Sử dụng công chức gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

TS. Ngô Văn Trân
Học viện Hành chính Quốc gia
ThS. Đào Bích Hạnh
Trường Đại học Quy Nhơn
(Quanlynhanuoc.vn) – Chính quyền xã là cấp chính quyền gần dân nhất, giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác quản lý phát triển xã hội ở địa phương. Việc xây dựng, sử dụng đội ngũ công chức cấp xã ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng thực thi công vụ, phục vụ Nhân dân và quản lý nhà nước trong bối cảnh cải cách hành chính gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Ảnh minh họa (ịnternet).
Đặt vấn đề

Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có vị trí, vai trò rất quan trọng. Đây là đơn vị hành chính trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các công việc hằng ngày của Nhân dân, là cầu nối giữa chính quyền với Nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm cho chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai thực hiện, đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở phụ thuộc vào việc sử dụng đội ngũ công chức cấp xã. Họ có vai trò quan trọng trong tổ chức các công việc của chính quyền cơ sở, giải thích các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân với Đảng và Nhà nước để có sự điều chỉnh, bổ sung chính sách kịp thời, phù hợp với thực tiễn và lòng dân. Vì vậy, việc chú trọng xây dựng đội ngũ công chức cấp xã đủ điều kiện tiêu chuẩn, kiến thức, kỹ năng, đạo đức, phương pháp làm việc thông qua sử dụng đội ngũ này quyết định hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Theo khoa học quản lý, sử dụng công chức nói chung là chức năng của quản lý nhà nước, “là sự sắp xếp cán bộ, công chức theo tiêu chuẩn chức danh; tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức hành chính, tổ chức hệ thống công việc theo số lượng định biên thích hợp”1, bảo đảm đội ngũ công chức có thể đáp ứng việc thực thi các nhiệm vụ công vụ. Sử dụng công chức dựa trên các yêu cầu của vị trí việc làm trong nền công vụ và khả năng đáp ứng của người lao động, “gồm nhiều khâu từ bố trí, sắp xếp, quyết định và giải quyết chế độ đãi ngộ…”2. Như vậy, sử dụng công chức cấp xã là hoạt động nhằm bố trí, sắp xếp công chức cấp xã phù hợp với vị trí việc làm, nhu cầu sử dụng của các tổ chức hành chính nhà nước cấp xã.

Trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, một số tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã chú trọng việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn liền với việc sử dụng công chức cấp xã phù hợp, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.

Thực trạng sử dụng công chức cấp xã ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Việc sử dụng, bố trí, sắp xếp công chức cấp xã gắn với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã khác nhau giữa các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bài viết phân tích kết quả tuyển dụng, bố trí công chức cấp xã của 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể:

Tỉnh Thừa Thiên Huế: đã sắp xếp 14 xã thành 7 xã, trong đó có 10 xã miền núi, trung du thành 5 xã. Theo nguyên tắc, các đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp nhân sự theo khung định mức Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đối với những đơn vị hành chính mới có số lượng công chức cấp xã nhiều hơn quy định, nguyên tắc bố trí là điều chuyển đúng vị trí việc làm, số tăng thêm nhưng không được vượt quá số lượng hiện có sau khi sáp nhập hoặc điều động, bố trí ở xã khác, điều động lên cấp huyện, tỉnh hoặc thực hiện tinh giản biên chế, thôi việc.

Qua sắp xếp, công chức cấp xã ở các xã mới ở tỉnh Thừa Thiên Huế có số lượng dôi dư khá lớn. Số dôi dư này đã được sát hạch, điều động về các cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh hoặc bố trí ở xã khác là 32 người, tinh giản biên chế: 31 người, nghỉ hưu: 14 người. Tuy nhiên, số lượng công chức đến ngày 31/12/2021 chưa bố trí là 54 người, cá biệt huyện A Lưới dôi dư 42 công chức3. Hiện nay, số công chức chuyên môn bình quân một vị trí từ 3 – 4 người, có vị trí dôi dư gấp 3 lần định mức.

Việc dôi dư, chưa bố trí được công chức cấp xã có nhiều nguyên nhân. Nhưng cơ bản  nhất là do bị tác động cùng lúc từ nhiều chủ trương liên quan đến tinh giản biên chế. Đó là vừa sáp nhập các xã theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 2021 thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, vừa thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Thông tư số 13/2019/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm các xã đều giảm 02 định mức cán bộ, công chức. Mặt khác, tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo đến ngày 31/12/2021 phải bố trí xong công chức dôi dư, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thời hiệu sắp xếp trong 5 năm dẫn đến việc các địa phương gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Để bảo đảm hiệu quả sử dụng công chức cấp xã, tỉnh chú trọng từng bước giải quyết chính sách cho công chức chịu tác động từ quy định mới. Trên cơ sở Nghị định số 113/2018/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, qua đó, có chính sách hỗ trợ riêng cho công chức cấp xã tương đối kịp thời. Các xã của thị xã Hương Trà, huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang giải quyết chế độ ngay cho các đối tượng khi có quyết định dôi dư, tinh giản biên chế.

