(Quanlynhanuoc.vn) – Đảng ta luôn đề cao vai trò quan trọng của văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Trong đó, có xây dựng văn hóa trong Đảng, văn hóa trong các cơ quan nhà nước, văn hóa trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bài viết tập trung nghiên cứu khái quát về văn hóa công vụ Việt Nam và một số vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng văn hóa công vụ.
Những vấn đề chung về văn hóa công vụ
Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án văn hóa công vụ nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và xã hội.
Văn hóa công vụ là tập hợp các giá trị của một nền công vụ, được xã hội thừa nhận và chia sẻ, trở thành niềm tin, đạo đức của cán bộ, công chức, trở thành nếp sống, thói quen khi thực hành công vụ, góp phần khẳng định truyền thống và bản sắc riêng của nền công vụ. Văn hóa công vụ tập hợp những giá trị và chuẩn mực chung, được mọi thành viên trong tổ chức nhà nước chia sẻ, thực hiện để tạo nên sự thống nhất và đồng thuận trong hoạt động của cộng đồng, tạo thành khuôn mẫu, có tính kỷ luật và thống nhất, lặp đi lặp lại thành truyền thống, bản sắc riêng của tổ chức; tác động đến hành vi và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ. Mục tiêu của xây dựng văn hóa công vụ là chủ động hình thành lối sống tích cực, tác động tốt đến môi trường công vụ, nuôi dưỡng sự phát triển của cá nhân và tổ chức, tạo động lực, cộng hưởng, đồng lòng, sáng tạo và cống hiến của các thành viên, tạo được bản sắc, dấu ấn tích cực của tổ chức trong hệ thống công vụ.
Văn hóa công vụ bao gồm những nội dung cơ bản:
Một là, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân khi thực hiện nhiệm vụ. Sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan, minh bạch.
Hai là, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng1.
Ba là, chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ. Cần tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội2.
Bốn là, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, chuẩn mực. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành3.
Như vậy, văn hóa công vụ là yếu tố quan trọng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hành chính nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, các nội dung về văn hóa công vụ đã được xây dựng, triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn, đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó chỉ đạo rõ, cần phải xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân. Nhà nước đã “hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực…; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”4. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật; có thái độ tôn trọng, lắng nghe, tận tụy trong xử lý công việc, tiếp xúc với dân; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, từng cán bộ, công chức, viên chức đã nâng cao được tính chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thể hiện tinh thần hợp tác, tính liêm chính, phục vụ trong thực thi công vụ, lan tỏa giá trị văn hóa công vụ trong từng hành vi, cử chỉ thái độ cụ thể.
Song, bên cạnh các kết quả cơ bản nêu trên thì việc xây dựng văn hóa công vụ ở một số nơi vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều điểm thiếu và yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính; phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, có biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi làm việc với chính quyền. Tinh thần trách nhiệm trong công việc chưa cao, thái độ giao tiếp phục vụ nhân dân có lúc, có nơi còn chưa tích cực, đi ngược lại với nỗ lực chung xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp của nền hành chính phục vụ. “Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân vẫn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm”5.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên là sự thiếu hoàn thiện của hệ thống thể chế, chính sách, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa sâu sát và quyết liệt,… Nguyên nhân căn bản là nhận thức, tư duy về xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức chậm được đổi mới, chưa hoàn thiện, chưa thấy được hết ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của văn hóa công vụ. Trong đó, có việc chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Do đó, cần có những giải pháp để khắc phục nhanh chóng và triệt để tình trạng bất cập nêu trên.
Vấn đề đặt ra đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”6, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”7. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ đức, tài, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ cách mạng.
Qua thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng văn hóa công vụ, có thể nhận thấy một thực trạng hiện nay là đa phần cán bộ, công chức, viên chức chỉ chú ý nhiều đến học tập chuyên môn, nghiệp vụ mà ít hoặc không quan tâm đến học tập, bồi dưỡng đạo đức, văn hóa công vụ. Trong quá trình học cũng chưa nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng của việc học tập văn hóa công vụ và tích cực lĩnh hội, chủ động vận dụng bài học vào thực tiễn quá trình thực thi công vụ của bản thân. Chính việc nhận thức thiếu đúng đắn, thiếu động cơ học tập đó đã dẫn tới tinh thần, thái độ học tập có biểu hiện đối phó, nghiên cứu qua loa, đại khái, chiếu lệ, hình thức… Điều này, đặt ra trọng trách lớn, cùng những yêu cầu rất cấp bách đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để tăng cường thực hiện và nâng cao hiệu quả bồi dưỡng về văn hóa công vụ.
