PGS.TS. Vũ Đức Lung; ThS. Đào Lộc Bình; ThS. Lê Thị Phương
Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Chia sẻ nguồn lực nói chung và chia sẻ cơ sở vật chất nói riêng là một xu hướng cần được nghiên cứu và triển khai trong các trường đại học hiện nay. Bài báo là kết quả khảo sát, phỏng vấn và trao đổi của một số trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhằm đánh giá thực trạng các hình thức chia sẻ cơ sở vật chất giữa các trường đại học, qua đó đưa ra những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp trong quản trị việc chia sẻ nguồn lực cơ sở vật chất để tạo ra môi trường học tập đa dạng và phong phú cho sinh viên.
Đặt vấn đề
Ngày 05/7/2021 Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án tổng thể đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế và đại học chia sẻ1. Song song đó, Thành phố đã cũng ban hành kế hoạch để triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và đại học chia sẻ vào năm 2021-20222. Trong đó, mô hình đại học chia sẻ được kỳ vọng có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục đại học, trong đó chia sẻ cơ sở vật chất là một trong ba yếu tố cấu thành đại học chia sẻ3.
Trong bối cảnh ngày càng gia tăng về nhu cầu giáo dục và đòi hỏi về tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, mô hình chia sẻ cơ sở vật chất trong các trường đại học đang trở thành một xu hướng phát triển tiên tiến và đáng chú ý4. Khi các Trường tham gia vào mô hình này sẽ tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí đầu tư, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở vật chất giữa các đơn vị trong hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, việc chia sẻ cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục là không đơn giản và đặt ra nhiều thách thức. Nhằm tìm hiểu thực trạng hoạt động chia sẻ cơ sở vật chất hiện nay ở các trường, một nghiên cứu hỗn hợp (định tính và định lương) được thực hiện tại 20 trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với 1.753 phiếu trả lời hợp lệ, bao gồm các đối tượng là các nhà quản lý giáo dục, giảng viên và sinh viên tại các trường đại học. Đồng thời, nghiên cứu cũng tiến hành phỏng vấn sâu 19 nhà quản lý tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Kết quả cho thấy về cơ bản các cơ sở giáo dục đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất và có nhu cầu chia sẻ với các trường khác. Tuy nhiên, kết quả cũng chỉ ra rằng, để tận dụng triệt để tiềm năng của mô hình này, chúng ta cần đưa ra các giải pháp hỗ trợ tài chính và xây dựng khung pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ cơ sở vật chất giữa các đơn vị trong hệ thống giáo dục. Các thách thức về tài chính, quản lý hiệu quả và sự thống nhất giữa các thành viên trong hệ thống giáo dục cũng là những trở ngại lớn để các cơ sở giáo dục tham gia vào trong mô hình đại học chia sẻ.
Vì vậy, để đạt được thành công và hiệu quả trong việc chia sẻ cơ sở vật chất, cần xem xét kỹ càng và đề xuất các giải pháp hợp lý, từ cấp thành phố và trung ương đến các trường đại học, để xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và hỗ trợ tài chính thích hợp. Trong bối cảnh quan trọng của việc chia sẻ cơ sở vật chất trong hệ thống giáo dục đại học, bài báo sẽ tập trung vào những thuận lợi và khó khăn của việc chia sẻ cơ sở vật chất nhằm góp phần định hướng xây dựng mô hình đại học chia sẻ hoàn thiện hơn.
Thực trạng chia sẻ nguồn cơ sở vật chất trong giáo dục đại học
Mô hình chia sẻ cơ sở vật chất giữa các trường đại học được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau trên thế giới. Nguồn lực cơ sở vật chất có khả năng dùng để chia sẻ có thể phân ra thành hai nhóm gồm: nhóm cơ sở vật chất mang tính chất học thuật như phòng thí nghiệm, thiết bị thí nghiệm, phòng học; và nhóm cơ sở vật chất mang tính chất giải trí như sân khấu, sân vận động, khu giải trí.
