Phát triển văn hóa số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền
Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ số đã làm thay đổi mọi phương diện của đời sống xã hội. Các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong đó văn hóa số được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chuyển đổi ở các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, dưới góc độ văn hóa, việc xây dựng chính quyền số của Thành phố đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện. Bài viết đề xuất một số kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển văn hóa số, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số tại TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa (hcmcpv.org.vn)
Đặt vấn đề

Dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đối với khu vực công, việc chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nền quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, phù hợp với giá trị của quản trị nhà nước tốt. TP. Hồ Chí Minh đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, góp phần giúp các cơ quan nhà nước đổi mới hoạt động quản trị nhà nước, hình thành chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, qua đó giúp quản trị đô thị hiệu quả hơn, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số đặt ra yêu cầu phải phát triển văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng được văn hóa số sẽ giúp các cơ quan nhà nước trở nên linh hoạt hơn, nâng cao khả năng ứng phó với những thử thách mới và duy trì quá trình chuyển đổi số; giúp cơ quan nhà nước duy trì khả năng phục vụ hiệu quả thông qua khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh; khai thác hiệu quả công nghệ trong toàn bộ quá trình hoạt động của cơ quan nhà nước.

TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là đô thị năng động sáng tạo, luôn đi đầu trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, thể hiện sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước xây dựng văn hóa số góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa số đã và đang đặt ra cho các cơ quan nhà nước của thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.

Văn hóa số và những đặc trưng cơ bản của văn hóa số trong khu vực công

Khái niệm văn hóa công vụ trong khu vực công được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng khi đề cập đến văn hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, “Văn hóa công vụ là tập hợp các giá trị, chuẩn mực đạo đức, các quy tắc giao tiếp ứng xử, của cán bộ, công chức, các phương thức, cách thức quản lý gắn với việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, tạo nên những đặc trưng trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước1. Bên cạnh đó, Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định “Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”.

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị lần đầu tiên nhắc đến thuật ngữ văn hóa số thông qua xác định chủ trương “Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng”. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định “Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”. Trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi quá trình thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa số trên nền tảng các giá trị của văn hóa công vụ. Theo đó, “văn hóa số là hệ thống triết lý, giá  trị, niềm tin, các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức, cách thức nhận thức, phương pháp tư duy của con người trên môi trường số được mọi thành viên trong tổ chức công nhận và hành động như một thói quen2. Văn hóa trong xã hội thực hình thành qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn xã hội số mới chỉ đang hình thành trong vài chục năm trở lại đây. Vì vậy, “văn hóa số cũng mới chỉ đang hình thành, đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức và sự hưởng thụ các giá trị văn hóa của con người trong môi trường số”3.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số thì vai trò của yếu tố văn hóa là rất quan trọng, chính văn hóa số là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Theo kết quả khảo sát của Capgemini (2017), có 62 % ý kiến đánh giá “văn hóa là chướng ngại vật lớn nhất của quá trình chuyển đổi số”.Báo cáo cũng chỉ ra rằng: “thời điểm quan trọng đối với một tổ chức là khi họ chấp nhận thực tế rằng chuyển đổi kỹ số không phải là vấn đề kỹ thuật mà là sự thay đổi văn hóa” và “Thay đổi văn hóa là điều kiện tiên quyết của chuyển đổi số”4 (xem biểu đồ 1).

Văn hóa số bao gồm các đặc trưng cơ bản5:

(1) Đổi mới sáng tạo: sự phổ biến của các hành vi hỗ trợ, việc chấp nhận rủi ro, tư duy đột phá và những ý tưởng mới.

(2) Tính hợp tác: thành lập các nhóm liên phòng ban, đa chức năng để tối ưu hóa các nhiệm vụ.

(3) Ra quyết định dựa trên dữ liệu: việc sử dụng dữ liệu và phân tích để đưa ra quyết định tốt hơn.

(4) Linh hoạt và nhạy bén: tốc độ, sự linh hoạt trong việc ra quyết định; khả năng đáp ứng của tổ chức trước các yêu cầu thay đổi và công nghệ mới.

(5) Văn hóa mở: hợp tác với các mạng lưới bên ngoài như nhà cung cấp, bên thứ ba, công ty khởi nghiệp hoặc khách hàng.

(6) Tư duy số: tư duy xem các giải pháp liên quan đến công nghệ số là mặc nhiên và ưu tiên thực hiện.

Có thể hiểu, văn hóa số trong khu vực công bản chất là văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với quá trình chuyển đổi số hiện nay. Đó chính là hệ thống các giá trị, chuẩn mực đạo đức, các quy tắc giao tiếp ứng xử, của cán bộ, công chức, viên chức; các phương thức, cách thức quản lý hiện đại, sáng tạo gắn với các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ tạo nên những đặc trưng trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước trên môi trường số.

