Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội

ThS. Hoàng Thị Kim Liên
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
(Quanlynhanuoc.vn) – Đạo đức, lối sống thuộc hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội và do tồn tại xã hội quyết định. Tác động của mạng xã hội cùng với quá trình giao lưu hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực hiện nay đã làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của sinh viên ở cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Trên cơ sở phân tích tác động của mạng xã hội đến đạo đức, lối sống của sinh viên, làm rõ nguyên nhân và một số vấn đề đặt ra. Bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên hiện nay.
Ảnh minh họa (thanhnien.vn).
Đặt vấn đề

Sinh viên là một bộ phận ưu tú của thanh niên Việt Nam, đóng vai trò quan trọng kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới, với những tác động cả tích cực và tiêu cực từ mạng xã hội đến đạo đức, lối sống của sinh viên, ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập, rèn luyện và phát triển nhân cách của sinh viên. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ”1. Do đó, giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trước tác động của mạng xã hội hiện nay là yêu cầu tiên quyết.

Tác động của mạng xã hội đến đạo đức, lối sống của sinh viên hiện nay

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định mạng xã hội (Social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat), chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Mạng xã hội đang là một công cụ đắc lực vừa phục vụ hiệu quả cho việc học tập của sinh viên, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, kết nối, giao tiếp xã hội,… do đó, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một thói quen, thậm chí là nhu cầu không thể thiếu đối với sinh viên hiện nay. Tuy nhiên, những tác động chưa được kiểm soát từ mạng xã hội đến đạo đức, lối sống của sinh viên đã trở thành nguy cơ lớn, đe dọa trực tiếp đến quá trình học tập, rèn luyện và phát triển nhân cách của sinh viên. Có thể khái quát một số tác động sau:

(1) Tác động tích cực:

Một là, mạng xã hội góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ nhận thức và rèn luyện tính chủ động, tích cực trong học tập, rèn luyện của sinh viên.

Mạng xã hội là kho tư liệu chứa đựng nhiều kiến thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu học tập, trao đổi thông tin, nắm bắt được xu thế phát triển tri thức mới, nâng cao hiểu biết. Do đó, mạng xã hội trở thành công cụ rất cần thiết phục vụ nhu cầu học tập chủ động, rèn luyện, nâng cao trình độ và kỹ năng cho sinh viên nhất là trong giai đoạn “chuyển đổi số” của đất nước đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Hai là, mạng xã hội góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển các mối quan hệ xã hội, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận, học hỏi, giao lưu với nhiều tấm gương người tốt, việc tốt góp phần hoàn thiện nhân cách bản thân.

Mạng xã hội là không gian lý tưởng để truyền tải những thông tin, những phong trào thiện nguyện, những tấm gương tiêu biểu rất nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả, ít tốn chi phí nhưng có sức lan tỏa rộng lớn. Vì vậy, nhiều phong trào, nhiều tấm gương tốt đã chủ động tận dụng mạng xã hội để tập hợp các nguồn lực (nhân lực, vật lực) và tạo được sự hưởng ứng, sức mạnh của cộng đồng, sinh viên đã tạo ra nhiều mô hình, xu hướng sống, cách làm sáng tạo, những phong trào có sức sống và lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường và xã hội.

Ba là, mạng xã hội góp phần quan trọng đối với sinh viên trong việc thể hiện năng lực.

Sinh viên tận dụng mạng xã hội để thể hiện cá tính, khẳng định cá nhân, đồng thời, mạng xã hội cũng tạo điều kiện để sinh viên thể hiện sở trường, tài năng và sức sáng tạo của mình trong học tập, trong nghệ thuật. Cùng với đó, mạng xã hội còn là một công cụ đắc lực, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình lập thân, lập nghiệp của sinh viên. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh doanh qua mạng xã hội sẽ tiếp tục trở thành xu thế mạnh mẽ ở Việt Nam và trên thế giới. Điều này mở ra cơ hội cho giới trẻ, đặc biệt là sinh viên có thể khởi nghiệp thành công ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

(2) Tác động tiêu cực:

Một là, mạng xã hội làm tăng nguy cơ về sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của sinh viên, làm xói mòn giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.

