Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số để phát triển bền vững

TS. Trần Thị Tuyết Lan-TS. Nguyễn Thị Miền
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  
(Quanlynhanuoc.vn) Trong bối cảnh thế giới đầy biến động với nhiều vấn đề toàn cầu đang diễn ra, như: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, hội nhập kinh tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Bài viết phân tích thực trạng phát triển nền kinh tế số Việt Nam hiện nay và khuyến nghị chính sách phát triển nền kinh tế số thích ứng với xu hướng và phát triển bền vững của nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (internet).
Chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số

Thuật ngữ “kinh tế số” được dùng trước khi có khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0. Song, cùng với sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì xu hướng số hóa nền kinh tế mới thực sự có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số được hiểu là nền kinh tế mà toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số hóa, còn phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Về bản chất, đây là các mô hình kinh doanh hoạt động dựa trên việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet như: thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử, gọi xe – đặt xe công nghệ,… nhằm đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho con người.

Ngay từ rất sớm, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã định hướng và thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động phát triển kinh tế số. Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thể chế hóa chủ trương trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 phê duyệt Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2001-2005 với mục tiêu: đến năm 2010: công nghệ thông tin Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực; công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển cao, có tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP ngày càng tăng.

Tiếp đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 10/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chỉ rõ: chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng; đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh cùa doanh nghiệp, phương thức sống và làm việc của người dân. Chương trình hướng đến “mục tiêu kép” vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực toàn cầu. Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế phát triển, như: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An ninh mạng năm 2018…

Những định hướng, quyết sách trên đã từng bước chuẩn bị điều kiện và tạo động lực để Việt Nam chủ động chuyển dần từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số. Đến nay, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh trong các nước ASEAN, hình thành nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, ngân hàng số, đặt xe công nghệ, mô hình giáo dục, khám chữa bệnh trực tuyến; mô hình nông nghiệp thông minh… và từng bước tham gia vào chuỗi công nghệ toàn cầu. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ) cho thấy, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh với vị trí 48/60 quốc gia, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa1. Theo báo cáo e-Conomy SEA năm 2020, chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet/nền tảng, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN, là nước có tốc độ tăng trưởng 16%, dự báo đến năm 2025, kinh tế số Internet/nền tảng Việt Nam sẽ đạt mức 52 tỷ USD.

Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra

Với việc chủ động chuyển từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đi đầu trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện kinh tế số. Trong đó, các danh doanh nghiệp nhà nước là đầu tầu trong việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn Thông (Mobiphone), Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… Đến nay các doanh nghiệp này không những làm chủ được công nghệ số, kỹ thuật số mà còn tạo ra các sản phẩm ưu việt, hệ sinh thái số cung cấp cho thị trường, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, doanh nghiệp và các địa phương; thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử; cơ sở dữ liệu dân cư;… Đặc biệt, mô hình dịch vụ công trực tuyến quốc gia, ra mắt từ cuối năm 2019 đến nay đã phát triển nhanh chóng, số dịch vụ công ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian giao dịch và tiết kiệm cho toàn xã hội hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước cũng ngày càng chú trọng đến ứng dụng công nghệ số vào quản lý và sản xuất – kinh doanh, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, từ mức 45.600 doanh nghiệp năm 2019 lên 58.000 năm 2020 và đạt 64.000 doanh nghiệp năm 20213.

Theo kết quả điều tra khảo sát, năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên các website của cơ quan nhà nước là 83%, tăng so với năm 2020 (77%). Các loại dịch vụ công trực tuyến doanh nghiệp sử dụng gồm: Khai báo thuế điện tử (chiểm 86%); đăng ký kinh doanh (chiếm 61%); khai báo hải quan (17%); thủ tục tàu biển, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh (11%); thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (chiếm 10%)4.