Một số kết quả chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh

Những năm qua, công tác chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã ban hành và thực thi nhiều chính sách đa dạng và đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, như: Quyết định số 6179/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 phê duyệt Ðề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 2393/QĐ-UBND 03/7/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh… Theo kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2022, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong 3 năm liên tiếp. Trong đó, đạt vị trí cao về chỉ số thể chế số (xếp thứ 1), hạ tầng số (xếp thứ 1), hoạt động chính quyền số (thứ 2), hoạt động kinh tế số (thứ 4).

Thành phố đã triển khai thiết lập quy trình xử lý các thủ tục hành chính, văn bản của tất cả cơ quan nhà nước trên môi trường số, đưa vào vận hành 1.542 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số thủ tục hành chính. Việc đơn giản hóa quy trình đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian xử lý và đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho người dân. Đồng thời, đưa vào vận hành quản lý và giám sát tình hình xử lý kiến nghị người dân các lĩnh vực trên môi trường số của 625 đầu mối xử lý qua Cổng 1022; theo dõi việc thực hiện kế hoạch năm các chỉ tiêu, kinh tế – xã hội của Thành phố với 110 chỉ tiêu của 20 nhóm lĩnh vực các ngành; các công việc thực hiện chỉ đạo của UBND, Thành ủy, các quận, huyện, sở, ban, ngành được nhắc nhở, giám sát trên môi trường số6.

Bên cạnh đó, đã đưa vào vận hành các nền tảng lớn dùng chung là hạ tầng dữ liệu quan trọng của chính quyền số. Nền tảng số hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố trên cơ sở hợp nhất hơn 40 phần mềm một cửa điện tử của các quận huyện, sở, ban, ngành. Đây là nền tảng giúp các cơ quan nhà nước thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp thống nhất thông qua kho dữ liệu dùng chung. Đến tháng 7/2023, “trung bình hàng tuần có khoảng trên 10.000 hồ sơ được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng 17.000 hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận. Như vậy, dịch vụ công toàn trình chiếm tỉ lệ gần 60% người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng7. Thông qua triển khai nền tảng số hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính giúp người dân không mất thời gian nộp hồ sơ nhiều nơi, nhiều lần, nhiều cửa và là cơ sở để liên thông giữa các cơ quan nhà nước, tối ưu hóa quy trình, công khai, minh bạch tình trạng xử lý, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và đẩy mạnh cải cách hành chính.

Ngoài ra, triển khai nền tảng số hệ thống quản trị, thực thi của thành phố giúp phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước. Đây là nền tảng liên thông của hệ thống văn bản, chỉ đạo, điều hành của hơn 1.000 đơn vị bao gồm các sở, ban, ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn, thành phố Thủ Đức và các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công trên địa bàn. Qua đó, tạo lập kho dữ liệu phục vụ quản lý điều hành tổng thể, giúp lãnh đạo Thành phố và các đơn vị có thể phối hợp, tổng hợp, theo dõi các chỉ tiêu phát triển tình hình kinh tế – xã hội; giám sát theo dõi việc thực hiện chỉ đạo của UBND, Thành ủy đến từng cán bộ, viên chức; giám sát tình hình giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (qua tổng đài 1022) nhằm kịp thời ra quyết định điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả, ưu điểm nổi bật trên nhiều phương diện, công tác chuyển đổi số còn một số hạn chế, như: mặc dù đã xây dựng được cổng dữ liệu mở tuy nhiên dữ liệu còn hạn chế và chỉ mới có các dữ liệu liên quan lĩnh vực y tế, giáo dục, kế hoạch đầu tư; tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, chưa thay đổi triệt để văn hóa làm việc phù hợp bối cảnh chuyển đổi số, thiếu tin tưởng và sợ thất bại khi thay đổi. Từ đó, dẫn đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thật sự dám nghĩ, dám làm và đề xuất giải pháp mang tính đột phá trong chuyển đổi số để thay đổi phương thức làm việc, cách thức phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Kiến nghị phát triển văn hóa số trong xây dựng chính quyền số tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền.

Theo đó, cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình truyền thông để thống nhất và nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, sự cần thiết xây dựng văn hóa số để xây dựng chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững. Để từ đó, cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố mạnh mẽ thay đổi thói quen, hành vi trong thực hiện chuyển đổi số, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về phát triển chính quyền số. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh là cuộc cách mạng và chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Đặc biệt, cần thống nhất tư duy và nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hìnhthành nhận thức và hành động đúng đắn trong xây dựng và phát triển chính quyền số. Chuyển đổi số trong hoạt động các cơ quan nhà nước là để phát triển chính quyền số thúc đẩy đô thị thông minh bền vững. Phát triển văn hóa số giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình triển khai thực hiện việc chuyển đổi số gắn với việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng dần tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Qua đó, giúp hình thành và phát triển những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc gắn với môi trường số.