Mạng xã hội chính là môi trường để các thông tin sai trái, đi ngược lại với đạo lý, thuần phong mỹ tộc của dân tộc ta có cơ hội thâm nhập vào đời sống xã hội, tác động xấu đến đạo đức, lối sống của các cá nhân, nhất là thế hệ trẻ. Những lối sống “lệch chuẩn”, bạo lực được cổ vũ, tuyên truyền biến thành những trào lưu phổ biến trên mạng xã hội tạo ra những nguy cơ dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của sinh viên.

Hai là, mạng xã hội làm tăng nguy cơ sinh viên mất nhiều thời gian cho những giá trị “ảo”, dẫn đến xao nhãng trong học tập, rèn luyện, hạn chế tư duy sáng tạo.

Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều sẽ gây ra hội chứng “nghiện mạng xã hội”, thậm chí, “một bộ phận thanh niên đã rơi vào tình trạng thái quá, có biểu hiện bị lệ thuộc, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, học tập”2. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào mạng xã hội và những tri thức có sẵn khiến cho sinh viên có xu hướng lười tư duy, lười trong nghiên cứu, tìm tòi các kiến thức, tri thức mới nên kiến thức tiếp thu sẽ hời hợt, thiếu chiều sâu, thậm chí nhiều thông tin sai trái, phản giá trị, có quan điểm chính trị – xã hội lệch lạc cũng được tiếp thu một cách “vô thức” dẫn đến sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đạo đức, lối sống xa rời với giá trị văn hóa của dân tộc.

Ba là, mạng xã hội làm gia tăng lối sống vô cảm, thờ ơ, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân quên đi lợi ích tập thể, của cộng đồng.

Trên thực tế, mạng xã hội đã làm một bộ phận thanh, thiếu niên đang có chiều hướng giảm thiểu giao tiếp với mọi người ngoài đời thực, thờ ơ với những người thân, bạn bè xung quanh mình, dẫn đến việc có thể làm rạn nứt các mối quan hệ3. Càng chìm vào thế giới “ảo”, về lâu dài ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ ngoài đời thật, thậm chí tự cô lập mình trong cuộc sống hiện tại, bị mọi người thờ ơ lạnh nhạt, Brian A. Primack cho rằng: “mọi sự gia tăng trong việc sử dụng mạng xã hội đều đi kèm với sự gia tăng hiện tượng trầm cảm,…như chứng lo âu, cảm giác không được hỗ trợ về mặt tinh thần và thậm chí là sự cô lập xã hội”4. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lối sống vô cảm, thờ ơ. Hệ quả của lối sống trên là con đường để sự tử tế và nhân văn trong mỗi con người dần cạn kiệt, làm lung lay nền tảng văn hóa, đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Nguyên nhân tác động

Về nguyên nhân khách quan

(1) Mạng xã hội mở ra “một chân trời mới” cho việc làm giàu tri thức và mở rộng các mối quan hệ xã hội, tạo cơ hội phát triển cho mọi người mà các xã hội trước đây không thể có được.

(2) Mạng xã hội ẩn chứa nhiều thông tin tiêu cực, thiếu kiểm chứng và những sản phẩm văn hóa độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tình cảm, đạo đức, lối sống của sinh viên.

(3) Khi tham gia và phát tán những thông tin tiêu cực, những sản phẩm văn hóa độc hại, người dùng có thể “ẩn danh”, hoặc những thông tin được phát tán có máy chủ ở nước ngoài làm cho việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn

Nguyên nhân chủ quan

(1) Ngày càng có nhiều hành động phản văn hóa, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội được“ tung hô” ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống xã hội và của sinh viên.

(2) Năng lực của các chủ thể quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng xã hội.

(3) Tình trạng xuống cấp về mặt đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là cơ hội để các thế lực thù địch có lý do xuyên tạc và “thổi phồng” những khuyết điểm làm ảnh hưởng đến niềm tin, lý tưởng, hoài bão của một bộ phận sinh viên.

Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất sự phát triển của mạng xã hội với tính năng kết nối không phân biệt không gian và thời gian, lứa tuổi, giới tính, ngôn ngữ, văn hóa… gây ra những khó khăn cho công tác quản lý.

Trên môi trường mạng xã hội hiện nay, ngày càng nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, vu khống, bịa đặt, sai trái, thù địch, thông tin xấu độc được phát tán. Chính phủ Việt Nam tại hội nghị triển khai công tác hằng năm đều nhận định và đánh giá: Nhiều thông tin không chính thống trên mạng xã hội đã làm nhiễu loạn, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chỉ đạo, điều hành. Nhiều người rất hoang mang bởi khó để phân biệt được đâu là tin thật, đâu là tin giả do các thế lực có động cơ xấu tạo dựng nên. Không ít thông tin bịa đặt, vu khống, sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, quản lý, gây hoang mang và bất bình trong dư luận xã hội…5. Những vấn đề này gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nói chung và tại các nhà trường nói riêng.

Thứ hai, về phát huy vai trò, năng lực phản biện của của sinh viên đối với những hiện tượng tiêu cực về đạo đức, lối sống trên mạng xã hội còn hạn chế.

Theo một kết quả, có đến 61,2% thanh thiếu niên cho rằng không phải lúc nào cũng sẵn sàng đấu tranh cho quan điểm của mình đến cùng6. Với biểu hiện của lối sống đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò chủ động của sinh viên trong đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trên môi trường mạng xã hội.

Giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội

Một là, phát huy vai trò của các nhà trường nhằm tận dụng tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đạo đức, lối sống của sinh viên.

Trước hết, các nhà trường (ban giám hiệu) cần hoàn thiện mục tiêu xây dựng đạo đức, lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội trên các lĩnh vực, nhất là trong học tập, rèn luyện. Trên cơ sở đó, thông qua các hướng dẫn, chỉ thị, nghị quyết ban giám hiệu hướng dẫn các phòng ban, khoa giáo viên, đoàn thanh niên cụ thể hóa mục tiêu xây dựng đạo đức, lối sống của sinh viên trước tác động của mạng xã hội vào nội dung rèn luyện, giảng dạy, học tập.

Bằng các hình thức và biện pháp khác nhau, các nhà trường cần chủ động trong tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức của sinh viên về tình hình an ninh, diễn biến tội phạm, nhất là tội phạm qua internet, mạng xã hội và định hướng cho sinh viên các kỹ năng nhận diện, phòng tránh… đồng thời, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng và những biểu hiện lệch lạc trong đạo đức, lối sống của sinh viên do bị “tiêm nhiễm” bởi những thông tin lệch chuẩn trên môi trường mạng.

Hai là, phát huy vai trò của sinh viên với tư cách là chủ thể nhận thức về tác động hai mặt của mạng xã hội đến đạo đức, lối sống, từ đó, đề cao trách nhiệm học tập, phấn đấu rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của bản thân.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng quyết định đến chất lượng, hiệu quả trong phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đạo đức, lối sống sinh viên. Cơ sở của giải pháp này xuất phát từ mối quan hệ giữa nhận thức với hoạt động cải tạo thế giới khách quan của con người. Thực chất của việc tự nâng cao nhận thức là quá trình sinh viên chủ động học tập, bổ sung kiến thức, tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội một cách khoa học, khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội nhằm phục vụ cho học tập, phân biệt được những thông tin xấu, độc từ “thế giới ảo”.

Mạng xã hội ngày càng phát triển, ảnh hưởng của nó đến sinh viên ngày càng tăng. Tuy vậy, tác dụng tốt xấu của mạng xã hội không chỉ phụ thuộc và sự điều chỉnh của các chủ thể giáo dục, mà còn phụ thuộc chủ yếu vào chủ thể khai thác, sử dụng. Do đó, phát huy vai trò của sinh viên là phát huy tinh thần tự giác, tích cực chủ động của sinh viên khi tham gia môi trường mạng xã hội với tư cách là một chủ thể tiến bộ và có trách nhiệm với cộng đồng. Trong quá trình giáo dục và phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên, nhà trường phải tính đến việc giáo dục nhu cầu, mục đích, động cơ, thái độ cho sinh viên khi tham gia mạng xã hội.

