NCS. Đinh Thị Thúy Hải
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị là một nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng của Người về giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tư tưởng của Người chứa đựng những quan điểm toàn diện và sâu sắc về tính tất yếu, mục đích, nội dung, nguyên tắc, phương pháp giáo dục lý luận chính trị. Tư tưởng của Người về giáo dục lý luận chính trị đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, là cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Bài viết làm rõ nội dung và giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Đặt vấn đề
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém; và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”2. Trong đào tạo cán bộ, đảng viên, theo Người phải bảo đảm tính toàn diện, trong đó vấn đề quan trọng nhất là giáo dục lý luận chính trị. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp làm công tác giảng dạy lý luận chính trị, Người đã để lại một hệ thống các quan điểm sâu sắc và toàn diện về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tư tưởng của Người, là cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Một là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lý luận
Phạm trù lý luận được Hồ Chí Minh đề cập rất nhiều trong các bài viết, bài nói, diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau như: “lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”3; “lý luận do kinh nghiệm cách mạng ở các nước và trong nước ta, do kinh nghiệm từ trước và kinh nghiệm hiện nay gom góp phân tích và kết luận những kinh nghiệm đó thành ra lý luận”4; “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”5. Mặc dù, có nhiều cách diễn đạt khác nhau về lý luận nhưng nội dung cốt lõi được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn mà thành nhưng lý luận chân chính không mang mục đích tự thân, lý luận phải được đúc kết trong thực tế, đáp ứng yêu cầu của thực tế, được vận dụng vào thực tế, chứ không phải là lý luận chung chung, trừu tượng, xa rời hiện thực.
Khi bàn về lý luận, Người đã thể hiện rất rõ quan điểm biện chứng, đặt trong mối quan hệ với thực tiễn và cho rằng, phải phân biệt lý luận chân chính với lý luận suông, vô ích. Lý luận chân chính là lý luận thiết thực, hữu ích, không xa rời thực tiễn, xa rời hiện thực.
Hai là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính tất yếu phải giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới, theoNgười: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”6. Trong các nội dung của giáo dục thì giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng.
Người chỉ rõ: “vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm, ví dụ như chúng ta đã phạm những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hoặc những khuyết điểm trong việc lãnh đạo kinh tế”7. Đảng muốn mạnh, vững tay cầm để chèo lái con thuyền cách mạng tiến lên, giành thắng lợi thì phải thông qua nhiều yếu tố, trong đó có giáo dục lýluận chính trị. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong”8. Hồ Chí Minh lưu ý rằng, chúng ta cần thấy được tầm quan trọng của lý luận nhưng cũng không nên tuyệt đối hoá lý luận, coi lý luận là bất di bất dịch. Phải thông qua thực tiễn, con người mới có thể bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận.
Ba là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục đích của giáo dục lý luận chính trị.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giáo dục lý luận chính trị là nhằm mục đích đưa lý luận vào chỉ đạo thực tiễn, đồng thời tạo nên đội ngũ cán bộ cách mạng có trình độ lý luận tốt. Trong dịp đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương vào tháng 9/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của việc học lý luận: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và Nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”9. Người xác định rõ, giáo dục lý luận chính trị cốt để giúp cán bộ, đảng viên có thế giới quan, phương pháp luận khoa học, có niềm tin vững chắc vào lý tưởng cách mạng của Đảng và nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả hoạt động thực tiễn. Học tập lý luận Mác – Lênin còn để nâng cao, củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững bản chất giai cấp công nhân để cán bộ, đảng viên làm tốt nhiệm vụ Đảng giao cho.
Giáo dục lý luận chính trị còn là yếu tố quan trọng để khắc phục, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý của cán bộ đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi thời kỳ cách mạng. Trong Diễn vǎn khai mạc lớp học lý luận Khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 07/9/1957, Người nói: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta, đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”10.
Bốn là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung giáo dục lý luận chính trị.
Trước hết là giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo Người, để lãnh đạo phong trào cách mạng, để vượt qua “muôn loại phức tạp, khó khăn” và “để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta càng phải cố gắng học tập lý luận Mác – Lênin”11. Bởi theo Người, chủ nghĩa Mác – Lênin là ánh sáng lý luận của học thuyết cách mạng “chân chính nhất, chắc chắn nhất và khoa học nhất”. Do vậy, giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, là yêu cầu cấp thiết giúp cán bộ, đảng viên nắm vững lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại; đủ sức gánh vác và hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và cách mạng giao phó. Đồng thời, phải tăng cường giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; bởi “Những chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của Nhân dân. Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng”12. Ngoài ra, cần phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên các chuẩn mực đạo đức cách mạng và nguyên tắc rèn luyện các chuẩn mực đó. Bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cán bộ, đảng viên trước hết phải giác ngộ đạo đức cách mạng. Phải có cái đức để đi đến cái trí; khi đã có cái trí, thì cái đức chính là cái để người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mình theo, lý tưởng mình chọn, con đường mình đi.