Bên cạnh đó, hạ tầng Internet phát triển nên tỷ lệ người dân sử dụng Internets ở Việt Nam cũng tăng rất nhanh từ 58,1% năm 2017 lên đến 70% năm 2020; 73% năm 2021 và đến năm 2022 là 75% 5đã tạo nền tảng và thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam phát triển không ngừng cả về hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Đến nay, tuy Việt Nam chưa có nền kinh tế số đúng nghĩa, song sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số trong các lĩnh vực, các ngành đã góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế số và đóng góp của kinh tế số vào GDP của Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD trong năm 2022. Doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 đạt mức 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021 6. Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% (năm 2021) lên 14,26% (năm 2022)7. Dưới đây là một số mô hình kinh doanh điển hình trong các lĩnh vực của nền kinh tế:

Bảng 1: Quy mô thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam và tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử so với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước giai đoạn 2017 – 2022
2017 2018 2019 2020 2021 2022
Doanh thu TMĐT B2C (tỷ USD) 6,2 8,06 10,08 11,8 13,7 16,4
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu (%) 24 30 25 18 16 20
Tỷ trọng doanh thu/tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (%) 3,6 4,2 4,9 5,5 7 7,2-7,8

Nguồn: Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 (tr. 34)

Lĩnh vực thương mại điện tử: việc sử dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch mua bán đã làm nảy sinh những phương thức kinh doanh mới, đó là thương mại điện tử. Mặc dù mới ra đời, song thương mại điện tử là lĩnh vực phát triển nhanh nhất và đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở nước ta, nhờ vào sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử năm 2022 với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm 20218. Doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam năm 2022 tăng khoảng 165% so năm 2017 (tăng gấp 2,6 lần); tỷ trọng doanh thu/tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung năm 2022 tăng gấp khoảng 2,1 lần so với năm 2017. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thuB2C của Việt Nam năm 2022 đạt mức 20%, tăng so với năm 2020 và 2021 và được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Thương mại điện tử đã thực sự tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp 9.

Giai đoạn 2017 – 2022, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng cao từ 33,6 triệu người năm 2017 lên đến 49,3 triệu người năm 2020, 54,6 triệu người năm 2021 và đạt khoảng 57 – 60 triệu người. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người tăng từ 187 USD vào năm 2017 lên đến khoảng 260 – 285 USD năm 2022. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet năm 2022 là 75% và có khoảng 74,8% người dùng Internets tham gia mua sắm trực tuyến. Loại hàng hóa được người tiêu dùng mua trên mạng nhiều nhất là: quần áo, giày dép và mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, văn phòng phẩm, hoa và quà tặng và thực phẩm. Theo số liệu năm 2021, các kênh mua sắm trực tuyến có tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất là các website thương mại điện tử (chiếm 78%), tiếp đến là các ứng dụng mua hàng trên thiết bị di động (chiếm 47%) và diễn đàn, mạng xã hội (chiếm 42%). Phương tiện chủ yếu được người tiêu dùng sử dụng tham gia mua sắm trực tuyến là điện (chiếm 91%)10.

Lĩnh vực dịch vụ công nghệ tài chính (fintech): cùng với sự xuất hiện công nghệ số và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, lĩnh vực tài chính – ngân hàng chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thống sang ngân hàng số. Hiện nay, có 96 ngân hàng và tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 92% ngân hàng đã phát triển các dịch vụ ứng dụng trên Internet và mobile11. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới, khoảng 35%/năm12. Kết quả 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đạt hơn 6,6 tỷ giao dịch với giá trị hơn 192,38 triệu tỷ đồng; thanh toán qua kênh Internet đạt hơn 1.192,67 triệu giao dịch với giá trị hơn 45,43 triệu tỷ đồng; thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt hơn 3.941 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 39,4 triệu tỷ đồng; thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 59,6 triệu giao dịch với giá trị hơn 58,4 nghìn tỷ đồng; thanh toán qua POS đạt hơn 564,54 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 933 nghìn tỷ đồng13.