Ba là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, chủ động cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng, nhận thức của sinh viên trước tác động của mạng xã hội

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên phải hướng đến mục tiêu nâng cao tinh thần cảnh giác với những thông tin sai lệch được truyền tải trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, các nhà trường thông qua các tổ chức Đoàn, hội, các trang fanpage của trường chủ động cung cấp đầy đủ, chính xác cho sinh viên những tin tức, sự kiện, các hoạt động của nhà trường; giải quyết kịp thời những vướng mắc của sinh viên, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu thông tin, nhiễu thông tin dẫn đến tâm lý hoang mang trước những sự kiện phức tạp. Cần có biểu dương kịp thời đối với những sinh viên tích cực, có chính kiến rõ ràng, tôn vinh cái đúng, bảo vệ lẽ phải, lên án cái sai, cái phản văn hóa khi tham gia mạng mạng xã hội, đặc biệt là trong các hội, nhóm, fanpage của nhà trường.

Công tác tuyên truyền cần chú trọng tăng cường thông tin về các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những cách làm phù hợp, thiết thực thông qua các cuộc thi viết, thi kể chuyện về Bác… và tôn vinh những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để từ đó góp phần làm cho mỗi sinh viên biết giữ gìn phẩm chất, nhân cách của mình, biết tự tu dưỡng, rèn luyện để có sức đề kháng, vượt qua những cám dỗ, thói hư tật xấu từ môi trường mạng.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý hành chính, chủ động nắm bắt diễn biến khác thường củasinh viên thông qua nhiều kênh khác nhau để kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp

Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, biện pháp quản lý hành chính cũng là một giải pháp quan trọng bảo đảm tính kỷ luật của sinh viên trong học tập và rèn luyện và tham gia vào mạng xã hội. Các trường cần căn cứ vào những quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng các cấp trong khai thác và sử dụng mạng xã hội để từ đó đưa ra những quy định cụ thể về hình thức và mức độ xử phạt, xử lý kỷ luật đối với những sinh viên vi phạm. Đặc biệt là những quy định cụ thể về phát ngôn, bình luận, chia sẻ, đăng tải thông tin, hình ảnh, video lên mạng và các fanpage của nhà trường và các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khác.

Kết luận

Sự ra đời và phát triển của mạng xã hội mang tính “hấp dẫn” cao đối với giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng khiến cho việc sử dụng mạng xã hội trở thành một thói quen không thể thiếu đối với sinh viên hiện nay, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống sinh viên. Do đó, nâng cao vai trò nhận thức của các chủ thể giáo dục và của sinh viên là một trong những biện pháp quan trọng nhất. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho sinh viên, phát huy tác động tích cực của mạng xã hội, xây dựng lối sống tiến bộ, lành mạnh trong sinh viên, kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong ý thức đạo đức của sinh viên, góp phần hoàn thiện nhân cách sinh viên.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.168.
2. Lê Hải, Phương tiện truyền thông xã hội với giới trẻ Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr.138.
3. Nguyễn Thị Lan Hương, Mạng xã hội đối với lối sống của thanh, thiếu niên Việt Nam hiện nay. H. NXB Khoa học xã hội, 2019, tr.223.
4. Brian A. Primack. Bạn là những gì bạn Click vào – Click ảo trải nghiệm thật, (Phương Hoa dịch). H. NXB Thế giới, 2023, tr.30.
5. Quản lý thông tin trên mạng xã hội góp phần ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. https://hcma3.hcma.vn, ngày 11/01/2021.
6. Bùi Thế Duy. Tác động của công nghệ thông tin – truyền thông đến đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay”. Đề tài nghiên cứu cấp bộ (2014 – 2015), Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tr. 81.