Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí qua bài báo “Không để một khe hở”

ThS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Phòng không – Không quân
(Quanlynhanuoc.vn) – Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tham ô, lãng phí là một thứ “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, nó cùng với giặc ngoại xâm và thói quen, truyền thống lạc hậu là kẻ thù gây nguy hại cho chế độ mới. Vì vậy, thông qua các bài nói, bài viết, Người đã chỉ rõ các khuyết điểm, tác hại và biện pháp để kiên quyết đấu tranh với tệ nạn này. Bài “Không để một khe hở” là một trong những bài báo có những chỉ dẫn rất cụ thể mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có tác dụng rất lớn định hướng công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Ảnh: hochiminh.nhandan.vn
Đặt vấn đề

Sau thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ, nước ta bước vào giai đoạn mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN), Đảng ta đã xác định tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tình hình đất nước lúc này đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nêu cao đạo đức cách mạng, dám chấp nhận hy sinh gian khổ, vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân; cần phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống quan liêu, xa rời quần chúng và chống chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, trong bộ máy chính quyền và xã hội lại bắt đầu xuất hiện những tệ nạn về tham ô, lãng phí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy và chỉ rõ tác hại của tệ nạn này. Người nhắc lại ý của Xtalin khi ví von: “bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rớt lại của xã hội cũ – cái xã hội thối nát, trong đó bọn ăn cắp, bọn sống bám… lại được coi là những kẻ “khôn ngoan nhất đời”1.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tác phẩm “Không để một khe hở”

Với bút danh C.K. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Không để một khe hở” đăng trên Báo Nhân dân số 2155 (ngày 11/02/1960) nhằm vạch ra những sai lầm khuyết điểm, lệch lạc; chấn chỉnh lại nhận thức tư tưởng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, quyết tâm đấu tranh đẩy lùi tệ nạn tham ô, lãng phí trong bộ máy chính quyền và toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Đây là một tác phẩm rất quan trọng, đề cập nhiều vấn đề lớn, vừa có tính lý luận, tính nguyên tắc, vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về mối nguy hại của tệ nạn tham ô lãng phí, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy rõ các biện pháp đấu tranh chống tham ô, lãng phí, xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân và ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Những chỉ dẫn của Người được thể hiện cụ thể qua những nội dung sau:

