Một số lưu ý lập dự toán và áp dụng Luật Đấu thầu năm 2023 trong việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức

ThS. Đặng Đình Phúc và ThS. Bùi Trung Hiếu
Học viện Hành chính Quốc gia

Từ khoá: Lập dự toán, Luật Đấu thầu, thi tuyển công chức, viên chức.

(Quanlynhanuoc.vn) – Kể từ khi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 có hiệu lực, đến nay, mọi hoạt động tuyển dụng đều được tổ chức qua thi tuyển, xét tuyển. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý nên việc lập dự toán cấp kinh phí tổ chức các kỳ thi còn gặp nhiều khó khăn, từ đó, nảy sinh tâm lý né tránh các thủ tục hành chính trong lập dự toán, khiến cho việc tuyển dụng nhiều kỳ thi diễn ra chậm, không kịp thời bổ sung nhân sự, gây áp lực cho nền hành chính. Bài viết tập trung nghiên cứu các giải pháp cũng như cách thức để lập dự toán cho các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức.
Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi quy định về tuyển dụng viên chức.

Tuyển dụng công chức, viên chức là quá trình tìm kiếm, thu hút và thi tuyển, xét tuyển để đánh giá nhân sự, lựa chọn những ứng viên thỏa mãn điều kiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức bổ sung nguồn nhân lực cần thiết, phục vụ cho nền công vụ. Việc tuyển dụng công chức, viên chức hiện nay chủ yếu diễn ra với hình thức xét tuyển và thi tuyển theo quy chế tổ chức được Bộ Nội vụ ban hành tại Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020, trong đó quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên tham gia Hội đồng, các Ban, tiêu chuẩn của người được đề cử các Ban. Việc xét chỉ tiêu biên chế diễn ra không thường xuyên, cá biệt có đơn vị mặc dù thiếu nhân sự, nhưng rất nhiều năm không xin đủ chỉ tiêu biên chế, dẫn đến thiếu kinh nghiệm trong công tác tổ chức. Không phải cơ quan, đơn vị nào cũng đủ khả năng tự tổ chức một kỳ tuyển dụng. Việc tự tổ chức hay phối hợp với đơn vị chuyên môn khác để tổ chức cũng gặp nhưng vướng mắc trong quá trình thực hiện do thiếu hành lang pháp lý về tài chính cũng như các quy định chưa rõ ràng của Luật Đấu thầu khiến cho công tác tổ chức kỳ thi tuyển dụng gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, thực trạng việc lập dự toán.

Hiện nay, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề liên quan đến việc tổ chức các kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Việc sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện tổ chức kỳ thi đều phải áp dụng Luật Ngân sách  Luật Đấu thầu. Từ đó mỗi đơn vị áp dụng một kiểu. Nhằm tháo gỡ vướng mắc trên, một số đơn vị đã ra nghị quyết quy định cụ thể nội dung chi và mức chi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh. Ví dụ: Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Phụ lục 06 quy định nội dung chi và mức chi đối với công tác tổ chức thi tuyển (xét tuyển) công chức, viên chức; thi (xét) nâng ngạch (thăng hạng) công chức, viên chức của thành phố Hà Nội. Trong bảng phụ lục này việc xây dựng hạng mục chấm thi trắc nghiệm có quy định 2 nội dung chi đó là xây dựng và thẩm định câu hỏi và đáp án. Việc xây dựng bộ câu hỏi như vậy dẫn đến với câu hỏi thuộc dạng dài và khá dài khi trộn chung thành đề với thời lượng 60 phút với môn kiến thức chung và 30 phút đối với môn Ngoại ngữ; mặt khác, thí sinh đọc hết nội dung câu hỏi sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí bỏ sót ý trong câu hỏi. Do đó, cần bổ xung hạng mục định cỡ câu hỏi, đề thi…