Năm là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyên tắc giáo dục lý luận chính trị.
Trong giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Người coi lý luận gắn liền với thực tiễn là nguyên tắc quan trọng hàng đầu. Bởi theo Người: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”13. Người dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau để mọi người dễ hiểu: “Lý luận đi đôi với thực tiễn”, “Lý luận kết hợp với thực hành”, “Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, “Lý luận phải liên hệ với thực tế”. Người nhấn mạnh: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”14. Từ thực tế đã chứng minh, ở nước ta có không ít cán bộ, đảng viên “chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng, lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng”15.
Ngoài ra, trong giáo dục lý luận chính trị phải thực hiện nguyên tắc “bảo đảm thống nhất giữa tính đảng, tính khoa học”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong giáo dục lý luận chính trị đòi hỏi cả người dạy và người học phải đứng vững trên lập trường, bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối phải trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin. Xa rời nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều và xét lại. Người nhấn mạnh: “Phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập lập trường quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng, giải quyết tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”16. Đây chính là luận điểm được rút ra từ chính thực tiễn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Người. Tính khoa học phải được thể hiện ở sự mô tả hiện thực một cách khách quan, tránh “tô hồng” hoặc “bôi đen” hiện thực. Bảo đảm tính đảng, tính khoa học mới có thể thực hiện được mục tiêu giáo dục lý luận chính trị của Đảng.
Sáu là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp giáo dục lý luận chính trị.
Đề cập đến phương pháp giáo dục lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phương pháp đối với người dạy và người học. Đối với người dạy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải vận dụng linh hoạt sáng tạo các phương, trong đó chú trọng: phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học; thực hành dân chủ trong giáo dục; phương pháp giảng dạy thiết thực, cụ thể, gắn với đối tượng, phù hợp với thực tiễn; phương pháp nêu gương. Đối với người học phải luôn nêu cao tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, phát huy sự chủ động trong lĩnh hội kiến thức. Người dạy có trang bị bao nhiêu kiến thức nhưng người học không tự giác, tích cực trong học tập thì công tác giáo dục không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Vì vậy, trong giảng dạy phải chú trọng “lấy tự học làm cốt”. Giáo dục lý luận chính trị là một quá trình, đòi hỏi tính kiên trì, tích cực, chịu khó của người học, từ đó người học chủ động biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; phải trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, tự giác, chứ không nên gò bó, ép buộc.
Bảy là, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của người thầy trong giáo dục lý luận chính trị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của các nhà giáo, trong đó có đội ngũ nhà giáo làm công tác giáo dục lý luận chính trị. Người nhấn mạnh: “Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”17 và: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”18. Theo Người, người thầy, nhà giáo dục có sứ mệnh quan trọng là hun đúc nguyên khí quốc gia, đào tạo lớp người tài – đức kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta. Đây là nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng rất nặng nề của những người theo đuổi sự nghiệp trồng người. Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò người thầy giáo giảng dạy lý luận chính trị trong trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, làm gương mẫu mực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phải hội tụ đầy đủ những phẩm chất, năng lực; họ phải có kiến thức toàn diện, có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, hiệu quả… Người đề ra yêu cầu: “Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội. Người huấn luyện của Đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc của mình… Người huấn luyện nào tự cho mình đã biết đủ cả rồi thì người đó dốt nhất”19.
Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
Thứ nhất, kế thừa, phát triển những giá trị tốt đẹp về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quan lại trong truyền thống dân tộc.
Quan lại được coi là xương sống của bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến, mà nho sĩ và khoa cử là vườn ươm của quan chức. Vì thế, các triều đại phong kiến đã đặc biệt quan tâm ưu đãi, chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng các nho sĩ – quan chức. “Người có đức, có tài nhậm chức thì trị. Người vô tài, thất đức nắm giữ quyền hành thì loạn”20. Các bậc minh vương luôn nhận thức về vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ quan lại và chỉ đạo mọi nỗ lực xây dựng đội ngũ quan lại trong suốt thời gian làm vua của mình. Điều đó được thể hiện ở những cố gắng không mệt mỏi của đấng minh vương để xây dựng một triều đại phong kiến phát triển rực rỡ và điều hành đội ngũ quan lại thực sự trung thành và chuyên nghiệp.