Một là, nâng cao nhận thức về bảo vệ của công và xây dựng tinh thần tự giác đấu tranh của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Mở đầu bài báo, Người khen ngợi về việc thường xuyên đóng góp ý kiến của bạn đọc cho báo, đặc biệt là bạn đọc thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau nhưng đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Trong những thư góp ý của bạn đọc, Người nhận thấy “Đáng chú ý nhất là loại thư phê bình những việc lãng phí của công và góp ý kiến về cách tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, tiền vốn của Nhà nước”2. Vấn đề đặt ra ở đây là Nhân dân nhận thấy lãng phí và chưa tiết kiệm của công, làm ảnh hưởng đến “tiền vốn” của Nhà nước, lãng phí tài nguyên, tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Người chỉ rõ: “Người viết những thư ấy là ai? Phần đông là những người lao động bình thường, những chiến sĩ trong quân đội, những cán bộ, nhân viên giữ chức vụ “không quan trọng lắm”…”3. Đó không những là một điều mới mẻ mà còn rất tốt đẹp trong chế độ mới, khi quần chúng nhân dân đã bắt đầu biết phát huy dân chủ và quyền dân chủ của mình. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi phòng, chống tham nhũng không phải chỉ là công việc của các cơ quan chuyên trách của Đảng, của Nhà nước hay của một ai đó mà là vấn đề chung của toàn xã hội, cần có sự tham gia góp ý của toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ thực sự mang đến hiệu quả khi có sự tham gia của toàn thể quần chúng nhân dân và các tổ chức xã hội. Cuộc chiến đó chính là cuộc chiến đối đầu giữa nhóm, cá nhân thực hiện hành vi tham nhũng với Nhân dân. Nhưng trong thời gian qua, chúng ta vẫn chưa đẩy lùi cuộc chiến tham nhũng, vì vậy, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải pháp đầu tiên đặt ra cho chúng ta trong giai đoạn hiện nay là phải tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục vận động quần chúng nhân dân thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Phải làm cho nhận thức của Nhân dân được nâng lên, phải làm cho Nhân dân cảm thấy tài sản của Nhà nước bị mất cũng giống như tài sản của bản thân mình, gia đình mình cũng bị mất. Có như vậy, trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí mới thực sự hiệu quả. Bởi tiền của Nhà nước chính là từ tiền đóng góp từ thuế của Nhân dân, là tài sản của Nhân dân giao cho Nhà nước quản lý, sử dụng để phát triển mọi mặt của đất nước. Tiêu hao, thất thoát, tham ô tài sản của Nhà nước là có tội với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cần phải kiên quyết đấu tranh, nghiêm khắc xử lý. Nhân dân phải tích cực tham gia vào phát hiện và tố giác những kẻ như vậy. Phải thay đổi được suy nghĩ của người dân và giúp họ thấy được trách nhiệm của mình để cùng với Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo để đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Có người đi đường, thấy thóc rơi, gỗ mục mà không yên tâm. Có người cầm hộp diêm, nhìn tấm biển, thấy có chỗ còn tiết kiệm được hơn nữa, nên mới lên tiếng. Rõ ràng là không phải vì lợi ích riêng mà họ nói”4. Đây chính là điều mà Người mong muốn, không phải cứ đụng chạm đến lợi ích riêng của mình mới tiến hành đấu tranh, tố giác mà phải thấy lợi ích chung, lợi ích của tập thể bị xâm hại thì mình cũng phải trăn trở, suy nghĩ và lên tiếng đấu tranh. Nhưng trong xã hội ta hiện nay, vấn đề này thực hiện chưa được tốt. Một phần vì lối sống cá nhân, ích kỷ, cái đó không phải của mình, không đụng chạm đến đến cá nhân mình nên họ không lên tiếng. Một phần là vì nước ta hiện nay đang thiếu những cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Mặc dù tố cáo tham nhũng là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của Nhân dân nhưng không phải ai cũng có khả năng đứng lên để tố cáo những người có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, không phải ai cũng dám đứng lên để chống lại những kẻ lợi dụng chức quyền, đi trái lại lợi ích hợp pháp của Nhân dân để vụ lợi cho mình. Vậy nên, vấn đề đặt ra là Đảng, Nhà nước ta cần phải đưa ra được cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng một cách hiệu quả. Để cho người dân không cảm thấy đơn độc, cô lập và quá nhỏ bé trước sự bành trướng thế lực của các cán bộ Nhà nước. Nhưng bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng cùng gia đình họ, đồng thời cũng phải nghiêm trị những sự lợi dụng chống tham nhũng để tố cáo sai, vu khống, làm nhục, làm hại người khác vì những động cơ xấu.

Hai là, xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn thừa nhận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế: “Nhưng nhìn chung, thì trên mặt trận này, vòng vây của chúng ta chưa siết chặt lắm! Vì vậy của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị bọn tham ô đục khoét mất một phần khác”5. Điều mà Người đã thẳng thắn thừa nhận và đề cập đến hai vấn đề, đó là: (1) Hệ thống luật pháp chưa đủ chặt, vẫn còn những kẽ hở để cho những kẻ có ý định muốn tham ô, tham nhũng tìm cách lọt qua những kẽ hở đó; (2) Việc xử lý vẫn còn nương nhẹ tay với những hành vi vi phạm, chưa xử lý một cách kiên quyết, có tính răn đe cao.