Tỉnh Quảng Nam: từ khi thực hiện Nghị quyết số 863/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Nam,đến hết năm 2021, tỉnh Quảng Nam giảm được từ 244 xuống còn 241 xã, phường, thị trấn4. Đến năm 2022, biên chế công chức cấp xã giảm so với số lượng thực tế năm 2021 căn cứ nhu cầu sử dụng công chức theo vị trí việc và không vượt quá số lượng Bộ Nội vụ giao hằng năm. Tuy nhiên, do chủ trương tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính đến năm 2026 vẫn đặt ra yêu cầu mới cho sử dụng công chức cấp xã, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 218/KH/TU ngày 18/11/2022 về tinh giản biên chế và sử dụng biên chế giai đoạn 2022 – 2026, theo đó, đề ra lộ trình tinh giản 5% biên chế công chức cấp xã đến năm 2026.

Tỉnh Quảng Ngãi: căn cứ Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 21/05/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 05/09/2019 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019 – 2021 và xây dựng chính quyền một cấp huyện đảo Lý Sơn. Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi đã sắp xếp 11 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng cán bộ, công chức trước khi thực hiện sắp xếp là 333 người, đã bố trí được 265 người. Sau khi giải thể 3 đơn vị cấp xã ở huyện Lý Sơn, đã chuyển 18 công chức về cấp huyện, giải quyết chế độ chính sách cho 5 người.

Để chấp hành nghiêm Quyết định số 59-QĐ/BTCTW ngày 28/09/2022 về biên chế của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022 – 2026, tỉnh cần tiếp tục tinh giản ít nhất 5% biên chế gắn với nhu cầu thực tế bố trí sử dụng công chức cấp xã do quá trình điều chỉnh đơn vị hành chính; đôn đốc các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Trà Bồng, Lý Sơn thực hiện bố trí công chức cấp xã đúng quy định trong thời hạn 60 tháng kể từ ngày sáp nhập (ngày 01/02/2020), chuẩn bị cho sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2030.

Tỉnh Bình Định: có 159 đơn vị hành chính cấp xã đều không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Bình Định, do đó, hoạt động sử dụng công chức cấp xã căn cứ vào kế hoạch về việc quản lý, sử dụng biên chế của UBND tỉnh theo vị trí việc làm. So với tổng biên chế được giao năm 2022 là 1.600 thì tỉnh Bình Định thực tế đã cân đối để bố trí, sử dụng 1.455 công chức cấp xã. Những trường hợp đã tinh giản đều thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định.

Ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND về việc quản lý, sử dụng biên chế của tỉnh giai đoạn 2022 – 2026, hướng mục tiêu tinh giản 5% biên chế công chức theo Quyết định số 60-QĐ/BTCTW ngày 28/09/2022 về biên chế của tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 – 2026. Tính đến hết năm 2022, tỉnh đã hoàn thành kê khai, cập nhật thông tin công chức cấp xã, kết nối, chia sẻ, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nội vụ quản lý. Đây là cơ sở thống kê để việc sử dụng công chức cấp xã đi vào đồng bộ, tạo cơ sở kiểm soát số lượng, chất lượng công chức cấp xã, phục vụ công tác rà soát, xây dựng lại phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở Bình Định giai đoạn 2023 – 2025.

Hoạt động sử dụng công chức cấp xã ở một số tỉnh miền Trung cơ bản căn cứ vào nhu cầu sử dụng công chức cấp xã theo vị trí việc làm và bám sát lộ trình thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/05/2019 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 nhằm tạo cơ sở cho công tác tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính.

Hiện nay, khung số lượng công chức cấp xã các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã được xây dựng theo quy định Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố 3. Số liệu mô tả thực trạng thể hiện trong ở bảng 1.

Qua số liệu thống kê cho thấy, để thực hiện đúng quy định pháp lý về biên chế công chức cấp xã tương ứng với phân loại đơn vị hành chính tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, một số tỉnh trên địa bàn buộc phải nghiên cứu thực hiện tinh giản biên chế với tỷ lệ phù hợp. Đối chiếu trong cùng kỳ 2016 – 2022, tỉnh Quảng Nam có mức tinh giản biên chế công chức cấp xã cao nhất, chứng tỏ việc bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức cấp xã của Quảng Nam trước đây bố trí khá đủ số lượng công chức theo định mức, ít đơn vị để lại dự phòng nên khi sắp xếp lại dôi dư lớn, khó sắp xếp khi bị tác động mạnh bởi các quy định mới. Tỉnh Bình Định có tỷ lệ tinh giản biên chế thấp vì thực tế hầu hết đơn vị hành chính ở địa phương này đã đạt chuẩn, không bị tác động bởi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã nên công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp không đáng kể. Tỉnh Thừa Thiên Huế dôi dư nhiều trong diện các xã bị sắp xếp, nhưng do địa phương này có số lượng dự phòng lớn nên trên tổng thể toàn tỉnh, số lượng biến động không nhiều.

