Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số

Trung úy, ThS. Nguyễn Huyền Anh
Thiếu tá, ThS Nguyễn Tú Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường Quân đội có vai trò rất quan trọng nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và niềm tin cộng sản chủ nghĩa, xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho các đối tượng học viên. Do đó, việc quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên các môn khoa học xã hội và nhân văn, trong đó đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm trong tình hình hiện nay.
Ảnh minh hoạ: lyluanchinhtri.vn.
Đặt vấn đề

Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số là hoạt động tích cực, chủ động của lãnh đạo, chỉ huy khoa, cơ quan đào tạo, khảo thí và đội ngũ giảng viên trẻ nhằm thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quá trình chuyển đổi số ở các nhà trường quân đội đang diễn ra mạnh mẽ, liên tục, thường xuyên ở các mặt hoạt động công tác, nhất là hoạt động giáo dục, đào tạo của giảng viên nói chung và giảng viên trẻ nói riêng, cần phải linh hoạt, sáng tạo trong tiếp nhận và chuyển hoá những kiến thức đã được lĩnh hội vào thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn. Năng lực thực hành chuyển đổi số các môn khoa học xã hội và nhân văn của đội ngũ giảng viên trẻ được nâng lên, góp phần thúc đẩy quá trình lĩnh hội tri thức của người học được thuận tiễn, dễ dàng hơn; ngược lại, năng lực thực hành chuyển đổi số hạn chế, chưa thích ứng với công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo, đến việc đổi mới dạy và học các môn khoa học xã hội và nhân văn.

Vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng các cấp đã thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ này không ngừng lớn mạnh. Đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường từng bước được bổ sung về số lượng, chất lượng ngày càng cao, nhiều đồng chí có học hàm, học vị, tâm huyết, trách nhiệm tốt với việc nghiên cứu, giảng dạy, được học viên tín nhiệm, kính trọng, đánh giá cao, được đồng nghiệp tin tưởng.

Chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở các nhà trường có chuyển biến tốt, qua đó góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học xã hội và nhân văn, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và đấu tranh khắc phục nhận thức lệch lạc, chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với nước ta trên các lĩnh vực nói chung, giáo dục và đào tạo nói riêng, trong đó có hoạt động giáo dục, đào tạo ở các nhà trường quân đội. Thông qua chuyển đổi số đã tạo thành nguồn tài nguyên khoa học đa dạng, phong phú, quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời nâng cao chất lượng học tập của các đối tượng học viên.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học các môn khoa học xã hội và nhân văn tại các nhà trường quân đội. Điều này được biểu hiện rõ nét nhất là việc một số giảng viên nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ, kỹ năng khai thác, sử dụng “tài nguyên số” chưa thật sự hiệu quả. Một số giảng viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên trong tiếp cận, xử lý các thông tin thu thập trên không gian mạng để biên soạn bài giảng chưa có sự chọn lọc kỹ lưỡng từ các nguồn chính thống; cùng với đó, trước yêu cầu sử dụng phương tiện công nghệ như một phương tiện quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động giảng dạy đã làm cho một số giảng viên có khuynh hướng ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, nhiều kỹ năng và phương pháp giảng dạy truyền thống không được vận dụng nhuần nhuyễn. Điều này đã làm cho việc truyền tải cảm hứng, lý tưởng chính trị thông qua các bài giảng khoa học xã hội và nhân văn chưa được chú trọng một cách thỏa đáng.

Nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội trong bối cảnh chuyển đổi số

Để bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội thích ứng với yêu cầu của tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, các chủ thể lãnh đạo, quản lý và mỗi giảng viên trẻ tại các học viện, nhà trường cần quan tâm tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, khoa giáo viên và bản thân mỗi giảng viên trẻ trong nâng cao năng lực giảng dạy.

Trước tác động của việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, đòi hỏi phải thường xuyên giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, khoa giáo viên và bản thân mỗi giảng viên trẻ trong việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp nâng cao tính tích cực, chủ động của giảng viên trẻ phấn đấu vươn lên nắm chắc các tri thức khoa học, công nghệ để hình thành năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề đặt ra trong hoạt động lao động sư phạm của mình.

