Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 hiện nay

PGS. TS. Nguyễn Tiến Hải
Học vin Chính trị, Bộ Quốc phòng
Nguyễn Đức Thuận
NCS. Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh là một nhiệm vụ quan trọng quyết định củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng vững mạnh, đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương trong mọi tình huống. Trên cơ sở quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh chính trị, tinh thần, bài viết đã làm rõ những kết quả đạt được của Quân khu 2 trong quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ cấp tỉnh hiện nay.
Ảnh minh hoạ: tuyengiao.vn.
Đặt vấn đề

Tiềm lực chính trị, tinh thần góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm, chủ động ứng phó với mọi tình huống quốc phòng – an ninh, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của tiềm lực chính trị, tinh thần trong xây dựng khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần vững mạnh làm nền tảng trong xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần vững mạnh

Khi bàn về vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đãkhẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc1. Tư tưởng đó của Người đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt, vận dụng một cách tích cực, sáng tạo và giành thắng lợi to lớn trong cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quân khu 2 là địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước cả trong thời bình và thời chiến, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Quân khu 2 gồm 7tỉnh phía Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc là một địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế và quốc phòng an ninh. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc đã nêu cao tinh thần anh dũng, vượt qua bao khó khăn gian khổ, xây dựng căn cứ địa cách mạng ngày càng vững mạnh2. Do đó, việc xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần vững mạnh ngay từ thời bình càng có ý nghĩa quan trọng.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh chính trị, tinh thần và trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ban hành nhiều nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, nhất là xây dựng “tiềm lực chính trị, tinh thần” trong khu vực phòng thủ, đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, các tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh ngày càng tăng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu được tiến hành thường xuyên, đúng quy định. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ, nhất là trong phòng, chống “Diễn biến hòa bình” ở các cấp được nâng lên, góp phần đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế – xã hội.

Thông qua tuyên truyền, giáo dục đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, giúp đỡ Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần trên địa bàn vững mạnh; củng cố niềm tin của Nhân dân với lực lượng vũ trang Quân khu, Quân đội, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một số giải pháp xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ cấp tỉnhtrên địa bàn Quân khu 2

Hiện nay, trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhiệm vụ xây dựng Quân khu 2 vững mạnh, toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể là:

Trước hết, vận dụng sáng tạo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu các cấp, các ngành “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”3. Với đặc điểm vị trí địa lý, Quân khu 2 nằm trên địa bàn 9 tỉnh phía Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc, có trên 1.375 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Lào; đây là địa bàn có kiến tạo địa hình chủ yếu là trung du và rừng núi nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí không đồng đều; các thế lực thù địch triệt để lợi các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, nhất là hoạt động truyền đạo trái pháp luật… tạo nguy cơ chia cắt, cô lập trên nhiều khu vực. Do vậy, phải thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng.

Nội dung tuyên truyền tập trung: tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, tôn giáo, về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kịp thời cập nhật tình hình thế giới, trong nước, địa phương và những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ, đồng thời định hướng nhận thức cụ thể đối với mọi đối tượng. Vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, tạo “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch”, sự thống nhất nhận thức, đồng thuận trong toàn xã hội, cùng chung tay, chung sức đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức bảo đảm phong phú, đa dạng; gắn việc giáo dục chính trị với thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, địa phương, như: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/05/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các phong trào cách mạng ở địa phương, nhân kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của Đảng, đất nước thông qua phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông và thiết chế văn hóa ở cơ sở; kết hợp giáo dục chính trị với các hoạt động thể dục – thể thao, văn hóa văn nghệ.

Phối hợp với các ban, ngành, địa phương tiến hành nói chuyện truyền thống, kết hợp giữa công tác huấn luyện với công tác dân vận. Phát triển công tác đối ngoại nhân dân ở địa phương có đường biên giới với Trung Quốc và Lào theo quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng. Kết hợp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân với công tác thông tin, tuyên truyền giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngăn chặn xâm nhập văn hóa độc hại, giữ vững ổn định chính trị trong khu vực phòng thủ…. Qua đó, xây dựng cho Nhân dân trên địa bàn Quân khu có ý thức trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp nhân lực, vật lực, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc.

Thứ hai, quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”4. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân; vấn đề cốt tử là làm sao để Nhân dân thực sự làm chủ vận mệnh của đất nước. Để quyền làm chủ của Nhân dân được bảo đảm và thực thi trong cuộc sống, cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, phương thức, cơ chế thực hiện. Để thực hiện tốt nội dung này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu cần chỉ đạo Cục Chính trị chủ động xây dựng chương trình phối hợp hành động với các ban, ngành của các tỉnh triển khai các mặt công tác, coi trọng xây dựng hệ thống chính trị, nhất là tổ chức đảng, chính quyền có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương phải làm tham mưu, giúp cấp ủy địa phương quán triệt, chấp hành và vận dụng sáng tạo cơ chế lãnh đạo của Đảng trong xây dựng khu vực phòng thủ, tích cực tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng tiềm lực chinh trị tinh thần vững chắc trong khu vực phòng thủ; thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương trong thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân… tạo sự đồng thuận và sự ủng hộ của Nhân dân trong mọi quyết sách của chính quyền. Vận động và hướng dẫn Nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, nhất là tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới. Thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, với lực lượng vũ trang Quân khu.

Thứ ba, nghiêm túc làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Cách mạng là…không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân”5, như vậy một trong những giải pháp cơ bản, lâu dài, cơ sở vững chắc để xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần là đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hiện nay, do thành tựu thu được của công cuộc đổi mới đất nước, trong điều kiện khoa học – công nghệ ngày càng phát triển, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng được cải thiện, nhu cầu của con người càng nâng lên, đặt ra những yêu cầu cao và cấp thiết về quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần, các chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Do đó, cần phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh trên địa bàn chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới, xóa đói, giảm nghèo, thương binh liệt sĩ, người có công, củng cố quốc phòng – an ninh và chính sách hậu phương quân đội… Trên cơ sở đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và Nhân dân trong chấp hành chính sách.

Cơ quan quân sự các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác thẩm định các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế – xã hội có liên quan đến xây dựng thế trận khu vực phòng thủ; đặc biệt, chú ý đến những dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài trên địa bàn trọng điểm, có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh. Chỉ đạo các đoàn kinh tế – Quốc phòng: Đoàn 313, 326, 345, 356, 379 phối hợp với địa phương thực hiện tốt dự án di, giãn dân và hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân nơi ở mới; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, không để bùng phát trong cộng đồng; tích cực giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… Các lực lượng trên tuyến biên giới cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng, hình thành “phên giậu biên giới” vững chắc. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tốt công tác dân vận và các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”…

Kết luận

Xây dựng “tiềm lực chính trị – tinh thần” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội; là cơ sở, nền tảng, định hướng và quyết định hiệu quả sử dụng các tiềm lực khác cũng như sự thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong nhiệm vụ quốc phòng nói chung và xây dựng khu vực phòng thủ nói riêng. Chính vì vậy, Quân khu 2 cần quán triệt và thực hiện tốt nội dung này để phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh vững chắc, góp phần thực hiện tốt quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 89.
2. Quân khu 2. Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 2 (1946 – 2016). H. NXB Quân đội nhân dân, 2016, tr. 5.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 38 – 39.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 232.
5. Hồ Chí Minh. Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “người tốt, việc tốt”, Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 661.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
2. V.I.Lê-nin. Lê Nin toàn tập. Tập 41NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 147.