Nhìn chung, hoạt động sử dụng công chức cấp xã ở một số tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cơ bản đi vào nề nếp, căn cứ vị trí việc làm, vào lộ trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và thực tiễn nhu cầu của địa phương. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là một số tỉnh trong khu vực nghiên cứu chưa rà soát, điều chỉnh kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cho giai đoạn 2023 -2030, chưa hoàn thành đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu công chức nên gây khó khăn cho sử dụng công chức cấp xã vì khó tính toán được chính xác số lượng, cơ cấu cần thiết theo vị trí việc làm. Mặt khác, mục tiêu tinh giản biên chế gây áp lực lên bố trí, sử dụng công chức vì thực tế đến hết năm 2022 vẫn còn một tỷ lệ công chức cấp xã bị dôi dư chưa sắp xếp được, tính thành lũy kế cho giai đoạn 2023 – 2026.

Đối với sự đồng thuận của đối tượng công chức cấp xã trong quá trình sử dụng gắn với sắp xếp đơn vị hành chính, qua điều tra xã hội học 417 công chức cấp xã thuộc một số tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kết quả cho thấy, về “việc bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với vị trí việc làm; bảo đảm các điều kiện cần thiết để công chức thực hiện tốt nhiệm vụ” đã hội đủ 5 mức ý kiến đánh giá trong thang đo Likert 5 bậc (xem biểu đồ 1).

Từ biểu đồ 1 cho thấy, có 78,2% công chức cấp xã chọn mức “hoàn toàn đồng ý”, 12,9% chọn mức “đồng ý”; có 6,0% ý kiến trung lập. Như vậy, hơn 97% công chức cấp xã được khảo sát đánh giá từ trung bình trở lên đối với hoạt động phân công nhiệm vụ và bảo đảm điều kiện làm việc cho công chức cấp xã. Có thể giải thích con số thống kê như trên từ quy định pháp luật hiện hành về vị trí việc làm công chức. Các cơ quan sử dụng công chức cấp xã bắt buộc phải bố trí công chức cấp xãtheo vị trí việc làm. Tuy nhiên, còn 1,9% ý kiến “không đồng ý” và 1% ý kiến “hoàn toàn không đồng ý” đã phản ánh thực tế điều kiện làm việc ở cấp xã ở một số địa phương còn chưa bảo đảm. Một bộ phận công chức cấp xã đang thuộc diện chờ sắp xếp, tạm thời được phân công các công việc chưa hoàn toàn phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng nên chọn mức “không đồng ý” và “hoàn toàn không đồng ý”.

Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, chưa được khắc phục triệt để, nhất là tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp lại. Tuy mức đánh giá thấp về hoạt động phân công nhiệm vụ và bảo đảm điều kiện làm việc cho công chức cấp xã chiếm tỷ lệ không cao trong tương quan với các mức điểm khác nhưng cũng đã cho thấy sự lúng túng, chưa thực sự hợp lý trong sử dụng công chức cấp xã ở địa phương; điều kiện làm việc của công chức cấp xã đã cải thiện nhưng còn chậm.

Một số khuyến nghị

Hoạt động sử dụng công chức cấp xã cần được tối ưu hóa để phục vụ có hiệu quả cho quá trình phát triển đội ngũ công chức cấp xã của vùng với những khuyến nghị sau:

Một là, sử dụng công chức cấp xã cần tính đến xu hướng cơ cấu, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo chủ trương chung của Nhà nước và thực tiễn sắp xếp lại theo mức độ đạt được các tiêu chuẩn quy định của từng địa phương. Với đặc thù các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều có số lượng các huyện miền núi đáng kể, địa bàn phân tán nên có nhiều xã thuộc diện sáp nhập, sắp xếp trong giai đoạn 2023 – 2030. Vì vậy, đối với các xã thuộc diện phải sắp xếp, cơ quan quản lý công chức cấp xã cần có sự dự báo trước nhu cầu sử dụng công chức cấp xã từ đầu kỳ ngay trong khâu xây dựng kế hoạch để tạo căn cứ bố trí công chức cấp xã cho phù hợp. Mặt khác, cần có chủ trương tạm dừng tuyển dụng công chức cấp xã đối với các xã thuộc diện sắp xếp và vùng phụ cận nhằm có dự phòng vị trí việc làm, tạo sự thuận lợi cho việc bố trí công chức cấp xã dôi dư do quátrình sắp xếp mang lại và thuận lợi xử lý trong sử dụng công chức khi việc sắp xếp trên thực tế.

