Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, thực tài ở Việt Nam

TS. Phùng Thị Linh Khanh
Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc
(Quanlynhanhuoc.vn) – Đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả thực thi công vụ. Chính vì vậy, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích một số giải pháp giúp tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, thực tài.
Ảnh minh hoạ: Phương Hoa – TTXVN.
Đặt vấn đề

Cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình cải cách hành chính. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Năng lực thực thi công vụ là yếu tố cơ bản để đánh giá, sử dụng và phân loại cán bộ, công chức, đây cũng là nguyên tắc để quản lý cán bộ, công chức. Năng lực thực thi công vụ là thuật ngữ chỉ khả năng thể chất và trí tuệ của cán bộ, công chức trong việc sử dụng tổng hợp yếu tố kiến thức, kỹ năng, thái độ để thực hiện công việc được giao. Năng lực thực thi công vụ còn bao hàm khả năng kết hợp hài hòa các yếu tố bên trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể nhằm đạt được hiệu quả công việc cao nhất. Năng lực là tổng hợp của các yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ, trong nhiều trường hợp, năng lực bao gồm cả một số phẩm chất cần thiết khác đáp ứng được những yêu cầu hoạt động và bảo đảm hoạt động đó đạt được kết quả, hiệu quả mong muốn.

Năng lực của cán bộ, công chức bao gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ trong thực thi công vụ. Trong đó: (1) Kiến thức là tổng hợp tất cả tri thức mà cán bộ, công chức thu nhận qua bằng cấp, trình độ đào tạo, kiến thức và kinh nghiệm cán bộ, công chức tích lũy trong quá trình xử lý công việc được giao (bao gồm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng). (2) Kỹ năng là cách thức tổ chức và thực hiện công việc thể hiện ở khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn được áp dụng vào giải quyết công việc được giao của cán bộ, công chức (bao gồm kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo…). (3) Thái độ là sự phản ánh tâm lý về công việc mà cán bộ, công chức đang thực hiện với bản thân với người khác liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu cá nhân (đó là tinh thần, ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực của cán bộ, công chức với công việc mà họ đang thực hiện).

Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 2030 đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài”. Để phù hợp với nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cần phải được hình thành như sau:
Tính chuyên nghiệp thể hiện ở việc cán bộ, công chức có tác phong, phong cách chuẩn mực của trong thực thi công vụ. Tính chuyên nghiệp đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức phải được đào tạo đúng chuyên ngành, có trình độ kiến thức và kỹ năng thực thi công vụ, có ý thức tốt, tính kỷ luật để đạt hiệu quả công việc cao. Cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ phải tự giác thực hiện bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với nhân dân, với tổ chức và xã hội, tức là bảo đảm trách nhiệm công vụ của mình. Đó là trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ, bổn phận, pháp lý; thực thi công vụ, làm đúng việc phải làm và làm một cách tự giác; chịu trách nhiệm, chế tài, liên quan đến kỷ luật, vật chất, hình sự; chịu trách nhiệm với con người, các mối quan hệ, đạo đức…
Để đạt được tính chuyên nghiệp thì yêu cầu đặt ra là mỗi cán bộ, công chức phải đảm bảo tính minh bạch trong thực thi công vụ. Theo đó mọi hoạt động công vụ phải rõ ràng, tường minh, các quy định, các quy trình phải cụ thể, công khai để người thực hiện cũng như người dân có thể thực hiện và kiểm tra được. Quá trình hoạt động công vụ phải báo cáo, giải trình quá trình thực thi công vụ, kết quả đạt được và tính hiệu quả của quá trình thực thi công vụ; thực hiện công khai về tài sản, công khai về thông tin, quan hệ, công khai về thực hiện chức trách, phận sự của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; qua đó góp phần nâng cao trình độ, năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; cũng như phát huy vai trò trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Tính trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện các nghĩa vụ, quyền hạn được giao một cách tự giác và đạt kết quả tốt, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những nghĩa vụ, quyền hạn đó. Trong nền công vụ trách nhiệm, cán bộ, công chức phải hiểu rõ vị trí, vai trò, bổn phận, nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ công vụ; tự giác, sẵn sàng, chủ động nhận trách nhiệm, có ý thức rõ rệt về bổn phận, nghĩa vụ, thực hiện nghĩa vụ một cách tự giác, chủ động, sáng tạo, nỗ lực tìm ra cách thức tốt nhất để công việc đạt kết quả tốt nhất, thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không thoái thác hoặc trao lại cho ai khác, gắn mình với việc thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả.
Tính năng động đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức luôn luôn tích cực, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và sáng tạo chỉ sự say mê, nghiên cứu tìm tòi, đưa ra những ý tưởng để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần, chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0, cán bộ, công chức không chỉ nắm vững lý luận chính chính trị, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải có tư duy sáng tạo, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách hiệu quả, tiếp nhận và vận dụng thành quả khoa học – công nghệ của nhân loại vào phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, công chức không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn,nghiệp vụ, có kỹ năng thu thập và xử lý thông tin nhanh nhạy, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.
Tính thực tài cho biết đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực phù hợp làm việc ở đúng vị trí công việc vào đúng thời điểm để mang lại hiệu quả công vụ cao nhất.  Họ có niềm tin, khát vọng cống hiến cho sự phát triển cộng đồng, xã hội. Cán bộ, công chức thực tài là người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực sáng tạo và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc một số nhiệm vụ được giao theo chức trách của mình trong một lĩnh vực, một ngành cụ thể. Nói cách khác cán bộ, công chức thực tài là người có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác.
Thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ, công chức ở Việt Nam hiện nay
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; kỷ luật, kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật Nhà nước được đề cao1.
Tính đến năm 2021, số lượng cán bộ, công chức trong cả nước là 535.528 người. Số lượng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.344 biên chế (trong đó khối bộ, ngành là 106.836 biên chế; địa phương là 140.508 biên chế), biên chế sự nghiệp năm 2021 là 1.783.174 người (trong đó khối bộ, ngành là 116.698 người; địa phương là 1.666.476 người. Cán bộ, công chức cấp xã hiện có 226.210 người, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 171.894 người, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 633.747 người. Trong đó, số lượng tiến sỹ là 2.209 người (chiếm 0,4%), thạc sỹ là 19.666 người (chiếm 3,7%), cử nhân (đại học) là 278.198 người (chiếm 51,9%); số công chức đã được đào tạo về lý luận chính trị là 251.110 người (46,9%)2.
Cán bộ, công chức cấp xã hiện có 226.210 người; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 171.894 người; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 633.747 người. Chất lượng cán bộ, công chức cấp xã có sự chuyển biến rõ rệt với 53.974 người có trình độ đại học trở lên (chiếm 24,8%); được đào tạo về quản lý nhà nước là 103.902 người (47,8%). Tuy nhiên, vẫn còn 63.557 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ (chiếm 11,9%); cán bộ, công chức có trình độ cao chủ yếu tập trung ở các thành phố trực thuộc trung ương và các đô thị lớn. Hiện nay, có 282.561 cán bộ, công chức chưa qua đào tạo về lý luận chính trị, chiếm 52,8%. Đối với cán bộ, công chức cấp xã có trình độ dưới đại học là 163.293 người (chiếm 75,2%); chưa qua đào tạo về quản lý nhà nước là 113.365 người (chiếm 52,2%).3
Tuy vậy, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; số lượng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương trong một số ngành, lĩnh vực còn chiếm tỷ lệ thấp; đội ngũ chuyên gia đầu ngành còn ít, chưa có nhiều chuyên gia đủ khả năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách pháp luật và giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Còn một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa chủ động, tích cực, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hách dịch, hiệu quả thực thi công vụ thấp, bảo thủ trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới, sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả, tình trạng ” đi muộn về sớm”, đùn đẩy trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa… dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, chất lượng trong tham mưu ban hành văn bản; tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức trong giải quyết công việc còn gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bộ máy quản lý của Nhà nước.
Vẫn còn tồn tại không ít hiện tượng áp đặt, quan liêu cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, coi thường kỷ cương, kỷ luật công vụ. Điều này dẫn tới việc cán bộ, công chức không phát huy được tinh thần sáng tạo, không đề xuất được các sáng kiến, giải pháp về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ. Nguyên nhân có thể kể đến là do chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc, chẳng hạn như công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức chưa đúng với năng lực, sở trường, chuyên môn đào tạo, chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo cho vị trí việc làm; chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ, công chức có thực tài, thực lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát còn hẹp về phạm vi, đối tượng, kết quả chưa thực chất.
Một số giải pháp
Đảng ta nhấn mạnh thời gian tới, cần “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”4. Nhiệm kỳ 2021-2026 đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ là một nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp đáp ứng cả nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.
(1) Phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ. Có như vậy mới bố trí và sử dụng đúng, mới tránh được những thiếu sót, sai lầm; mới phát huy được mặt mạnh, hạn chế được mặt yếu trong từng con người cán bộ.
(2) Phải khéo dùng cán bộ. Tức là phải đặt đúng người, đúng việc vì việc mà đặt người. Khéo dùng cán bộ thể hiện ở chỗ biết kết hợp các thế hệ, các loại cán bộ một cách đúng đắn. Khi dùng cán bộ phải hết sức khách quan, công tâm, chống tư tưởng địa phương chủ nghĩa, bè phái, hẹp hòi.
(3) Phải mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào các cương vị cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra.
(4) Phải yêu thương cán bộ và tích cực giúp đỡ cán bộ sửa chữa khuyết điểm. Không thành kiến, xa lánh những cán bộ có thiếu sót, khuyết điểm.
Nghị quyết số 76/NQ-CP đã nhấn mạnh một trong những trọng tâm của cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi phải được nghiên cứu, đưa ra các giải pháp có tính khả thi cao để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì Nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp.

Một số giải pháp tăng cường năng lực cán bộ, công chức hướng tới xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động và thực tài, bao gồm:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp về công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo công tác sắp xếp lại bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cần tổng kết, đánh giá thực tiễn về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Tăng cường rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức cho cán bộ công chức theo hướng thực sự là công bộc của dân.

Thứ hai, nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, sự gương mẫu, tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các cấp. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hành chính theo hướng bảo đảm tính chuyên nghiệp và đáp ứng tốt yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm vì lợi ích chung. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm tính hội nhập quốc tế của nền công vụ. Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm vì lợi ích chung. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cả nội dung và phương pháp theo khung năng lực, theo chức danh và vị trí việc làm. Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng theo nhu cầu; kỹ năng xử lý tình huống; tiến hành bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng về quản trị điện tử, quản trị hiện đại, kỹ năng làm việc khoa học với các thiết bị công nghệ hiện đại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả thực thi công vụ.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 119-120.
2. Báo cáo số 135/BC-BNV ngày 11/01/2021 của Bộ Nội vụ về tổng kết công tác ngành Nội vụ giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021.
3. Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 187.