Đến tháng 4/2021, Việt Nam có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 44 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, 271 nghìn POS, 80.000 điểm thanh toán bằng QR Code, hơn 19 nghìn ATM và 43 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng, 30 ngân hàng thương mại, 80 công ty công nghệ tài chính đang hoạt động (trong đó có 38/80 công ty cung cấp dịch vụ thanh toán)14. Hiện các ngân hàng đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, như: xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, thanh toán phi tiếp xúc…

Lĩnh vực vận tải: việc ứng dụng công nghệ số đã làm xuất hiện mô hình gọi xe, đặt xe công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thị trường gọi xe, đặt xe công nghệ ở nước ta phát triển khá nhanh, trong một thời gian ngắn đã thu hút lượng lớn tài xế tham gia, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường vận tải. Đến nay, bên cạnh các ứng dụng gọi xe, đặt xe công nghệ, như Grab, Gojek, Be,… đã có thêm các hãng vận tải truyền thống ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của mình, đó là Vinasun, Mai Linh. Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings, Bain&Co, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2019 đạt quy mô 1,1 tỷ USD, gấp hơn 5 lần so với năm 2016 và dự báo đến năm 2025, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD, đứng thứ tư trong khu vực, đồng hạng với Philippines15.

Đến năm 2021, quy mô thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đạt mức doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2021 đạt khoảng 30 – 35% mỗi năm. Mức tăng trưởng của thị trường gọi xe trực tuyến cao thứ 2 chỉ sau thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam. Sau 7 năm phát triển (từ năm 2015), thị trường gọi xe trực tuyến Việt Nam có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu. Ba doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam là Grab, Gojek, Be16.

Lĩnh vực giáo dục, y tế: việc ứng dụng công nghệ thông tin cùng hạ tầng internet đã hình thành nên mô hình giáo dục, khám chữa bệnh trực tuyến: quản lý việc dạy, học; đặt chỗ khám, chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh nhân trực tuyến.

Lĩnh vực du lịch: dịch vụ đặt phòng trực tuyến phát triển với sự tham gia của một loạt các startup Việt, như: Mytour, Luxstay, Tripi Partner, Vn Trip, iVivu, Chudu24… đang cạnh tranh cùng với những công ty nước ngoài có tiếng ở Việt Nam như Booking, Agodahay Expedia. Quy mô du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2019 đạt 4 tỷ USD và giảm xuống trong các năm 2020 (đạt 2,5 tỷ USD) và 2021 (đạt 1,4 tỷ USD) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dự kiến năm 2025 doanh thu du lịch trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt mức 5,9 tỷ USD17.

Lĩnh vực nông nghiệp: việc ứng dụng công nghệ số như: thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT), các thiết bị bay không người lái, robot và quản trị tài chính… hình thành nên mô hình nông nghiệp thông minh. Trong đó, các công nghệ được áp dụng nhiều nhất là hệ thống thiết bị, máy móc được kỹ thuật số hóa, gắn cảm biến, kết nối internet và được kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà màng, nhà kính để tạo ra hệ thống canh tác thông minh trong nhà, được điều khiển tự động hoặc bán tự động với quy trình khép kín.

Đến nay, mô hình nông nghiệp thông minh chủ yếu được ứng dụng ở các doanh nghiệp, các trang trại sản xuất tập trung, quy mô tương đối lớn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý, giám sát quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm trồng trọt đã kết nối toàn cầu cho từng bao gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, quy trình chế biến, thời gian bảo quản. Công nghệ đám mây, công nghệ máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật… cũng từng bước được sử dụng18. Mô hình nông nghiệp thông minh đã góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp nước ta ngày càng chủ động hơn, giảm sự phụ thuộc vào môi trường, thời tiết, kiểm soát được dịch bệnh, công tác giống tốt hơn nên năng suất cao và tăng trưởng ngày càng bền vững.

Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng kinh tế số ở Việt Nam thời gian qua, có một số vấn đề cần phải khắc phục, đó là:

Một là, nhận thức của các chủ thể kinh tế, nhất là doanh nghiệp về kinh tế số còn thấp. Sự vào cuộc của hệ thống doanh nghiệp là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Song ở Việt Nam, nhận thức của các doanh nghiệp về kinh tế số rất thấp. Theo số liệu của Bộ Công Thương, mức độ sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 năm 2018 có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó 61% còn đứng ngoài cuộc và chỉ có 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị19.

Đánh giá về mức độ quan trọng của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, có 8% doanh nghiệp cho rằng không quan trọng; 47% doanh nghiệp cho rằng tương đối quan trọng; 36% doanh nghiệp cho rằng quan trọng và chỉ có 9% doanh nghiệp cho rằng rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp20. Nhận thức về tầm quan trọng của thương mại điện tử còn hạn chế nên nhu cầu và hành động theo xu thế kinh số còn chậm, chưa đồng đều, chưa có sự thống nhất từ trên xuống, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân đã góp phần làm chậm sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.

Hai là, hệ thống thể chế, chính sách cũng như các thiết chế thực thi, giải quyết tranh chấp cũng như hiệu lực thực thi còn yếu. Mặc dù thể chế cho kinh tế số đã được ban hành, song chưa đồng bộ, chậm được hoàn thiện, bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ, kinh tế số và các phương thức kinh doanh mới đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số, dẫn đến chưa khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế số.

Ba là, hạ tầng kết nối số và dịch vụ kết nối ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đồng bộ. Hạ tầng viễn thông và các nền tảng IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử… chưa đồng đều giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi. Trang thiết bị kỹ thuật cho thu thập, lưu trữ, truyền tải, xử lý số liệu còn ít, thiếu sự kết nối, liên thông, tốc độ chậm và không ổn định, an toàn, an ninh mạng chưa được bảo đảm. Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai; việc kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu của khu vực công và khu vực tư còn nhiều bất cập. Những hạn chế, bất cập trên đang là điểm nghẽn cho phát triển nền kinh tế số ở nước ta.

Bốn là, nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và kinh tế số nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin mỗi năm tăng 13%, song nguồn cung hàng năm chỉ tăng 8% thấp hơn nhiều so yêu cầu21. Chỉ riêng năm 2021, số lượng nhân lực công nghệ thông tin cần 500.000 người nhưng thiếu hụt 190.000 người22. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhân lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số còn thấp. Sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực này cả về số lượng và chất lượng đã gây khó khăn cho thực hiện số hóa trong các lĩnh vực nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng, đặc biệt còn thiếu nhiều nhân lực trong các lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây….

Khuyến nghị chính sách phát triển kinh tế số Việt Nam

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 20% GDP23 và đến năm 2030 khoảng 30% GDP24. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số ở Việt Nam cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy, nguồn lực để triển khai hiệu quả. Với định hướng đúng đắn, sự đóng góp tích cực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, phát triển kinh tế số sẽ đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần đưa Việt Nam vươn lên phát triển mạnh mẽ. Để hiện thực hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể kinh tế, nhất là doanh nghiệp về kinh tế số, từ đó, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và nội hàm của kinh tế số trong xây dựng và hoạch định chính sách. Trên cơ sở đó, có chính sách hợp lý và hiệu quả để thực hiện trong thực tiễn. Khi đã thống nhất được nhận thức, về phía doanh nghiệp, cần chủ động chuẩn bị các điều kiện (vốn, nhân lực, công nghệ) để nắm bắt cơ hội cũng như bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế trong nền kinh tế số toàn cầu; về phía Chính phủ, cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực công nghệ số…