“Làm thế nào để trừ cho hết những thứ ấy và không để một khe hở nào cho của cải dành dụm của chúng ta lọt ra ngoài? Bắt giam hết bọn ăn cắp ấy ư? Trừng phạt chúng thật nặng ư? Việc đó không phải chúng ta không làm”6. Nghĩa là Người đã có rất nhiều biện pháp khác nhau để xử lý bọn tham ô. Trên cương vị hai lần là Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp và Chủ tịch nước, Người đã ký ban hành rất nhiều các bộ luật, sắc lệnh về chống tham ô, lãng phí. Chỉ hơn hai tháng sau khi tuyên bố độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một tòa án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong Ủy ban nhân dân các cấp đến cơ quan cao nhất của chính quyền (các bộ). Bốn ngày sau khi ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt, ngày 27/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký tiếp Sắc lệnh ấn định hình phạt “Tội đưa và nhận hối lộ”. Đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 – 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặt ngang hàng kẻ tham ô với kẻ phản quốc. Và, hai tội danh này đều xếp vào khung hình phạt tử hình theo Quốc lệnh 10 điều thưởng và 10 điều phạt ngày 26/01/1946 do chính Người ký.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (tháng 11/1946), có đại biểu Quốc hội đã chất vấn Chính phủ về vụ việc Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Bộ kinh tế trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến, là đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng, thành viên trong đoàn Chính phủ ta dự Hội nghị Fontainbleau, bị các nhà chức trách Pháp bắt được vì mang vàng đi buôn. Thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời thẳng thắn rằng: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở các ủy ban làng, đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao, Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”7. Vào tháng 9/1950, dù rất đau lòng nhưng Người vẫn bác đơn xin ân giảm án tử hình của Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu, vì đã phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn, bớt xén phần cơm áo của bộ đội để sống trác táng, truỵ lạc. Người nói với ông Trần Đăng Ninh là Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp lúc bấy giờ trước khi ký bác đơn xin ân giảm của Trần Dụ Châu rằng: “Với loài sâu mọt đục khét nhân dân, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”8. Điều đó thể hiện rất rõ sự nghiêm khắc của luật pháp, sự giải quyết giữa đức trị và pháp trị trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là thực tiễn và cũng là bài học lớn cho chúng ta hôm nay khi xây dựng thể chế và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, trong đó cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn đối với những kẻ tham nhũng và tiếp tay cho tham nhũng. Đó là nghiêm minh về pháp luật đòi hỏi phải công bằng trong thực thi về pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói về tính nghiêm minh của pháp luật là phải thật rõ ràng, dứt khoát: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”9.

Hiện nay, chúng ta cũng đã ban hành rất nhiều nghị quyết chuyên đề, luật, văn bản dưới luật để xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn những khe hở, sự chồng chéo đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra, phòng, chống, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng lãng phí. Vì vậy, một giải pháp đặt ra đó là, cần phải năng động hóa các chính sách và quy định, không sơ cứng máy móc, để từ đó lại tạo ra những kẽ hở cho sự lợi dụng. Xây dựng một tổ chức độc lập do Quốc hội lập ra và cũng do Quốc hội điều phối, chịu trách nhiệm trước toàn dân hoạt động và hành xử đúng luật, hợp hiến, hợp pháp. Tổ chức này phải được trao toàn quyền với một lực lượng tinh nhuệ, tài giỏi, công tâm, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Trung ương đặt ở cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng với những cơ quan tham mưu giúp việc để lãnh đạo ở tầm chiến lược. Cần xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ để xóa bỏ những kiểu cơ hội, thực dụng “hạ cánh an toàn” của các công chức, “quan” chức. Không còn có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động, chi phối của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Ba là, lên án mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng và xây dựng nếp sống, có trách nhiệm đạo đức trong xã hội.

Bên cạnh những chế tài xử lý nghiêm khắc bằng luật pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ dẫn cho chúng ta một biện pháp hết sức quan trọng, đó là: “Phải “gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức”. Phải không còn một ai vỗ vai, gượng nhẹ với chúng nữa! Có như vậy, mới ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công và mới bảo vệ được tích lũy của chúng ta”10.