Tại Mục 11, phụ lục 04 Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội quy định số lượng câu hỏi phỏng vấn không được vượt quá 5 so với số lượng thí sinh được triệu tập trong đề thi. Từ đó có thể hiểu mỗi thí sinh chỉ được hỏi 1 câu hỏi trong kỳ phỏng vấn. Phải chăng đơn vị soạn thảo Nghị quyết đã nhầm giữa số lượng Câu hỏi và Đề thi? Nội dung chi cho ra câu hỏi phỏng vấn còn chung chung chưa thấy có nội dung chi cho việc thẩm định câu hỏi phỏng vấn. Thông thường, khi làm đề thi, câu hỏi thi, nếu chỉ một cá nhân trực tiếp làm thường dễ mắc sai sót, lỗi, vì vậy, luôn cần phải kiểm tra chéo.

Cũng tại phụ lục này khoản a mục 8 quy định mức chi bồi dưỡng là 2.000.000 người/buổi. Điều này chưa phù hợp với Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.  

Thứ hai, một số “hạn chế” trong Luật Đấu thầu.

Khi sử dụng ngân sách nhà nước các đơn vị phải thực hiện thủ tục đấu thầu, tuy nhiên, do hạn chế của pháp luật và yếu tố chủ quan của đơn vị dự toán tài chính nên các đơn vị thường chọn giải pháp an toàn dựa trên Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, quy định tại khoản 2 Điều 54 với mức chi dưới 100 triệu đồng để được chỉ định thầu, dẫn đến chia nhỏ các hợp đồng. Cùng nội dung tổ chức thi, thuê cùng một đơn vị nhưng chia tách thành nhiều hợp đồng nhỏ, điều này dẫn đến vi phạm các quy định về đấu thầu. 

Luật Đấu thầu năm 2013 và hiện nay là Luật Đấu thầu năm 2023 chưa quy định chi tiết cách thức tổ chức, thực hiện đối với danh mục áp dụng bí mật nhà nước.

Một là, đối với căn cứ lập dự toán

Do thiếu hành lang pháp lý nên được áp dụng quy định tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc pháp lý cụ thể cho một hoàn cảnh tương tự nhưng chưa có giải pháp rõ ràng. Theo Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc về áp dụng tương tự pháp luật như sau: “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”.

Thực tế cho thấy, hoạt động thi tuyển công chức, viên chức (bao gồm cả thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức) là một sản phẩm của quá trình đào tạo, thi tuyển, tuyển dụng. Trong đó đào tạo thuộc về các cơ sở giáo dục. Trong quá trình tuyển dụng các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức thi tuyển. Hình thức thi tuyển: trắc nghiệm, phỏng vấn, thực hành, thi viết. Quá trình ra đề thi để tổ chức thi tuyển tương tự với khâu ra đề của các kỳ thi giáo dục phổ thông. 

Một trong những Thông tư gần nhất có thể áp dụng để lập dự toán kinh phí tổ chức kỳ thi tuyển dụng là Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông. Theo Thông tư số 69/2021/TT-BTC với hạng mục ra câu hỏi thi trắc nghiệm chúng ta căn cứ vào yêu cầu tuyển dụng vị trí việc làm để lựa chọn nội dung xây dựng câu hỏi cho phù hợp. Việc tổ chức một kỳ thi tuyển dụng là tốn kém, tuy nhiên, chất lượng luôn đặt lên hàng đầu. Một kỳ thi không tuyển được nhân sự là thất bại. Chất lượng nhân sự quyết định hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Để đề thi được sát nhất với vị trí việc làm cần tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị nên đặt ra đề thi riêng cho từng cuộc thi tuyển dụng, hạn chế mua ngân hàng câu hỏi.

Trong các nội dung lựa chọn xây dựng câu hỏi, nên lưu ý:

– Xây dựng ma trận đặc tả việc này giúp đề thi sát nhất với vị trí việc làm cần tuyển dụng, cũng như đáp ứng yêu cầu chung đánh giá năng lực.

– Định cỡ câu hỏi trắc nghiệm giúp cho câu hỏi khi ghép nối lên đề thi được đồng bộ, không quá ngắn, không quá dài.

– Soạn thảo và thẩm định biên tập câu hỏi và đáp án (bắt buộc).

