Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công ở tỉnh Bình Định

TS. Ngô Văn Trân
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Nguyễn Thị Ánh Vân
Sở Nội vụ tỉnh Bình Định
(Quanlynhanuoc.vn) – Thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công là chủ trương lớn của tỉnh Bình Định nhằm phát huy tối đa nguồn nhân lực xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của khu vực công. Bài viết phân tích thực trạng thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và đề xuất các giải pháp nhằm gia tăng hiệu quả thực hiện chính sách này ở tỉnh Bình Định trong thời gian tới.
Ảnh minh họa (binhdinh.gov.vn).

Tỉnh Bình Định là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện chính sách thu hút nhân tài trong gần 10 năm trở lại đây. Địa phương này đã chủ động ban hành nhiều chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hútnguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, như: chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; chính sách tuyển dụng công chức, viên chức về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi; tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã đặc biệt khó khăn… Qua đó, bước đầu công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình Định đạt được một số kết quả sau:

Kết quả thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công ở tỉnh Bình Định

Sau 6 năm (2017 – 2022) thực hiện chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, toàn tỉnh Bình Định đã thu hút được 234/1.660 người (chiếm tỷ lệ 14,09%); trong đó có 5 thạc sỹ (2,13%) và 229 tốt nghiệp đại học (97,86%); bao gồm 199/234 bác sỹ, dược sỹ (85,04%), 15/234 là công chức, viên chức và tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi (chiếm tỷ lệ 6,41%); 20/234 là trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (chiếm tỷ lệ 8,54%) (xem Bảng 1)1.

Điều đáng ghi nhận là thu hút được 199 trường hợp về ngành Y tế, cung cấp, bổ sung kịp thời nguồn nhân lực thiếu hụt, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển nền y học của tỉnh Bình Định; đồng thời, thu hút 35 trí thức trẻ tham gia vào các mặt trận xung yếu, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, về mặt tổng thể trong giai đoạn 2017 – 2022, tỉnh Bình Định chỉ thu hút được 234/1.660 nhu cầu, chiếm 14,09% là quá khiêm tốn. Mặt khác, ngoài lĩnh vực y tế và cán bộ, công chức phục vụ cho vùng sâu, vùng xa, việc thu hút các chuyên ngành khác gần như không thực hiện được. Kết quả thu hút cũng cho thấy, chỉ thu hút được 5 thạc sỹ/234 người, chiếm 2,13%, còn lại hầu hết là cử nhân đại học2. Kết quả này chưa đáp ứng được kỳ vọng mà tỉnh Bình Định đề ra.

Đánh giá hiệu quả sử dụng, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên một số lĩnh vực

Qua khảo sát 234 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và cán bộ quản lý, sử dụng lực lượng này trên 5 tiêu chí liên quan đến bố trí, sử dụng, đánh giá thực hiện chính sách3, cho thấy:

Về bố trí công việc: có đến 97,9% cho rằng được bố trí rất phù hợp hoặc phù hợp, chỉ có 2% ít phù hợp. Đối với người sử dụng lao động cũng đánh giá cao tính phù hợp này, có đến 96,1% đánh giá rất phù hợp và phù hợp, chỉ 3,8% ít phù hợp. Điều này cho thấy, công tác tuyển dụng và bố trí việc làm đối với nguồn nhân lực chất lượng cao đúng mục đích, tiêu chí và sử dụng (Xem Biểu đồ 1).

Về chính sách ưu đãi qua chế độ tiền lương: đa số đối tượng thu hút được xếp theo bậc lương quyđịnh, mức lương dao động từ 3.500.000 đồng/tháng đến 5.000.0000 đồng/tháng (90,6%) và phụ cấp ngoài lương phổ biến là 1.000.000 đồng/tháng. Chính sách ưu đãi về lương cũng đều nằm trong khung lương Nhà nước quy định. Qua khảo sát, có 37,8% cho rằng, lương được trả hoàn toàn xứng đáng và xứng đáng với năng lực; 36,4% cho rằng chưa thỏa mãn nhưng chấp nhận được; 19,6% cho rằng không xứng đáng và 6,1% cho rằng hoàn toàn không xứng đáng. Tỷ lệ này cũng tương đồng với đánh giá của cán bộ quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, 18,8% cho rằng, thu nhập không xứng đáng và 13,7% hoàn toàn không xứng đáng. Điều này cho thấy, chính sách ưu đãi về chế độ lương đối với đối tượng thu hút nhân tài khá thấp.

Về môi trường làm việc: các đối tượng được tuyển dụng cho rằng, điều kiện và môi trường làm việc khá tốt, phù hợp. Có đến 90,4% người đánh giá môi trường làm việc từ bảo đảm đến rất bảo đảm, trong đó có 20,2% đánh giá rất bảo đảm, 8,7% đánh giá chưa bảo đảm, chỉ có 0,6% cho rằng môi trường làm việc không bảo đảm. Nhìn chung, mức hài lòng của đối tượng thu hút về điều kiện và môi trường công tác được đánh giá cao. Điều này phần nào cho thấy, công tác hiện đại hóa công sở, điều kiện làm việc tiếp cận theo hướng hiện đại, nhất là xây dựng văn hóa công vụ của các cơ quan thuộc khu vực công ở tỉnh Bình Định được cải thiện tốt trong những năm gần đây (xem Biểu đồ 2).

