Đào tạo và phát triển ngành Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

PGS. TS. Nguyễn Thị Phượng
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Đào tạo và phát triển nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) – một trong những ngành mới nổi ở nước ta kể từ sau Đại hội đảng lần thứ XI đến nay. Nghiên cứu về phát triển và đào tạo nhân lực ngành AI cho thấy những bước tiến phát triển vượt bậc và nhiều vấn đề đang đặt ra cần tiếp tục giải quyết trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Robot trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: vnexpress.net.
Khái quát chung về trí tuệ nhân tạo

Phát triển và đào tạo AI là lĩnh vực liên ngành của triết học, tâm lý học, khoa học thần kinh, toán học, điều khiển học, khoa học máy tính, ngôn ngữ học và kinh tế1. AI (khái niệm và tính chất AI)2 có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan tới con người, như: nhận thức, học tập, sáng tạo và nhận diện hình ảnh. Qua nhiều thập niên nghiên cứu và mở rộng phát triển ngành này, AI hiện nay đã trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, AI nhanh chóng phát triển thành trí tuệ chung để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. AI có thể tự khởi tạo, ra quyết định và tự nâng cấp, phát triển các nhiệm vụ mà trước đây chỉ giới hạn ở con người.

Bên cạnh đó, khi áp dụng, AI có khả năng cung cấp một loạt các lợi ích cho các ngành công nghiệp khác nhau, như: giải quyết các vấn đề phức tạp (AI có thể sử dụng các mạng máy học và học sâu để giải quyết các vấn đề giống con người, như xử lý thông tin ở quy mô lớn – xử lý các mẫu, xác định thông tin và cung cấp câu trả lời; giải quyết các vấn đề trong một loạt các lĩnh vực, như: phát hiện gian lận trong thi cử, bỏ phiếu,… chẩn đoán y tế và phân tích kinh doanh, quốc phòng – an ninh); tăng hiệu quả kinh doanh (như: giảm khối lượng công việc của nhân viên trong các hoạt động từ sản xuất tới kinh doanh, đồng thời điều chỉnh tất cả các nhiệm vụ liên quan đến kinh doanh, như: tự động hóa tiếp thị, hỗ trợ và dịch vụ công nghệ – thông tin, bổ sung và quản lý chuỗi cung ứng góp phần tích cực vào quản trị nhu cầu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, hệ thống quản lý đơn hàng phân tán hiệu quả hơn và hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp để hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới); đưa ra quyết định thông minh hơn hay tự động hóa các quy trình trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Từ những nhận thức về AI, ngành AI đã ra đời như một trong các ngành đào tạo (máy tính và trí tuệ đã được trình bày như một khái niệm và triết học) và ứng dụng quan trọng trong đời sống xã hội ở nhiều quốc gia kể từ sau những năm 1950 của thế kỷ XX cho tới nay3. Ngành AI có thể được xem xét, nghiên cứu dưới hai góc độ tư duy: AI truyền thống và trí tuệ tính toán.

(1) AI truyền thống. Bao gồm các phương pháp hiện được phân loại là các phương pháp học máy, đặc trưng bởi hệ hình thức và phân tích thống kê. Nó còn được biết với các tên: AI biểu tượng, AI logic, AI ngăn nắp và AI cổ điển.

(2) Trí tuệ tính toán. Nghiên cứu việc học hoặc phát triển lặp (ví dụ: tinh chỉnh tham số trong hệ thống, chẳng hạn hệ thống kết nối). Việc học dựa trên dữ liệu kinh nghiệm và có quan hệ với AI phi ký hiệu, AI lộn xộn và tính toán mềm. Chẳng hạn, tính toán tiến hóa là việc ứng dụng các khái niệm biology, như: quần thể, biến dị và đấu tranh sinh tồn để sinh các lời giải ngày càng tốt hơn cho bài toán. AI dựa hành vi là một phương pháp module để xây dựng các hệ thống AI bằng tay.

Hiện nay, nhu cầu phát triển nhân lực ngành AI của một số quốc gia rất cao, đơn cử: EU (châu Âu), Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh,  Nhật Bản, Hàn Quốc… được đánh giá là những cường quốc thế giới về năng lực phát triển AI trong mọi lĩnh vực (đứng đầu là Hoa Kỳ), từ nghiên cứu nền tảng cơ bản cho đến ứng dụng3.