Hai là, các tỉnh cần tập trung giải quyết, sắp xếp dứt điểm số lượng công chức cấp xã đang dôi dư do sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021 nhằm tăng thêm sự thuận lợi trong tuyên truyền, vận động thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Mặt khác, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho lực lượng công chức cấp xã bị dôi dư, phải thôi việc. Đây là một trong những giải pháp căn cơ, cốt lõi tạo sự đồng thuận cao với đối tượng bị tác động.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã. Các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần tăng cường thực hiện công tác tuyển dụng công khai, chất lượng gắn với sử dụng, bổ nhiệm, cơ cấu công chức để lựa chọn đúng người có phẩm chất, trình độ, năng lực đúng vị trí việc làm. Tiếp tục xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này, trước hết là đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên nghiệp hóa trách nhiệm công vụ, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong đó chú trọng hệ thống kỹ năng, quy trình thực thi chính sách; kỹ năng vận động, phối hợp, giải trình; ý thức, thái độ phục vụ trong công vụ. Coi trọng việc nâng cao trình độ công chức cấp xã ngay tại nơi làm việc, thông qua công việc như cử công chức giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm kèm cặp, huấn luyện công chức trẻ. Theo đó, sắp xếp lại đội ngũ công chức cấp xã theo vị trí việc làm, bảo đảm đúng người, đúng vị trí. Mặt khác, cần chú ý thực hiện công tác đánh giá, tạo động lực làm việc một cách thường xuyên, có định lượng; đánh giá cán bộ phải trên quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Có như thế, công chức cấp xã mới nỗ lực tự chuẩn hóa, hoàn thành nhiệm vụ được giao có hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động sử dụng công chức của vùng, địa phương.

Bốn là, cần chú trọng công tác thống kê, rà soát thực trạng công chức cấp xã theo định kỳ. Sử dụng công chức cấp xã cần căn cứ trước hết vào thực trạng đội ngũ công chức cấp xã của địa phương. Hiện nay, sử dụng công chức cấp xã phải căn cứ vào vị trí việc làm, gắn với nhu cầu sử dụng của địa phương nên nếu không làm rõ thực trạng công chức cấp xã hiện có thì sẽ không phát hiện ra các vấn đề trong cơ cấu, chất lượng công chức cấp xã, làm giảm hiệu quả sử dụng công chức cấp xã, thiếu căn cứ dự báo phương án sử dụng công chức cấp xã trong thời gian tới. Ngoài ra, nắm vững thực trạng công chức cấp xã còn giúp địa phương dự toán hợp lý kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đối với công chức.

Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý công việc. Trong bối cảnh thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, một trong những yêu cầu cấp thiết của công chức cấp xã là có khả năng tác nghiệp trong môi trường công nghệ, môi trường số. Hơn nữa trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, địa bàn cấp xã sẽ rộng hơn, dân số nhiều hơn, phức tạp và đa dạng hơn, trong lúc đó nguồn nhân lực sẽ giảm đi một nữa. Điều đó đòi hỏi chính quyền các cấp nắm rõ nguồn nhân lực hiện có, mức độ phù hợp của nguồn nhân lực ấy với yêu cầu của các vị trí việc làm trong hoạt động, điều hành thông qua mô hình chính quyền điện tử, áp dụng các giải pháp số hóa trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Điều đó cũng là yêu cầu mới, cần thiết, đòi hỏi công chức cấp xã phải thành thục hoạt động quản lý chuyên môn trong môi trường số. Từ đó, đặt ra đối với chính quyền các cấp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chú trọng nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp chuyên môn của đội ngũ này, qua đó, nâng cao năng lực, hiệu quả trong phục vụ, tổ chức hoạt động, vận hành bộ máy hành chính địa phương đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính trong giai đoạn mới.

Chú thích:
1. Học viện Hành chính Quốc gia. Hành chính công. H. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2006, tr. 65.
2. Đặng Xuân Hoan. Mô hình kiểm định chất lượng đầu vào công chức của một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 13.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo tổng kết việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021.
4. Nghị quyết s 863/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Nam.
5. Nghị quyết s 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
2. Cơ cấu cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tại Việt Nam: thực trạng và những vấn đề đặt ra. https://tuyengiao.vn, ngày 10/4/2019.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. https://www.quanlynhanuoc.vn, ngày 28/10/2022.
4. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về công chức cấp xã ở Việt Nam.https://tcnn.vn, ngày 16/7/2019.
5. Tiếp tục hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức cấp xã. https://tcnn.vn, ngày 15/9/2022.