Trong tấm bia đề tên tiến sỹ của khoa thi Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), hiện còn lưu tại Văn Miếu – Hà Nội, có một đoạn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng…”21.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất uyên bác văn hóa phương Đông. Trước khi đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã có kiến thức về Nho giáo phong phú, là một người con của dân tộc người thẩm thấu sâu sắc truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Người “gạn đục khơi trong” để tiếp thu những giá trị của công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, đội ngũ quan lại của các triều đại phong kiến Việt Nam. Trước kia việc đào tạo quan lại nhằm phục vụ người đứng đầu đất nước; nay vì lợi ích phục vụ quốc gia – dân tộc, Người yêu cầu phải giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; đó chính là đóng góp to lớn của Người, góp phần phát triển và làm phong phú, đặc sắc giá trị truyền thống dân tộc.
Thứ hai, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về đào tạo cán bộ cách mạng.
Sinh thời, lãnh tụ Lênin đã bàn nhiều đến cán bộ và công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, nhất là sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công. Trong “Thư gửi những người cộng sản Đức”, Lênin xác định đào tạo những lãnh tụ có kinh nghiệm và có uy tín của đảng là một công việc lâu dài và khó khăn. Lênin đã đưa ra chủ trương đào tạo cán bộ, bởi “trong công nhân và nông dân bình thường có rất nhiều người trung thành với quyền lợi của quần chúng lao động và có khả năng làm công tác lãnh đạo. Trong số đó, có rất nhiều người có tài tổ chức và quản lý mà chủ nghĩa tư bản không để cho họ được phát triển tài năng, nhưng chúng ta thì hết sức giúp đỡ và phải giúp đỡ họ vươn lên và bắt tay vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”22. Theo Lênin, để trở thành những đại biểu tiêu biểu, tiên phong của giai cấp công nhân, đội ngũ cán bộ không những phải học hết chương trình những tri thức xô-viết mà còn phải luôn biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng trí thức mà nhân loại đã tạo ra.
Lênin đã chỉ ra phương pháp đào tạo cán bộ, như muốn đào tạo đầy đủ chương trình những tri thức xô-viết thì cần triển khai theo hướng tập trung với một khoảng thời gian nhất định để người học có điều kiện học tập một cách có hệ thống; để có kinh nghiệm lãnh đạo nền kinh tế đất nước đòi hỏi những người cộng sản phải học tập kinh nghiệm của các chuyên gia tư sản và biết sử dụng họ bằng cách “giao công việc cho họ, nhưng cũng phải theo dõi họ chặt chẽ, đặt họ dưới quyền các chính ủy, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ”23. Bên cạnh đó, Lênin cũng chú trọng tự đào tạo, tự giáo dục thông qua thực tiễn và kinh nghiệm thực tế.
Những chỉ dẫn của Lênin được Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng vào công tác đào tạo, giáo dục lýluận chính trị cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta. Người thấm nhuần những chỉ dẫn của Lênin: “Không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không làm công tác lý luận… cũng như không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không hướng công tác đó theo những nhu cầu của sự nghiệp”24. Trong đó, mục đích của giáo dục lý luận chính trị để đào tạo ra những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đầy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Người còn kế thừa phương pháp đào tạo cán bộ thông qua vận dụng, phát triển phạm trù “lý luận” và “thực tiễn” của chủ nghĩa Mác – Lênin vào giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác – Lênin với trái tim của một người yêu nước cháy bỏng, chính chủ nghĩa ấy đã giúp Người củng cố chủ nghĩa yêu nước chân chính và kiên định chủ nghĩa quốc tế vô sản. Thấy được giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó Người nhấn mạnh thế giới quan, phương pháp luận Mácxít là nhân tố quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên học tập lý luận chính trị để giải quyết thực tiễn nhiệm vụ cách mạng đặt ra, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là lực lượng tiền phong, trung thành, đáng tin cậy của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Chính những tư tưởng của Người về giáo dục lý luận chính trị cán bộ, đảng viên đã bổ sung, phát triển sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin trong đào tạo cán bộ phù hợp với điều kiện lịch sử, đặc điểm con người cũng như tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở để Đảng ta đề ra quan điểm trong giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ cách mạng.
