ThS. Nguyễn Thị Lê
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Chính phủ số (digital government) là chính phủ được thiết kế và vận hành để tận dụng lợi thế của dữ liệu số trong việc tối ưu hóa chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ của Chính phủ. Để đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển chính phủ số cần phải thay đổi về cơ cấu lao động, nguồn nhân lực số phải được chú trọng đáp ứng yêu cầu phát triển chính phủ số. Bài viết làm rõ khái niệm, nội hàm và đặc trưng của nguồn nhân lực số; định hướng xây dựng chính phủ số, nguồn nhân lực số, từ đó, đề xuất một số giải pháp xây dựng nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu chính phủ số hiện nay.
Khái quát chung về chính phủ số ở Việt Nam
Chính phủ số là chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội. Hay nói cách khác, đây là quá trình chuyển đổi số của Chính phủ1.
Chính phủ số sử dụng dữ liệu số, công nghệ số (bao gồm công nghệ thông tin – truyền thông và các công nghệ, như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (BigData), điện toán đám mây (Cloud computing), internet vạn vật (IoT)…, để đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, thiết kế, tối ưu hóa vận hành của tổ chức, cung cấp dịch vụ chất lượng hơn và giải quyết các vấn đề lớn trong phát triển, quản lý kinh tế – xã hội của quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản xác định mục tiêu, nội dung phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh: “Phát triển chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành chính phủ số vào năm 2025. Chiến lược đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (1) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (2) Phát triển hạ tầng số; (3) Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; (4) Phát triển dữ liệu số quốc gia; (5) Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; (6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia”2.
Chương trình chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, đây là xu thế không thể đảo ngược. Chính vì vậy, đây cũng là chương trình mục tiêu mà Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Việt Nam sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Định hướng xây dựng nguồn nhân lực số Việt Nam đáp ứng yêu cầu chính phủ số
Nguồn nhân lực là tổng thể số lượng và chất lượng con người với tổng hòa các tiêu chí về trí lực, thể lực và những phẩm chất đạo đức, tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. Đồng thời, nguồn nhân lực số là yếu tố quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, nguồn nhân lực số phải là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển công nghệ.
Có thể thấy, đặc trưng của nguồn nhân lực số được thể hiện trên các phương diện: (1) Có năng lực làm chủ các thiết bị công nghệ số trong quá trình làm việc; (2) Có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và tiến bộ khoa học – công nghệ mới; (3) Có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc; (4) Có khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Chính vì vậy, để thỏa mãn các phương diện trên nhất thiết đòi hỏi nguồn nhân lực số phải được đào tạo bài bản và liên tục được đào tạo bổ sung.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định trong 5 năm tới, đột phá về phát triển nguồn nhân lực, trong đó nội hàm về nguồn nhân lực chất lượng cao đã được xác định rõ hơn: “nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt”3, đặc biệt, Đảng ta tiếp tục gắn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với “ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo”4. Đây là những bổ sung kịp thời, hợp lý gắn với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg về nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường đại học số phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đến năm 2025 phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước hằng năm được tham gia tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số; 100% cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về công nghệ số. Đồng thời, đào tạo hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh về đào tạo chuyển đổi số5.
Để triển khai thực hiện Đề án vào thực tiễn, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở, hoàn thành ba khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 300 nghìn công chức, viên chức, 200 nghìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân. Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200 nghìn thành viên tham gia6. Đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên toàn quốc để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số góp phần bảo đảm công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công7.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế nhất định về phát triển nguồn nhân lực số ở cấp độ vĩ mô, “đột phá” trong phát triển nguồn nhân lực chưa được thực hiện được thông qua chiến lược, hệ thống các chính sách, kế hoạch, chương trình hoạt động. Mặt khác, công tác dự báo nhu cầu lao động theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề mới chưa được cập nhật, do đó, chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa cao.
Giải pháp xây dựng nguồn nhân lực số
Một là, rà soát, hoàn thiện chiến lược về giáo dục – đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia nói chung và xây dựng chính phủ số nói riêng. Vì vậy, cần rà soát lại các quy định đã ban hành, đồng thời, kịp thời bổ sung, thay thế các quy định không còn phù hợp để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.
Hai là, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học – công nghệ và đổi mới, sáng tạo trong các trường phổ thông. Cần phải tiến hành quy hoạch lại một cách tổng thể ở cả ba cấp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; đồng thời, cần gia tăng các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Ngoài ra, thực hiện việc triển khai từ sớm nội dung kiến thức đào tạo cho học sinh bậc học phổ thông về khoa học – công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy hoạt động hướng nghiệp với các ngành nghề mà xã hội đang thực sự cần.
Ba là, các cấp, ngành, địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế để có chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài hợp lý; tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình cấp quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài, thu hút và khuyến khích nguồn nhân lực trình độ cao từ các nước phát triển và du học sinh trở về để giải quyết các bài toán phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. Chú trọng đến các chính sách phân bổ nguồn lực chất lượng cao cho từng vùng, miền, địa phương để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, tạo điều kiện thực hiện đồng bộ chuyển đổi số quốc gia góp phần xây dựng thành công chính phủ số.
Bốn là, đổi mới các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu quá trình chuyển đổi số, vì đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn cần phải giúp họ thay đổi về tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu của chuyển đổi số. Nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ mới; tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học – công nghệ, kỹ thuật và toán học, ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức nghề nghiệp; cung cấp khả năng tự học tập linh hoạt, phù hợp đối với từng tổ chức, cá nhân. Chương trình đào tạo nhân lực, cần hướng đến xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt, xu thế IoT, AI, Robot, đồng thời, khuyến khích phát triển các nền tảng dạy và học trực tuyến mở.
Năm là, đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các nhà trường, doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin, điều này quan trọng với tất cả những người lao động đến các cấp lãnh đạo, quản lý. Xây dựng hệ sinh thái liên kết chuyển giao 3 bên doanh nghiệp, nhà trường và người học nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo về kỹ thuật, công nghệ cũng như nhu cầu học tập, cập nhật công nghệ cho các lứa tuổi. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cần đẩy mạnh hình thức giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến để người lao động có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ, tay nghề đáp ứng nguồn nhân lực số hướng tới chính phủ số.
Chú thích:
1. Chuyển đổi số cơ quan nhà nước là gì? https://dx.mic.gov.vn, ngày 22/4/2023.
2. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 203 – 204, 203 – 204.
5. Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
6, 7. Nhân lực chuyển đổi số Việt Nam: Có chiến lược bài bản để đáp ứng nhu cầu. https://ictvietnam.vn, ngày 02/12/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 17/NQ- CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.
2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.