Về đào tạo và phát triển nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam

Với sự bao phủ toàn cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là bước ngoặt thay đổi cơ bản các vấn đề xã hội và hoạt động kinh tế với nhiều công nghệ đột phá, đặt mục tiêu chuyển đổi số một cách toàn diện, trong đó AI được coi là công nghệ cốt lõi của nhiều quốc gia. Việt Nam đã sớm tiếp cận và có lộ trình để nghiên cứu, đào tạo và phát triển nhân lực ngành AI.

Thứ nhất, nhận thức về tầm quan trọng của AI, Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu từ những năm 2014 và đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển. Bộ Khoa học và công nghệ là cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó, tập trung nguồn lực cho phát triển AI. Bộ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ AI, tạo mối liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, nhà đầu tư, các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng AI vào phát triển đất nước.

Để thúc đẩy ngành AI ngày càng phát triển theo chiều sâu và chiều rộng, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã chính thức ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp, trong đó đã nêu lên quan điểm mang tính nhận thức sâu sắc: “… Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức. Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội thông qua nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới…”.

Thứ hai, trên cơ sở nhận thức về cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn khoa học và đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chính phủ, các bộ, ngành, với sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, các cơ sở đào tạo, giáo dục. Qua đó, Chính phủ cũng đã đưa ra quan điểm về việc đẩy mạnh triển khai AI, coi AI là một công nghệ cho mục đích tổng thể, là công nghệ “nguồn” dẫn dắt năng suất quốc gia; phát triển AI là hướng đến một xã hội an toàn và văn minh, đưa kinh tế – xã hội Việt Nam phát triển.

Thứ ba, cùng với chương trình, chính sách phát tiển và đào tạo ngành AI của Nhà nước, các sơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn cũng đã triển khai nghiên cứu đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ AI trong nhiều lĩnh vực (y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử…). Đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành AI, đã có nhiều cơ sở tập trung nghiên cứu và mở ngành đào tạo AI. Đơn cử:

(1) Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đào tạo đầu tiên chính thức tuyển sinh chương trình “Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo” theo mô hình tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong sự phát triển ngành AI tại Việt Nam và thế giới. Năm 2020, Trường tiếp tục tuyển sinh ngành Thạc sỹ Trí tuệ nhân tạo và được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong chương trình đào tạo, sinh viên, học viên của Trường được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành liên quan tới AI, như: khoa học máy tính; kỹ thuật máy tính và mạng; truyền thông và mạng máy tính; hệ thống thông tin; khoa học dữ liệu.

(2) Khoa Công nghệ thông tin của Đại học Công Nghệ – trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường tập trung đào tạo các chuyên ngành, như: kỹ thuật phần mềm; hệ thống thông tin; mạng máy tính và truyền thông; an toàn thông tin; thương mại điện tử; trí tuệ nhân tạo; khoa học dữ liệu.

(3) Học viện Bưu chính Viễn thông – bậc đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông liên quan tới lĩnh vực AI hàng đầu tại Việt Nam. Các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ – thông tin và AI tại Học viện Bưu chính Viễn thông, gồm có: công nghệ – thông tin; an toàn thông tin; điện tử viễn thông; khoa học máy tính; công nghệ Internet vạn vật; kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

(4) Đại học FPT thuộc tập đoàn FPT. Quan điểm, chủ trương của trường: sinh viên khi ra trường phải đáp ứng ba điều kiện: được đào tạo kiến thức nền tảng cơ bản về lập trình; có tư duy logic, và tư duy giải thuật; được tạo cơ hội làm việc thực tiễn trải nghiệm tại các doanh nghiệp của tập đoàn. FPT còn cung cấp nền tảng AI toàn diện, như: AI xây sẵn các “giác quan” để máy hiểu và tương tác với con người thông qua 4 modules: thị giác máy tính; tổng hợp và nhận diện giọng nói; xử lý ngôn ngữ tự nhiên và hệ tri thức số hóa. Hiện nền tảng FPT AI đã được hơn 27.000 lập trình viên sử dụng, nhận được hơn 5 triệu yêu cầu, 500.000 người dùng cuối hàng tháng4.

(5) Trường Đại học Điện lực. Các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và AI gồm có: công nghệ thông tin, công nghệ  kỹ thuật điện tử viễn thông và công nghệ kỹ thuật điều khiển, tự động hóa.