Thứ hai, triển khai mạnh mẽ việc thực hiện “4 không” tiến tới “4 có” trong hoạt động các cơ quan nhà nước.

Để hình thành văn hóa số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước của TP. Hồ Chí Minh phải tiên phong và kiên trì thực hiện “4 không” trong hoạt động của các cơ quan nhà nước – đặc trưng của chính quyền điện tử: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Tiến tới triển khai “4 có”: toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế – xã hội để hình thành chính quyền số”. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước phải mạnh mẽ chuyển đổi văn hóa làm việc, phương thức xử lý công việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết hình thành thói quen, tác phong làm việc của văn hóa số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, một trong đặc trưng của chuyển đổi số là quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu để ra quyết định. Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố phải hình thành tác phong, phương thức làm việc mang tính kết nối, chia sẻ với nhau trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết công việc, qua đó đẩy mạnh công tác phối hợp, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, bảo đảmđồng bộ giữa các ngành, các địa phương của Thành phố cũng như với cả nước trong thực hiện các nhiệm vụ. Tiếp tục bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu mở nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu với người dân, giúp doanh nghiệp và người dân chủ động tìm kiếm, sử dụng, cập nhật dữ liệu và thông tin để phục vụ cho cuộc sống, công việc.

Thứ ba, xây dựng và phát triển văn hóa học tập liên tục và học tập suốt đời cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Để thực thi công vụ, nhiệm vụ trong một thành phố năng động, hiện đại, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hơn hết phải có nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng quản lý sự thay đổi, quản lý rủi ro, các kỹ năng quản trị hiện đại, kỹ năng làm việc trên môi trường số… Do đó, cần xây dựng và phát triển văn hóa liên tục học tập và học tập suốt đời của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có thể giải quyết tốt nhất các nhiệm vụ đặt ra theo đúng phương châm “học tập suốt đời”, “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố có thể tích lũy kiến thức mới và phát triển kỹ năng số, văn hóa hình thành chuẩn mực của văn hóa số, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số tại TP. Hồ Chí Minh.

Thứ tư, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng văn hóa số.

Quá trình thực hiện chuyển đổi số nói chung, phát triển văn hóa số nói riêng cần sự quyết tâm, nỗ lực tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. “Chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số8. Do đó, cần phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong xây dựng văn hóa số, có quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước của thành phố liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số.

Ngoài ra, cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức đổi mới,sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Từ đó, giúp khơi dậy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong mỗi cán bộ,công chức, viên chức của Thành phố khi thực thi công vụ, nhiệm vụ nhất là các nhiệm vụ gắn với chuyển đổi số. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách biểu dương, khen thưởng, động viên cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Kết luận

Việc thực hiện chuyển đổi số, trong đó tập trung xây dựng và phát triển văn hóa số là nhiệm vụ cấp thiết để TP. Hồ Chí Minh xây dựng chính quyền số đáp ứng yêu cầu quản trị thành phố văn minh, hiện đại. Thành phố cần tiên phong, đột phá trong triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển văn hóa số của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp thay đổi phương thức làm việc, cách thức quản trị, điều hành theo hướng hiện đại hơn, thông thông minh hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng đến sự phát triển bền vững.

Chú thích:
1. Nguyễn Thị Thu Vân và cộng sự. Kỹ năng xây dựng, phát triển văn hóa công vụ. Tài liệu bồi dưỡng đối với lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương, 2022, tr. 296.
2. Nguyễn Thị Kim Chi và Phạm Hoàng Giang. Xây dựng và phát triển văn hóa số trong khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia: quản trị nhân lực khu vực công ở Việt Nam trong bối cảnh mới, 2021, tr. 577
3. Bộ Thông tin và Truyền thông. Cẩm nang chuyển đổi số. Hà Nội, 2020.
4, 5. Capgemini (2017), The Digital Culture Challenge: Closing the Employee-Leadership Gap, p2.
6. Thành phố Hồ Chí Minh giữ vị trí cao nhiều chỉ số chuyển đổi số. https://tphcm.chinhphu.vn, ngày 18/7/2023.
7. Cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tạo thành công cho chuyển đổi số TP.Hồ Chí Minh. https://newsletter.ictvietnam.vn, truy cập ngày 20/11/2023.
8. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số. https://mic.gov.vn, ngày 21/7/2022.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
2. Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Quyết định số 1847/QĐ- TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án văn hóa công vụ.
4. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
5. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
6. Quyết định số 1191/QĐ-UBND ngày 07/4/2021 của UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cải cách hành chính và giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 2025.
7. Quyết định số 2393/QĐ-TTg ngày 03/7/2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh.
8. Phong cách làm việc của công chức thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số, https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 05/10/2023.