Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay

Trung tá Lê Tuấn Anh
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Trí thức là vốn quý của dân tộc, là hiện thân trí tuệ của thời đại. Xã hội càng phát triển, vị trí, vai trò của trí thức càng được đề cao, nhất là trong quá trình chuyển đổi căn bản toàn diện các hoạt động quản lý kinh tế – xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng, ứng dụng khoa học, công nghệ để tạo ra năng suất lao động xã hội cao; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng bối cảnh phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật mới nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức Việt Nam. Ảnh: hdll.vn.
Đặt vấn đề

Việt Nam có một đội ngũ trí thức đông đảo, phần lớn xuất thân là con em nông dân, công nhân, hoặc được hình thành trong quá trình trí thức hoá giai cấp công nhân và nông dân. Chính đặc điểm này đã làm cho đội ngũ trí thức Việt Nam có ý thức gắn bó sâu sắc với người lao động, thông cảm với người lao động vất vả, cực nhọc, với hoàn cảnh nghèo nàn, lạc hậu của đất nước. Họ có tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc và có lòng yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đoàn kết, hợp tác cùng các giai tầng khác trong xã hội xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giàu đẹp.

Về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam

Đánh giá về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, ngay trong những ngày đầu của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”1. Trả lời các nhà báo nước ngoài về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức trong nhận thức, chính sách của Chính phủ cũng như trong thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài”2.

Kiên định với lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức và vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”3.

Trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì đội ngũ trí thức được coi là nguồn lực quan trọng, phản ánh sức mạnh của mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước từng bước xây dựng những chủ trương, biện pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Chủ trương này được khẳng định rõ ràng trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học, công nghệhiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển4.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X)về đội ngũ trí thức, tại Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Nghị quyết cũng đã khẳng định vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế5.

Nghị quyết số 45-NQ/TU cũng đã chỉ ra những bất cập, hạn chế trong phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, như: thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hoá lớn. Cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, truyền thụ kiến thức, tư vấn, phản biện xã hội; việc xây dựng đội ngũ trí thức chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương6.

Một số biện pháp phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đất nước.

Nhận thức được vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức là cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương lớn, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, phức tạp và đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với một tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và luôn bám sát thực tiễn, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của thực tiễn. Chiến lược phải xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách tổng thể. Trong đó, mục tiêu chiến lược phải ưu tiên khắc phục mâu thuẫn giữa phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ trí thức và phân bổ đồng đều ở các ngành nghề phát triển của xã hội. Cùng với đó, việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức một cách toàn diện và đồng bộ.

Mặt khác, cần làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mục tiêu, nội dung và phương hướng xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, thống nhất nhận thức trong các cơ quan đảng, nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội, trước hết là lực lượng nòng cốt, đang trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạch định chiến lược, chính sách, tác động của thời cơ và thách thức đối với nước ta trong quá trình đẩy mạnh hợp tác và phát triển, trong phát triển kinh tế trí thức gắn với phát triển đất nước nhanh và bền vững hiện nay.  Bên cạnh đó, toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đều cần có hiểu biết về thời cơ, thách thức của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển đất nước.

Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức.

Thường xuyên đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực cho sự phát triển đội ngũ trí thức trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội; cần phải được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện, như: giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, chính sách phát triển thị trường lao động, các điều kiện nhà ở, sinh sống, định cư,…

Đổi mới, nâng cao hiệu quả việc đánh giá, công nhận các chức danh khoa học, rà soát, hoàn thiện hệ thống giải thưởng nhà nước, giải thưởng lĩnh vực, ngành và các chính sách tôn vinh khác đối với đội ngũ trí thức. Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cần mạnh dạn sử dụng đội ngũ trí thức trẻ; lôi cuốn họ nỗ lực thực hiện những kiến thức, chuyên môn đã được tích lũy, được đào tạo thông qua những chính sách sử dụng hợp lý. Tạo sự đột phá về đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức, thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt theo tiêu chí tài năng và hiệu quả đóng góp; tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến để tạo động lực, kích thích, khuyến khích họ lao động sáng tạo và hiệu quả. Bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, nghiên cứu cho những nhà khoa học, những tài năng trí thức trẻ. Thường xuyên tôn vinh nhân tài đi kèm cơ chế khuyến khích về lợi ích vật chất đối với những người có cống hiến mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Nhà nước cần tiếp tục đổi mới thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý từ Trung ương đến địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển đội ngũ trí thức, kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng, các chuyên gia đầu ngành, trí thức có uy tín, có thành tựu cống hiến trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, các cơ quan tham mưu chiến lược. Quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho trí thức trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và một số cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu trọng điểm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu, đóng góp của đội ngũ trí thức. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứutrong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở tiên tiến trên thế giới để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực hoạt động.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là nhiệm vụ then chốt, giải pháp trọng yếu để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Theo đó, phát vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức Việt Nam góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động các hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có cơ chế tạo điều kiện cho các hội trí thức tham gia thực hiện một sốdịch vụ công, giám sát hoạt động nghề nghiệp, kiểm định và công bố chất lượng một số dịch vụ công.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển đất nước nhanh và bền vũng hiện nay là công cuộc lâu dài, khó khăn và đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt được những thuận lợi và khó khăn. Để có tính dự báo chiến lược trong phát triển đất nước và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đó thì vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước là vô cùng quan trọng và cần được cả hệ thống chính trị quan tâm xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ này.

Chú thích:
1,2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.275, 184.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
4. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
5,6. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.