Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Chiều ngày 08/11/2023, tại Hà Nội, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo “Phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước”. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có đại biểu khách mời: PGS.TS. Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội; PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Học viện Bưu chính Viễn thông; PGS.TS. Phạm Quỳnh Hương, Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. ThS. Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục đổi mới sáng tạo khởi nghiệp Việt Nam; Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các giảng viên, sinh viên khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, các Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên. Tham dự Hội thảo còn có các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh, mọi cuộc cách mạng đều phải có sự sáng tạo đổi mới và sự đổi mới sáng tạo nào cũng cần phải bắt đầu từ văn hóa, dựa trên nền tảng văn hóa thì đổi mới sáng tạo mới thành công. Thực tiễn cho thấy, muốn xây dựng và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thành công, nhanh và bền vững thì mục tiêu phát triển con người, lấy tư duy phục vụ người dân, doanh nghiệp làm chủ đạo. Việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo không thể là đối tượng riêng biệt mà còn phải lan tỏa, thấm sâu vào quá trình xây dựng và thực hiện chuyển đổi số. Chính vì vậy, việc nghiên cứu văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số của cơ quan nhà nước trong quá trình chuyển đổi số nhằm phân tích làm rõ được nội hàm đổi mới sáng tạo, văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số; nhận diện được các rào cản, thách thức, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong cơ quan nhà nước trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn cần thiết.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân đề nghị các nhà khoa học tập trung trao đổi vào 4 vấn đề chính: (1) Làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số; vai trò của văn hóa đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước; (2) Những thách thức, rào cản đối với việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trong cơ quan nhà nước. Làm thế nào để các cơ quan nhà nước vượt qua những rào cản và thách thức đó; (3) Thực trạng phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước đang được diễn ra như thế nào? Những điểm đạt được, hạn chế còn tồn tại và giải pháp nào cho việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong các cơ quan nhà nước trong thời gian tới; (4) Các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong cơ quan nhà nước.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước. Các nội dung tại Hội thảo có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với quá trình chuyển đổi số, tham vấn cho các cơ quan nhà nước trong việc phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, nhằm thực hiện chuyển đổi số thành công. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cho rằng, bất kỳ hoạt động nào chính đáng và có ích cho xã hội, sớm hay muộn cũng trở thành văn hóa của vấn đề đó, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với tổ chức cũng như sự phát triển của từng lĩnh vực. Vấn đề văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số là tổng thể hoạt động của xã hội, trong đó có chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng vai trò định hướng và quy định cho các hoạt động theo đúng khuôn khổ, mục đích, mục tiêu, trong đó, văn hóa số là vấn đề rất mới, thậm chí là yếu tố manh nha hình thành. Văn hóa số không thể xuất hiện nếu không có các hoạt động đổi mới sáng tạo có văn hóa. Do vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, người lao động tại Học viện, nhất là đối với lãnh đạo, quản lý cần ý thức xây dựng môi trường văn hóa hiện đại, trong đó có văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số, để hai phạm trù này sớm được hình thành trong Học viện, để giá trị này ngày càng được bồi đắp, hình thành nhiều giá trị mới, hướng tới sự phát triển bền vững.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trình bày tham luận “Những thách thức và rào cản trong quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số”, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đã khái quát, làm rõ một số khái niệm. Đó là, “văn hóa”, “văn hóa đổi mới sáng tạo”, “văn hóa số” và tập hợp từ “thách thức và rào cản phát triển trong quản lý nhà nước”. Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, có một số thách thức và rào cản trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và văn hóa số, như: (1) Đổi mới sáng tạo và văn hóa số cần nguồn nhân lực thực thi và nguồn nhân lực quản lý phải ở tầm chuyên nghiệp, có những cá nhân tài năng; (2) Khi tiến trình đổi mới có một số kết quả, nhưng còn hạn chế, lại đòi hỏi tinh thần, tư duy sáng tạo là một thử thách kép; (3) Đổi mới sáng tạo và văn hóa số, nhất là số hóa các hoạt động xã hội là tiêu chí của một xã hội trình độ phát triển kinh tế xã hội cao; (4) Sự đổi mới sáng tạo và số hóa hoạt động xã hội và quản lý mang tính xã hội, cộng đồng, thống nhất. Sự vướng mắc giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các nhà quản lý và đối tượng quản lý như một bất cập, trở thành thách thức; (5) Nguồn nhân lực của quản lý nhà nước đối với quá trình đổi mới sáng tạo và văn hóa số của xã hội cũng là một thách thức.

PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Viện trưởng Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình bày tham luận.

Theo PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo bao gồm việc bắt nhịp các xu hướng thay đổi và đổi mới sáng tạo cũng chính là một xu hướng. Tuy nhiên, không chỉ là xu hướng mà xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển, nó gần như là một quy luật của tự nhiên. PGS.TS. Đào Thị Ái Thi quan niệm, văn hóa đổi mới sáng tạo trong cơ quan nhà nước là sự thay đổi chính sách và hành vi ứng xử cho phù hợp với doanh nghiệp, có sự tiến bộ về chất và đem lại giá trị, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp hiện nay ở Việt Nam. Đây cũng chính là việc xây dựng nền tảng giá trị nhằm thúc đẩy sự đam mê, thôi thúc khát vọng, động lực kinh doanh, sự tự tin, mạnh mẽ, biết chấp nhận rủi ro để bắt đầu một sự nghiệp, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cá nhân, tổ chức, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng kinh tế đất nước.

ThS. Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Giáo dục đổi mới sáng tạo khởi nghiệp Việt Nam.

Theo ThS. Nguyễn Hữu Long, việc đánh giá hiệu quả đổi mới sáng tạo giữa các quốc gia thường dựa trên các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index – GII. GII là một bộ công cụ đánh giá, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia hoặc các nền kinh tế được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Trường kinh doanh Insead, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007 và liên tục hoàn thiện nhằm có được bộ công cụ đo lường hệ thống đổi mới sáng tạo ở cấp quốc gia hoặc nền kinh tế. ThS. Nguyễn Hữu Long cũng đưa ra đề xuất một số giải pháp phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước hiện nay, như: (1) Tiếp tục xây dựng chính sách phát triển chỉ số và văn hóa đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; (2) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; (3) Tạo thế hệ cán bộ trẻ có văn hóa dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm; (4) Tiếp tục tạo môi trường hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển tiềm lực kinh tế cho đất nước.

PGS.TS. Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội.

PGS.TS. Bế Trung Anh chia sẻ, xu thế hội nhập và đổi mới công nghệ đặt ra cho Việt Nam những vấn đề rất mới trong quá trình phát triển và trước khi tiến hành thực hiện đổi mới sáng tạo, cần phải hiểu rõ khái niệm đổi mới một cách thật sự đúng nghĩa. Hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thể nào để đội ngũ công chức, viên chức có cơ hội, có không gian để đổi mới, sáng tạo một cách chuẩn mực, thủ tục hành chính cần được tinh giản hơn nữa, văn minh hơn nữa về quy trình và thủ tục.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đề xuất một số ý kiến tăng cường đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước, giúp nâng cao hiệu suất quản lý và thúc đẩy sự phát triển. Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số hiện nay, việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi những sáng tạo, đổi mới một cách phù hợp, hướng tới sự phát triển, vì lợi ích chung.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là luận cứ, luận chứng khoa học mang tính hệ thống về phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số trong quá trình chuyển đổi số của cơ quan nhà nước. Các nghiên cứu này cũng là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và cho giảng viên Học viện trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học hành chính, nghiên cứu về văn hóa đổi mới sáng tạo, văn hóa số tại Học viện Hành chính Quốc gia.

Đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Ánh Nguyệt – Xuân Phú