Thứ tư, việc phát triển nghiên cứu và ứng dụng AI trong các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn cũngđã triển khai nghiên cứu đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực một cách bài bản. Đơn cử: tập đoàn Vingroup đã thành lập “Quỹ đổi mới sáng tạo” nhằm hỗ trợ sinh viên, học viên, kỹ sư trẻ ra trường có khả năng tiếp cận và trải nghiệm (6 tháng) trong lĩnh vực ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tập đoàn Viettel coi chuyển đổi số là “bài toán” của hiện tại và tương lai; Viettel AI được ứng dụng đa dạng và phát triển trong các hệ sinh thái; y tế, giáo dục, ngân hàng số, thương mại điện tử…

Thứ năm, ngoài ra còn phải kể đến sự kiện ra mắt Liên hiệp các cộng đồng AI Việt Nam với đông đảo các thành viên, như: câu lạc bộ khoa – trường -Viện công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam FISU; cộng đồng nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI4Life); cộng đồng chuyển đổi số – Digital Transformation; cộng đồng Machine Learning cơ bản; cộng đồng Google Developer; cộng đồng Business Intelligence; cộng đồng VietAI – trí tuệ nhân tạo Việt…

Thứ sáu, để tiếp tục đào tạo và phát triển nhân lực ngành AI, những vấn đề cơ bản về hạ tầng viễn thông cũng đã và đang được xúc tiến xây dựng, nền kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Công nghệ số được áp dụng trong các ngành giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều dưới hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, quốc tế dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Một số định hướng trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo

Đào tạo và phát triển nhân lực ngành AI hiện còn khá mới ở Việt Nam và chưa có quá nhiều cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu tham gia đào tạo và nghiên cứu về chuyên ngành này. Tuy vậy, để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý chính thức mở mã đăng ký ngành cho khoa học dữ liệu và AI, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.

Mặc dù vậy, phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, do phần đào tạo, công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học dữ liệu và AI tại Việt Nam được các chuyên gia nhận định là vẫn còn nhiều hạn chế, xuất phát từ nhiều lý do khách quan, chủ quan, như: (1) Thể chế, chính sách trong lĩnh vực cách mạng công nghiệp 4.0 còn thiếu và chưa đồng bộ; (2) Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; (3) Khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo mới chỉ tập trung vào các giải pháp lý thuyết còn trên thực tiễn thực hiện vẫn chưa có những đột phá thực sự nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong khi “hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới” được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả….

Đào tạo và phát triển nhân lực ngành AI cũng nằm trong tình trạng nêu trên, như: hạ tầng cơ sở trong các cơ sở đào tạo nguồn lực AI còn thiếu và yếu; là ngành mới nổi nên số lượng sinh viên, học viên đăng ký học cũng còn rất thấp so với các ngành khoa học khác. Trong khi đó, mối quan hệ cung – cầu giữa hệ thống đào tạo và thị trường lao động ít có sự kết nối, vì thế người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Hơn nữa, do việc phát triển nhanh và sâu nên các cơ sở đào tạo cũng rất khó để tìm được một người giỏi toàn diện về AI kể cả lĩnh vực ứng dụng công nghệ AI vào thực tiễn do yêu cầu thực hiện gồm rất nhiều công đoạn, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu trong khi sinh viên ra trường còn chưa thể đáp ứng yêu cầu công việc do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng ngay trong các doanh nghiệp.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, các chuyên gia gợi ý cho các cơ sở đào tạo, trường đại học nên “bắt tay” với các doanh nghiệp, tận dụng nguồn lực cơ sở hạ tầng và định hướng của doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này sát với thực tế hơn. Cùng với những ý kiến trên, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Quyết định nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Để thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó tập trung nguồn lực cho phát triển AI. Đồng thời, tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ AI, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI. Cùng với đó, ngày 30/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” với mục tiêu chung là: xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Như vậy, trong tương lai không chỉ khối các cơ sở đào tạo đại học, viện nghiên cứu đào tạo nhân lực ngành AI; việc này còn có thể mở rộng ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Việc đào tạo nhân lực ngành AI nói chung và các ngành liên quan tới công nghệ – thông tin nói riêng đã được thể hiện trong đề án về đào tạo nhân lực cho thời kỳ 4.0. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2021, trong đó tập trung vào phát triển những ngành nghề mới, cả những ngành nghề chưa từng có trong danh mục nghề đào tạo hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp. https://vjst.vn/vn, ngày 17/01/2020.
3, 4 . Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và xu hướng phát triển. http://hvcsnd.edu.vn, ngày 14/11/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“.
2. Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0