(Quanlynhanuoc.vn) – Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu với báo chí.
Tiền, công nghệ, nhân lực đều quan trọng trong “cuộc chơi lâu dài” này, nhưng trước hết phải bắt đầu từ thay đổi tư duy, trong đó vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí rất quan trọng.
Có thể xây dựng nền tảng số chung cho cơ quan báo chí
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 2023 là năm các cơ quan báo chí, nhà xuất bản trở thành những nền tảng số. Kỳ vọng này sẽ thành hiện thực, thưa ông?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Có thể nói chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, không thể cưỡng lại đối với tất cả cơ quan báo chí. Hiện tại, đó là xu hướng tác động lớn đến xã hội và cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển của Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, có những chỉ đạo rất quyết liệt.
Bộ Thông tin Truyền thông đã phát động chương trình chuyển đổi số báo chí và được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương hưởng ứng, tích cực tham gia, trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của cơ quan mình về nhân sự, tài chính, công nghệ…
Chúng ta thấy, hiện nay, hầu hết nội dung của các cơ quan báo chí đã được đưa lên môi trường số. Báo in truyền thống cũng “di chuyển” sang phiên bản điện tử, nhằm tiếp cận đa dạng bạn đọc hơn. Công chúng có thể đọc báo qua điện thoại thông minh rất nhanh chóng, thuận tiện.
Tất nhiên, mỗi cơ quan, đơn vị có cách làm khác nhau, tùy thuộc tôn chỉ, mục đích và nội lực của mình. Tuy nhiên, dưới góc độ tổng thể, để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí, tôi thấy cần lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, chúng ta phải thay đổi được nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý báo chí. Nếu nhận thức được xu hướng, nhu cầu tất yếu khách quan, người làm báo sẽ thay đổi tư duy và cách làm nghề cho phù hợp.
Thứ hai, việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi nghiệp vụ, có kỹ năng sản xuất nội dung để phân phối trên môi trường số rất quan trọng. Nếu như trước đây, với một vấn đề, phóng viên chỉ xử lý cho phát thanh, thì bây giờ, nội dung đó cần được xử lý để đăng tải trên các nền tảng khác, như báo điện tử, truyền hình, thậm chí báo in hay để tương tác ở mạng xã hội. Điều này đòi hỏi người làm báo phải “nghĩ khác, làm khác”, sáng tạo hơn so với cách làm truyền thống.
Thứ ba, một phần rất quan trọng là công nghệ. Đây cũng là bài toán thách thức của không ít cơ quan báo chí khi thực hiện chuyển đổi số. Nhiều tòa soạn hiện chưa tự chủ được công nghệ. Thực tế cho thấy, một số báo có nền tảng công nghệ tốt, hoặc đối tác là những công ty công nghệ mạnh, thường phát triển rất nhanh trên môi trường số. Họ có đội ngũ viết code, chủ động về kỹ thuật, thường xuyên cập nhật công nghệ mới, hệ thống hạ tầng đảm bảo… nên rất thuận lợi trong việc tiếp cận công chúng.
Trong khi đó, những đơn vị thuần báo chí, mặc dù tiềm năng nội dung lớn, vẫn gặp không ít khó khăn khi đa dạng kênh phân phối trên nền tảng số. Lãnh đạo tòa soạn có nhận ra vấn đề công nghệ không? Có chứ! Nhưng cái khó là tiềm lực để thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, trong bối cảnh kinh tế báo chí ở nhiều đơn vị còn rất khó khăn.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam sáng 13/6, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, sẽ hỗ trợ những cơ quan báo chí có quy mô vừa và nhỏ, báo địa phương, gặp khó khăn về tài chính, công nghệ. Có thể xây dựng những nền tảng công nghệ chung cho báo chí. Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả.
Thứ tư, đó là thay đổi quy mô và quy trình quản trị, cách thức làm báo. Các cơ quan báo chí truyền thống, bây giờ thêm nền tảng số, phải tính xuất bản nội dung ở đâu trước, có sự nối tiếp nhau như thế nào. Dây chuyền sản xuất, mô hình quản trị cũng phải thay đổi so với trước.
Nhân tố con người quan trọng nhất
Chuyển đổi số không phải bắt đầu từ tiền đầu tư, công nghệ, mà là chuyển đổi tư duy, văn hóa trong tòa soạn và điều quan trọng là tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Ở đâu, lĩnh vực nào, vai trò lãnh đạo cũng quan trọng. Người lãnh đạo không nhận ra và nắm được xu thế mới, tổ chức đó sẽ lỡ cơ hội phát triển. Chuyển đổi số cũng vậy, con người là quan trọng nhất. Trong đó, nhận thức của lãnh đạo góp phần lớn vào thành công.
Khi nhận thức đúng vấn đề, người đứng đầu cơ quan báo chí sẽ có định hướng cho cả hệ thống tòa soạn phù hợp điều kiện của cơ quan mình: Ưu tiên nguồn lực nào để bắt kịp xu hướng thời cuộc? Đầu tư mạnh vào đâu nhằm tạo đột phá?…
Bên cạnh đó, người đứng đầu sẽ truyền cảm hứng, thúc đẩy đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. “Thủ trưởng nào, phong trào đấy”. Tư duy lãnh đạo là công nghệ số, nhân viên sẽ phải tìm cách giỏi công nghệ, tư duy số, vì nằm trong dòng chảy chuyên môn của tòa soạn.
Vai trò quan trọng của lãnh đạo ở đây chính là thể hiện trong mối quan hệ biện chứng với tổ chức, đội ngũ cán bộ, nhân viên. Do đó, chúng ta phải chú ý cả 2 yếu tố mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Giải bài toán khó kinh tế báo chí như thế nào?
Một tòa soạn chuyển đổi số toàn diện có tỷ lệ thuận với việc chuyển đổi mô hình doanh thu? Thực tế hiện nay cho thấy, để tồn tại và phát triển, đa số cơ quan báo chí vẫn gặp khó về cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính về đặt hàng cơ quan báo chí từ nguồn ngân sách Nhà nước; vẫn loay hoay, lúng túng giải quyết bài toán kinh tế báo chí?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Báo chí đang trong giai đoạn rất khó khăn khi quảng cáo truyền thống di chuyển sang nền tảng trực tuyến xuyên biên giới như Facebook, Tiktok… Phần còn lại cho báo chí chính thống rất ít.
Bên cạnh đó, bản quyền cũng là vấn đề cần nhắc tới. Sau khi được tòa soạn đăng tải, nội dung báo chí lập tức bị các mạng xã hội khai thác miễn phí. Vì vậy, báo gặp khó khăn trong việc tăng doanh thu từ chính sản phẩm của mình. Nếu có nguồn này, họ hoàn toàn có thể quay vòng đầu tư cho chuyển đổi số.
Một nguyên nhân khác là tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, các doanh nghiệp khó khăn, nên cơ quan báo chí cũng khó khăn, bởi nguồn quảng cáo, tài trợ bị ảnh hưởng. Thực tế hiện tại duy trì được hoạt động như trước cũng là cố gắng rất lớn của nhiều cơ quan báo chí.
Trong bối cảnh ấy, đầu tư chuyển đổi số là câu chuyện không dễ dàng, nhất là với những đơn vị tự chủ 100% tài chính. Theo tôi, tòa soạn tự chủ khoảng 30% tài chính sẽ hợp lý, giúp báo chí yên tâm hoạt động, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ chính trị. Chúng ta hiểu kinh tế báo chí không phải là làm làm báo để kinh doanh đơn thuần, mà có thu nhập để phục vụ nhiệm vụ chính được Đảng, Nhà nước giao phó.
Đến thời điểm nào đó, phải có cơ chế để các hãng viễn thông chia sẻ doanh thu hoặc hỗ trợ báo chí. Các tờ, trang báo sản xuất nội dung, nhà mạng sử dụng dữ liệu đó cung cấp cho công chúng nhưng không có phần chia sẻ cho tòa soạn. Để làm được việc này, tất nhiên phải có sự can thiệp ở tầm chính sách vĩ mô và hệ thống quản trị.
Chính phủ đã có một hội nghị rất quan trọng về truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức – Hành động – Nguồn lực” cuối tháng 11/2022, trong đó đề ra những giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Báo chí sẽ có cơ chế đặt hàng từ đơn vị chủ quản và cơ quan Nhà nước để truyền thông chính sách, qua đó vừa có nguồn thu chính đáng, vừa thực hiện tốt hơn vai trò tuyên truyền của mình.
Tôi thấy tín hiệu rất mừng khi tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo giải quyết những bất cập về cơ chế, chính sách, về định mức kinh tế kỹ thuật, cho các loại hình báo chí. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, tổ chức đặt hàng báo chí, giúp các tòa soạn khắc phục khó khăn và phát triển.
Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy báo chí, trong đó có lĩnh vực tài chính. Vai trò của chủ quản rất quan trọng, vừa giúp báo chí tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vừa định hướng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phát triển lành mạnh.