Ở đây, Người muốn nhấn mạnh, ngoài việc xây dựng và xử lý nghiêm minh của luật pháp, cần phải hướng đến một biện pháp là xây dựng một nếp sống đạo đức trong xã hội “đói cho sạch, rách cho thơm”, coi tham nhũng là trộm cắp, là nhục nhã, là hèn hạ, cần phải tạo ra nếp sống không có tham nhũng, coi tham nhũng là xấu xa, tội lỗi, bất cứ ai mắc phải tham nhũng cũng đều bị lên án, bị xa lánh. Một khi kẻ tham nhũng đã bị tố giác thì Nhà nước phải xử lý nghiêm, xử lý nặng; đương sự buộc phải bồi thường thiệt hại…

Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục xây dựng một xã hội mà mọi người phải sống đạo đức, trong sạch, liêm khiết, ai cũng có một nếp sống trong sáng, lành mạnh và biện pháp quan trọng hàng đầu chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “Phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”11.

Trong đó, đối tượng trước hết phải hướng tới là cán bộ, đảng viên. Cần làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn luôn gương mẫu đi đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ những chức vụ, quyền hạn nhất định, Người chỉ rõ: “Những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò tích cực của báo chí, truyền thông, internet và mạng xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, từ đó có thể tạo ra dư luận và áp lực tâm lý xã hội lớn nhất trong việc phòng, chống tham nhũng.Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí, truyền thông; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt, lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực, chú trọng việc giáo dục đạo đức bằng cách nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Phải thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, kết hợp hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI); Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) của Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tạo thành sức mạnh, trở thành động lực chính trị, tinh thần trong chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cần lựa chọn nghiêm ngặt nguồn nhân sự cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao dựa trên tiêu chuẩn thực sự là kết hợp chặt chẽ giữa Đức và Tài. Bảo đảm trong bộ máy những tinh hoa, thực đức, thực tài, thực lực, thực chất. Muốn vậy, phải công khai tuyển chọn, tranh cử, xác lập hàng rào pháp lý – đạo đức để không thể dùng tiền, dùng quan hệ mà chạy chức, chạy quyền. Một khi đã đề cao thực chất và thực sự trọng dụng nhân tài, hiền tài thì những cái giả, những của giả, những “giả nhân cách” của kẻ cơ hội sẽ bị thải loại. Từ đó sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, một lòng vì Đảng, vì dân, vì Tổ quốc.

Trong xây dựng xã hội về đạo đức, cần tiến hành nghiêm chỉnh việc dạy và học, giáo dục và thực hành đạo đức trong toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các công sở, các tổ chức kinh tế – xã hội, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn. Một bộ luật đạo đức của xã hội là cần thiết phải tính đến, đồng thời, trong giáo dục, phải coi đạo đức là môn học hàng đầu, ở tất cả các bậc học. Tất cả mọi người lao động, các công chức bắt buộc phải qua khóa học đạo đức công chức, công vụ trước khi ngồi vào nhiệm sở. Giáo dục chữ “Liêm” trong tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể và trong xã hội bằng các phương tiện truyền thông đại chúng. Dấy lên trong xã hội luồng dư luận phê phán nghiêm khắc đối với tham nhũng, biết trọng danh dự, biết hổ thẹn vì tham nhũng.

Kết luận

Vấn đề tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một trong bốn nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đặt ra ngày càng bức thiết, đòi hỏi phải có những chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua tác phẩm “Không để một khe hở” đã trở thành ánh sáng soi đường, chỉ lối cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay. Những biện pháp kiên quyết và những vụ án được đưa ra trước ánh sáng đã thể hiện sự quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Đọc lại tác phẩm “Không để một khe hở” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những chỉ dẫn cụ thể trong tác phẩm, là bài học quý cần được học tập và quán triệt, và thực hiện tốt sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay, giữ vững sự trong sạch của Đảng và bộ máy chính quyền như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 10. C.K. “Không để một khe hở”. Báo Nhân dân, số 2155, ngày 11/02/1960.
7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. Phông Quốc hội, hồ sơ 04, tờ 26.
8. Song Thành. Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh – sự thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị”. Bộ Tư pháp – Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, 1993, tr. 214.
9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 127.
10. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 419.