Giải pháp xây dựng niềm tin công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc các bộ

                                                                          ThS. Trịnh Huyền Mai
Học viện Hành chính Quốc gia

(Quanlynhanuoc.vn) – Niềm tin công vụ là thành tố quan trọng trong hệ thống các giá trị văn hóa công vụ trong các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc các bộ. Trên cơ sở phân tích thực trạng về việc xây dựng niềm tin công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc các bộ, bài viết đề xuất một số giải pháp xây dựng niềm tin công vụ tại các cơ sở đào tạo này trong thời gian tới.

Từ khóaNiềm tin công vụ, cán bộ, công chức, đào tạo, bồi dưỡng.

Hiện nay, có nhiều tiếp cận với những góc độ nghiên cứu về niềm tin công vụ khác nhau, cụ thể là:

(1) Dưới góc độ chính trị, niềm tin công vụ thực chất là mối quan hệ giữa Nhân dân với Nhà nước. Xây dựng niềm tin là xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước thông qua hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(2) Dưới góc độ tổ chức, niềm tin là kết quả của mối quan hệ con người trong tổ chức hoặc là giữa tổ chức với tổ chức, cụ thể là mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức từu cấp lãnh đạo quản lý tới cấp nhân viên2

(3) Niềm tin đặt trong tổ chức công vụ là sự bộc lộ những phẩm chất, sắc thái cá nhân đối với lý tưởng, chế độ chính trị, nhà nước, chính đảng, đối với các cơ quan lãnh đạo, các nhà lãnh đạo… Nếu là kết quả của nhận thức đúng đắn, sâu sắc về lý tưởng chính trị đã lựa chọn, không chịu bất cứ sự áp đặt, cưỡng bức nào thì niềm tin công vụ sẽ mang tính ổn định và bền vững, cả khi đời sống chính trị thuận lợi, cả trong những lúc biến động với nhiều trắc trở, khó khăn. Niềm tin của quần chúng nhân dân vào hệ thống công vụ là chỗ dựa vững chắc nhất cho sự ổn định chính trị. Nhưng để có được niềm tin đó thì Nhà nước phải tạo ra những thay đổi, phát triển trên mọi phương diện của đời sống xã hội vì phúc lợi của Nhân dân, đó là tiêu chuẩn thực tiễn của chân lý – cái tạo cơ sở vững chắc nhất cho niềm tin3

(4) Dưới góc độ các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, niềm tin công vụ được thể hiện ở các khía cạnh niềm tin của đội ngũ người học là cán bộ, công chức tới hệ thống chính trị, các quyết sách của Đảng và Nhà nước, bên cạnh đó, còn là niềm tin của người học vào hệ thống chất lượng đào tạo, bồi dưỡng mà nhà trường đem lại, vào uy tín hình ảnh, năng lực chuyên môn của mọi thành viên trong nhà trường từ ngưới đứng đầu tới đội ngũ viên chức, giảng viên. Muốn xây dựng văn hóa công vụ tiên tiến thì phải xây dựng được niềm tin trên cơ sở khoa học, chính nghĩa, tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. 

Như vậy, từ các quan niệm về niềm tin công vụ nói chung và niềm tin công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho thấy rõ hai đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, niềm tin công vụ là hiện tượng tinh thần, được hình thành và cấu thành từ 3 yếu tố nhận thức, tình cảm và ý chí. Mỗi yếu tố có những vai trò nhất định và được biểu hiện thông qua những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của viên chức và giảng viên trong nhà trường và tạo ra tác động tới niềm tin của người học.

Thứ hai, khi niềm tin của người học được hình thành sẽ bộc lộ khuynh hướng thúc đẩy giảng viên, viên chức và nhà trường hành động theo những giá trị được xác định trong niềm tin. 

Trong nghiên cứu, tác giả đã tiến hành phương pháp nghiên cứu tổng hợp các tài liệu liên quan đến nội dung xây dựng niềm tin công vụ để đánh giá, phân tích về vấn đề này. Đồng thời, bằng việc sử dụng phương pháp phỏng vấn, điều tra xã hội học với 1.020 học viên tại 25 cơ sở đào tạo thuộc các bộ trong giai đoạn 2008 – 2013. 

Nội dung khảo sát tập trung vào việc:

(1) Đánh giá của học viên về chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng;

(2) Đánh giá của học viên về năng lực của đội ngũ giảng viên; 

(3) Đánh giá quy trình giải quyết công việc. 

Căn cứ vào ba nội dung nêu trên, tác giả có những đề xuất giải pháp xây dựng niềm tin công vụ tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc các bộ trong giai đoạn tới.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng là “xương sống” trong quá trình vận hành, quản lý tại các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Niềm tin của người học thể hiện qua chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, năng lực của đội ngũ giảng viên và quy trình giải quyết công việc. 

(1) Về chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng: 

Kết quả khảo sát cho thấy, người học đánh giá ở mức độ tốt ở hai tiêu chí về “Tài liệu chương trình đào tạo, bồi dưỡng” (90%) và “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng dễ hiểu, dễ tiếp cận” (80,7%). Qua đó cho thấy, các cơ sở đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản cho học viên. Tuy nhiên, ở các tiêu chí “chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chuyên môn công tác của cán bộ, công chức” (73,5%); “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cập nhật, phong phú kiến thức, kỹ năng” (70%) chỉ được đánh giá ở mức độ khá. 