Không chạy đua mạng xã hội, tập trung báo chí chất lượng cao
Thực tế, không có mô hình chuyển đổi số chuẩn nào áp dụng cho tất cả cơ quan báo chí. Với Đài Tiếng nói Việt Nam, hành trình chuyển đổi số đang bắt đầu từ đâu và diễn ra như thế nào?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí chủ lực quốc gia. Trải qua thời gian dài phát triển, chúng tôi đã xây dựng được cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện, với phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Trong đó, có 8 kênh phát thanh, 16 kênh truyền hình, hai báo điện tử.
Thời gian qua, các đơn vị báo chí của Đài nắm bắt rất nhanh xu hướng trên nền tảng số. Hai báo điện tử VOV và VTC News cập nhật tin tức nhanh chóng, chính xác, là kênh chính thống, tin cậy cho độc giả. Chúng tôi cũng phát triển một số ứng dụng riêng như Đài Kỹ thuật số VTC có VTC Now cũng rất đông người xem. Khối phát thanh có ứng dụng VOV Live, VOV Media.
Nội dung được ưu tiên phân phối trên báo điện tử, âm thanh vốn là thế mạnh. Ví dụ, Đọc truyện đêm khuya có hàng triệu người nghe trên YouTube. Đặc biệt, tác phẩm Con hẻm nhỏ của Báo Điện tử VOV đoạt giải Xuất sắc hạng mục Truyền thông số của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU) năm 2022.
Các đơn vị thuộc VOV đã hình thành được hệ sinh thái tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một chiến lược bài bản và sự đầu tư lớn hơn để Đài Tiếng nói Việt Nam phát huy được vai trò của cơ quan báo chí Trung ương. Đặc biệt, chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghệ.
Đài Tiếng nói Việt Nam đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động xuất bản báo chí thế nào? Ưu điểm và hạn chế của “người máy làm báo” là gì? Đài có kế hoạch ứng dụng công cụ GPT vào sản xuất nội dung không?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Nhiều báo điện tử đã áp dụng AI vào sản xuất nội dung. Vấn đề quan tâm của VOV rộng hơn là áp dụng AI thế nào cho hệ thống dữ liệu rất lớn của các kênh phát thanh, truyền hình. Tức là làm sao hệ thống hóa dữ liệu để tối ưu hóa được kênh phân phối trên các nền tảng. Đây là câu chuyện Đài đang tập trung tìm hướng giải quyết. Nếu hệ thống của mình tốt, bạn đọc có thể tiếp cận rất nhiều dữ liệu liên quan, chứ không chỉ xem một bài báo.
Có thể thấy mặt tích cực của AI trong việc sản xuất, phân phối nội dung là giúp công chúng “ăn” món mình thích, thông qua việc phân tích hành vi của người dùng. Nhưng nó cũng làm cho cho người đọc lười hơn, không đa dạng hóa thông tin ở lĩnh vực khác. Quá trình áp dụng AI cũng phải chú ý tính 2 mặt của vấn đề này.
Từng giữ vị trí Tổng biên tập Báo điện tử VOV, ông có thể chia sẻ về mô hình doanh thu và tòa soạn tập trung vào khâu nào để bứt phá?
Ông Phạm Mạnh Hùng: Báo chí không nên đơn thuần chạy theo nhu cầu thông tin và đua tốc độ với mạng xã hội. Báo chí cần tận dụng thế mạnh của mình, đi sâu vào sản phẩm chất lượng, uy tín, đẩy mạnh báo chí dữ liệu, báo chí đa chiều, báo chí giải pháp…, là kênh tin cậy cho người dân. Họ xem thông tin trên mạng xã hội nhưng phải đọc báo để xác tín.
Với thông tin méo mó, xuyên tạc, chống phá chính quyền trên các nền tảng mạng, báo chí có trách nhiệm đấu tranh, vạch trần luận điệu, giúp người dân hiểu đúng bản chất vấn đề, từ đó có nhận thức đúng đắn.
Nếu biết đầu tư nguồn lực và tận dụng được thế mạnh của mình, các báo sẽ có những sản phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng trên các nền tảng số. Những sản phẩm đó có sức sống lâu bền hơn “chạy đua tin tức”, vì nó lý giải được xu hướng, hiện tượng trong xã hội, phân tích chuyên sâu, đa chiều, phỏng vấn các chuyên gia uy tín… Muốn vậy, tòa soạn phải có nguồn nhân lực chất lượng, người làm báo có trình độ, hiểu biết, nhạy bén, chứ AI sẽ khó làm thay.
Về kinh tế báo chí, như nói ở trên, là vấn đề không dễ. Mỗi báo sẽ có hướng đi phù hợp cho mình. Muốn giải được bài toán này trong điều kiện hiện nay, phải áp dụng tổng thể nhiều giải pháp, trong đó có sự nỗ lực của từng cơ quan báo chí và cả cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước.
Xin cảm ơn ông!