Các cơ quan, khoa giáo viên cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy nhiệt huyết, tinh thần ham học tập trong đội ngũ giảng viên trẻ. Đặc biệt, cấp ủy, chỉ huy các khoa khoa học xã hội và nhân văn cùng cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức quán triệt đến mỗi giảng viên nhận thức sâu sắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Quyết định số 737/QĐ-BQP ngày 13/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; quyết định và kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo… Đây chính là điều kiện, tiền đề nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong các nhà trường quân đội vận dụng, nâng cao năng lực giảng dạy trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác bồi dưỡng năng lực giảng dạy cho đội ngũ giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Cấp ủy và người chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc cập nhật, quán triệt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác giáo dục tri thức khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội để mỗi giảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng, thời cơ và khó khăn, thách thức của công tác giảng dạy các môn học này trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay.

Các cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là các khoa giáo viên và từng bộ môn cần duy trì có hiệu quả nền nếp hoạt động dự giờ, thông qua bài giảng nhằm giúp đỡ, bồi dưỡng cho giảng viên trẻ năng lực làm chủ các bài giảng điện tử, sử dụng thành thục những phần mềm dạy học một cách khoa học nhất, hiệu quả nhất; có phương pháp tiếp cận, khai thác nguồn thông tin đã được số hóa, thông tin từ các trang mạng xã hội, internet, mạng misten dùng chung để cập nhật, làm giàu tri thức về các vấn đề mới của thực tiễn xã hội, quân đội nhằm phục vụ nâng cao tính hấp dẫn của bài giảng; khắc phục hiện tượng lý luận xa rời thực tiễn, lạc hậu so với thực tiễn. Chủ động tạo nguồn, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cử giảng viên đi thực tế, tham dự các lớp tập huấn về kỹ năng làm chủ công nghệ, giao lưu, học tập phương pháp dạy học cho đội ngũ giảng viên.

Ba là, nêu cao tính tích cực, chủ động của giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng dạy.

Sự nỗ lực chủ quan của mỗi giảng viên trẻ, nhất là ý thức tự giác, tính tích cực, chủ động vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đặt ra mục tiêu phấn đấu, yêu cầu cao đối với giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn trong học tập, rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy, tư thế, tác phong, nhân cách, chuẩn mực của nhà giáo quân đội, nắm vững tri thức chuyên ngành và liên ngành, thường xuyên cập nhập, thu thập thông tin mới để bổ sung, làm phong phú bài giảng.

Kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng của tổ chức với tự bồi dưỡng rèn luyện của cá nhân giảng viên. Mỗi giảng viên trẻ phải nỗ lực không ngừng trong học tập, nghiên cứu làm chủ tri thức khoa học, có kỹ năng phương pháp sư phạm tốt, sử dụng thông thạo ngoại ngữ, tin học để tiếp cận, khai thác tối ưu nguồn tài liệu đã được số hóa nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Bốn là, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, ngày càng hiện đại; thực hiện tốt các mặt công tác, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ giảng viên.

Đây là yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong chuyển đổi số và nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Theo đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như phòng làm việc, sinh hoạt chung, hệ thống thư viện số, giảng đường, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin, các phương tiện thông minh phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, từ đó tạo môi trường thuận lợi để giảng viên trẻ gắn bó, tâm huyết với nghề không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thực hiện đồng bộ các mặt công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, thi đua khen thưởng, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của giảng viên sẽ tạo động lực thôi thúc giảng viên trẻ không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Xây dựng môi trường văn hóa sư phạm tốt đẹp, lành mạnh, dân chủ, công bằng, bình đẳng ở các khoa giáo viên nói riêng và trong mỗi nhà trường nói chung, tạo ra điều kiện lý tưởng để mỗi giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn tích cực học hỏi kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng giảng dạy và giúp họ tự tin trình bày nguyện vọng, đề xuất ý tưởng, phương pháp dạy học hiệu quả, cũng như phát huy sức sáng tạo trong quá trình dạy học.

Kết luận

Những tác động của chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến công tác giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn của giảng viên trẻ ở các học viện, nhà trường quân đội là rất đa dạng và diễn ra trên nhiều phương diện. Việc nhận thức đầy đủ sự tác động này và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ các môn khoa học xã hội và nhân văn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo của quân đội hiện nay là hết sức cần thiết; bảo đảm cho mỗi giảng viên có đủ năng lực khai thác nguồn tài nguyên số, ứng dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ hiện đại vào nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2023.
3. Nguyễn Đắc Hưng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam. H. NXB Quân đội nhân dân, 2017.