Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

TS. Nguyễn Thị Kim Chung
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung bài viết khái quát nhận thức về sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; phân tích những thách thức đặt ra trong việc bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động công vụ; đồng thời, đề xuất các giải pháp bảo đảm sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Khái quát chung

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Để làm rõ nội dung này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội… đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể:

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

Ngày 12/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 250 văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định. Các bộ, ngành, địa phương ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế – xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực1.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong thực thi công vụ

Sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụtrong tình hình mới. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN cần có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong thực thi công vụ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều đến chữ “liêm”, chữ “chính” trên mọi khía cạnh, phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất bản chất của phạm trù đó trong quan điểm của mình. Người cho rằng: “Liêm là trong sạch, không tham lam, là liêm khiết, là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân”; “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn, tức là tà”2.

Nội dung cốt yếu của liêm chính là sự ngay thẳng, trong sạch, không tham lam. Trong hoạt động công vụ, sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức là điều cần thiết. Liêm là gốc rễ, động lực để cán bộ, công chức, viên chức rèn luyện, là cơ sở cho sự cương trực (chính) của họ. Chính vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức luôn cần tu dưỡng sự liêm chính trong hoạt động công vụ.

Những thách thức đặt ra trong việc bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động công vụ

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức phải trong sạch và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Điều này, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ không khoan nhượng với những hành vi tham nhũng. Đồng thời, họ phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Vì không giữ được sự liêm chính, nghiêm minh trong thực thi công vụ, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự. Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2016 – 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 0,5% tổng số đảng viên) bị xử lý kỷ luật, trong đó: 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống (chiếm 60%); 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị (chiếm 33%); 1.722 đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (chiếm 6,9%). Trong số 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, có 2.216 đảng viên gây lãng phí, thất thoái tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động; 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực3.

Từ năm 2012 – 2022, có 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý; qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ với 1.054 bị can4.

Thứ hai, trong quá trình hoạt động công vụ, cán bộ, công chức, viên chức vì lợi ích chung, không tham vọng quyền lực. Những hoạt động không liêm chính trong thực thi công vụ, như: chạy chức, chạy quyền cần phải bị lên án, xử lý theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức không dùng thẩm quyền được giao của mình để trục lợi. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào đều không được lợi dụng quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho nhằm tìm kiếm, thu về cho bản thân, gia đình, người thân của mình những lợi ích vật chất hoặc những lợi ích tinh thần.

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức không sợ gian khổ, hy sinh, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động. Để đáp ứng được yêu cầu này đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức không kén chọn việc để nhận về mình, như: chọn những phần việc thuận lợi, chọn vị trí công tác có nhiều “bổng lộc”… Hơn nữa, phải chấp hành nghiêm sự phân công của các cấp có thẩm quyền. Cán bộ, công chức, viên chức luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn khi được phân công. Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng chia sẻ, gánh vác những công việc phức tạp.

Một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong hoạt động công vụ

Để có được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính trong thực thi công vụ đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật, trong đó quy định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường, củng cố sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể:

Một là, cần có chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức và ý thức thực hành sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Chương trình bồi dưỡng có tính ứng dụng cao nhằm nâng cao sự nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về sự liêm chính trong hoạt động công vụ. Cần có các chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực tế và phù hợp cho cán bộ, công chức, viên chức về các biểu hiện bất liêm, bất chính để cán bộ, công chức, viên chức chủ động đấu tranh, phòng tránh. Đặc biệt, cần có sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong hoạt động công vụ, thực thi nhiệm vụ hướng đến đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức luôn đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương bảo đảm thực hiện sự liêm chính trong hoạt động công vụ.

Hai là, tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung về sự liêm chính trong hoạt động công vụ. Bên cạnh việc xây dựng quy chế quy định cụ thể tiêu chí về sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ cần làm rõ cơ sở nhận diện hành vi thông qua việc cụ thể hóa các hành vi bất liêm, bất chính và cách thức phân biệt, đánh giá mức độ của những hành vi này. Ngoài ra, trong bối cảnh mới, yêu cầu mới của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, của công tác cán bộ, những yêu cầu mới của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước cũng đặt ra yêu cầu phải có sự điều chỉnh, mở rộng nội hàm về sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Vì vậy, cần phát huy vai trò của cấp ủy các cấp, các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy trong việc cụ thể hóa các nội dung về sự liêm chính và bảo đảm sự liêm chính của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ba là, cần phát huy vai trò của cá nhân, tổ chức trong và ngoài cơ quan, đơn vị trong hoạt động giám sát việc thực thi sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong các cơ quan, đơn vị hiện nay đều thiết lập các bộ phận thực hiện việc kiểm tra, giám sát, phản biện đối với quá trình hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, cần có quy chế gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc đánh giá quá trình tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức và cần được đánh giá thường xuyên và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông cũng cần phát huy hơn nữa vai trò trong hoạt động giám sát việc thực thi sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thông qua sức mạnh của công luận.

Sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng. Hiệu quả hoạt động của chương trình phòng, chống tham nhũng sẽ dựa trên việc nâng cao nhận thức về sự liêm chính của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:
1. Nguyễn Phú Trọng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023, tr. 29.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 640.
3. Số liệu trong báo cáo của đồng chí Trương Thị Mai – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện kết luận và quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hà Nội, ngày 09/12/2021.
4. Nội dung trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ Chính trị tổ chức. Hà Nội, ngày 30/6/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiến pháp năm 2013.
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
4. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.