân dân; người cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, có trí tuệ, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, chí công vô tư… Những đòi hỏi này có thể coi là những tiêu chuẩn cơ bản chung nhất của người cán bộ cách mạng trong tất cả các thời kỳ.

Đề cập đến việc xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với Nhân dân, và chăm lo rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải đè đầu dân… Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh…”2. Tại Đại hội XII của Đảng đã đánh giá công tác phát triển đội ngũ cán bộ, công chức gắn liền với việc thường xuyên bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tình hình mới trong thời đại công nghệ số là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025. Sau hơn một năm triển khai, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tiếp theo, Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.

Chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chứcviên chức

Đảng ta đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết, quyết định đến sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã đặt ra các yêu cầu hoàn thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2030, trong đó yêu cầu đối với xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Để xây dựng được đội ngũ này, bên cạnh công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực thì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một yếu tố đóng vai trò then chốt. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 đã xác định nhiều mục tiêu, trong đó: tiếp tục xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Đến năm 2025 phấn đấu xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý.

Việc tham gia mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, quảng bá hình ảnh Việt Nam và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước cũng như góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thực trạng chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã được đào tạo, bồi dưỡng tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, trình độ quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Theo số liệu của Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2021, tổng số cán bộ, công chức các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được đào tạo, bồi dưỡng là 6.373 người; tổng số cán bộ, công chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng là 24.572 người; tổng số cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng là 6.673 người; 11.382 viên chức được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng3. Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã tạo điều kiện cũng như động lực để công tác đào tạo, bồi dưỡng trong nước phát triển. Công tác bồi dưỡng, nghiên cứu ở nước ngoài và bồi dưỡng trong nước có giảng viên nước ngoài giảng dạy được quan tâm, đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chủ động, tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt công tác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức còn một số hạn chế:

Một là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ và thiếu sự chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; chưa xây dựng được kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện tiêu chuẩn cho từng chức danh, vị trí việc làm cũng như phục vụ công tác quy hoạch; còn bị động trong việc sắp xếp công việc, thời gian đề cử cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn e ngại việc học tập nâng cao, chưa tập trung nghiên cứu để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn và có tư duy ỷ lại.

Hai , công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn dàn trải và hình thức; việc phối hợp chưa có sự linh hoạt, nhịp nhàng và đồng bộ từ khâu bắt đầu cho đến kết thúc, nội dung còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành và có mặt xa rời thực tế, chạy theo thành tích, chưa chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức và trách nhiệm học tập là suốt đời. Một số cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện việc tổ chức đấu thầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại đơn vị mình thay vì hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín, có chuyên môn sâu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và ngân sách nhà nước. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra, đánh giá chưa thực sự hiệu quả, thiếu thực chất. Phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy, học tập còn thiếu thốn do việc đầu tư cho giáo dục còn mang tính bình quân, cào bằng.

Ba , đối với các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng và theo kịp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật sự được quan tâm. Hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn nhiều bất cập do thiếu sự liên thông giữa các bậc trình độ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý luận, thiếu sự liên thông, kế thừa, trùng lặp về nội dung, thiếu tính thiết thực, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, công chức; các phương thức giáo dục, đào tạo vẫn còn nặng hình thức, không theo kịp với xu thế thời đại công nghệ số, chuyển đổi số, số hóa; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn chưa đáp ứng yêu cầu….

Bốn là, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tuy đã được quan tâm, nhưng khả năng ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nên còn khó khăn trong việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học; chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng để bảo đảm cuộc sống; công tác quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật sự được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh chưa thường xuyên và kịp thời. Các chủ trương về đổi mới và phát triển giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn chậm được cụ thể hóa và việc triển khai chưa đồng bộ…

Một số kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thể chế và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành sớm thực hiện khung đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng thông lệ quốc tế. Tiếp tục đổi mới căn bản nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nghiên cứu áp dụng các chuẩn mực quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với cơ chế tự chủ và hội nhập quốc tế theo hướng minh bạch, công khai và cụ thể nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học. Đồng thời, có cơ chế giám sát việc chấp hành của các cơ quan, đơn vị nhà nước nhằm khuyến khích, động viên và công nhận trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức cũng như người lao động khi tự túc kinh phí đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng với thời đại công nghệ số và từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý tài chính, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, đơn vị. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần thường xuyên chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng và việc thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cần có chính sách khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức để góp phần giảm thiểu các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, phải có cơ chế động viên, khen thưởng và công nhận trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức đã tự túc kinh phí, tự học nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ ba, cần quan tâm, nâng cấp, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị dạy và học tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm bảo đảm các điều kiện dạy và học có chất lượng phù hợp với từng thời kỳ. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi về môi trường pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục chất lượng cao tại Việt Nam, đặc biệt trong môi trường 4.0, việc đổi mới toàn diện, căn bản các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở lấy người học làm trung tâm, đặc biệt ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng và truyền đạt bài giảng là yếu tố vô cùng quan trọng trong xu thế hội nhập quốc tế. Khuyến khích các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện sáp nhập, giải thể, tinh gọn và củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp từ cấp trung ương đến địa phương

Thứ tư, tập trung xây dựng, bổ sung và hoàn thiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên, các chuyên gia về các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, tăng cường các hoạt động nghiên cứu thực tiễn cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, đưa giảng viên đi thực tế về cơ sở để có cơ hội học tập kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả, gắn sát với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp trong thời kỳ hội nhập. Quan tâm, xem xét chế độ phụ cấp, đãi ngộ, tiền lương và sớm thực hiện chủ trương xét nâng bậc, thăng hạng cho đội ngũ giảng viên có thâm niên giảng dạy. Ngoài ra, cần bổ sung và hoàn thiện chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức khi được cử đi học nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình mới để cán bộ, công chức yên tâm học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Công khai, minh bạch việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả học tập, bồi dưỡng hằng năm và những việc đã làm được theo bảng phân công nhiệm vụ công việc để làm tiêu chuẩn xem xét khen thưởng, nâng ngạch, chuyển ngạch, thăng hạng, xét tặng, phong danh hiệu cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm động viên kịp thời sự cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhiều đóng góp cho tổ chức.

Thứ năm, lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện quy hoạch nguồn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, xem xét làm căn cứ bổ nhiệm cho phù hợp với vị trí việc làm. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các biện pháp chế tài nghiêm khắc và mạnh dạn tinh giản biên chế hoặc loại khỏi bộ máy nhà nước đối với những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức khi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và công việc được giao.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 68.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 22 – 23.
3. Số liệu thống kê ngành Nội vụ. Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. https://moha.gov.vn, truy cập ngày 14/9/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chứcnăm 2019.
4. Luật Viên chức năm 2010.
5. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2019 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
6. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
7. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
8. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
9. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030
10. Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BNV ngày 16/8/2022 của Bộ Nội vụ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
ThS. Đoàn Thị Vượng – ThS. Trần Anh Hùng – TS. Hồ Đức Hiệp
Học viện Hành chính Quốc gia