Những chỉ dẫn về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên thông qua những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh; và đặc biệt trong quá trình giáo dục, huấn luyện cán bộ trước khi Đảng ta ra đời, đến suốt những năm Người trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước… là vô cùng quý giá. Mặc dù, Người đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng những chỉ dạy, cống hiến của Người về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn được Đảng ta kế thừa và vận dụng sáng tạo trong các thời kỳ cách mạng. Kế thừa di sản tư tưởng của Người, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, kết luận, quy định về giáo dục lý luận chính trị, như: Nghị quyết số 210-NQ/TW ngày 29/12/1970 của Ban Bí thư về công tác giáo dục lý luận, chính trị và tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý…
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị và để đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước, Đảng đã đề ra nhiệm vụ đổi mới căn bản công tác giáo dục lý luận chính trị. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ nhiệm vụ đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”25. Nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị từng bước được cải thiện, góp phần khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong giáo dục lý luận chính trị.
Thực tiễn đã chứng minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ, đảng viên trung kiên, có đức, có tài cho Đảng và Nhà nước. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng ta đã quan tâm và làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cách mạng bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với thực tiễn cách mạng. Thông qua đó, đã nâng cao trình độ lý luận chính trị, xây dựng bản lĩnh, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng cho đội ngũ cán bộ; giúp họ nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, gắn bó chặt chẽ với quần chúng, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước; luôn tỏ rõ thái độ kiên cường, bất khuất một lòng son sắc với sự nghiệp cách mạng. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị, trong giai đoạn này Đảng ta đã đào tạo được “gần 5.000 cán bộ, đảng viên kiên trung đủ sức lãnh đạo 25 triệu Nhân dân xông lên giành chính quyền năm 1945”26.
Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược lần 2 và chống Mỹ cứu nước, để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị quyết định mở Trường Đảng đào tạo huấn luyện viên chính trị, ra nội san của Trung ương và giao trách nhiệm cho các đồng chí phụ trách các ngành, các địa phương viết bài cho báo Sự thật. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, tờ Sinh hoạt nội bộ – Tạp chí Lý luận chính trị của Trung ương Đảng được xuất bản tháng 8/1947. Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ miền Nam, năm 1949 Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập trường Đảng miền Nam mang tên “Trường Trường Chinh” có nhiệm vụ trang bị những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, chính sách của Đảng…cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của khu ủy, tỉnh ủy, quân đội, đoàn thể. Từ năm 1949 – 1954, Trường Đảng miền Nam đã mở lớp đào tạo bồi dưỡng gần 2000 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó nhiều đồng chí được tăng cường cho hệ thống Tuyên huấn và Trường đảng”27.
Sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước, cách mạng nước ta bước vào giai đoạn khó khăn thử thách, Đảng ta đã kịp thời làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, góp phần quan trọng ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nâng cao lòng tin vào lý tưởng và thắng lợi của cách mạng, đẩy lùi hiện tượng bi quan, dao động, nhất là kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Qua hơn 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị, Đảng ta đã đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Đảng ta luôn xác định, để đội ngũ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ cần phải nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, quán triệt sâu sắc và cụ thể hoá tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Đảng, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên về mục tiêu, yêu cầu và tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian giáo dục theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại đối tượng cán bộ. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn. Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục bảo đảm thực chất.
Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật; kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu, tham mưu về giáo dục lý luận chính trị. Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề. Có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người dạy và người học, ưu tiên đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình mới, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định công tác giáo dục lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bởi vì, các thế lực thù địch luôn coi mặt trận tư tưởng, lý luận là trọng điểm để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong đó, chúng đang ra sức phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như những thành quả của cách mạng Việt Nam… Đã có không ít cán bộ, đảng viên do hạn chế về trình độ lý luận chính trị nên mất niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, bị lôi kéo, mua chuộc. Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”.
Đảng ta xác định phải chú trọng tăng cường giáo dục lý luận chính trị, tăng “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch bằng “diễn biến hòa bình”. Nâng cao sức “đề kháng” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trước sự tác động từ mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mở cửa, hội nhập, nhất là trước cám dỗ của đồng tiền. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, rèn luyện với tự giáo dục, tự rèn luyện, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên cả về phẩm chất và năng lực, phương pháp, tác phong công tác, vừa “hồng” vừa “chuyên”, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên đã góp phần đấu tranh chống các quan điểm, sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng.
Kết luận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng trong huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng và cách mạng; nó thể hiện ở quan điểm của Người về lý luận, tính tất yếu phải giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, mục đích, nội dung, nguyên tắc, phương pháp giáo dục lý luận chính trị và phát huy vai trò của người thầy trong giáo dục lý luận chính trị…
Tư tưởng của Người có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là cơ sở nền tảng để Đảng ta kế thừa, vận dụng trong nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước kia cũng như trong giai đoạn cách mạng hiện nay.