Nghiên cứu của Strom và cộng sự (2020)5 về vấn đề chia sẻ cơ sở vật chất mang tính học thuật, cụ thể là các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, phòng thực hành, các thiết bị thí nghiệm, phòng tư duy và phòng hội thảo… giúp tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn và tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình học tập và nghiên cứu. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các trường đại học có nguồn lực hạn chế hoặc đang phát triển, giúp họ nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu một cách hiệu quả bằng cách tối ưu hóa tài nguyên, quản lý chi tiêu hiệu quả, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Nhóm tác giả Young, R.D và cộng sự (2014)6 cho rằng cơ sở vật chất mang tính chất giải trí là một phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống và học tập toàn diện cho sinh viên. Các tác giả nhận định các phòng tập thể dục và thể thao; phòng hát, phòng nhạc, và phòng trò chơi và các khu vực giải trí khác để sinh viên có thể thỏa sức thể hiện âm nhạc, thư giãn và giải trí; cơ sở vật chất như hội trường, nhà hát, phòng truyền thống; các khu vực ngoài trời như công viên, khu vườn, khu vui chơi, sân chơi để sinh viên có thể thư giãn và tận hưởng không gian tự nhiên có thể được chia sẻ để đáp ứng nhu cầu giải trí của sinh viên. Nghiên cứu chỉ ra việc sử dụng chung các cơ sở giải trí của trường học có thể mang lại những nơi an toàn và giá cả phải chăng cho cộng đồng
Nghiên cứu của Quỹ trường học thế kỷ 21 (21st Century School Fund:21CSF, 2014)7 về khung chính sách để có thể chia sẻ cơ sở vật chất giữa các trường và cộng đồng. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng việc sử dụng chung cơ sở vật chất trường học diễn ra ở các thành phố trên khắp tiểu bang Washington và trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhận định rằng các lãnh đạo cần có kế hoạch để tích hợp giữa các trường học, thúc đẩy việc sử dụng cơ sở vật chất chung mà không vượt quá thẩm quyền; cần có các thành phần chính sách hỗ trợ cho việc chia sẻ bao gồm cấu trúc quản lý, xác định nguồn tài chính phù hợp, thiết lập hệ thông quản lý rõ ràng, hỗ trợ việc kết nối và chia sẻ thông tin.
Bên cạnh đó, các tác giả Williams và Jonathan của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong công trình “Collaboration, alliance, and merger among higher education institutions”8 đã tổng hợp về việc chia sẻ cơ sở vật chất giữa các trường đại học bằng cách phân việc chia sẻ thành 3 nhóm là hợp tác, liên minh và hợp nhất ở cả việc chia sẻ học liệu, nhân lực và cơ sở vật chất. Bài báo cũng nhấn mạnh về việc cần thiết phải có sự can thiệp của chính phủ để có thể thúc đẩy việc chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở giáo dục đại học trên 4 phương diện: chính sách, ngân sách, thông tin (cách sử dụng thông tin và giao tiếp) và tổ chức bao gồm việc sử dụng các chuyên gia, mạng lưới CSVC và các cơ quan ban ngành. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra những dẫn chứng về sự hỗ trợ của chính phủ dành cho việc chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên thế giới liên quan đến chia sẻ cơ sở vật chất giữa các cơ sở giáo dục có số lượng hạn chế. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc chia sẻ cơ sở vật chất hiện đang được chú trọng vì đem lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế, tài chính và đóng vai trò tiền đề cho sự hợp tác và phát triển. Bên cạnh đó, việc chia sẻ cũng tồn tại nhiều thách thức và cần có sự khuyến khích và cũng như là khung chính sách để có thể thực hiện việc chia sẻ.
Hiện nay, việc chia sẻ cơ sở vật chất ở các trường đại học trong nước đang trong quá trình phát triển và đa dạng. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan chia sẻ cơ sở vật chất hiện gần như không có đề cập tới mà chủ yếu về chia sẻ tài liệu, thông tin thư viện, học liệu. Do đó các thông tin thu thập được trình bày trong phần này chủ yếu đến từ Hội thảo về đại học chia sẻ.
Như vậy, có thể thấy nghiên cứu và chia sẻ cơ sở vật chất thật sự là thách thức và là vấn đề mới ở trong nước và trên thế giới. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chia sẻ trong giáo dục đại học, bài báo sẽ phân tích các kết quả thu thập được từ nghiên cứu thực trạng làm cơ sở để đề xuất các giải pháp.
Kết quả nghiên cứu
Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu ghi nhận về tình trạng thực tế cơ sở vật chất của các trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn hạn chế, chủ yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản về học tập và nghiên cứu của sinh viên. Vì thế, các trường chỉ có khả năng chia sẻ trong một số thời điểm không liên tục và bị động dựa trên những thỏa thuận, phối hợp thông qua các mối quan hệ cá nhân.