Đánh giá mức độ an tâm công tác: tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao là công tác quan trọng, song quan trọng hơn là bố trí, sử dụng hợp lý, phát huy năng lực của đội ngũ này có ý nghĩa quyết định trong thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Qua khảo sát cho thấy, 63,5% đối tượng được tuyển dụng ổn định, an tâm công tác, nỗ lực cống hiến. Tuy nhiên, có đến 31,7% xác định sẽ chuyển công tác khác nếu có cơ hội, đặc biệt có 4,7% khẳng định sẽ chuyển công tác mới. Kết quả này tương thích với đánh giá của cán bộ quản lý, sử dụng nguồn nhân lực, có 45,2% cho rằng, nếu có cơ hội nguồn nhân lực này sẽ chuyển công tác, 11,3% sẽ chuyển công tác và 2% có khả năng chuyển công tác cao. Điều này cho thấy, trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình Định vẫn chưa thật sự hấp dẫn đối với nguồn lực này. Đặc biệt là chế độ lương, môi trường làm việc, điều kiện sống, môi trường văn hóa xã hội, cơ hội thăng tiến… chưa có sự khác biệt lớn, chưa thực sự hấp dẫn, chưa tạo được sức cạnh tranh với nhiều địa phương khác và khu vực tư. Vì vậy, hiệu quả của thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Bình Định chưa bền vững (xem Biểu đồ 3).

Đánh giá về các điều kiện của tỉnh trong thu hút nhân tài: qua khảo sát các đối tượng thuộc diện thu hút nhân tài cho thấy, mức độ về các điều kiện (chế độ, chính sách, cơ hội thăng tiến…) của tỉnh Bình Định tương đối tốt. Có đến 95,1% nhận định đủ các điều kiện để thu hút nhân tài, trong đó có 27% cho rằng rất đủ điều kiện. Số liệu này cũng tương thích với người sử dụng nguồn nhân lực, có 90,4% cho rằng đủ điều kiện, chỉ 2% cho không đủ điều kiện. Điều này cho thấy, các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình định mặt dù chưa thể so sánh với các thành phố lớn có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng với điều kiện kinh tế – xã hội hiện tại của tỉnh Bình Định là tương đối phù hợp (xem Biểu đồ 4).

Qua khảo sát các đối tượng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho thấy, để tăng hiệu quả thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần có chính sách: trợ cấp nhà, đất ở, kinh phí hỗ trợ ban đầu (29,1%); chế độ đãi ngộ (21,6%); môi trường làm việc thuận lợi, có cơ hội thăng tiến (25%). Cán bộ quản lý, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thì nhấn mạnh hai nhóm chính sách: trợ cấp nhà, đất ở, kinh phí hỗ trợ ban đầu (30,1%) và chế độ đãi ngộ (35,8%). Nếu tổng hợp cả hai nhóm đối tượng khảo sát thì đồng nhất ba nhóm chính sách cần chú trọng, đó là: trợ cấp nhà, đất ở, kinh phí hỗ trợ ban đầu (29,3%); chế độ đãi ngộ (25,3%) và môi trường làm việc thuận lợi, có cơ hội thăng tiến (21,3%) (xem Biểu đồ 5).

Có thể thấy, nếu trước đây, việc vào biên chế ổn định là yếu tố hằng đầu trong tham gia tuyển dụng vào khu vực công, ngày nay trong xu thế mới, nhất là để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giữa khu vực công và khu vực tư, giữa khu vực tư với khu vực tư và khu vực công với nhau tạo ra thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn và tham gia ứng tuyển và một trong những tiêu chí hàng đầu, hấp dẫn đối với nguồn nhân lực này không phải là biên chế, các yếu tố khác mà chính là thu nhập cao, ổn định cuộc sống và môi trường làm việc thuận lợi, có cơ hội thăng tiến. Đó cũng là xu hướng cần chú trọng trong xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình Định cần quan tâm, hoạch định.

Đánh giá chung

Nhìn chung, công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình Định từ năm (2017 – 2022) đã có những chuyển biến tích cực:

Một là, chủ trương, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình Định đã đáp ứng cơ bản mục tiêu đề ra và có những thành công bước đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Bình Định thường xuyên bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp.

Hai là, công tác triển khai, thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được thực hiện công khai, minh bạch bảo đảm chất lượng trong quá trình tuyển chọn. Chế độ, chính sách liên quan đến đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao được thực hiện kịp thời, đồng bộ. Gắn việc tuyển chọn với sử dụng, đào tạo, đãi ngộ tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền với người được thu hút.

Ba là, với việc thu hút 234/1.660 nhu cầu thu hút giai đoạn 2017 – 2022, trong đó có 199/234 bác sỹ, dược sỹ, chiếm 85,04% là một sự nỗ lực lớn. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được lực lượng lớn bác sỹ, dược sỹ góp phần tăng tỷ lệ số bác sỹ/dân, củng cố đội ngũ thầy thuốc trên các địa bàn xung yếu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân.