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với môi trường kinh doanh kinh tế số nhằm tạo cơ sở pháp lý cho phát triển kinh tế số. Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thành lập cơ quan thể chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong phát triển kinh tế số. Đặc biệt, Nhà nước cần ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân; có chế tài đối với vấn đề sở hữu trí tuệ trên mạng, bảo vệ an ninh thông tin mạng, cơ chế phối hợp khi xảy ra sự cố công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số vào phát triển các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba, phát triển nhanh hạ tầng kết nối số và năng lực kết nối số. Phải chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số để đẩy nhanh kết nối thuận tiện, nhanh chóng, thông minh ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, chính phủ số trong tất cả các lĩnh vực. Đẩy nhanh việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo điều kiện liên thông kết nối giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các lĩnh vực. Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Chú trọng tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao. Nâng cao năng lực của Trung tâm điều hành an ninh mạng để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý sớm sự cố xảy ra, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển nội dung số. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc chuẩn bị các phương án triển khai dịch vụ 5G nhằm theo kịp xu hướng thế giới. Triển khai các biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật để nâng cao hiệu quả quản lý các nền tảng số toàn cầu hoạt động xuyên biên giới tại Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, phát triển nhanh nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu chuyển đổi số và kinh tế số. Trước hết, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo, từ trung cấp, đào tạo nghề đến đại học có đủ điều kiện tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi số và kinh tế số. Bên cạnh đó, sớm phổ cập tin học, công nghệ số cho toàn dân. Nhà nước cần có chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả các nhà khoa học, những trí thức được đào tạo từ nước ngoài có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (cả phần mềm và phần cứng) về nước làm việc. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần phải chủ động nâng cao năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.

Kết luận

Với việc chủ động chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số, kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng và chuyển đổi ở nhiều lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán, giáo dục đào tạo, y tế, vận tải, du lịch đến sản xuất nông nghiệp…, kinh tế số đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững.

Chú thích
1. Xây dựng và phát triển kinh tế số của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn ngày 29/6/2021.
2. Tiềm năng phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam và một số hàm ý chính sách. https://tapchicongthuong.vn, ngày 25/02/2023.
3. Việt Nam có thêm hơn 3.400 doanh nghiệp công nghệ số mới trong nửa đầu năm 2022. https://doanhnghiephoinhap.vn, ngày 18/7/2022.
4, 5, 10, 17, 20. Bộ Công Thương. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Hà Nội, 2023.
6, 8, 9. 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2022. https://dangcongsan.vn, ngày 30/12/2022.
7. Cần cách tiếp cận và giải pháp đột phá thực hiện mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP. https://vneconomy.vn, ngày 14/9/2023.
11. Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động và QR tăng trưởng đột phá. https://vneconomy.vn, ngày 25/7/2023.
12. Thị trường ví điện tử Việt Nam – Cơ hội và thách thức. http://tapchinganhang.com.vn, ngày 23/10/2020.
13. Kết quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt năm 2022 và giải pháp tiếp tục triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025. https://tapchinganhang.gov.vn, ngày 18/01/2023.
14. Người tiêu dùng số và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn, ngày 03/9/2023
15. Thị trường gọi xe công nghệ Việt: thêm nhiều người chơi mới. https://khoinghiepsangtao.vn, ngày 15/4/2020.
16. Cuộc đua tranh thị trường gọi xe công nghệ sẽ khốc liệt hơn. https://vneconomy.vn, ngày 22/3/2022.
18. Giải pháp ứng dụng công nghệ số nâng cao năng suất ngành nông nghiệp. https://taichinhdoanhnghiep.net.vn, ngày 01/12/2020.
19. Doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. https://khcncongthuong.vn ngày 14/3/2022.
21. Hồng Nga, Hồng Điệp, Mạnh Hùng, Văn Hùng, Bích Điệp. Kinh tế số, Hồ sơ sự kiệnsố 429, ngày 25/8/2020, tr. 13.
22. Ngành công nghệ thông tin tiếp tục “khát” nhân lực. https://thanhnien.vn, ngày 22/02/2021.
23, 24  Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 113, 218.