Để tối ưu hóa việc chia sẻ cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu ngày càng đa dạng và phức tạp, đặc biệt là đối với các ngành học cần cơ sở vật chất mang đặc thù riêng là một thách thức trong việc ban hành chính sách lẫn quá trình thực thi của các cấp quản lý. Các trường đại học cần tập trung vào việc đầu tư tạo ra môi trường phù hợp sau khi xác định các nhu cầu cụ thể về cơ sở vật chất cần chia sẻ, đồng thời phải bảo đảm tính công bằng và minh bạch trong việc quản lý và vận hành chung trong quá trình triển khai mô hình chia sẻ cơ sở vật chất. Từ phân tích đánh giá kết quả khảo sát, tổng hợp các ý kiến chuyên gia và các góp ý từ hội thảo cho thấy được các lợi ích và khó khăn trong chia sẻ cơ sở vật chất cũng như những khuyến nghị như sau:
Lợi ích của việc chia sẻ cơ sở vật chất trong giáo dục đại học.
Theo kết quả khảo sát từ các trường đại học, học viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai với gần 2000 các đối tượng tham gia là cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên như trong Biểu đồ 1, đa phần các bên tham gia khảo sát đánh giá lợi ích của việc chia sẻ là “giúp tận dụng tối đa các nguồn cơ sở vật chất sẵn có”, là “làm tăng giá trị và hiệu quả của nguồn cơ sở vật chất”, là “tiết kiệm và tối ưu hóa cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, sử dụng với hiệu suất cao hơn và đem lại kết quả tốt hơn”,..
Yếu tố được lựa chọn cao nhất là giúp “tận dụng tối đa các nguồn lực”, rõ ràng chia sẻ cơ sở vật chất giữa các trường đại học giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu vào xây dựng và duy trì cơ sở vật chất. Thay vì mỗi Trường phải đầu tư lớn vào việc xây dựng những cơ sở vật chất riêng biệt, họ có thể tận dụng và chia sẻ cơ sở vật chất sẵn có. Điều này giúp các trường tập trung sử dụng tài nguyên tài chính vào các hoạt động học tập và nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của hệ thống giáo dục.
Làm tăng giá trị và hiệu quả của nguồn lực: Mô hình chia sẻ cơ sở vật chất giúp tối đa hóa việc sử dụng cơ sở vật chất. Vì mỗi cơ sở chỉ phục vụ một trường duy nhất và thường bị trống vào thời gian không sử dụng, thay vào đó cơ sở vật chất chung có thể được sử dụng liên tục trong ngày bởi nhiều trường khác nhau. Việc chia sẻ các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện và cơ sở thể thao giúp tránh lãng phí nguồn lực và tăng cường hiệu quả trong việc phục vụ sinh viên và giảng viên.
Đa dạng hóa không gian học tập: Tham gia vào mô hình chia sẻ cơ sở vật chất, các trường có cơ hội tiếp cận các không gian học tập đa dạng và tiện ích hơn. Nhờ việc chia sẻ cơ sở vật chất, các trường có thể sử dụng những phòng học và cơ sở nâng cao hiện đại hơn, mang đến những trải nghiệm học tập mới lạ và hấp dẫn cho sinh viên và giảng viên. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút sự quan tâm của sinh viên và học viên.
Khó khăn của việc chia sẻ cơ sở vật chất trong giáo dục đại học.
Dựa trên các nội dung phân tích về lợi ích và tính khả thi của mô hình chia sẻ cơ sở vật chất, có thể nhận thấy rằng để triển khai mô hình này hiệu quả cần phân tích các khó khăn từ góc nhìn chung của các đối tượng liên quan trong nhà trường (Xem Biểu đồ 2).
Kết quả khảo sát cán bộ quản lý và giảng viên cho thấy khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay là “Cơ sở pháp lý làm căn cứ để triển khai (Cán bộ quản lý là 19.2% và giảng viên là 16.4%), tiếp theo là “Khó khăn trong việc lựa đưa ra một cách tiếp cận đồng bộ cho toàn bộ tổ chức về mặt chính sách, quy trình quản lý (Cán bộ quản lý là 17.9% và giảng viên là 16.5%), khó khăn về mặt tài chính (Cán bộ quản lý là 13.7% và giảng viên là 15.3%); hệ thống giám sát, đảm bảo chất lượng (Cán bộ quản lýlà 15.2% và giảng viên là 13.8%); thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (Cán bộ quản lý là 14.6% và giảng viên là 13.3%) và thiếu nguồn nhân lực (Cán bộ quản lý là 8.6% và giảng viên là 13.7%).
Điều chỉnh quy định và chính sách: Tham gia vào mô hình chia sẻ cơ sở vật chất đòi hỏi cáctrường phải có chiến lược điều chỉnh và tinh chỉnh quy định và chính sách hiện có để phù hợp với quá trình chia sẻ. Các trường cần đảm bảo sự đồng thuận và ủng hộ từ phía các bên tham gia để thực hiện mô hình chia sẻ một cách hiệu quả và minh bạch.
Khó khăn trong việc phân chia nguồn lực: Thỏa thuận hợp tác đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Mỗi trường có nhu cầu và yêu cầu riêng về cơ sở vật chất, và việc đạt được sự công bằng trong việc phân chia và sử dụng chung không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự không đồng thuận trong việc phân chia nguồn lực có thể dẫn đến các tranh chấp và xung đột giữa các bên tham gia, đòi hỏi sự đàm phán và giải quyết khó khăn từ các bên liên quan.
Sự thiếu hụt về tài chính: Mô hình chia sẻ cơ sở vật chất có thể đòi hỏi các trường phải đầu tư vào việc nâng cấp và duy trì cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu chia sẻ. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về tài chính có thể là một hạn chế và làm giảm khả năng triển khai mô hình. Điều này đòi hỏi các trường phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ bên ngoài hoặc đầu tư thêm tài chính để duy trì hoạt động chia sẻ.
Quản lý và vận hành chung, sự sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin (phần cứng, platform, phần mềm, cơ sở dữ liệu…): Mô hình chia sẻ cơ sở vật chất yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị giáo dục. Điều này đòi hỏi xây dựng cơ chế liên kết, thống nhất và phân chia trách nhiệm rõ ràng để đảm bảo hoạt động chia sẻ diễn ra trơn tru và hiệu quả. Các trường cần xây dựng một hệ thống quản lý chung, đồng ý chia sẻ và sử dụng các công cụ công nghệ thông tin hỗ việc quản lý vận hành.
Khuyến nghị
Để xây dựng mô hình chia sẻ cơ sở vật chất, cần dựa trên các cơ sở pháp lý và có các chính sách phù hợp, thống nhất từ cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp TP. Hồ Chí Minh và các trường tham gia. Đặc biệt, các trường đại học cần có sự đồng thuận chỉ đạo từ Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu.
Về phía nội tại các trường đại học cần có kế hoạch chiến lược để đầu tư nguồn lực và triển khai theo lộ trình; đồng thời phải tự nâng vao năng lực và nhận thức, coi việc tham gia xây dựng và chia sẻ tài nguyên chung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược. Tham gia vào các thỏa thuận chung giữa các trường đại học trong việc chia sẻ nguồn lực sẵn có của các trường. Tham mưu cho cấp trên quản lý trực tiếp hoặc cho TP. Hồ Chí Minh ban hành các cơ chế chính sách, quy định và ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc phát triển các tài nguyên dùng chung trong các trường đại học.
Cấp tỉnh/thành phố cần có các chính sách về nguồn kinh phí tài trợ, huy động nguồn lực từ xã hội và hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học tham gia, đồng thời khuyến khích các trường sử dụng nguồn lực sẵn có để chia sẻ cho các trường khác. Các nguồn kinh phí này có thể sử dụng cho việc xây dựng các phòng thí nghiệm đặc thù dùng chung, xây dựng các cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, học tập, văn thể mỹ… Có các cơ chế nhằm quy định trách nhiệm trong chia sẻ, chủ trì xây dựng và quản lý hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin trong việc trỗ trợ các hoạt động chia sẻ. Xây dựng quy trình để theo dõi, đánh giá việc triển khai chia sẻ nguồn lực dùng chung.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh triển khai việc chia sẻ tài nguyên dùng chung giữa các trường Đại học như: chính sách hợp tác công tư trong giáo dục đại học để chia sẻ nguồn lực chung cho phát triển, cho phép các doanh nghiệp tham gia đóng góp kinh phí; điều chỉnh quy chế đào tạo, cho phép công nhận tín chỉ chung nhiều hơn giữa các trường đại học và cho phép các trường đại học tham gia chia sẻ tài nguyên được công nhận vào năng lực trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Tóm lại, mô hình chia sẻ cơ sở vật chất trong các trường đại học mang lại nhiều tiềm năng phát triển và hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Để thành công trong triển khai mô hình chia sẻ cơ sở vật chất, các trường cần xây dựng môi trường hợp tác, đồng thuận và đảm bảo tính công bằng trong việc chia sẻ cơ sở vật chất. Phải có một nền tảng công nghệ thông tin tập trung để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng cơ sở vật chất, giải quyết các vấn đề về xung đột thời gian sử dụng, tài chính, tạo ra môi trường thân thiện và đồng thuận giữa các đơn vị giáo dục là những yếu tố quan trọng giúp mô hình chia sẻ cơ sở vật chất phát triển và thịnh vượng.