Bốn là, sự tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của đối tượng thu hút đã tạo nên sự thay đổi về chất hoạt động của các cơ quan đơn vị sử dụng, đem đến sự hài lòng của Nhân dân, doanh nghiệp và đặc biệt là đề xuất và tham gia các chương trình, dự án trọng điểm, góp phần thiết thực trong xây dựng  kinh tế – xã hội của địa phương.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế sau:

Số lượng và chất lượng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2017 – 2022 chưa cao. Kết quả qua thực hiện các chính sách thu hút chỉ mới dừng lại ở lực lượng lao động có chất lượng khá và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực y tế, chính quyền cấp cơ sở, chưa tạo được diện rộng, lĩnh vực chuyên sâu khác.

– Công tác phối hợp trong triển khai, thực hiện chính sách đối với các đối tượng được thu hút chưa thực sự đồng bộ, chặt chẽ. Việc sử dụng, bố trí công việc một số trường hợp, ở một số ngành, địa phương chưa thật sự phù hợp, nhất là chưa gắn chuyên môn đào tạo với vị trí việc làm.

– Chính sách đãi ngộ của tỉnh Bình Định về vật chất đối với nhân tài có nhiều nỗ lực, song còn thấp, chưa có tính đột phá và vượt trôi so với các địa phương khác, chưa tạo sự hấp dẫn, tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở tỉnh Bình Định trong thời gian tới

Một là, thể chế chính sách thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao là cơ sở pháp lý để thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tính đồng bộ của thể chế được thể hiện thông qua hệ thống các quy định, nguyên tắc có tính pháp lý về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Bình Định cần được minh bạch ngay trong quá trình xây dựng đến ban hành và thực hiện các thể chế thông qua sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền, của cộng đồng và phải chịu sự giám sát của Nhân dân. Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm tính cạnh tranh với các địa phương khác và với khu vực tư.

Hai là, phải xây dựng được môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau. Đặc biệt, tạo môi trường thuận lợi cho lực lượng được thu hút làm việc, cống hiến và thực hiện ý tưởng. Một môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến nghề nghiệp và cống hiến chính là yếu tố có tính quyết định để giữ chân và phát huy tài năng.

Ba là, là tỉnh miền Trung, địa kinh tế không thuận lợi bằng các thành phố lớn trong cả nước về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, tỉnh Bình Định cần xây dựng và thực hiện tốt chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng. Tiền lương phải tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm, sự cống hiến và trở thành một trong những công cụ, động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác.

Bốn là, tỉnh cần thực hiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hình thức thu hút các nhà khoa học, chuyên gia chuyên môn sâu… làm việc ngắn hạn với các công việc đặc thù như tư vấn, quản lý dự án. Đặc biệt, tỉnh cần tận dụng thu hút những nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và chuyên gia gốc Việt tham gia dự án theo phương thức xã hội hóa đầu tư Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICI).

Năm là, cùng với việc thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cần chú trọng thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm tài năng: lãnh đạo, quản lý; tham mưu xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách; thực thi… Bên cạnh đó, lựa chọn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín trong nước và trên thế giới phù hợp để cử những người có tài năng tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Kết hợp hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát triển tài năng gắn liền với hình thức luân chuyển, điều động, biệt phái… tạo điều kiện cho người có tài năng thử thách và cọ xát thực tiễn.

Sáu là, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hoạt động thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đề cao thẩm quyền tuyển dụng gắn với sử dụng. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, lựa chọn được đúng người có đủ năng lực, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu công việc. Hiệu quả thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, ý thức trách nhiệm, mục đích và quy trình tuyển dụng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người trực tiếp quản lý, sử dụng, đánh giá, tạo điều kiện phát triển, tôn trọng tài năng sau khi tuyển dụng thì nguồn nhân lực chất lượng cao mới phát huy hiệu quả.

Bảy là, để có hiệu quả trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, một mặt, tỉnh Bình Định cần bố trí nguồn tài chính trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mặt khác, có chính sách huy động được nhiều nguồn lực tài chính trong và ngoài Nhà nước, hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển tài năng cho nền công vụ, qua đó có nguồn lực thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, tôn vinh đối với người có năng lực trong hoạt động công vụ.

Chú thích:
1, 2. Tổng hợp từ Báo cáo cung cấp một số thông tin tình hình đội ngũ trí thức phục vụ nội dung Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X của Sở Nội vụ tỉnh Bình Định năm 2022.
3. Kết quả điều tra xã hội học của tác giả, tháng 5 – 6/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Triệu Văn Cường, Nguyễn Minh Phương. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công ở nước ta hiện nay. H. NXB Lao động – Xã hội, 2016.
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức Luật Viên chức năm 2019.
4. Đinh Dũng Sỹ. Đổi mới tư duy trong trọng dụng, thu hút nhân tài. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 16, tháng 8/2021.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định. Báo cáo tổng kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, ngày 22/8/2017.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định. Báo cáo tổng kết kết quả triển khai thực hiện Đề án thực hiện thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020.