Bạo lực trẻ em trong gia đình hiện nay – thực trạng và giải pháp

ThS. Lê Thị Hồng Hải
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, song đây lại là đối tượng yếu thế, thiếu chủ động cần được chăm sóc, bảo vệ, yêu thương. Bài viết đề cập đến mức độ phổ biến, các yếu tố ảnh hưởng và hậu quả của bạo lực trẻ em, từ đó đưa ra một số gợi ý về mặt chính sách và quản lý nhà nước nhằm hạn chế các hành vi bạo lực đối với trẻ em trong gia đình nói riêng và trong xã hội nói chung.
Ảnh minh họa (internet).
Đặt vấn đề

Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Điều đó thể hiện ở việc nước ta là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Bên cạnh đó, còn có Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Lao động, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự… đều quan tâm thích đáng đến quyền lợi trẻ em. Ngoài ra, nước ta đã xây dựng và thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em ở các cấp. Mục tiêu quốc gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được bảo vệ đặc biệt còn được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam làm cơ sở để vận động nguồn ngân sách cho việc giải quyết các vấn đề bạo hành trẻ em ở cấp quốc gia và địa phương… Việt Nam thừa nhận trẻ em được hưởng mọi quyền cơ bản của con người thông qua Hiến pháp, pháp luật, chính sách.

Vì vậy, trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng. Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 – 14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Do kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ. Hiện nay, vấn đề bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình đối với trẻ em nói riêng đang được dư luận rất quan tâm. Đã có nhiều trường hợp bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em, không chỉ ở nông thôn mà cả ở những đô thị lớn. Với những thông tin được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng có thể khiến người ta cho rằng tình hình bạo lực gia đình đối với trẻ em đang diễn ra nghiêm trọng.

Thực trạng bạo lực trẻ em trong gia đình

Trừng phạt thân thể dường như không có giá trị giáo dục mang tính xây dựng vì nó không thể mang lại cảm giác an toàn. Hiếm khi trừng phạt thân thể được thực hiện vì lợi ích của một đứa trẻ, vì nó thường phục vụ nhu cầu tức thời của người lớn đang tìm cách giải tỏa cơn tức giận và căng thẳng không thể kiểm soát của mình. Thực trạng của bạo lực trẻ em trong gia đình có mối liên hệ với nghèo đói, bạo lực và bất bình đẳng xã hội.

Tình trạng bạo lực trẻ em vẫn đang diễn ra với mức độ và tính chất đáng lo ngại. Bạo lực thể chất đối với trẻ em là hiện tượng phổ biến ở Việt Nam cũng như tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương1. Khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020 – 2021 do Tổng cục Thống kê phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu (MICS) toàn cầu của UNICEF cho thấy, hơn 72% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 10-14 đã từng bị kỷ luật bạo lực; 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 – 14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Số liệu của cuộc khảo sát này cho thấy, cứ 10 trẻ em từ 1 – 14 tuổi thì có hơn 7 trẻ đã chịu ít nhất một hình thức xử phạt về tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong hộ gia đình trong 1 tháng trước cuộc điều tra. Cứ 10 trẻ thì có hơn 6 trẻ đã từng bị xử phạt tâm lý. Cứ 10 trẻ thì có 4 trẻ bị xử phạt về thể xác. Hình thức xử phạt về thể xác nặng (đánh vào đầu, lưng, tai, mặt hoặc đánh mạnh và liên tiếp vào trẻ) là không phổ biến, với 1,6% trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực nặng. Trẻ em trai có nhiều khả năng bị xử phạt bạo lực nhiều hơn trẻ em gái, cả về thể xác và tâm lý. Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ trẻ em xử phạt bằng bạo lực thấp nhất (66,9%) cả về thể xác và tâm lý, trong khi tỷ lệ này Đông Nam Bộ là cao nhất (79,2%)2.

Đã có các khảo sát quy mô nhỏ cụ thể về bạo lực trẻ em trong gia đình và các cuộc khảo sát quy mô lớn mà dữ liệu về bạo lực trẻ em thường chỉ là một phần của nghiên cứu được thiết kế cho mục đích khác. Ví dụ, Điều tra Gia đình Việt Nam (2006) và Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với Phụ nữ ở Việt Nam (2010) không tập trung vào bạo lực trẻ em và chỉ đưa ra một số câu hỏi về kỷ luật bạo lực đối với trẻ em tại nhà. Khảo sát MICS bao gồm các câu hỏi về kỷ luật trẻ em ở nhà, kể cả kỷ luật trẻ em bạo lực, và các câu hỏi về thái độ của phụ nữ đối với bạo lực gia đình. Dù ở bất cứ quy mô nào, kết quả các cuộc khảo sát đều cho thấy bạo lực đối với trẻ em trong gia đình là khá phổ biến. Thủ phạm bạo lực thể chất và tinh thần phổ biến nhất đối với cả trẻ em nam và nữ ở mọi lứa tuổi là các thành viên trong gia đình, với tỷ lệ thường vượt quá 50%. Cha mẹ và nhất là người mẹ được xác định là người thường bạo lực trẻ nhất. Bên cạnh đó, các em cũng có thể bị bạo lực bởi bất kỳ thành viên lớn tuổi nào của gia đình, đặc biệt là bởi anh chị của các em3. Tuy nhiên, dữ liệu về những người có thẩm quyền khác, người lạ, anh chị em và những người lớn khác còn rất hạn chế. Bất chấp những khoảng trống về dữ liệu, bằng chứng cho thấy bạo lực từ các thành viên trong gia đình cần được ưu tiên phòng ngừa.