– Chỉnh sửa lại các câu hỏi sau khi thử nghiệm đề thi, giúp cho đề thi hoàn thiện nhất. 

Đối với đề thi viết, tùy theo yêu cầu vị trí việc làm dự kiến thực hiện trong  một đến hai ngày làm việc. Với mỗi vị trí tuyển dụng, đơn vị có thể yêu cầu người ra đề có thâm niên, học hàm, học vị theo các mức độ khác nhau. Đối với đề thi phỏng vấn, cũng căn cứ theo Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH với mức dự định làm câu hỏi phỏng vấn theo giờ.

Hai là, đối với thủ tục đấu thầu.

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo và căn cứ khoản 5 Điều 3 Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ thì đề thi thuộc danh mục bí mật nhà nước. Bên cạnh đó Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Các thành viên tham gia hội đồng thi (điểm d khoản 1 Điều 2) thành lập các Ban đề thi, Ban chấm thi, Ban kiểm tra sát hạch, Ban phách, Công tác xây dựng đề thi, Chấm thi phúc khảo bảo đảm bí mật.

 Qua đó có thể thấy, hoạt động tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức, thăng hạng viên chức, nâng ngạch công chức là một hoạt động bí mật được nhà nước bảo đảm, nghiêm cấm tiết lộ bí mật dưới mọi hình thức (Điều 5 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018). 

Điều 7 Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định về thông tin đấu thầu thì gói thầu có chứa thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước sẽ không cần đăng tin trên hệ thống thông tin mạng quốc gia.

Điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về chỉ định thầu với gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước, như vậy có thể hiểu, hoạt động tổ chức tuyển dụng sẽ được chỉ định thầu không được sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và cũng không được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Tuy nhiên, Luật đấu thầu và Thông tư hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chỉ định thầu với gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước. Khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 17 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính chỉ nhắc tới việc thực hiện chỉ định thầu mà không có hướng dẫn cụ thể. Từ đó, có thể hiểu, với dịch vụ bảo đảm bí mật nhà nước sẽ không sử dụng hình thức chỉ định thầu thông thường cũng như chỉ định thầu rút gọn, với gói thầu loại này sẽ được áp dụng theo phương pháp chỉ định thầu đặc biệt tùy theo đặc thù ngành và quy định pháp luật chuyên ngành. Cơ quan, đơn vị, tổ chức có thể tham khảo để lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 4 quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Để công tác lập dự toán và đấu thầu lựa chọn các đơn vị tổ chức kỳ thi tuyển dụng được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm, Nhà nước cần quy định đây là một hoạt động dịch vụ công phục vụ nền hành chính công vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện pháp lý tiếp cận giúp đa dạng hóa khách hàng.

Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, hiện tại chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện, do đó, cần sớm ban hành các quy định cụ thể hướng dẫn việc lập dự toán, các nội dung chi, mức chi trong việc tổ chức kỳ thi công chức, viên chức, thi tuyển chức danh lãnh đạo.

Các cơ quan chức năng sớm đưa các mức ngân sách chỉ định thầu, cách thức thực hiện đối với loại hình chỉ định thầu thực hiện danh mục bí mật nhà nước vào nghị định, thông tư hướng dẫn làm căn cứ thực hiện. Mặt khác, cần nâng cao năng lực quản lý tài chính cho cán bộ, công chức, viên chức tham mưu giúp việc cho cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ một cách kịp thời, chính xác.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang triển khai thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức với nhiều điểm mới. Việc cập nhật quy định về tài chính là cấp thiết để việc lập dự toán các kỳ thi bảo đảm tiết kiệm, chất lượng, hiệu quả. 

Tài liệu tham khảo:
1. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.
2. Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Bộ luật Hình sự năm 2015.
4. Luật Viên chức năm 2010.
5. Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
6. Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo.
7. Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ.
8. Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.
9. Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
10. Thông tư số 69/2021/TT-BTC ngày 11/8/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông.
11. Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02//12/2020 của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
12. Thông tư số 92/2021/TT-BTC ngày 28/10/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức.