Giải pháp nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức trong quá trình hội nhập quốc tế

ThS. Bùi Quốc Tuấn
Học viện Chính trị Khu vực 1
(Quanlynhanuoc.vn) – Văn hóa chính trị của người cán bộ, công chức là những giá trị chân, thiện, mỹ được thể hiện qua các đặc điểm, như: năng lực nhận thức chính trị, tri thức, bản lĩnh, tình cảm, khả năng tổ chức các công việc trong hoạt động thực tiễn, cách thức ứng xử chính trị với chức trách, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở phân tích những ảnh hưởng của quá trình hội nhập quốc tế tới văn hóa chính trị của cán bộ, công chức trên phương diện ưu điểm, nhược điểm, bài viết nêu một số giải pháp nhằm nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Ảnh minh họa (TTXVN).
Tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức

Văn hóa chính trị của cán bộ, công chức là tổng thể những giá trị được hình thành trong thực tiễn chính trị, thể hiện qua các đặc điểm, như: năng lực nhận thức chính trị, tri thức, bản lĩnh, tình cảm, khả năng tổ chức các công việc trong hoạt động thực tiễn, cách thức ứng xử chính trị với chức trách, nhiệm vụ được giao.

Văn hóa chính trị là sức mạnh góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đồng thời khơi dậy tính năng động, sáng tạo trong việc vận dụng những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và hoàn thiện nhân cách con người, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, nhất là trong quá trình hội nhập nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.

Văn hóa chính trị của cán bộ, công chức đóng vai trò rất quan trọng, bởi cán bộ, công chức góp phần thực hiện thông suốt các nhiệm vụ, những mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra; có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh, điều hòa mối quan hệ giữa các chủ thể chính trị, giữa con người với tổ chức, đời sống xã hội để phù hợp với những giá trị chân, thiện, mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”1.Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò là nền tảng quyết định sự vững mạnh của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, thời gian qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là biểu hiện của việc xuống cấp về đạo đức, về văn hóa trong Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) chỉ rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp  luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật”2. Do vậy, chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức là vấn đề cấp thiết, xét cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

Ảnh hưởng của quá trình hội nhập quốc tế tới văn hóa chính trị của cán bộ, công chức

Văn hóa chính trị của cán bộ, công chức chịu ảnh hưởng lớn từ sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế:

(1) Về ưu điểm: dưới sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế, cán bộ, công chức được tiếp thu những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có điều kiện nâng cao kiến thức, nhận thức về chính trị; kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được chuẩn hóa; tiếp thu, trao đổi kinh nghiệm quản lý với các nước trên thế giới, đặc biệt là các tri thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin và được làm việc trong môi trường quốc tế; nhận diện và tăng khả năng phán đoán, dự báo tình hình trong môi trường quốc tế phức tạp như hiện nay. Điều này giúp cho cán bộ, công chức năng động và linh hoạt hơn, tiếp thu được những tinh hoa về khoa học chính trị trên thế giới để áp dụng vào chức trách nhiệm vụ được giao.

(2) Nhược điểm: Tiến trình hội nhập quốc tế cũng có những tác động tiêu cực khiến cho cán bộ, công chức dễ bị dao động về nhận thức chính trị, dễ bị ảnh hưởng của lối sống phương Tây, bị mua chuộc, lôi kéo bởi chiến dịch “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, làm tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Những mặt tiêu cực trên đã làm cho cán bộ, công chức dễ bị sa ngã, bị cám dỗ trước “thế lực của đồng tiền”, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”3. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”4. Trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 cũng nhấn mạnh một bộ phận cán bộ, đảng viên: “chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”5.

Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; quan liêu, tham nhũng của nhiều cán bộ, công chức đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Cụ thể:

Trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý; kiến nghị xử lý trách nhiệm 784 tập thể, 2.912 cá nhân, chuyển hơn 320 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật6.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp7. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII), trong đó đã thu hồi được nhiều tài sản tẩu tán ra nước ngoài; điển hình như đã thu hồi gần 2,7 triệu đô la Mỹ và 127.000 đô la Xinh-ga-po của Phan Sào Nam ở nước ngoài8.

Những hiện tượng tiêu cực đó đã làm giảm ý chí chiến đấu, làm mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, văn hóa chính trị của cán bộ, công chức. Vì vậy, cần có các giải pháp cơ bản để nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Giải pháp nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức

Một là, cán bộ, công chức cần xây dựng một nền văn hóa chính trị chủ động, linh hoạt trong mối quan hệ với các nước để tranh thủ những thời cơ thuận lợi, nhằm nâng cao trình độ văn hóa chính trị của chính họ và cho mọi thành viên của xã hội.

Hai là, cán bộ, công chức cần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những mặt còn hạn chế, khuyết điểm. Trên cơ sở đó, cán bộ, công chức cần phải có ý chí quyết tâm đổi mới, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình nâng cao trình độ văn hóa chính trị của người cán bộ, công chức trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, cán bộ, công chức cần phải đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy biện chứng duy vật, bởi nó là chìa khóa giúp cán bộ, công chức nhận thức thực tiễn một cách sâu sắc và đạt hiệu quả cao trong hoạt động thực tiễn. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phụ thuộc rất lớn vào năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, vì họ là người tiếp thu, vận dụng, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách đó cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh. Có như vậy mới nâng cao trình độ văn hóa chính trị tốt cho cán bộ, công chức.

Bốn là, mỗi cán bộ, công chức cần nâng cao nhận thức về văn hóa chính trị, luôn tự giác, tự rèn luyện kiến thức, kỹ năng, đạo đức, lối sống; chủ động phòng ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong chính trị. Đó là điều kiện tiên quyết để giúp cán bộ, công chức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao.

Năm là, mỗi cán bộ, công chức luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để “làm cho tư tưởng đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”9.Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là điều kiện, cơ hội để mỗi cán bộ, công chức rèn luyện bản thân để hình thành những giá trị văn hóa mới.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr. 280.
2. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII). Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 47 – 48.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII). Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 22.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 92, 92.
6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chịu bất cứ sức ép nào. https://vanhoavaphattrien.vn, ngày 16/8/2023.
7. Phát hiện, xử lý 120 cán bộ trong cơ quan chống tham nhũng có sai phạm.https://kinhtedothi.vn, ngày 16/8/2023.
8. Tổng Bí thư: Công tác phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn ít do nể nang. https://vov.vn, ngày 16/8/2023.
9. Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Duy Quý. Đổi mới tư duy và công cuộc đổi mới ở Việt Nam. H. NXB Khoa học xã hội, 2008, tr. 143.
2. Một số yếu tố tác động đến văn hóa chính trị của cán bộ lãnh đạo, quản lý của nước ta hiện nay. https://tapchicongsan.org.vn, ngày 14/4/2020.
3. Xây dựng văn hóa chính trị ở chi bộ. https://www.hcmcpv.org.vn, ngày 27/11/2021.