Đề án văn hóa công vụ ban hành kèm Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: “Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công vụ”8. Điều đó cho thấy, vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ. Để phát huy mạnh mẽ vai trò này, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần triển khai một số một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng về văn hóa công vụ. Tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu về văn hóa công vụ đã được biên soạn, ban hành và được đưa vào bồi dưỡng trong các khóa học. Bên cạnh đó, các nội dung văn hóa công vụ cũng được lồng ghép trong các chuyên đề liên quan thuộc các chương trình bồi dưỡng khác, như: bồi dưỡng theo ngạch, theo chức danh, theo vị trí việc làm… Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu bồi dưỡng nội dung về văn hóa công vụ cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng học viên là cán bộ, công chức, viên chức cũng như cần được tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện, cập nhật các nội dung mới cho phù hợp với các văn bản của Đảng, Nhà nước, như: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 76/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, cập nhật xu thế cải cách công vụ, quản trị quốc gia hiện nay.
Cần đầu tư xây dựng chương trình, tài liệu, nội dung phù hợp với thời gian bồi dưỡng, tránh sự trùng lặp kiến thức trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung tài liệu bồi dưỡng bảo đảm tính chuẩn mực, khoa học, cập nhật, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, thiết thực với công việc của học viên, tạo sự hấp dẫn, hứng thú trong nghiên cứu, học tập đồng thời mang tính mở để tạo sự linh hoạt trong tổ chức bồi dưỡng.
Thứ hai, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ, tạo thuận lợi cho quá trình bồi dưỡng về văn hóa công vụ. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, các trường bồi dưỡng của các bộ, ngành trung ương, các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác… cần được sắp xếp lại về cơ cấu và vị trí tổ chức cho thích hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ sở đào tạo. Đổi mới tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy; đổi mới hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính, hoạt động theo cơ chế linh hoạt, năng động, hiệu quả. Cần có sự phân công, phân nhiệm cụ thể giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để tránh trùng lặp, chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ.
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần được tiếp tục quan tâm đầu tư trang thiết bị, vật chất đáp ứng yêu cầu dạy, học theo phương pháp mới. Phòng học cần được bố trí khoa học, phù hợp với từng loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Cần giới hạn số lượng học viên cho từng lớp học phù hợp với việc áp dụng các phương pháp đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, báo cáo viên giảng dạy về văn hóa công vụ. Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải có kiến thức chuyên sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp để lồng ghép những nội dung về văn hóa công vụ trong quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn thực thi công vụ của thế giới và Việt Nam. Vì vậy, cần tạo điều kiện để giảng viên học tập trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, tiêu chuẩn giảng dạy, hoàn thiện kỹ năng sư phạm. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện về tài chính, thời gian để phát triển đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, để tăng cường cơ hội cọ sát thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm phục vụ thiết thực, hiệu quả, gắn sát với thực tiễn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tiễn, đi thực tế có thời hạn cho giảng viên…
Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt của văn hóa công vụ đáp ứng hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng. Để tăng tính thời sự, tính ứng dụng của các chương trình bồi dưỡng văn hóa công vụ, cần bổ sung các báo cáo thực tiễn, phát huy vai trò của các báo cáo viên trong các khóa bồi dưỡng, kết hợp thuyết trình với trao đổi, thảo luận, đi thực tế… Từ đó, gia tăng sự sinh động, hấp dẫn của các khóa học, thu hút được sự quan tâm của học viên.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, cách thức, cơ chế tổ chức bồi dưỡng công chức về văn hóa công vụ. Hoàn thiện quy chế về việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng; quy chế hoạt động của giảng viên, học viên để thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát, đánh giá bồi dưỡng. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về văn hóa công vụ, coi đây là hoạt động thường niên. Tổ chức linh hoạt các khóa bồi dưỡng: có thể tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu văn hóa công vụ trong 1 khóa bồi dưỡng hoặc lồng ghép các nội dung về văn hóa công vụ trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau (ví dụ: đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng theo ngạch, theo chức danh; các khóa tập huấn, cập nhật kiến thức ngắn hạn…).
Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần phối hợp tốt đối với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cử và quản lý cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa bồi dưỡng về văn hóa công vụ. Việc phối hợp hiệu quả bảo đảm việc học tập gắn kết với quá trình quản lý nhân sự, chọn, cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo đúng đối tượng, thiết thực, tránh tốn kém, lãng phí, bảo đảm dựa trên nhu cầu công việc, tạo đúng động cơ, mục đích học tập đúng đắn, tích cực để phát triển cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, có trao đổi, phản hồi giữa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức để tiến hành kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, thực chất quá trình và kết quả học tập của học viên được cử đi học; coi trọng và có kế hoạch bố trí, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức vận dụng kết quả học tập vào thực tiễn công tác, lấy kết quả học tập, ý thức rèn luyện trong quá trình học tập là một tiêu chí để đánh giá cán bộ.
Công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tăng cường xây dựng và thực hiện văn hóa công vụ chính là một trong những biện pháp cấp bách cần thực hiện để đạt được mục tiêu này mà trong đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đóng vai trò quan trọng.