Các yếu tố tác động đến hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình

Hành vi bạo lực trẻ em được cho là bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố liên quan tới người gây bạo lực, liên quan tới trẻ em và liên quan tới môi trường và gia đình. Các đặc điểm cá nhân và điều kiện môi trường có thể đóng vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi quan hệ nhân quả4.

Một là, ở cấp độ cá nhân:

(1) Đặc điểm của cha mẹ – người gây bạo lực: sức khỏe tinh thần và thể chất của cha mẹ được xác định là yếu tố liên quan đến nguy cơ xâm hại trẻ em5 nhận thấy căng thẳng là yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến lạm dụng trẻ em ở nam giới, thậm chí, căng thẳng có tác động tiêu cực đến việc nuôi dạy con cái ở phụ nữ6. Việc sử dụng rượu là một yếu tố nguy cơ đáng kể dẫn đến lạm dụng trẻ em ở cả nam và nữ7. Hơn thế, trình độ học vấn của cha mẹ được phát hiện là có liên quan trực tiếp đến việc lạm dụng thể chất trẻ em; điều đáng chú ý là trình độ học vấn cao hơn có liên quan đến nguy cơ gia tăng trong hai nghiên cứu của Margolin & Larson năm 19888. Tuổi của cha mẹ có thể là một yếu tố nguy cơ, cha mẹ lớn tuổi ít có khả năng sử dụng hình phạt về thể xác.

(2) Đặc điểm của trẻ em: mặc dù đặc điểm của trẻ là những yếu tố quan trọng để hiểu về bạo lực trẻ em nhưng những yếu tố đặc trưng của trẻ không thể đơn lẻ thúc đẩy bạo lực đối với trẻ. Giới tính của trẻ đã được xác định là yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực thể chất. Trẻ em nam có nguy cơ bị bạo lực thể chất cao hơn trẻ em nữ9. Các vấn đề về trẻ em, chẳng hạn như những khó khăn nhất định về thể chất, cảm xúc hoặc hành vi, làm tăng nguy cơ bạo lực thể chất trẻ em, trong đó chính sự hung hăng của trẻ em làm tăng đáng kể nguy cơ bạo lực thể chất ở chúng, và phổ biến trong số cá hình thức bạo lực là bị đánh, trẻ lớn có xu hướng bị mắng nhiếc nhiều hơn10.

Hai là, ở cấp độ gia đình: một số đặc điểm của gia đình đã được nhấn mạnh là yếu tố nguy cơ dẫn đến lạm dụng thể chất trẻ em. Quy mô gia đình là một yếu tố, càng có nhiều trẻ em trong nhà thì nguy cơ trẻ bị lạm dụng càng cao11. Mức sống của gia đình được coi là yếu tố liên quan đến bạo lực thể xác trẻ em; nguy cơ bạo lực cao hơn khi thu nhập thấp hơn12. Ngoài ra, kiểu gia đình có ảnh hưởng không nhỏ đến các hành vi bạo lực trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, những gia đình chỉ có cha hoặc mẹ có thể gặp căng thẳng lớn hơn, có thể tiếp cận ít nguồn lực kinh tế hơn và do đó có thể có nguy cơ lạm dụng trẻ em cao hơn.

Ba là, cấp độ cộng đồng: các chuẩn mực xã hội góp phần vào việc sử dụng bạo lực như một cách có thể chấp nhận được để kỷ luật trẻ em, trong khi các chuẩn mực về giới – đặc biệt là quyền lực được gán cho nam giới trong gia đình và giá trị văn hóa lớn hơn đặt vào trẻ em nam góp phần tạo nên sự ưa thích con trai hơn ở cấp độ cộng đồng làm tăng nguy cơ bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ.  Trong lịch sử, việc sử dụng các phương pháp bạo lực để kỷ luật trẻ em được chấp nhận như một phương tiện hòa nhập xã hội mong muốn để trẻ em tuân theo các chuẩn mực ứng xử của gia đình và xã hội. Điều này được thể hiện trong thành ngữ tiếng Việt “thương cho roi cho vọt”. Trẻ em dường như chấp nhận rằng trong nhiều trường hợp hành vi bạo lực của cha mẹ xuất phát từ những hành động xấu của chính chúng, rằng cha mẹ có quyền và trách nhiệm “giáo dục” con cái.

Truyền thống thứ bậc, tôn ti trong gia đình và ngoài xã hội dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo đòi hỏi mỗi người phải biết rõ vị trí của mình, cũng như những gì mình có thể làm và những gì mình không thể làm. Sự vâng lời và tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực xã hội đã đặt ra là những giá trị quan trọng. Các yếu tố văn hóa, bao gồm các chuẩn mực xã hội, thái độ, niềm tin và tập quán xuất phát từ bất bình đẳng giới, mối quan hệ cha mẹ và con cái theo thứ bậc và việc chấp nhận bạo lực gia đình là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lạm dụng thể chất cao trong các mối quan hệ của cha mẹ13.Với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nhanh và sâu rộng, cùng với những chính sách tiến bộ thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình do Nhà nước đưa ra trong vài thập kỷ qua, những giá trị truyền thống đang bị mai một, những giá trị gia đình mới đang trong quá trình hình thành và việc sử dụng các hình thức, biện pháp bạo lực để kỷ luật trẻ em khi chúng mắc lỗi, thậm chí theo cách nghĩ của người lớn chúng mắc lỗi trong gia đình hiện nay còn khá phổ biến.

Trải nghiệm bạo lực trong thời thơ ấu và tuổi trẻ có thể gây ra những hậu quả về tâm lý và thể chất cho thanh thiếu niên, đôi khi kéo dài suốt cuộc đời của họ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc trẻ em bị xử phạt bằng bạo lực có những hậu quả nghiêm trọng, từ những tác động trước mắt đến sự tổn hại lâu dài mà trẻ em phải mang theo cho đến khi trưởng thành. Theo kết quả Khảo sát sức khỏe tâm thần thế giới của WHO từ 21 quốc gia chứng minh rằng việc tiếp xúc với bạo lực ở trẻ em làm tăng nhiều loại bệnh lý tâm lý ở người trưởng thành, bao gồm tâm trạng, lo lắng, hành vi và rối loạn sử dụng chất kích thích14. Ngoài ra, trải nghiệm bạo lực phải trả giá đắt về mặt phát triển kinh tế và con người cho những người liên quan, không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn cho toàn bộ cuộc đời sau này của trẻ15.

Một số giải pháp hạn chế hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình

Thứ nhất, thay đổi cách tiếp cận quyền trẻ em từ xây dựng, thực thi chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực trẻ em: bạo lực đối với trẻ em cấu thành một sự vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp trẻ em với tư cách là thành viên trong xã hội. Vì việc phân bổ quyền trong một xã hội là một khía cạnh quan trọng trong các chính sách xã hội, nên việc sửa đổi các chính sách này là cần thiết nếu quyền của trẻ em được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần. Để các chính sách xã hội có hiệu quả, đòi hỏi việc hoạch đinh chính sách, pháp luật về quyền trẻ em phải được xây dựng trên lý thuyết nhân quả liên quan đến căn nguyên của tình trạng bạo lực trẻ em cần được điều chỉnh và ngăn chặn bằng các chế tài đủ sức răn đe. Theo đó, các chính sách xã hội nhằm bảo vệ quyền được an toàn về thân thể của trẻ em cần được thiết kế xoay quanh các khía cạnh nguyên nhân của hành vi xâm hại trẻ em.

Thứ hai, thay đổi triết lý nuôi, dạy trẻ em: các chuẩn mực văn hóa ủng hộ việc sử dụng vũ lực trong quá trình nuôi dạy trẻ em là cốt lõi của mọi hành vi ngược đãi trẻ em trong xã hội. Do đó, cầnthiết, cấp bách thay đổi, truyền thông sự thay đổi triết lý nuôi dạy trẻ em theo cách “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đồng thời, xây dựng, thực thi các biện pháp ngăn cấm rõ ràng về mặt văn hóa và pháp lý đối với việc sử dụng các hình thức bạo lực đối với trẻ em. Chỉ có như thế mới có khả năng làm giảm tình trạng bạo lực thể chất và tinh thần đối với trẻ trong bối cảnh hiện nay.

Các biện pháp giáo dục, bất bạo động, đối thoại, tôn trọng phẩm giá, thể xác con trẻ hình thành nhân cách người cần tuyên truyền và đưa vào nhiều hơn nữa trong chính sách, pháp luật về quyền trẻ em. Song, cũng chú ý việc từ bỏ sử dụng bạo lực đối với trẻ em không thể ngày một, ngày hai hoặc có thể dễ dàng đối với những người lớn đã từng bị bạo hành và bạo lực khi còn nhỏ và những người đã hòa nhập vào hệ thống giá trị hiện có của xã hội. Hơn nữa, chính bản thân trẻ em đôi khi có thể rất cáu kỉnh và khiêu khích trong hành vi của chúng và có thể khiến người lớn khó có thể, thậm chí không thể chịu đựng đến giới hạn. Tuy nhiên, bất chấp những thực tế này, xã hội cần nỗ lực giảm dần và cuối cùng là loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bạo lực đối với trẻ em nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em – an ninh con người cơ bản của trẻ em.

Đây cũng bước đầu tiên, cụ thể hướng tới việc thể chế hóa các chế tài của hệ thống pháp luật toàn diện chống lại việc sử dụng bạo lực trong việc nuôi dạy trẻ em. Quốc hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật có thể đưa ra các điều luật nghiêm cấm việc trừng phạt thể xác, tinh thần trẻ em trong các cơ sở đào tạo, cơ sở chăm sóc trẻ em. Có như vậy, góp phần bảo đảm cho trẻ em được bảo vệ theo tinh thần thượng tôn pháp luật, quyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế, đúng với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, cung cấp các chương trình tư vấn và giáo dục đời sống gia đình dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành chuẩn bị kết hôn và sau khi kết hôn: những chương trình này nên được phát triển phù hợp với giả định rằng có nhiều điều để tìm hiểu về cuộc sống hôn nhân và vai trò làm cha mẹ.

Thứ tư, cung cấp các dịch vụ xã hội tại cộng đồng khu dân cư nhằm giảm thiểu căng thẳng cho cuộc sống gia đình và đặc biệt là cho các bà mẹ chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái. Bất kỳ biện pháp nào làm giảm những căng thẳng này cũng sẽ gián tiếp làm giảm tỷ lệ xâm hại trẻ em. Ví dụ như dịch vụ giúp việc gia đình, người giúp việc cho bà mẹ và dịch vụ trông trẻ, các cơ sở chăm sóc ban ngày cho gia đình và nhóm dành cho trẻ mẫu giáo và tuổi đi học.

Kết luận

Như vậy, các can thiệp chính sách để giải quyết bạo lực gia đình cần phải tính đến bối cảnh các chuẩn mực xã hội mạnh mẽ cho phép sử dụng bạo lực đối với cả cha mẹ để “giáo dục” con cái và nam giới để sử dụng “quyền lực” của họ đối với gia đình cũng như đối với nhiều người; tính đa dạng của các loại hình bạo lực và động cơ bạo lực xảy ra trong gia đình. Các biện pháp chính sách này sẽ cần giải quyết các vấn đề về nghèo đói, chuẩn mực giới, giao tiếp giữa các cá nhân và kỷ luật tích cực, cùng với việc tạo ra các cơ chế dễ tiếp cận để hỗ trợ trẻ em phải đối mặt với bạo lực gia đình.

Chú thích:
1. Michael P. Dunne và những người khác. 2015. Violence Against Children in the Asia Pacific Region: The Situation Is Becoming Clearer. Asia-Pacific Journal of Public Health 2015, Vol. 27(8S) 6S-8S.
2, 10. Tổng cục Thống kê, UNICEF, UNFPA. 2021. Báo cáo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 – 2021.
3, 4, 9. iPFC và các tổ chức khác. Giáo dục hay xâm hại: Nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em tại Việt Nam, 2006.
5, 8. Margolin, L., & Larson, O. W., III. 1988. Assessing mothers’and fathers’violence toward children as a function of their involuntary participation in family work. Journal of FamilyViolence, No. 3, p. 209 – 223.
6. Holden, G. W., & Ritchie, K. L. 1991. Linking extreme marital discord, child rearing, and child behavior problems: Evidence from battered women. Child Development, No. 62, p. 311 – 327.
7. Vu Thi Thanh Huong. (2016). Understanding Children’s Experiences of Violence in Viet Nam: Evidence from Young Lives. Florence.: Innocenti Working Paper 2016-26.
11. O’Keefe, M. 1995. Predictors of child abuse in maritally violent families. Journal of Interpersonal Violence, 10, p.3-25.
12. The Save Children. 2021. Báo cáo tổng hợp đánh giá đầu kỳ hợp phần bảo vệ trẻ em trong chương trình bảo trợ trẻ em ở tỉnh Lào Cai, Việt Nam.
13. Rydstrøm, H. 2006. Masculinity and punishment: Mens upbringing of boys in rural Vietnam. Childhood. doi:10.1177/0907568206066355
14. Kessler et al. 2010. Childhood adversities and adult psychopathology in the WHO World Mental Health Surveys. British Journal of Psychiatry, 197, 378 -385.
15. UNICEF. 2014. Hidden in Plain Sight: A statistical analysis of violence against children. New York: UNICEF.