Như vậy, các cơ sở đào tạo cần phải chú trọng nhiều hơn đến chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà trước hết là cần phải đổi mới, nâng cấp, cập nhật kiến thức có tính thời sự để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của người học.

(2) Về năng lực của đội ngũ giảng viên:

Từ bảng 2 cho thấy, tiêu chí Giảng dạy bảo đảm đầy đủ nội dung theo chương trình đào tạo bồi dưỡng được đánh giá ở mức độ tốt (81%); tiêu chí truyền đạt dễ hiểu, dễ tiếp thu ở mức khá (79%). Kết quả này cho thấy, kiến thức, khả năng truyền đạt của đội ngũ giảng viên đã bảo đảm để phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. 

Tuy nhiên, hai tiêu chí quan trọng nhất là phương pháp giảng dạy tích cực, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và kiến thức chuyên môn và kiến thức liên ngành đa dạng đánh giá ở mức độ trung bình. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đội ngũ giảng viên cần phải nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức thực tiễn hơn nữa để cung cấp kiến thức cho cán bộ, công chức, đáp ứng với môi trường làm việc trong quản trị quốc gia hoạt động hiệu quả. 

(3) Về quy trình giải quyết công việc: hiện nay, tất cả các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đã thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính, như: thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến, học trực tuyến, thanh toán chuyển khoản, khai giảng online, bế giảng online. Việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua môi trường số đã giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết công việc, nâng cao sự hài lòng và tạo dựng được sự tin tưởng của cán bộ, công chức vào cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. 

Một là, giảng viên, viên chức ở các cơ sở đào tạo luôn phải nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mang tính thời sự, thực tiễn để giúp học viên có thể ứng dụng ngay vào công việc sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, giảng viên cần giữ hình ảnh liêm chính, trung thực, tôn trọng những ý kiến đóng góp của học viên trong quá trình giảng dạy. Giảng viên tạo dựng được niềm tin trước người học chính là tạo ra được niềm tin cho nền công vụ nói chung và nâng cao uy tín, hình ảnh nhà trường nói riêng.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động đào tạo cán bộ công chức. Các chương trình đào tạo phải được thiết kế phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng học viên, đồng thời phải bảo đảm mục tiêu cơ bản: (1) Tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức cách mạng; (2) Nâng cao kiến thức, kỹ năng bổ trợ phục vụ cho các chuyên ngành khác nhau mà bộ chủ quản đang quản lý; (3) Nội dung cần phải được đổi mới phù hợp với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu của thực tiễn. Nội dung kiến thức bảo đảm tính hệ thống, tính toàn diện, chú trọng yêu cầu đào tạo nghiệp vụ; kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra tại cơ quan, đơn vị. Vì vậy cần giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian nghiên cứu và đi thực tế của học viên; tăng việc kiểm tra, giám sát và đánh giá học viên nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức học tập và rèn luyện của học viên.

Ba là, nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cấp về xây dựng, củng cố niềm tin công vụ cho đội ngũ cán bộ công chức. Đảng ta đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết, quyết định đến sự thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã đặt ra các yêu cầu hoàn thiện năng lực đối với đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2030, trong đó yêu cầu đối với xây dựng đội ngũ cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Để xây dựng được đội ngũ này, bên cạnh công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực thì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là một yếu tố đóng vai trò then chốt.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 đã xác định nhiều mục tiêu, trong đó: tiếp tục xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Đến năm 2025, phấn đấu xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định và đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý. Để đạt được những mục tiêu trên, một phần phụ thuộc vào “đức và tài” của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đây là lực lượng nòng cốt để tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng phục vụ cho nền công vụ minh bạch, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. 

Tuy nhiên, đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng mà trong các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng cần phải tạo động lực thúc đẩy để mỗi cán bộ công chức, viên chức tích cực, nỗ lực vươn lên nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thời gian, hỗ trợ vật chất để cán bộ, công chức nâng cao trình độ mọi mặt.

Chú thích:
1. Đoàn Triệu Long. Niềm tin xã hội: Từ lý luận đến thực tiễn. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2022.
2. Iris Reychav & Rob Sharkie (2010). “Trust: an antecedent to employee extra-role behaviour”, Journal of Intellectual Capital, Vol. 11, pp. 227 – 247.
3. Đặng Xuân Hoan, Nguyễn Thị Thu Vân. Tài liệu bồi dưỡng văn hóa công vụ. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020. 
Tài liệu tham khảo:
1. Đoàn Triệu Long. Văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay. H. NXB Lý luận chính trị, 2018.
2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
3. Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2019 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
4. Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
5. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
6. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
7. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
8. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 01/02/2021.
9. Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030.
10. Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BNV ngày 16/8/2022 của Bộ Nội vụ ban hành Nghị định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
11. Số liệu thống kê ngành Nội vụ. Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. https://moha.gov.vn, truy cập ngày 14/12/2023.